Wednesday 7 September 2011

Lm Chân Tín CSsR: Nói với bạn trẻ

Lm Chân Tín CSsR: Nói với bạn trẻ

về “Hàng Giáo phẩm Việt Nam và chế độ cộng sản”

Giáo hội phải hoàn thành sứ mạng Ngôn sứ, là sứ mạng ưu tiên mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo hội, để bảo vệ đức tin, bảo vệ Giáo hội, bảo vệ đất nước và con người: “Anh em đừng sợ người ta…Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn… Anh em đừng sợ” (Mt 10, 26-31).

Viết về hàng Giáo phẩm Việt Nam và chế độ cộng sản, là một vấn đề hết sức tế nhị. Nhưng tôi vẫn muốn trình bày cho các bạn trẻ những đường hướng khác nhau theo từng thời kỳ lịch sử.

1. Thư chung của các Giám mục Đông Dương 9/11/1951

Bốn năm trước khi cộng sản chiếm Bắc Việt (1954), các Giám mục Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào và Cambốt) họp tại Hà Nội từ ngày 5-9/11/1951, dưới sự chủ tọa của Đức Khâm sứ Tòa thánh John Dooley và đã ra một Thư chung về “Hiểm họa Cộng sản”.

Các ngài rất thẳng thắn, không úp mở công bố cho Giáo hội Đông Dương, đặc biệt Giáo hội Việt Nam, biết rõ lý thuyết cộng sản và chế độ cộng sản. Với tất cả lòng thành và trách nhiệm, các ngài đã cho giáo dân biết cộng sản huy hiểm thế nào đối với đức tin Công giáo.

Trước hết, về bổn phận yêu quê hương đất nước, các Giám mục Đông Dương xác định rõ: “Xúc động trước sự hàm hồ tràn lan trong suy tư, chúng tôi thấy cần nói rõ về ý niệm ái quốc. Ái quốc, yêu nước là yêu quê hương, yêu quê cha đất tổ. Vậy, quê hương chính là gia đình mở rộng. Cả hai là đối tượng của đức hiếu. Vì thế, chúng ta chỉ có thể khích lệ và vun trồng như mọi nhân đức Kitô giáo khác. Ý niệm quê hương, không làm người Kitô hữu khai trừ quê hương của các dân tộc khác, nhưng cũng phải yêu thương, vì tất cả chúng ta đều là con cái Chúa.”

Sau khi xác định ý niệm ái quốc, các Giám mục đề cập đến nạn cộng sản vô thần duy vật. Theo các ngài, việc phải nói rõ cho cộng đồng dân Chúa biết về chế độ cộng sản thuộc về trách nhiệm mục tử của các ngài:

Vì tinh thần trách nhiệm quan trọng trước Thiên Chúa; vì mối tình thiết tha yêu quý anh em, chúng tôi thấy mình có nhiệm vụ quan hệ phải loan báo cho anh em biết đề phòng nạn cộng sản vô thần duy vật, một nguy cơ trầm trọng nhất của thời nay. Chủ nghĩa Cộng sản bác bỏ Thiên Chúa, bác bỏ mọi tôn giáo, bác bỏ thuyết linh hồn hằng sống, bác bỏ tất cả quyền của nhân vị và gia đình. Chủ nghĩa Cộng sản xung khắc tuyệt đối với Công giáo, đến nỗi Đức Thánh cha đã tuyên bố rằng: ‘không bao giờ có thể vừa theo cộng sản vừa theo Công giáo và người Công giáo nào ra nhập đảng cộng sản thì lập tức bị khai trừ ngay khỏi Giáo hội.’ Chẳng những không được nhập đảng cộng sản, mà lại anh em không thể cộng tác dưới bất kỳ hình thức nào có thể giúp họ nắm chính quyền. Nỗi nguy cơ cộng sản rất trầm trọng, tai họa do cộng sản gây ra rất ghê gớm, đến nỗi chúng tôi còn có bổn phận báo cho anh em biết để đề phòng những mưu mô và mánh khóe xảo quyệt cộng sản dám dùng để đạt tới mục đích…Trong các nước bị cộng sản chi phối, lập tức diễn ra những cảnh tượng ghê gớm: tịch thu tài sản và khủng bố hàng vạn người Công giáo. Giáo hội phải sống trong cơn hãi hùng triền miên, để rồi phải chết rũ tù hay là phải đổ máu công khai để giữ gìn niềm trung tín với đức tin Công giáo”.

Đọc lại những lời trên và so sánh với những gì đã xảy đến với Giáo hội Công giáo tại miền Bắc từ năm 1954, và những gì xảy ra trong Nam từ 1975 tới nay, có cảm tưởng các Giám mục đã ký vào Thư chung 1951 là những tiên tri thấy trước những đau khổ mà Giáo hội Việt Nam phải chịu dưới thời cộng sản và các ngài đang tả lại cách trung thực những đau đớn mà Giáo hội Công giáo phải chịu suốt bao năm qua.

Các ngài thật can đảm và sáng suốt nói lên bản chất của Cộng sản để giúp giáo dân đối phó với các cuộc bách hại của cộng sản Việt Nam trên mọi miền đất nước, đặc biệt tại miền Bắc. Có người cho rằng các ngài đã quá cứng rắn. Nhưng thực ra, những gì các ngài đã cảnh báo trong Thư chung 1951, đã thực sự xảy ra cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tạ ơn Chúa đã cho Giáo hội những nhà lãnh đạo sáng suốt, đã thấy trước những nguy hiểm, những bách hại mà chỉ không đầy 3 năm sau cả Giáo hội Miền bắc phải gánh chịu những bách hại của chế độ cộng sản vô thần.

Phần kết của Thư chung là lời các Giám mục kêu gọi các linh mục “hãy dạy cho dân chúng biết học thuyết xã hội Công giáo, nhất là phải nhấn mạnh vào hai nhân đức nền tảng là công bình và bác ái…”

2. Sau 30/4/1975, Giám mục Việt Nam đổi hướng: “đối thoại và hợp tác”

Có thể nói rằng, bằng lương tâm và trách nhiệm, với năng quyền được ban cho, các giám mục Việt Nam trước 1954, đã không ngại ngần khẳng định lập trường triệt để bất hợp tác với cộng sản, bởi người tín hữu Chúa Kitô không thể làm tôi hai chủ, nhất là không thể vừa phục vụ chế độ cộng sản vô thần, vừa phục vụ Thiên Chúa.

Tại Miền bắc, những lời minh định công khai bất hợp tác với cộng sản của các Giám mục Đông Dương đã được các giám mục triệt để áp dụng, nhờ đó mà Giáo hội Miền bắc đã phần nào đứng vững trước những bách hại khốc liệt của nhà cầm quyền cộng sản và tồn tại được cho tới ngày hôm nay.

Tuy nhiên, sau 30/4/1975, cả nước rơi vào tay cộng sản. Trước tình hình chính trị mới mẻ này, Giáo hội thấy không còn cách nào khác là phải sống chung lâu dài với cộng sản. Do đó, hàng giám mục Việt Nam nghĩ tới việc chuyển hướng để tồn tại và chủ trương của Công đồng Vatican II: “đối thoại và hợp tác” đã được các ngài lựa chọn làm hướng đi cho Giáo hội.

Một sự kiện đặc biệt được cần nhắc đến ở đây, đó là khóa họp thường niên các giám mục Miền nam từ 15-20/12/1975, qui tụ không chỉ các giám mục mà còn mở rộng cho nhiều thành phần dân Chúa cùng tham dự để cố vấn cho các giám mục, trong đó có các chuyên viên, các linh mục, tu sĩ, giáo dân. Những người tham dự được chia thành ba tiểu ban, nghiên cứu về các vấn đề phải giải quyết như: tương quan với chính quyền, các vấn đề thuộc nội bộ Giáo hội và các vấn đề liên quan tới các sinh hoạt tôn giáo.

Đây có lẽ là lần đầu tiên và duy nhất giáo dân được tham gia một kỳ Hội nghị của Hội đồng Giám mục và được tham gia cách tích cực như những người cố vấn cho hàng Giám mục trong công tác quản trị Giáo hội. Sự kiện này, lúc đó, đã được đánh giá là “ấn tượng”, như lời linh mục Vũ Khởi Phụng đã viết trong Nguyệt san Đứng Dậy (số 76, tháng 12/1975): “Các giới Công giáo đã tỏ ra rất hài lòng về việc Hội đồng Giám mục đã mở cửa đón các thành phần khác nhau của Giáo hội tới tham dự. Đây là lần đầu tiên mà một phiên họp của Hội đồng Giám mục tạo ra một ấn tượng tốt về sự tham gia tích cực của cộng đồng Kitô giáo tụ họp chung quanh các vị giám mục; với bầu không khí cởi mở, đồng tâm, tuy rằng quan điểm của từng cá nhân có thể không hoàn toàn trùng hợp”. Lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối. Không biết vì lý do gì mà kể từ đó tới nay, Hội đồng Giám mục đóng kín cửa, không còn có sự tham gia của cộng đoàn Dân Chúa?

Sau khi hai miền Nam – Bắc thống nhất (15/11/1975), năm 1976, các giám mục đã ra một Thư chung xác nhận sự khác biệt căn bản giữa cộng sản và Giáo hội: “Giữa đức tin Kitô giáo và chủ nghĩa Mác – Lê có xung khắc về cơ bản, điều này ai cũng nhận”.

Tuy nhiên, ngay lập tức, các ngài lại nghĩ ngay tới việc đối thoại và cộng tác với cộng sản: “Dù khác biệt, thì không vì thế mà không có đối thoại và cộng tác chân thành giữa những ai cùng phục vụ con người trong sứ mạng cá nhân và xã hội”.

Vấn đề là chế độ cộng sản có thiện chí phục vụ con người và thiện ích hay không? Đối thoại và cộng tác chân thành với những người thiện chí phục vụ con người, cộng sản có thiện chí phục vụ con người hay không?

Trong thực tế, dưới chế độ cộng sản, các tôn giáo bị chà đạp, nhân quyền, tự do tôn giáo bị vi phạm. Không bao giờ có đối thoại đúng nghĩa dưới chế độ cộng sản. Cộng sản chỉ lợi dụng chiêu bài “đối thoại” để kìm kẹp và làm tha hóa các tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo.

Không chỉ có thế, suốt 36 năm qua, cộng sản Việt Nam đã “tiêu diệt ý thức đại diện quốc dân nơi các thành viên Quốc hội; tiêu diệt ý thức phục vụ công ích nơi các nhân viên công quyền; tiêu diệt ý thức tôn trọng và bảo vệ nhân dân nơi giới công an, cảnh sát; tiêu diệt ý thức bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ của tổ quốc nơi hàng ngũ quân đội; tiêu diệt ý thức bảo vệ luật pháp và công lý nơi các luật sư; tiêu diệt ý thức thương xót bệnh nhân nơi các y, bác sĩ; tiêu diệt ý thức làm chứng cho sự thật và lẽ phải nơi giới tu hành; họ biến tôn giáo thành thuốc phiện; họ muốn các nhà tu hành xây dựng các đền thờ nguy nga, tổ chức lễ hội linh đình, mà dửng dưng, vô cảm trước cảnh đồng bào bị đàn áp, xã hội bị băng hoại, tổ quốc bị lâm nguy…” (Tự do Ngôn luận, 15/4/2000).

Thành ra, nói “đối thoại” với cộng sản chỉ là cách nói. Với chế độ cộng sản chỉ có “cộng tác hay không” mà đã chấp nhận cộng tác là chấp nhận bị tiêu diệt từ bên trong, chấp nhận đường lối “phúc âm, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, một chính sách nhất quán mà cộng sản Việt Nam muốn áp đặt lên Giáo hội công giáo kể từ khi nắm chính quyền.

Thiết nghĩ, đã tới lúc, hàng Giám mục Việt Nam cần phải xét lại vấn đề đối thoại và cộng tác với đảng cộng sản?

Đức Giáo hoàng Benedict 16, trong cuộc gặp gỡ các Giám mục Việt Nam dịp Ad Lamina vừa qua đã nhắc nhở Giáo hội Việt Nam “đối thoại và cộng tác chân thành”. Cộng sản thì chả bao giờ chân thành cả. Bao nhiêu kiến nghị mà Giáo hội gửi đến nhà nước, nhưng chẳng hề nhận được hồi âm nào? Chuyện Ủy ban Công lý gửi đơn về vụ Cồn Dầu chẳng hạn.

Giáo hội cần phải cùng với toàn dân tranh đấu cho công lý và nhân quyền. Tranh đấu bằng lời nói và việc làm mới mong có được những kết quả làm khởi điểm cho các cuộc đối thoại tương kính, đem lại cho Giáo hội và đất nước một mùa xuân mới.

Giáo hội phải hoàn thành sứ mạng Ngôn sứ, là sứ mạng ưu tiên mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo hội, để bảo vệ đức tin, bảo vệ Giáo hội, bảo vệ đất nước và con người: “Anh em đừng sợ người ta…Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn… Anh em đừng sợ” (Mt 10, 26-31).

Linh mục Chân Tín

38 Kỳ Đồng, P9, Q3, Sài Gòn

04/09/2011

No comments: