Thursday 8 September 2011

Lm Richard Leonard sj: Số liệu của thứ tha


Sống giữa lòng dân tộc vào mọi thời, người công dân trong xã hội đều phải sống lớp lang, trật tự. Sống trật tự, là biết tôn trọng luật pháp. Biết nghĩ đến người khác, tôn trọng sự sống người thân cận. Ở đời thường, luật pháp bao giờ cũng cứng rắn, nghiêm túc. Chẳng khi nào nương tay với người sai phạm, lầm lỡ. Nơi đạo Chúa, luật pháp tuy cứng rắn, nhưng vẫn nhường bước cho tình thương yêu, giải cứu và lòng độ lượng, thứ tha.

Mới đây, trong vụ án hình sự về một trường hợp hiếp dâm tập thể, giết chết nạn nhân, bồi thẩm đoàn đã hội ý trong 20 phút và đưa ra quyết định đồng lọat là cả ba nghi phạm có tội. Đây là phán quyết nhanh chóng, dễ dàng. Sau khi nghe tòa kết án, cả phòng xử đều đứng dậy chúc tụng Tòa đã có phán quyết công bằng. Khi các can phạm bắt đầu đứng lên, đi ra khỏi tòa, bà mẹ của 2 người con trai trong số phạm nhân đến gần con mình nói to tiếng: “Tuy biết các con làm chuyện tày trời, vô nhân đạo với người phụ nữ, mẹ vẫn muốn nói là mẹ thương các con.”

Bên ngoài tòa, truyền thông báo chí vẫn trông chừng bố mẹ của nạn nhân sẽ kêu gọi xử tử các can phạm. Nhưng ngược lại, các vị đều bầy tỏ là họ muốn tha thứ hơn cột buộc can phạm. Mọi người tham dự phiên xử hôm ấy đều kinh ngạc trước thái độ hòa hõan ấy. Không một người có mặt trong phiên xử muốn bỏ qua hành động dã man đầy thú tính của đám tòng phạm. Cũng chẳng ai ngỏ ý chối bỏ tính cách nghiêm trọng của hành vi đê tiện đáng đem ra bắn bỏ. Nhưng, các bậc phụ huynh can dự đồng ý chỉ nên chú trọng đến tình thương yêu tha thứ, mà thôi.

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô đã tỏ cho thấy là chúng ta phải biết tha thứ cho nhau không những 7 lần mà là 77 lần 7. Con số 77 hay đơn thuần là 7 đều có chữ bẩy. Chúng ta biết là Kinh thánh thường dùng con số để chỉ định việc gì không theo cách bốc thăm, may rủi. Các số 1, 3, 7, 12, 40 đều là những số mang tính cách đặc thù. Đánh số 7 cho một vật gì tức là nói lên rằng vật ấy, sự việc ấy đã trở nên lành thánh, tốt đẹp. Khi nghe Đức Kitô đề cập đến số 7, người đương thời nghĩ ngay đến chuyện kể trong sách Sáng Thế. Tác giả sách muốn nói đến 7 ngày tạo dựng trời đất. Và, vào ngày thứ 7, Yavêh Đức Chúa thấy công trình tạo dựng của Ngài là thành quả của tình thương yêu sáng tạo. Đó là việc lành thánh, tốt đẹp. Bằng thứ ngôn từ ngắn gọn, Đức Kitô đã quả quyết: hành động tha thứ không chỉ là việc lành thánh, tốt đẹp mà thôi, nhưng còn là động tác tạo dựng đem sự sống đến với thế giới nhân trần. Và, sự vinh quang lành thánh sẽ còn đến với người thực hiện được việc ấy.

Vào thế kỷ thứ 5, thánh Augustine mô tả hành động tha thứ như người mẹ hiền có hai người con yêu quý đã đặt tên cho hai người là Công minh và Độ lượng. Qua sử dụng ẩn dụ như thế, thánh nhân hiểu rằng tha thứ không là hành động một lần rồi chấm dứt. Đây còn là tiến trình kéo dài mang theo nhiều đặc điểm khác.

Tin Mừng hôm nay cũng đưa ra bài học tương tự khi ta thấy Đức Kitô dùng hình ảnh của một vị Vua đứng ra thanh toán nợ nần, sổ sách. Vua chúa bao giờ cũng công minh và độ lượng. Ông là người biết thương dân và luôn tha thứ. Ông có lý khi nghĩ rằng, đổi lại, thần dân của ông cũng phải biết thương yêu và thứ tha.

Nhìn tổng thể, tha thứ là chuyện đương nhiên dễ làm. Chúng ta có thể hăng say giảng thuyết cách hùng hồn về chiến tranh, hòa bình cũng như chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng khó khăn và khác biệt là ở chỗ ta có biết tha thứ cho cả những người gần gũi với ta không. Trong một số tình huống, nơi chốn khó nhất để tỏ bày sự công minh và độ lượng chính là tại cơ ngơi, mái ấm của chính mình. Nếu ta không nói chuyện được với chồng, với vợ con, cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè gần xa thì ý nghĩa và tinh thần của Tin mừng hôm nay chắc chắn sẽ là một thách thức lớn cho mình ngay ở nơi mình sống.

Một khía cạnh khác của vấn đề đặt ra hôm nay, là: ta có thể chấp nhận câu phưong châm được diễn tả trong phim Love Story. Trong phim có chỗ khẳng định rằng: “Yêu thương tức là ta không buộc phải bảo rằng người kia có lỗi”. Tư tưởng này mang nhiều ý nghĩa quả có đúng, nhưng không là lập trường chung của người tín hữu Đức Kitô. Với người theo chân Đức Chúa, sự thật hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta phải tìm dịp để có thể tha thứ và mong được thứ tha. Đức Kitô không khẳng định tha thứ là chuyện dễ làm, nhưng Ngài quả quyết đó là việc cần thiết. Tha thứ cho người trong gia đình, cùng sở làm, bạn bè thân quen hoặc cho người cùng nhóm hội nhà thờ không có nghĩa bảo là không có tranh chấp bất đồng hiện diện trong cộng đoàn mình, nhưng là biết giáp mặt, đối đầu với các tình huống đòi hỏi mình phải có lòng công minh, độ lượng.

Mỗi khi ta hiện diện trước mặt Đức Chúa với tất cả thiếu xót, yếu mềm hoặc sai phạm ta làm trong đời mình, Đức Chúa vẫn không trả thù cho những sai trái của ta khi trước. Ngài cũng chẳng cần trả đũa hoặc đòi đền bù. Ngài là Đấng công minh và độ lượng. Theo gương Ngài, khi chọn tha thứ thay vì trả thù, chọn yêu thương thay cho oán hận, ghét ghen, ta đã bắt đầu thấy được sự lành thánh tạo dựng của Đức Chúa đang giúp ta trở nên hoàn thiện hơn. Bởi lẽ, khi biết thứ tha, ta đã dự phần mà đi vào chính cung.

Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

No comments: