HIỆP NHẤT
Những
ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016, ở sân phía sau Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp, DCCT Sàigòn, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, người ta nhận thấy có rất đông người lui
tới, mỗi ngày đều có những sinh hoạt rộn ràng ca hát vui tươi. Hầu hết có thể
nhận ra đó là những người khuyết tật và già yếu, họ di chuyển bằng cặp nạng,
hoặc trên những chiếc xe lăn, xe lắc hoặc do người thân chở xe đến. Họ mù, què,
cụt tay, cụt cả hai chân… Đến khi ra về, trên tay mỗi người có một gói quà nhỏ,
mặt mày rạng rỡ, tiếng cười, tiếng la hét gọi nhau vang hòa.
Sân
sinh hoạt này kể từ khi thiết lập năm 1974 đã mang danh xưng "sân Hiệp
Nhất". Ngày ấy khi đặt tên cho ngôi nhà mới xây để sinh hoạt Giáo Lý là
"Nhà Hiệp Nhất", và phần sân chia cắt giữa Nhà Thờ và nhà Hiệp Nhất
cũng mang tên Hiệp Nhất, các Đấng Bề Trên đã muốn định hướng cho cộng đồng và
những người lui tới nơi đây một tinh thần hiệp nhất trong Giáo Hội, trong đất
nước Việt Nam, tinh thần mà Công Đồng Vatican II đã đề xướng và khuyến dụ con
cái mình thực hiện.
Chúng tôi được biết những sinh hoạt vừa tổ chức ở sân Hiệp
Nhất là những sinh hoạt hội ngộ các Thương Phế Binh VNCH trong dịp mừng năm
mới. Theo Ban Tổ Chức cho biết đã có hơn 2.000 Thương Phế Binh Việt Nam Cộng
Hòa về tham dự, cuộc họp mặt diễn ra liên tục trong 8 ngày ( 28.12.2015 –
4.1.2016 ) trừ Chúa Nhật 3 tháng 1, vì phải dành ưu tiên cho các Thánh Lễ Chúa
Nhật trải ra suốt từsớm tinh mơ đến tối khuya.
Để
có thể tổ chức cuộc hội ngộ này Ban Tổ Chức đã được sự cộng tác tích cực của
hơn 50 Tình Nguyện Viên thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Họ tình nguyện thực
sự và phục vụ không công, thậm chí họ phải tự trang trải những chi phí riêng
của họ và cả một số sinh hoạt cho chương trình nữa. Họ đã hy sinh rất nhiều:
công sức, thời giờ, chấp nhận cả những khó khăn do địa phương gây ra cho họ.
Chúng tôi có dịp theo dõi một vài sinh hoạt của nhóm Tình Nguyện Viên này nên
có thể thấu cảm phần nào những hy sinh của họ.
Để
có thể truyền thông tin họp mặt theo đúng thời gian và những chi tiết khác đến
các Thương Phế Binh, những người khả năng nghe và nhận thông tin rất khó khăn,
5 bạn Tình Nguyện Viên đã kiên nhẫn cầm điện thoại mắt nhìn danh sách và địa
chỉ, nhẹ nhàng kiên nhẫn gọi điện thoại báo đến từng Thương Phế Binh ở khắp mọi
miền, công việc căng thẳng và kéo dài suốt hai tuần lễ không nghỉ.
Với
các Thương Phế Binh bị cụt chân, cụt tay, mù lòa, một nhóm Tình Nguyện Viên
trai tráng đã không chỉ vận dụng cơ bắp, nhưng còn cả sự khéo léo để đón tiếp,
xếp chỗ ngồi và giúp các ông đi vệ sinh thật nhanh, gọn, chu đáo.
20%
các Thương Phế Binh đã đến họp mặt không đúng lịch vì nhiều lý do ( nghe lầm
thông tin, theo bạn bè, tránh ngày bị địa phương mời lên làm việc để cầm chân,
hoặc bị lỡ tàu xe… ). Nhóm hành chánh đã phải uyển chuyển sắp xếp liên tục vì
sổ sách cần sự chính xác và minh bạch.
Nhóm
y tế thì ứng trực mọi ngày và mọi giờ. Có nhiều ông Thương Phế Binh đến rất
sớm, có nhiều ông còn đến từ hôm trước, phải lo chỗ nghỉ ngơi ăn uống tắm rửa
sau một chặng đường dài, đa phần mang nhiều chứng bệnh trong người từ nhiều
năm, nhất là cao huyết áp, nên vừa đến nơi, lăn đùng ra kiệt sức là chuyện bình
thường. Đã vậy, lâu ngày gặp gỡ nhau, các ông đâu có chịu ngủ yên, thức trắng
đêm tâm sự, rồi cà phê thuốc lá, sáng hôm sau vào cuộc hội ngộ thì mệt rũ cả
ra, vẫn vui như Tết !
Nhóm
trật tự vã mồ hôi sắp xếp xe, ghế, dù che nắng. mang vác các ông lên xe xuống
xe, coi ngó trật tự chung, ngăn cản những "thành phần" không ưa
chương trình này, luôn len lỏi, rình rập, theo dõi, không biết để làm gì… Kết
thúc mỗi buổi, nhóm trật tự lại giăng hàng ngang ra làm vệ sinh toàn bộ sân
Hiệp Nhất.
Nhóm
chuẩn bị quà thì lo đổi tiền mới, in phong bì, in thiệp năm mới, đặt tiền vào
phong bì, kiểm tra cho chính xác các phòng bì sẽ trao, khó nhất là theo danh
sách và địa chỉ để trao khoản lộ phí, vì mỗi vùng mỗi miền lại có giá cả lộ phí
khác nhau.
Hai
chữ "Hiệp Nhất" lộ ra rõ ràng nhất khi trong những Tình Nguyện Viên
tham dự có mọi thành phần lớn nhỏ, xuất thân từ miền Nam cũng như miền Bắc ( sau 75 ),
mọi thành phần xã hội, trí thức cũng như lao động, buôn bán nhỏ… Đặc biệt lại
có cả các chức sắc các tôn giáo: Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa
Hảo, Cao Đài…
Ngay
đầu mỗi buổi họp mặt, Ban Tổ Chức
và các Thương Phế Binh VNCH luôn dành một phút cùng nhau thinh lặng để tưởng
nhớ đến các quân cán chính đã bỏ mình vì tổ quốc. Sau giây phút tưởng niệm thật
xúc động, không gian thinh lặng chùng hẳn xuống, để rồi bất ngờ bài hát
"Việt Nam, Việt Nam nghe tự vào đời…" được cất lên, hùng tráng và tự
hào, lời bài hát như muốn hiệp nhất mọi người lại với nhau, vì quê hương, vì tổ
quốc, vì đồng bào, vì biết bao con người còn đang phải chịu áp bức khổ đau...
Và kết thúc chương trình luôn là bài hát
"Anh em chúng ta có chung một ngôi nhà…" của cha Quang Uy như một lời
chia sẻ ngọt ngào, một lời khuyên lơn đằm thắm, một quyết tâm huynh đệ yêu
thương đầy chất Tin Mừng. Quả thật những ngày này mọi người tham dự Hội Ngộ đã
hiệp nhất bên nhau trong yêu thương, bất chấp mọi khác biệt, mọi rào cản, mọi
tị hiềm…
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
5.1.2016
No comments:
Post a Comment