Lễ Giáng Sinh vừa xong, anh em Linh Mục chúng
tôi đi hỗ trợ Mục Vụ các nơi vùng sâu vùng xa đã trở về lại Nhà Dòng. Có bao
nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe. Ai cũng xúc động trước Lòng Tin mạnh mẽ và
tinh thần sống Đạo nhiệt thành của người dân nghèo, đặc biệt là anh chị em các
dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông,
Gia Lai, Kontum… Họ gặp bao nhiêu khó khăn về vật chất, bao nhiêu o ép của xã hội,
nhưng càng vất vả, họ càng gắn bó với Chúa, với Hội Thánh và với nhau trong cộng
đồng.
Có một điểm chung mà anh em Linh Mục chúng
tôi cùng tỏ ra bất bình khó chịu, cần phải một lần viết ra như một lời cảnh
báo, cũng là một lời kêu gọi đồng tình của mọi người. Đó là những chuyện về những
vị khách thiếu văn hóa trong Ngày Lễ Giáng Sinh.
Hình như chuyện này bắt đầu có từ ngày người
Công Giáo phải sống dưới chế độ XHCN, chứ trước 54 ở miền Bắc và trước 75 ở miền
Nam, làm gì có chuyện chính quyền được săn đón tiếp rước, đưa vào ngồi chễm chệ
trong Nhà Thờ ngay ở những hàng ghế đầu tiên được dành riêng. Trước khi vào Lễ
còn được mời phát biểu “mấy ý kiến chỉ đạo”, sau Lễ lại được mời sang... ăn nhậu
tưng bừng khói lửa riêng mấy mâm đặc sản !
Thế đấy, bên kia thì bảo rằng có như vậy mới
diễn tả được lòng ưu ái, sự quan tâm của Mặt Trận, của Chính Quyền các cấp đối
với hoạt động tôn giáo, nhờ đó càng cho thấy chính sách Tự Do Tín Ngưỡng của Đảng
và Nhà Nước dành cho các tín đồ thật quá ư là tuyệt vời ! Còn bên mình thì biện
hộ rằng đây là một khía cạnh trong việc đối thoại để có thể… truyền giáo cho
lương dân ( ?!? ), cho người vô thần có dịp được vào Nhà Thờ xem hoạt cảnh
Giáng Sinh, họ sẽ hiểu đạo mình hơn, thấy được người đạo mình cởi mở, đối thoại,
đoàn kết và... dễ thương !
Có cái hậu ý phía sau cả hai bên đều thấy hết,
hiểu hết mà không bao giờ nói ra, ấy là nhu cầu… nhậu nhẹt cho vui, cho ra vẻ tốt
Đời đẹp Đạo. Cán bộ thế nào cũng vòi vĩnh cha xứ để được nhậu bằng rượu Lễ cho nó
sướng, dù ngay sau đó lại vừa chê vừa khen là: “Rượu thế quái gì mà ngọt như đường
phèn, chỉ được tội thơm phức !” Còn Linh Mục thì nói nhỏ vào tai những người tỏ
ý thắc mắc: “Cho họ nhậu một chầu là vui vẻ cả làng, là xong mọi chuyện. Có
đáng gì đâu, miễn là được việc. Đấy các ông xem, Lễ Giáng Sinh ở đây hoành
tráng nhá, tha hồ văn nghệ, phát quà...”
Tôi còn nhớ, Giáng Sinh năm 1997, tôi còn là ông thầy về thực tập
Mục Vụ ở một Họ Đạo nhà quê tỉnh Đồng Tháp. Trước Lễ nửa đêm, có hoạt cảnh do
các em Tông Đồ Thiếu Nhi đảm nhận. Mấy ông cán bộ Đảng, Công An, Du Kích, Mặt
Trận ngồi đầy hai băng ghế trên cùng. Ai cũng lơ láo nghênh ngang, ngồi vắt
chân gác tay rất... thiếu văn hóa, chẳng ý thức mình đang ở một nơi tôn nghiêm,
giữa các tín hữu rất trật tự và sốt sắng.
Lại có một anh tỉnh bơ lấy thuốc lá ra phì phèo. Mọi người chung
quanh ai cũng thấy nhưng giả lơ coi như không thấy. Tôi là dân ở Sàigòn về, bực
quá chịu không nổi, tiến lại gần bảo thẳng: “Anh ơi, nếu anh muốn hút thuốc,
xin mời ra ngoài sân !” Tôi nhận lại một ánh mắt trừng trừng, vừa ngạc nhiên rằng
thì là: Ơ hay, tên này là ai mà dám ý kiến ý cò ? lại vừa tức giận, ra cái điều:
Ta là cán bộ, hét ra lửa, xì ra khói đây ! Nhưng cuối cùng có lẽ ánh mắt của
tôi cũng vẫn kiên quyết đủ để khuất phục, anh cán bộ ấy đành phải – lại thêm một
hành vi thiếu văn hóa khác – bỏ mẩu thuốc xuống nền gạch Nhà Thờ, dùng mũi dép
hậm hực giập tắt.
Xong lần đó, tôi nghiệm ra một chuyện quan trọng: Đừng để cái sợ
nó làm cho ta đâm... hèn ! Đối với những người thiếu tôn trọng người khác, trước
hết ta phải giúp cho họ biết tự trọng. Nếu ta chưa thể làm được điều ấy cho họ
và nếu họ cứ dứt khoát không chịu tự trọng thì tốt hơn hết ta… dẹp họ sang một
bên cho khỏe, chứ sao lại cứ phải o bế, xun xoe, cầu cạnh và quỵ lụy trước cường
quyền ? Ta cũng phải biết tự trọng chứ ! Nhiều
Tín Hữu mách cho tôi nghe, đám cán bộ được nhậu xong ở Nhà Xứ, ra về còn văng tục
với nhau... Mấy hôm sau cha xứ có việc phải ra xã, ra huyện, cán bộ xàm xỡ xoa
lưng vỗ vai mà chớt nhả. Thử hỏi, trong cánh con chiên bổn đạo, có tay bặm trợn
nào dám cả gan “láo lếu” với cha xứ như thế không ?
Lần Giáng Sinh vừa rồi, một cha đi Tây Nguyên
về, giận dữ kể cho tôi nghe: “Anh xem, trong khi cả một đám rất đông người dân
tộc với tấm lòng thành tín tuyệt vời đang phải nhịn đói đi bộ từ xa về dự Lễ,
thì cán bộ xã lại được cha xứ mời ăn nhậu hả hê linh đình. Em đã tránh đi một
nơi cho đỡ chướng tai gai mắt, ông cha ấy còn bảo một anh dân tộc vào mời em ra
nhậu chung cho vui, em bảo thẳng: Em không biết nhậu, không quen, cũng không
thích như thế nên dứt khoát không ra !”
Kể ra, làm Linh Mục mà nhậu nhẹt đã là chuyện
không hay, lại còn la cà lệt bệt nhậu nhẹt với Công An, với cán bộ Xã thì càng
coi không được, gây cớ vấp phạm vô cùng, thậm chí là phản chứng Tin Mừng. Chẳng
trách các Đại Chủng Viện và các Học Viện Dòng bây giờ nhấn rất mạnh đến chuyện
nhậu nhẹt như một kỷ luật cần thiết trong việc đào tạo các Giáo Sĩ tương lai.
Phần riêng tôi, năm nay tôi được dịp đi Mục Vụ tận tỉnh Đăk Lăk. Tạ
ơn Chúa, khi về lại Sàigòn đêm 25 tháng 12, tôi không có điều gì phải bực mình,
ngược lại, có bao điều để khoe với anh em. Tôi xin kể ra đây như là những mẩu
chuyện vui bù lại những chuyện không vui nói trên, những tia sáng cao đẹp có khả
năng đẩy lui bóng tối xấu xí tầm thường.
Cha xứ của Đăk Lăk còn trẻ lắm, người thấp bé, khuôn mặt thông
minh, tươi tỉnh và hiền hòa, lại còn đẹp trai nữa chứ ! Cha gần gũi thương yêu
đám đông hàng chục ngàn người dân tộc Sêđan của cha, họ nghèo tả tơi, cứ phải
đói ăn thiếu mặc mà vẫn khao khát tình Chúa và tình người.
Đêm Vọng Giáng Sinh 24 tháng 12, khi đi kiệu Hài Nhi Giêsu quanh
Nhà Thờ, trời đêm mưa bụi lất phất, gió rét căm căm, tôi được mời làm chủ tế đi
ngay sau lưng cha, cứ thấy cha không ngớt quay sang hai bên bảo các bà mẹ dân tộc
đang địu con sơ sinh vào tìm chỗ mà đứng dưới mái tôn cạnh hông Nhà Thờ cho đỡ
ướt đỡ lạnh.
Đến cuối Thánh Lễ, thật bất ngờ, cha xứ dõng
dạc dặn dò cộng đoàn: “Ngày mai 25 tháng 12 là Lễ lớn của Đạo chúng ta, là ngày
kiêng việc xác. Tôi đã dặn trước rồi, bây giờ tôi dặn lại anh chị em: ai có con
em đi học, cứ làm đơn nộp ở trường, rồi cứ cho các em nghỉ học ở nhà để còn đi
dự Thánh Lễ dành cho thiếu nhi. Ai hỏi gì, cứ nói là cha xứ bảo... Riêng các
anh chị em là giáo viên, xin chịu khó đi dạy, chu toàn nhiệm vụ, vì các cháu học
sinh không có đạo thì vẫn đi học như thường”.
Sáng hôm sau, khi dâng Thánh Lễ một mình
trong buôn xong, trở ra hương lộ, xe chúng tôi gặp xe cha xứ đi làm Lễ ở một
Giáo Điểm khác vừa về, các bạn trẻ Nhóm FIAT đi theo tôi đã vỗ tay reo hò hoan
hô cha về mọi sự, trong đó có chuyện thông báo độc đáo nói trên. Tôi kể với cha
rằng trên đường xe ngang qua mấy ngôi trường tiểu học và trung học, đúng lúc ra
chơi mà sân trường vắng hoe.
Tôi lại hỏi thăm cha là Giáo Phận Buôn Ma Thuột
đã ra quyết định này từ bao giờ, sao không thấy trên mạng đưa tin, cha xứ cười
thật... xinh: “Thưa cha, không biết nơi khác thế nào, chứ ở đây, con tự nghĩ ra
và thông báo luôn cho bà con như thế cha ạ !” Cả xe lại được một chầu vỗ tay cực
kỳ hết ý !
Vậy đó, tôi thiết nghĩ trước khi đặt vấn đề
tôn giáo tín ngưỡng, chúng ta cần phải có được văn hóa xã hội như một cái nền
bên dưới, từ đó mới tạo dựng nên những mối tương quan con người với nhau, một
tương quan thật lòng, tốt lành và đẹp đẽ ( chân-thiện-mỹ ), rồi Đức Tin sẽ cứ
thế mà nẩy mầm, Tin Mừng sẽ cứ thế mà được công bố như Quà Tặng vô giá cho
nhau… Thiếu văn hóa làm nền tảng tối thiểu, tất cả các tương quan Đạo – Đời bên
trên nó cứ… giả giả thế nào ấy, đâm ra sượng sùng và vô duyên !
Lm. QUANG UY, DCCT, 2008 – 2015
No comments:
Post a Comment