Thursday 29 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #40:

Thế nhưng giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô (phần 1, điểm 3) nói về cuộc sinh hạ Đức Giê-su như sau: “nhưng bởi vì ngay chính việc thụ thai là một việc vượt quá trật tự tự nhiên, cho nên việc sinh hạ Đức Giê-su đặt ra trong sự suy tưởng của chúng ta không điều gì khác hơn là sự thánh thiêng”. Vậy làm sao cha có thể gọi việc sinh hạ đó là “hoàn toàn bình thường” và làm sao cha có thể nói “không điều gì có thể được gặt hái” từ việc xác quyết sự chào đời huyền diệu của Đức Giê-su?

Câu đáp:

Thư của bạn chứng tỏ rõ ràng rằng các tác giả của giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô đã có một quan điểm về sự sinh hạ đồng trinh Đức Giê-su rất khác với quan điểm của đại đa số thần học gia thời nay.

Vào thời đó việc Đức Giê-su được xuất ra bằng một cách phi thường gì đó từ cung lòng Đức Ma-ri-a là một quan điểm thần học thịnh hành. Ngày nay, điều đó không còn thịnh hành nữa. Sự thật đơn giản là như vậy.

Nếu bạn thấy sự thay đổi này là khó hiểu, may ra có thể hữu ích khi bạn biết rằng nội dung của giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô không có thẩm quyền bằng những sắc lệnh của chính Công Đồng.

Bộ giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô được soạn thảo bởi các vị giám mục tham dự vào Công Đồng thời thế kỷ 16 đó, vì thế được đặt tên như vậy.

Nhu cầu cần có một bộ giáo lý được nêu lên ngay vào lúc Công Đồng khai mạc, năm 1545, như là một phương tiện để chống lại các giáo huấn của các nhà cải cách Tin Lành. Nhưng không ai làm việc gì về điều đó cả, cho đến khi Công Đồng sắp bế mạc mãi 18 năm về sau (năm 1563).

Lúc đó một hội đồng các giám mục và các nhà thần học được thành lập để bắt tay vào việc này. Cuối cùng thì bộ giáo lý được ban hành vào năm 1566, ba năm sau khi Công Đồng Tri-đen-ti-nô bế mạc.

Đó là một văn kiện quan trọng hàng đầu, có ảnh hưởng lớn lao một cách tích cực trong thời kỳ hậu-Cải-Cách của lịch sử Giáo Hội.

Tuy nhiên, không phải tất cả các giáo huấn trong bộ giáo lý đó đều có giá trị tương đương với nhau hay có thẩm quyền ngang nhau. Cũng như tất cả các bộ giáo lý khác, cổ đại hay hiện đại, bộ giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô gồm có các giáo huấn về những học thuyết bất biến trong đạo, cùng với các quan điểm thần học thịnh hành và các diễn giải đương thời về những tín điều của Giáo Hội.

Cách giải thích của bộ giáo lý đó về việc đồng trinh sinh hạ Đức Giê-su mà bạn trích dẫn là một quan điểm thần học ngày nay đã không còn thông dụng nữa.

Nếu nói về sự thụ thai Đức Giê-su đồng trinh thì chính xác hơn là nói về việc sinh hạ Đức Giê-su đồng trinh.

Tín hữu Công Giáo không bị buộc phải tin rằng Đức Giê-su, sau chín tháng ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a, bỗng dưng xuất ra ngoài một cách bất thần và huyền diệu, và màng trinh vẫn còn nguyên vẹn! Đây không phải là mục đích của giáo huấn của Giáo Hội về tính đồng trinh trọn đời của Đức Ma-ri-a.

Mặc dù là kết quả của một sự thụ thai phi thường huyền diệu (đã được ghi lại rõ ràng trong Thánh Thư), cuộc thai nghén của Đức Ma-ri-a là một cuộc thai nghén bình thường về mặt thể lý, và sự chào đời của Đức Giê-su là một sự chào đời bình thường về mặt thể lý, thể theo bản tính loài người thật sự của Đức Giê-su.

Dĩ nhiên, có một ý nghĩa rất thật là sự chào đời của Đức Giê-su không phải là một cuộc sinh nở tầm thường. Nghĩa là, bởi vì đó là sự Giáng Thế của Con Thiên Chúa.

Khi Đức Giê-su được hạ sinh, chính Thiên Chúa đã đến để ở giữa chúng ta như một phàm nhân. Đây chính là ý nghĩa mà trong đó sự chào đời của Đức Giê-su là huyền diệu phi thường, chứ không phải là cách thức mà Đức Giê-su có thể đã xuất ra từ cung lòng thân mẫu Người.

mh September 2011

No comments: