Wednesday, 20 February 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa



ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ TRONG HOANG ĐỊA

Mở đầu Mùa Chay Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về biến cố Đức Giêsu trải qua những cơn thử thách trong 40 ngày tại hoang địa ( Lc 4, 1 13 ).
Khi ấy, Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” ( cc. 1 2a ).
Trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần đã được ban xuống tràn đầy trên Người. Dưới tác động của chính Thánh Thần đó, Người di chuyển trong hoang địa suốt 40 ngày, như dân Israel xưa đã lang thang trong hoang địa 40 năm. Chú ý: tác giả Luca viết “trong hoang địa” ( giới từ en + danh từ ở tặng cách ), khác với các tác giả Mátthêu và Máccô ( viết là “vào hoang địa”: giới từ eis + danh từ ở đối cách ).
Có hai yếu tố quan trọng trong trải nghiệm của Đức Giêsu suốt 40 ngày nơi hoang địa. Yếu tố thứ nhất: “Người tràn đầy Thánh Thần và được Thánh Thần dẫn đi”. Yếu tố thứ hai: “Người chịu ma quỷ cám dỗ”. Có lẽ vì muốn nhấn mạnh khía cạnh “tràn đầy Thánh Thần” mà tác giả Luca đã không kể rằng Đức Giêsu ăn chay trong hoang địa ( như trong Mt 4, 2 ), mà chỉ nói rằng “Người không ăn gì cả”: trong Thánh Thần, Con Thiên Chúa sống một cách viên mãn bởi vì chính Thánh Thần là sức sống của Người. Tuy nhiên yếu tố thứ hai ( Đức Giêsu chịu cám dỗ ) cũng được tác giả nhấn mạnh cách đặc biệt. Phần lớn trình thuật được dùng để triển khai yếu tố thứ hai này.
Như thế, cũng giống như đối với dân Israel xưa, hoang địa trong bài Tin Mừng hôm nay vừa là nơi chốn của những kinh nghiệm sâu xa về sự hiện diện hữu hiệu và đích thực của chính Thiên Chúa, vừa là nơi chốn xảy ra những cơn cám dỗ và thử thách mang tính quyết định sống còn. Đó có lẽ cũng chính là đặc tính của 40 ngày Mùa Chay này của chúng ta. Đây vừa là thời gian của cám dỗ và thử thách, nhưng cũng vừa là, và chính yếu là, thời gian của ân sủng, của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, của sự tràn đầy Thánh Thần.
“Khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !" Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” ( cc. 2b 4 ).
Cơn đói của thân xác sau 40 ngày không ăn đã là cơ hội để xảy đến cuộc cám dỗ đầu tiên. Và mối liên hệ với cuộc thần hiện được khắc hoạ rõ nét qua lời của ma quỷ nói với Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Thực ra, trong Tin Mừng theo Thánh Luca, không bao giờ có người nào gọi Đức Giêsu với tước hiệu Con Thiên Chúa, mà chỉ những hữu thể thuộc thế giới siêu nhiên mới sử dụng tước hiệu đó cho Đức Giêsu: Chúa Cha ( Lc 3, 22; 9, 35 ), thiên thần ( Lc 1, 32.35 ), ma quỷ ( Lc 4, 3.9.41; 8, 28 ). Tước hiệu “Con Thiên Chúa” được dùng ở đây còn nhằm cho thấy rằng Đức Giêsu bị cám dỗ trước hết là về những thực tại liên quan đến tư cách của Người là Con thảo của Thiên Chúa.
Cơn cám dỗ đầu tiên: biến một hòn đá thành bánh để thoả mãn cơn đói. Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, hạn từ “hòn đá” được dùng ở số ít, khác với trong Mátthêu ( dùng ở số nhiều ). Vậy khác với trong Mátthêu, cám dỗ này trong Luca sẽ chỉ là cám dỗ thực hiện phép lạ để thoả mãn nhu cầu của một người, chứ không phải của nhiều người. Có vẻ trong Luca, cơn cám dỗ đầu tiên này không mang ý nghĩa Mêsia.
Câu trả lời của Đức Giêsu cho cám dỗ này thật ngắn gọn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.
Trước hết, Đức Giêsu từ chối thực hiện phép lạ làm hòn đá biến thành bánh để thoát khỏi cơn đói đang hành hạ Người. Đức Giêsu muốn sống tư cách là Con như một con người đón nhận sự hiện hữu của mình từ Thiên Chúa chứ không tự tại nơi mình. Người có đủ quyền năng để tự mình làm ra bánh từ đá, tức là Người có thể tự duy trì Sự Sống của mình nhờ những thứ vốn không thể đem lại sự sống.
Nói cách khác, Người hoàn toàn có đủ quyền năng để tự tại nơi mình, điều mà xưa kia Ađam đã khao khát và đã kỳ vọng sẽ có được bằng việc ăn trái của cây biết lành biết dữ. Nhưng Người đã không biến đá thành bánh, vì Người muốn đón nhận Sự Sống từ Chúa Cha như một ơn huệ hoàn toàn nhưng không. Thiên Chúa đã gặp được nơi Đức Giêsu sự tuân phục hoàn hảo mà Ngài đã không thể gặp được nơi Ađam.
Thứ đến, trong câu trả lời của mình, Đức Giêsu không hề phủ nhận quyền năng Người có nơi mình, cũng không hề phủ nhận khả năng Người sẽ sử dụng quyền năng ấy. Nhưng, như thực tế cho thấy, Người sẽ không sử dụng quyền năng mà Người có trong tư cách là Con Thiên Chúa để thoả mãn những nhu cầu của chính bản thân Người, nhưng sẽ chỉ dùng quyền năng ấy để phục vụ người nghèo, còn chính Người sẽ chịu mọi thiếu thốn trên con đường thi hành sứ vụ cứu thế của mình.
“Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” ( cc. 5 7 ).
Ma quỷ dùng chính lời Đức Chúa ngỏ với vị quân vương Mêsia trong Tv 2, 8: “Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa.” Tác giả Luca không muốn dừng lại ở quyền sở hữu đất đai muôn dân nước mà thôi, nhưng điểm nhấn chính yếu của ông ở đây là trên cám dỗ quyền lực chính trị. Ma quỷ nhắm vào cơn khát quyền lực vốn nằm sẵn trong tâm can mỗi con người.
“Tất cả các nước thiên hạ” được nói đến ở đây trước hết có lẽ chính là đế quốc Rôma đương thời, với tất cả vẻ huy hoàng và tham vọng điên cuồng của nó. Ma quỷ hứa hẹn “toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc”, vì nó biết rằng ở phía sau mỗi thứ quyền bính thế gian đều là tham vọng cai trị kẻ khác và tham vọng biến mình thành một thứ ngẫu tượng đáng được tôn thờ.
Ma quỷ muốn Đức Giêsu bái lạy nó, tức là muốn Người thực hiện một hành vi thờ phượng. Hành vi đó sẽ đối nghịch triệt để với tư cách là Con Thiên Chúa của Đức Giêsu. Hành vi đó sẽ là sự phản bội tận căn, làm đảo ngược hoàn toàn mối tương quan con thảo của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, ma quỷ hứa hẹn một Vương Quốc Mêsia được thiết lập tức khắc, không phải qua con đường thập giá, nhưng được sự ủng hộ của toàn thể thế gian, nhưng với một điều kiện: ma quỷ được con người nhận là dung mạo đích thực của Thiên Chúa.
Ngày nay, cám dỗ đó vẫn mang tính thời sự đặc biệt đối với Hội Thánh và từng người tin: nấp dưới những vẻ bề ngoài cao thượng mà thỏa hiệp với những thế lực của sự dữ để thoả mãn cơn khát quyền lực ích kỷ của mình.
Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” ( c. 8 ). Đức Giêsu trích nguyên văn một phần của Kinh Shema ( Đnl 6, 13 – bản LXX) , tức là lời cầu nguyện mà người Do Thái đọc ba lần mỗi ngày. Bằng cách đó, Người tỏ mình liên đới hoàn toàn với những con người luôn luôn ý thức một cách mạnh mẽ về sự tuỳ thuộc của mình vào một mình Thiên Chúa. Con Thiên Chúa sẽ sống sứ vụ thiên sai của mình trong tư cách một người tôi tớ hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa cho đến chết, và là cái chết thập giá. Người sẽ đi con đường đau khổ chứ không phản bội Cha. Người sẽ chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.
Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi" ( cc. 9 11 ).
Cơn cám dỗ cuối cùng liên quan đến Thành thánh Giêrusalem. Đền Thờ là Nhà của Cha. Đức Giêsu được đem lên nóc Đền Thờ, rất gần sự hiện diện của Cha. Cơn cám dỗ này, như thế, chú ý nhiều hơn đến chiều kích ‘tôn giáo’.
Ma quỷ dùng Tv 90, 11a.12b ( bản LXX ) để cám dỗ Đức Giêsu. Lời Thánh Vịnh đó tuyên xưng lòng tín thác của người công chính vào sự bảo vệ của chính Thiên Chúa. Đó là lời tuyên xưng lòng tin tưởng vào Đức Chúa YHWH ở mức độ cao nhất. Và chính Đức Giêsu, trong tư cách là Con Thiên Chúa, phải sống triệt để lòng tin tưởng này. Chính khi Người chứng tỏ lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Người sẽ chứng tỏ rõ ràng rằng Người chính là Con và là Đấng Mêsia.
Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi" ( c. 12 ). Đức Giêsu từ chối chứng tỏ tư cách là Con Thiên Chúa của Người bằng những cách thức hành động mang tính biểu diễn. Người từ chối việc đòi hỏi những sự can thiệp đặc biệt để chứng tỏ tư cách Mêsia của Người. Tư cách là Con Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng ngay trong câu trả lời của Người: ‘Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi’.
Trái ngược với những người Israel xưa đã thử thách Đức Chúa tại Masa ( x. Xh 17, 1 – 7 ), Đức Giêsu muốn sống lòng tin tưởng thảo hiếu của Người vào Thiên Chúa trong sự tuân phục thường ngày, như một con người không hề chờ đợi những sự can thiệp ngoại thường và những ân điển đặc biệt, nhưng luôn kiên tâm đón nhận đến mức độ tận cùng thân phận của chính mình và chính trong sự kiên tâm đón nhận ấy mà nhận ra sự hiện diện thân cận của Thiên Chúa đối với mình.
Trong ngôn ngữ thường ngày, ‘cám dỗ’ là một hạn từ tiền giả định một sự liên quan đến một điều cấm đoán, và có nghĩa là một thúc đẩy người ta đi đến chỗ vi phạm điều cấm đó. Những suy niệm trên đây về ba cơn cám dỗ mà Đức Giêsu đã trải qua cho thấy rằng việc áp dụng hạn từ ‘cám dỗ’ vào Đức Giêsu trong trình thuật Lc 4, 1 – 13 có vẻ dị nghĩa. Phải hơn, như chúng ta đã thấy, Đức Giêsu đã trải qua những cuộc thử thách chứ không phải những cơn cám dỗ đúng nghĩa. Chính hạn từ peirasmos cũng có nghĩa là đặt vào trong một cuộc thử thách, là làm một cuộc kiểm tra để xác định lòng trung thành và giá trị của một người nào đó. Điều đó cũng đã xảy ra với cụ Abraham, với ông Gióp và với chính Israel ( trong cuộc lưu đày ).
 Đức Giêsu chịu cám dỗ không phải vì Người có thể vi phạm một điều cấm đoán nào đó, hoặc có thể thực hiện một sự dữ nào đó. Người chịu cám dỗ là để thể hiện thực tại sâu kín đang có nơi Người. Những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu đã trải qua trong hoang địa là sự tiếp tục của cuộc thần hiện đã xảy đến trong biến cố Đức Giêsu cầu nguyện ngay sau khi Người chịu phép rửa. Vậy ngang qua những thử thách được kể trong bài Tin Mừng hôm nay ( mà ta quen gọi là cám dỗ ), chúng ta được mạc khải cho biết đối với Đức Giêsu đâu là ý nghĩa của sự hiện hữu trong tư cách là Con Thiên Chúa. Người không hề tìm tự tại nơi mình, không hề để cho những con khát quyền lực và những tham vọng ích kỷ chi phối mình, nhưng luôn luôn trung thành đặt mình dưới Thánh Ý của Thiên Chúa, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ.
Những yếu tố ‘thử thách’, ‘hoang địa’, ‘40 ngày’ đề nghị cách hiểu những thử thách mà Đức Giêsu trải qua ở đây được đặt song song với những thử thách mà dân Israel đã trải qua trong cuộc Xuất Hành. Những trích dẫn Kinh Thánh của Đức Giêsu trong các câu trả lời của Người trong bài Tin Mừng hôm nay phản ánh ba biến cố điển hình của cuộc Xuất Hành. Như thế, Đức Giêsu sống lại nơi chính mình những thử thách của Israel trong hoang địa xưa. Nhưng ngược với dân Israel xưa, Đức Giêsu đã vượt thắng các cơn thử thách đó và chứng tỏ Người xứng đáng là thủ lãnh của Dân mới.
Chúng ta được mời gọi làm con cái Thiên Chúa và làm Dân Thiên Chúa. Những thử thách Đức Giêsu đã trải qua suốt 40 ngày trong hoang địa cũng chính là những thử thách mà hàng ngày chúng ta phải trải qua.
Lm. Gse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: