Sunday, 3 January 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT: Làng sông




Tôi đến Qui Nhơn vào một ngày mùa đông nhưng khá ấm áp, mùa đông năm nay hình như không có. Tôi đã có những ngày giữa tháng 12 năm 2015 ở Huế và Quảng Trị, tưởng rằng sẽ phải chịu đựng mưa ướt “thối đất” và những ngày Huế không có nắng, ai ngờ Huế lại nắng rực rỡ, Quảng Trị khô ran, chẳng lẽ Huế với từng cơn gió lạnh, mưa lún phún hết ngày này qua ngày khác, mặt trời đi tìm chốn nghỉ ngơi… chỉ còn là quá khứ ?!? Có người xứ Huế nói với tôi “năm nay Huế không có màu đông”.
Sau lễ Giáng Sinh tôi ra Qui Nhơn, dùng cơm chiều xong chúng tôi dạo mát bờ biển, đi dạo mát thật vì không có mưa, trời mát mẻ ấm áp, đi một vòng đổ mồ hôi chúng tôi mới về nhà nghỉ. Thời tiết nhõng nhẽo (En Nĩno) lạ kỳ, đi dạo bờ biển giữa mùa đông.
Qui Nhơn đang rộn ràng chuẩn bị mở Năm Thánh Giáo Phận, kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng ( 1618 – 2018 ), nghĩa là kỷ niệm 400 các Thừa Sai đặt chân đến Qui Nhơn. Qui Nhơn là Giáo Phận mẹ của các Giáo Phận Đàng Trong, Đà Nẵng được tách từ Qui Nhơn ra từ năm 1963 ( 18.1.1963 ). Khi các Thừa Sai đến Việt Nam ở Đàng Trong, các vị đặt chân đến Faifo ( cảng Hội An ) năm 1615, vì thế Giáo Phận Đà Nẵng tuy là “Giáo Phận con” nhưng đã mừng Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến Đà Nẵng vào năm 2015, Qui Nhơn tuy là “Giáo Phận mẹ” nhưng lại mừng sau vì vài năm sau các Thừa Sai mới đến cảng Nước Mặn, một địa danh nay thuộc Giáo Phận Qui Nhơn. Hiện nay Giáo Phận Qui Nhơn đã trùng tu di tích Nước Mặn kỷ niệm nơi dấu chân các Thừa Sai đem Tin Mừng đến Việt Nam.
Qui Nhơn là “Giáo Phận  mẹ” nên Qui Nhơn sở hữu các công trình di tích của Giáo Phận Đàng Trong, một trong những công trình đó là Chủng Viện Làng Sông, nơi có Tòa Giám Mục đầu tiên của Đàng Trong.
Làng Sông tồn tại sau 40 năm thay đổi ở Việt Nam là một phép lạ. Sở hữu một vùng đất rộng lớn, hàng chục cây Sao cao ngất ngưỡng vòng thân hai người ôm, cây có tuổi thọ trên 100 năm, nhiều dãy nhà cổ rất quí, những bộ cửa sổ và cửa đi bằng gỗ Giáng Hương còn nguyên vẹn, chỉ phai màu sơn. Một ngôi Nhà Nguyện cổ kính, cột gỗ nhỏ nhưng bộ tảng kê cột rất nghệ thuật, miệng tảng được cách tân từ những hình ảnh bông huệ, bông hồng. Cung Thánh không sơn son thiếp vàng như các Nhà Thờ phương bắc, nhưng chạm trổ tinh vi không kém, đặc biệt là người thợ chạm như phả hồn vào từng nét chạm tinh tế sống động.
 Một vài dãy nhà đã bị hoang phế hư hại đang được dọn lại, chỉ còn trơ nền cũ. Ngôi nhà được gọi là Tòa Giám Mục chỉ còn một nửa, nhưng đường nét và tỷ lệ khối của căn nhà thật chính xác. Một nền nhà được xác định là nhà in cũ “Làng Sông Ấn Quán” đã được dọn sạch sẽ, không biết có phải đây là nhà in đầu tiên của người Công Giáo hay không.
Chuẩn bị cho Năm Thánh, Qui Nhơn đã muốn đại tu Chủng Viện Làng Sông trở thành một trung tâm sinh hoạt hành hương Năm Thánh, giúp người Tín Hữu sống lại truyền thống Đức Tin của cha ông và củng cố Đức Tin cho thế hệ trẻ hôm nay. Tòa Giám Mục đã cẩn thận khảo sát và lên các phương án trùng tu từng di tích, một việc làm thận trọng và văn hóa.
Khi còn là Chủng Sinh, rồi Linh Mục, Đức Cha Mathêô do có khả năng hội họa nên đã từng được các Đức Cha tiền nhiệm sai đến Làng Sông để nghiên cứu và xây dựng bảo tồn công trình, Đức Cha rất rành rẽ về từng chi tiết thay đổi theo thời gian của tổng mặt bằng, vị trí tượng Thánh Giuse, các chi tiết mặt tiền Nhà Nguyện… Đức Cha đã trực tiếp làm việc với các chuyên viên và vị Linh Mục phụ trách trùng tu.
Chủng Viện Làng Sông nếu được trùng tu như dự án đã thiết lập, Giáo Hội Việt Nam ghi được một điểm son trong đời sống Đức Tin đã đành, nhưng đóng góp cho kho tàng văn hóa và di tích Việt nam vốn nghèo nàn và thiếu thận trọng trong duy trì di tích được thêm phong phú.
Rồi đây, anh em cựu Chủng Sinh Làng Sông không chỉ hãnh diện về một môi trường, một "địa linh" mà mình may mắn được gắn bó trong thời gian đào tạo, nhưng còn được hãnh diện vì ngôi trường ấy được bảo toàn đúng mức, kế thừa như một di sản vô giá và nối tiếp đóng góp làm giàu có thêm cho Giáo Hội Việt Nam ở nhiều phương diện khác nữa.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Qui Nhơn ngày 27.12.2015

No comments: