Saturday 7 July 2012

“Không có anh, lấy ai cười trong mắt”



“Không có anh, lấy ai cười trong mắt”
Ai ngồi nghe, em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay, mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu, run từng cành lộc biếc?
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Mc 6: 1-6
            Than thở của nhà thơ, có là thở than nơi nhà Đạo? Nhà Đạo vẫn thở than, nhận định, qua nhân vật Giê-su, con của Bà Maria, như có nói ở trình thuật.
            Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô ghi rõ một nhận định. Nhận định, của những người kéo nhau đi nghe Chúa giảng dạy. Giảng dạy hôm ấy, Chúa quay về với xứ sở quê làng, ở Nadarét. Ngài giảng dạy vào ngày Sabát, ở hội đường. Nghe Ngài giảng dạy, dân chúng trong làng, đều thích thú và ngạc nhiên. Thích thú, về sự giỏi dang nơi ngôn từ. Ngạc nhiên, về uy quyền lạ lùng họ nghe biết nơi Ngài. 
            Thích thú và cảm kích, vì họ biết rất rõ về Ngài. Về, bác thợ mộc con ông Giuse và Bà Maria. Biết rõ, cả bà con thân tộc của Ngài, nữa. Chính vì biết rõ, nên họ từ chối không chấp nhận Ngài. Từ chối, vì họ chỉ thấy được ngoại hình, chẳng để tai lắng nghe điều Ngài dạy, giảng. Bởi, họ có thành kiến về Ngài, đã từ lâu.
            Xã hội hôm nay, nhiều người cũng có một số định kiến về Đức Giêsu. Họ nghĩ rằng, những gì họ biết, là trọn vẹn con người của Đức Chúa. Nhưng thật ra, con người đích thật của Chúa, lại là điều họ từng chối bỏ. Chối và bỏ chính Đức Giêsu, của Tin Mừng. Vì chối bỏ, nên họ bóp méo hình ảnh xưa nay họ vẫn có, vẫn suy nghĩ về Ngài.
            Nhiều người hôm nay cũng thế, không ai để tai nghe sứ điệp của Chúa, nơi Tin Mừng. Nhưng, cứ bị gò bó và mù loà, vì cứ tưởng mình biết nhiều về nhân vật do tình thân. Đôi khi, sự thân quen/biết rõ nhân vật, lại dễ đưa đến cảnh miệt thị, nhàm chán, ngán ngẫm. Những thứ như thể “bụt nhà không thiêng”nên chẳng khâm phục.      
            Nhiều người hôm nay, đối xử cũng không khác gì dân thành Nadarét khi xưa, có thể là chính chúng ta vào mọi thời, mọi lúc. Thế nhưng, Chúa vẫn nói với ta ngang qua những người ta quen biết, hoặc làm thân. Chúa nói với ta, ngang qua tình cảnh mình lại gặp mình. Tình cảnh, có tiếng nói hoặc sự điệp Ngài gửi đến. Chúa nói, qua người thân quen, người mà mình biết rất rõ, hoặc ngang qua nhân vật nào mình không thích. Thậm chí, qua người lạ. Qua khách nước ngoài. 
            Ta còn được bảo rằng, vì họ mù lòa, nên Chúa không thể làm nhiều điều lớn lao, ở nơi ấy.  Hướng về bản thân, ta cũng thấy mình nhiều lần cũng như thế. Nhiều lần, ta vẫn “bế quan tỏa cảng”, không để cho tình yêu Ngài đạt đến, nơi ta. Nhiều lần, ta vẫn cấm cản mọi tác động chữa lành, từ nơi Chúa. Nhiều lần, ta chẳng nhận ra Ngài, nơi một người hoặc tình huống nào cả. Quả thật, Ngài vẫn muốn đến với ta, qua trung gian một người. Qua sự kiện, trong đời.
            Để đến nỗi, Chúa kêu lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, cũng chỉ ở quê hương mình.” (Mc 6: 4). Đó là sự thật. Sự thật ở chỗ: dân chúng ở các nơi, đều ngả đầu tiếp đón Chúa. Và, tuân theo Lời Ngài. Chỉ riêng những người trên quê hương Ngài, trong gia đình Ngài, là chối bỏ thánh danh Ngài. Đối xử với Ngài rất cay cú.
            Đây cũng là kinh nghiệm từng trải, đang chờ đón các ngôn sứ. Ngôn sứ, là người dấn bước rao truyền sứ điệp của Đức Chúa. Sứ điệp, mời gọi mọi người biết chấp nhận Lời Ngài. Thôi thúc ta thay đổi nếp sống. Hãy sống, dựa trên sự thật và tình thương.
            Truyền thống cho thấy, ngôn sứ thời Giao ước, và trong chuỗi ngày dài lịch sử Đạo, đều gặp nhiều đả kích/chống đối. Thậm chí còn bị bạo hành hoặc chết tức tưởi. Bài đọc 1, ngôn sứ Edêkien đưa ra mẫu mực là khi Chúa kêu mời ông rao truyền sứ điệp cho dân Ngài thi Chúa không hứa hẹn một dễ dãi nào cả. Ngài chỉ nói rằng:“Ta sai ngươi đến với chúng,vốn nòi phản lọan, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” (Êz 2: 5)
            Quả là chuyện lạ. Bởi, sứ điệp thôi thúc ta về Sự thật. Tình thương yêu. Tự do. An bình và sự công chính. Sứ điệp này  lại dấy lên nhiều chống đối, thù địch, cùng ghét ghen với bạo lực. Điều này, vẫn xảy đến vào mọi thời, mọi lúc ở nhiều nơi. Trên thế giới, các cụm từ, như : “sự thật”, ”tự do”, “công bình”, đã trở thành từ ngữ đầy nguy hiểm, húy kỵ, nhiều đe dọa. Lạ hơn nữa, là: nhiều người không muốn nghe biết những từ ngữ ấy. Và cũng lạ là: nhiều tín hữu Đạo Chúa vẫn đã phải chết cho niềm tin, ngay tại những nơi được coi là văn minh, hiện đại hơn bao giờ.
            Đó là, Martin Luther Kinh đã phải chết chỉ vì dám kêu gọi sự đồng đều, giữa sắc tộc. Mahatma Gandhi người Ấn giáo, đã phản chết chỉ vì dám làm thân với Hồi giáo. Giám Mục Oscar Romeo lại chết vì dám nói lên cảnh người ta đang bóc lột đám dân nghèo. Danh sách các vị  chết cho sự thật, niềm tin, vẫn còn mãi không kết đọan.
            Có nhiều điều mà  người Công giáo chúng ta cũng cần nhớ: là khi đã thanh tẩy, ta cũng được kêu mời trở thành ngôn sứ. Là Công giáo, ta cũng được mời gọi quảng bá sứ điệp của Tin Mừng nơi gia đình, chòm xóm, sở làm. Mời ta quảng bá lan rộng tới bạn bè người than ở mọi chốn.
            Dù gì đi nữa, ta cứ vẫn sẵn sàng quảng bá và bảo vệ cho sự thật, tình thương yêu đùm bọc. Cho tự do, phẩm giá và quyền lợi của mọi người. Có nhiều điều ta chẳng thể nào nhượng bộ dù là bất cứ ai. Có những lúc, ta cũng chẳng thể nào giữ mãi sự im lặng.
            Có những thời, có thể ta sợ hãi. Hoặc thấy không đủ tài năng, lẫn thẩm quyền. Trong trường hợp đó, hãy nghe theo lời khích lệ của thánh Phaolô, ở bài đọc. Thánh nhân từng cảm nghiệm thân phận bọt bèo, chẳng làm gì được cho ra hồn. Vẫn tự ti mặc cảm, khi được sai phái rao giảng Tin Mừng cho hiệu quả. Và, thánh nhân đã nguyện cầu Chúa xin cất đi những nhược điểm của mình.
            Hồi đáp cho yêu cầu của thánh nhân, cũng rất lạ. Lạ ở chỗ, “sức mạnh của Chúa đã biểu lộ trọn vẹn trong yếu đuối”.  Vì thế, thánh nhân đã chấp nhận những yếu đuối bản thân, để sức mạnh của Chúa ở mãi bên trong mình:“Tôi vui sướng khi mình yếu đuối. Bị sỉ nhục, họan nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Bởi, chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12: 10) Đó là lời lẽ của ngôn sứ đích thật.
            Cầu mong sao Lời Chúa hôm nay giúp ta nhận ra rằng không nên chán nản, hoặc thất vọng vì những thấp hèn cùng yếu kém về thể xác lẫn tâm linh của mình. Vì, dù bất tài hoặc vô dụng, Chúa vẫn muốn ta trở nên công cụ cho Ngài sử dụng. Ngài vẫn ở gần bên. Vẫn ban tặng những điều ta cần đến. Tuy nhiên khi Hội thánh và sứ điệp của Chúa được chấp nhận, cách rộng mở, thì khi ấy có thể ta sẽ lại nghi hoặc một chút về sự chân phương của sứ điệp, ta rao truyền.


No comments: