Monday 23 July 2012

Nguyễn Ngọc Lan Chi: Gà Gaulois vẫn gáy ở Châu Phi


Gà Gaulois vẫn “gáy” ở châu Phi

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Những tiết lộ mới đây của luật sư Robert Bourgi một lần nữa khiến dư luận đặt nghi vấn về “tình hữu nghị đặc biệt” Pháp - Phi.

Trong bài phỏng vấn trên tờ Le Journal du Dimanche, ông Bourgi khẳng định trong giai đoạn 1997-2005 từng chuyển những va-li chứa đầy tiền từ các tổng thống Omar Bongo (Gabon), Abdoulaye Wade (Senegal), Blaise Compaoré (Burkina Faso), Laurent Gbagbo (Bờ Biển Ngà), Denis Sassou Nguyesso (CH Congo) cho cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin. Theo ông Bourgi, tổng cộng số tiền lên đến 20 triệu USD, trong đó, chỉ riêng chiến dịch tranh cử năm 2002, 2 ông Chirac và Villepin đã nhận khoảng 10 triệu USD từ 5 nhà lãnh đạo châu Phi nói trên.

Luật sư người Pháp gốc Li-băng này còn cho biết, ngoài những va-li, giỏ xách “đựng đầy USD”, còn có nhiều tặng phẩm “lấp lánh” khác, như một vài văn bản chép tay của Napoléon cho ông Villepin hay chiếc đồng hồ Piaget đính 200 viên kiêm cương tặng ông Chirac. Tất cả đều là quà của Tổng thống Omar Bongo, qua đời tháng 6.2009 sau 42 năm nắm quyền tại Gabon.

Luật sư Robert Bourgi, 66 tuổi, là nhân vật không hề xa lạ với hậu trường chính trị Pháp. Ông được xem là “truyền nhân” của người đã xây dựng mạng lưới “quan hệ hữu nghị” giữa Pháp và châu Phi, cố vấn Jacques Foccart của Tổng thống Charles de Gaulle. Bên trong vỏ bọc ngoại giao, mạng lưới này thật sự là biện pháp để Paris tiếp tục giữ tầm ảnh hưởng lên các nước thuộc địa cũ ở bên kia bờ Địa Trung Hải. Rời bỏ bộ đôi lãnh đạo Villepin-Chirac năm 2005, ông Bourgi chuyển sang ủng hộ ứng viên sáng giá cho Điện Élysée khi ấy là Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy. Năm 2007, không lâu sau khi đắc cử, Tổng thống Sarkozy đã trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho luật sư Robert Bourgi vì “đã đóng góp vào công tác ngoại giao của Pháp một cách thầm lặng nhưng rất hiệu quả”. Cho đến nay, ông Bourgi vẫn là cố vấn không chính thức về những vấn đề châu Phi của Tổng thống Sarkozy.

Hiện chưa có kết luận pháp lý của Tòa án Paris để xác định việc luật sư Bourgi bất ngờ tung ra những thông tin chấn động này chỉ đơn thuần để được “thanh thản” hay có thâm ý khác liên quan đến chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2012. Nhưng dù với lý do nào, sự kiện này là cơ hội để nhìn lại mối quan hệ giữa Paris với những thuộc địa cũ ở châu Phi.

Mạng lưới nửa thế kỷ

Năm 1955, Tổng thống Bờ Biển Nga khi ấy là Félix Houphouët-Boigny đã ghép “France” với “Afrique” để tạo nên thuật ngữ “Françafrique” nhằm chỉ “mối quan hệ tốt đẹp giữa châu Phi với Pháp”. Nhưng theo tờ Le Figaro, đến thập niên 1990, khi nhắc đến Françafrique, giới truyền thông hầu như bỏ hết phần “tốt đẹp”, chỉ còn đề cập những mặt… phi pháp trong mối quan hệ Pháp-Phi: Paris ủng hộ những nhà lãnh đạo tai tiếng của châu Phi để đổi lại các hợp đồng kinh tế béo bở và những khoản lại quả “nặng đô” cho một số đảng phái chính trị ở Pháp.

Năm 1960, khi phong trào giành độc lập nổi lên ở châu Phi, Paris vẫn muốn giữ lại tầm ảnh hưởng của mình để tạo thuận lợi cho các công ty Pháp tiếp tục khai thác các mỏ dầu và khoáng sản dồi dào ở các nước cựu thuộc địa. Để thực hiện mục đích này, Tổng thống de Gaulle đã lập Văn phòng châu Phi, một cơ quan của Bộ Ngoại giao Pháp tại Élysée và giao cho cộng sự thân tín là Jacques Foccart quản lý. Ông Foccart nhanh chống thiết lập những mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi, với nhiều thành phần: các chính trị gia, doanh nhân, mật vụ, cảnh sát… Đây thật sự là một mạng lưới “ngoại giao ngầm”, tồn tại song song với ngoại giao “chính thống”. Trong bối cảnh nhập nhằng, Tập đoàn dầu khí Elf được thành lập năm 1965 để hoạt động tại một số nước châu Phi.

Năm 1994, vụ bê bối liên quan đến hãng này nổ ra, làm lộ diện phần nào mặt khuất của mối quan hệ Françafrique. Qua đó, đường dây tài chính nuôi dưỡng cả một hệ thống tham nhũng ở Pháp và châu Phi bị vạch trần. Lãnh đạo Elf giai đoạn 1989-1993 Loïk Le Floch-Prigent bị xét xử năm 2003 vì biển thủ hàng trăm triệu euro. Ông cay đắng nhận định: “Elf như một “ổ” tình báo tại các nước châu Phi giàu tài nguyên. Tiền từ dầu mỏ đủ chia chác cho tất cả. Với Elf, Paris có thể giữ được sự bảo hộ kinh tế, chính trị trong giai đoạn hậu thuộc địa”, theo Le Figaro.

Cũng trong khuôn khổ của Françafrique, Paris đã góp phần đưa một số chính trị gia lên nắm và giữ “rất vững” quyền lực. Điển hình là việc ông Jacques Foccart đã giúp ông Omar Bongo trở thành Tổng thống Gabon năm 1967. Đến khi qua đời năm 2009, ông Bongo mới rời khỏi chiếc ghế mà mình nắm giữ suốt 42 năm. Người “kế vị” ông không ai khác là con trai Ali Bongo. Dưới sự “hậu thuẫn” của Pháp, dù dồi dào trữ lượng dầu hỏa nhưng Gabon vẫn chưa có sự đột phá về kinh tế, thậm chí còn phải đề nghị được hỗ trợ bởi chương trình dành cho “Các nước nghèo, nợ nhiều” (HIPC) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đổi lại, theo tường thuật của luật sư Robert Bourgi, Tổng thống Omar Bongo luôn tỏ ra “rộng rãi” với các chính trị gia cộm cán của Pháp. Ông cũng là người có câu nói nổi tiếng: “Nước Pháp thiếu châu Phi như chiếc xe thiếu xăng. Châu Phi thiếu Pháp như chiếc xe thiếu người lái”.

Tương tự như tại Gabon, ông Jacques Foccart cũng là người đã giúp ông Ahmadou Ahidjo trở thành Tổng thống Cameroun vào năm 1960. Sau đó, Pháp tiếp tục giúp ông Ahidjo củng cố quyền lực bằng việc loại bỏ các đối thủ chính trị. Theo các tác giả của cuốn “Kamerun! Cuộc chiến ngầm của Françafrique, 1948-1971” (NXB La Découverte, 2011), chiến dịch trấn áp đẫm máu này đã lấy đi sinh mạng hàng chục ngàn người trong giai đoạn 1956-1971. Người kế nhiệm ông Ahidjo, Tổng thống Paul Biya (hiện vẫn còn tại vị) lên cầm quyền từ năm 1982 nhờ sự ủng hộ của Tập đoàn Elf.

Về các chiến lược nhằm giữ quyền lợi tại các nước thuộc địa cũ của Paris, Giám đố Viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Đại học Columbia (Mỹ) Mamadou Diouf nhận định: “Tại châu Phi, đối chọi với chính quyền là đối chọi với nước Pháp. Ở đây có một nghịch lý: đất nước đứng đầu về nhân quyền lại thi hành những sách lược đi ngược hoàn toàn với nguyên tắc của mình”. Tờ Le Nouvel Observateur dẫn lời các chuyên gia về Françafrique cho biết không ít tiền tài trợ cho các đảng chính trị lớn của Pháp đến từ lợi nhuận của việc khai thác dầu và từ các chương trình “hợp tác” Pháp-Phi. Đổi lại, Pháp đảm bảo một sự nghiệp chính trị dài hơi cho nhiều Tổng thống châu Phi, thậm chí có thể can thiệp quân sự để giúp “gìn giữ trật tự” khi xảy ra nội loạn. Không chỉ thế, Paris còn “nhắm mắt bịt tai” trước khối tài sản khổng lồ của nguyên thủ các nước này tại Pháp.

Bình mới, rượu cũ

Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2007 cũng như khi đã an vị ở Điện Élysée, Tổng thống Sarkozy không ngừng khẳng định “sẽ đoạn tuyệt với quá khứ của Françafrique” và “xây dựng mối quan hệ mới với các nước châu Phi” trên nền tảng của sự bình đẳng. Tuy nhiên, khi Thứ trưởng chuyên trách Hợp tác quốc tế Jean-Marie Bockel tỏ ra quá “nhiệt tình” trong việc thực hiện mục tiêu này, ông đã nhanh chóng “hoàn thành nhiệm vụ” và được thuyên chuyển sang vị trí khác.

Trên thực tế, dưới thời của Tổng thống Sarkozy, Paris vẫn giữ mối giao hảo với các vị lãnh đạo nhiều tai tiếng của châu Phi. Mối lợi kinh tế quá lớn của Pháp tại châu lục này khiến ông không thể “đoạn tuyệt” với Françafrique. Ngay khi vừa đắc cử, Tổng thống Omar Bongo là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên mà ông tiếp chuyện qua điện thoại. Chỉ trong vòng 3 năm kể từ 2007, Tổng thống Sarkozy đã thực hiện 3 chuyến công du sang Gabon, theo Le Nouvel Observateur.

Ngày 14.7.2009, Tập đoàn Total E&P của Pháp ký hợp đồng khai thác dầu khí tại Lungahe, Cameroun với Tập đoàn Năng lượng quốc gia nước này (SNH). Chỉ 10 ngày sau đó, Tổng thống Paul Biya trở thành khách mời danh dự tại Điện Élysée. Nửa năm trước, ông Biya từng bị cộng đồng quốc tế lên án vì đã trấn áp tàn bạo những cuộc biểu tình chống chính phủ và phản đối cải cách Hiến pháp dẫn đến việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Tháng 10.2009, ông Sarkozy lại không ngại “đón tiếp thân mật” Tướng Mohamed Ould Abdel Aziz, người vừa đắc cử Tổng thống  tại Mauritanie sau khi thực hiện đảo chính thành công.

N.N.L.C

Box: Tài sản tại Pháp của một số lãnh đạo châu Phi

Năm 2007, từ đơn kiện của các Tổ chức chống tham nhũng Survie, Sherpa, Tòa án Paris đã tổ chức điều tra về tài sản của một số lãnh đạo châu Phi tại Pháp. Bản kết quả sau đó cho thấy gia đình Tổng thống Omar Bongo (Gabon) sở hữu 39 bất động sản, 70 tài khoản ngân hàng và 9 chiếc xe sang trọng. Một vài tài sản trong số này được chi trả bởi ngân phiếu từ Quốc khố Gabon. Gia đình Tổng thống Denis Sassou Nguesso (CH Congo) không kém cạnh với 24 bất động sản và 112 tài khoản ngân hàng. Tổng thống Teodoro Obiang (Guinée Équatoriale) thì “khiêm tốn” hơn với 1 bất động sản, 1 tài khoản và dàn xe trị giá 4,2 triệu euro gồm 2 chiếc Ferrari, 1 Maybach, 2 Bugatti, 1 Rolls Royce Phantom và 2 Maserati.
Trong số dinh thự, nhà cửa của ông Bongo, chỉ riêng 1 tòa nhà ở vị trí “đắc địa” tại Paris đã có giá 18 triệu euro. Lương tháng của tổng thống Gabon “chỉ” khoảng 15.000 euro.

No comments: