Friday 23 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #37:

Nếu như Chúa Thánh Thần là tác giả chính của Thánh Kinh, thì hẳn là những đoạn như đoạn Sáng Thế 3:15 có thể có một ý nghĩa bí ẩn, sâu sắc hơn mà tác-giả-loài-người đã không nhận biết?

Câu đáp:

Câu hỏi của bạn nêu ra một điểm quan trọng trong toàn bộ vấn đề nên diễn giải Thánh Kinh như thế nào. Vì lý do mà bạn đã đề cập – rằng Thiên Chúa là tác giả chính của Thánh Kinh –chúng ta ít nhất cũng phải xét tới khả năng là có những ý nghĩa khác trong Thánh Kinh ngoài nghĩa đen của văn tự.

Nghĩa đen của văn tự là ý nghĩa mà các tác-giả-loài-người muốn diễn đạt. Nhưng học thuyết về sự linh hứng thánh thiêng nêu ra cái khả năng là các tác-giả-loài-người có thể đã không phải lúc nào cũng nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa mà Chúa Thánh Thần muốn diễn đạt.

Có thể còn có những ý nghĩa khác, sâu sắc hơn đang ẩn mình dưới những lớp bề mặt của Thánh Kinh – những ý nghĩa này không phá hủy nghĩa đen văn tự, nhưng nới rộng, nhấn mạnh, và làm phong phú cho nghĩa đen.

Câu hỏi lớn lao là: làm cách nào chúng ta nhận ra khi có một ý nghĩa sâu xa hơn như vậy hiện diện trong một đoạn thánh kinh? Đây là điều quan trọng bậc nhất, bởi vì nếu chúng ta không có một số quy luật cho việc khám phá một ý nghĩa trọn vẹn hơn của văn tự, thì trí tưởng tượng có thể tha hồ loạn lên, và cánh cửa sẽ bị để ngõ cho đủ mọi kiểu diễn giải quái dị và táo bạo.

Bởi vì ý nghĩa sâu xa hơn của một đoạn Thánh Kinh là ý nghĩa chỉ do Thiên Chúa định đặt, cho nên hiển nhiên là chỉ có Thiên Chúa mới có thể vén mở ý nghĩa đó cho chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết Người định diễn đạt điều gì khi linh hứng cho tác-giả-loài-người viết một đoạn Thánh Kinh nào đó.

Đấng Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả Cựu Ước cũng chính là Thiên Chúa đã linh hứng cho các tác giả Tân Ước. Vì vậy khi chúng ta thấy trong Tân Ước một sự đoan chắc rằng còn có một ý nghĩa sâu xa hơn chứa đựng trong một đoạn Cựu Ước, thì chúng ta có thể chấp nhận đó là một sự thật đúng đắn.

Một lần nữa ở đây, Đức Chúa Thánh Thần Đấng đã linh hứng để các quyển Thánh Thư được viết ra cũng chính là Đức Chúa Thánh Thần Đấng đang dẫn dắt Giáo Hội trong việc diễn giải những bộ Thánh Thư đó, vì vậy cả Giáo Hội nữa, Giáo Hội cũng có thể bảo cho chúng ta biết khi một ý nghĩa được trình bày trong Thánh Thư có ý nghĩa sâu xa hơn là nghĩa đen mà tác-giả-loài-người muốn diễn đạt.

Vậy thì, điều này là một tiêu chuẩn cho việc nhận ra một ý nghĩa sâu xa hơn: một sự diễn giải thẩm quyền trong Tân Ước hoặc trong những tuyên bố chính thức của Giáo Hội về những văn tự trong Thánh Thư theo một cách sâu-sắc-hơn-nghĩa-đen.

Những vẫn còn có lý do để ta phải thận trọng. Bởi vì không phải cứ mỗi lần Tân Ước hay văn kiện của Giáo Hội gợi ý rằng có một ý nghĩa sâu-hơn-nghĩa-đen của văn tự trong Thánh Thư thì đó là một trường hợp ý nghĩa sâu sắc đó được chứa đựng ngay trong chính những văn tự đó.

Đôi khi việc đó có thể chỉ không hơn gì là điều được gọi là sự “thích ứng” hay sự liên kết xa. Sự “thích ứng” thì không thật sự là một ý nghĩa trong Thánh Thư gì cả, mà chỉ là một nghĩa chúng ta đặt vào Thánh Thư; sự thích ứng không phải là một ý nghĩa được rút tỉa từ văn tự, mà là ý nghĩa được đặt vào văn tự.

Ta hãy xem ví dụ sau đây. Tin Mừng Thánh Gio-an (1:6) đã nói về thánh Gio-an Tẩy Giả là: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an”. Một nhà giảng đạo có thể sẽ quyết định áp dụng đoạn văn bản này vào Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII. Việc này không có chi sai trái. Đó không phải là điều không thích đáng khi sử dụng một đoạn như đoạn Gio-an 1:6 để nói về một nhân vật thánh thiện và được yêu mến như Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII.

Nhưng bất kể sự thích đáng của việc áp dụng này, đây là một sự thích ứng chứ không phải là một ý nghĩa trong Thánh Thư. Dĩ nhiên đây không phải là nghĩa đen văn tự. Tác giả của Tin Mừng Gio-an đang nói về thánh Gio-an Tẩy Giả chứ không nói về bất kỳ một ai khác.

Mà cũng không có nghi vấn gì về một ý nghĩa sâu sắc hơn được chứa đựng trong chính các văn tự này. Người ta khó có thể nói rằng Thiên Chúa, khi linh hứng cho vị tác giả của bộ Tin Mừng thứ bốn, đã chủ định rằng những văn tự đó là nói về Đức Giáo Hoàng Gio-an, hay về bất cứ những người nào tên Gio-an cũng vậy.

Bạn hàm ý là đoạn Sáng Thế 3:15, nói về người nữ, con rắn, hậu duệ của người nữ, và hậu duệ của con rắn, là một đoạn chứa đựng một ý nghĩa sâu xa hơn do chính Thiên Chúa chủ định. Trong đoạn này Thiên Chúa nói với con rắn rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người nữ ấy sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Những từ ngữ này trong nghĩa đen của chúng là đang nói đến bà E-và và hậu duệ của bà – toàn thể nhân loại. Dòng giống hay hậu duệ của con rắn nói về những quyền lực của tà thần, quyền lực mà loài người sẽ phải luôn luôn đương đầu. Thiên Chúa đã tiên đoán sự thù nghịch và cuộc giằng co vĩnh viễn giữa nhân loại và quyền lực tà thần.

Đoạn Thánh Kinh này thường hay được đem áp dụng vào Đức Ma-ri-a và con của bà, Đức Giê-su. Do đó một số người đã cho là đoạn này có một ý nghĩa thánh kinh sâu sắc hơn. Trong trường hợp này, ý nghĩa đó, nếu có, sẽ là một sự tham chiếu vượt qua khỏi nghĩa đen của văn tự để nói về một cuộc giằng co trong tương lai giữa Đức Ki-tô, con của bà Ma-ri-a, và Sa-tan, với sự gợi ý về chiến thắng tối hậu của Đức Ki-tô trong cuộc chiến đó.

Các tiêu chuẩn để nhận biết ý nghĩa sâu xa hơn của Thánh Kinh thì không phải bao giờ cũng dễ áp dụng. Một số người có thể sẽ thấy có một ý nghĩa sâu xa hơn trong đoạn Sáng Thế 3:15, nhưng những người khác thì không. Dĩ nhiên, như một số độc giả đã nêu ra, đoạn này đã được dùng trong các văn kiện của Giáo Hội để nói về Đức Ma-ri-a.

Tuy nhiên, cân nhắc hết tất cả mọi sự, thì tôi không tin là có bằng chứng minh bạch chung cuộc trong Tân Ước hay trong các văn kiện của Giáo Hội để cho rằng Đức Ma-ri-a được Thiên Chúa chủ định là một ý nghĩa sâu sắc hơn của chữ “người nữ” trong đoạn Sáng Thế 3:15.

Điều này không có nghĩa là chối bỏ rằng Đức Ma-ri-a đóng một vai trò quan trọng nhất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vai trò của Mẹ được nêu rõ trong Tân Ước.

mh September 2011

No comments: