Friday 19 November 2010

Richard Leonard sj: Kitô Vua, có là Vua trần thế?


Stephen Spielberg có làm một cuốn phim với tựa đề “Trí tuệ do người làm”. Cuốn phim mở ra chân trời mới cho tương lai rất gần. Lúc ấy, các gia đình sẽ chỉ được phép duy nhất có một đứa con, thôi. Và, hầu như các gia đình như thế đều có người máy sinh động. Nhưng nhà chế tạo người máy lại không có khả năng đem đến cho họ cảm giác đích thực của người phàm. Giáo sư Hobby chế tạo ra nhân vật mang tên David, tức chàng trai trẻ “có khả năng biết yêu đương” trong phim.Vị giáo sư, đến lúc này, vẫn tự hỏi “liệu con người thật bằng xương bằng thịt có yêu lại David hay không nhỉ?

Vợ chồng Henry và Monica có đứa con trai đang cơn nguy kịch có thể dẫn đến chỗ chết. Hai vợ chồng, lúc đầu, được chọn làm bố mẹ bảo dưỡng trông nom cho David. Và, hai người quyết tâm nuôi David; đồng thời, còn phải lo cho con riêng của mình mau chóng phục hồi sức khoẻ và sớm xuất viện. Thành thử, David bị bỏ bê chẳng ai lo. Tuy vậy, đến cuối phim, đạo diễn cho thấy: David duy trì được tình thương yêu mà anh cảm nghiệm.

David rơi vào tình huống giữa hai trạng thái, một của người máy và một của người thật. Ra thế, là vì nơi anh, thấy phát hiện một bộ nhớ nào đó rất tinh tường mà ta gọi là ký ức. Ít ra, anh vẫn hồi tưởng được thế nào là tình thương yêu mà mẹ bảo dưỡng là Monica dành cho anh. Và, trong phim trên, điều mà Stephen Spielberg hăng say biện luận, là việc ông coi ký ức (còn gọi là bộ nhớ) là sự tháp đặt linh hồn vào xác phàm bằng xương bằng thịt. Nó biến chúng ta thành con người chánh hiệu. Nó đem đến cho chúng ta thần khí thánh thiêng, tức la bàn hướng dẫn con người.

Quan niệm của người làm phim ở đây rất hệ trọng. Có thể, nó sẽ được lên khuôn để có một mô hình nào đó trong tương lai rất gần. Nhưng, rõ ràng là nó đã trở nên nhu liệu làm nền cho các tranh luận gần đây về việc tái tạo ra DNA và con người vô tính. Và, Stephen Spielberg có lý khi ông để cho phim “Trí tuệ do con người làm” vẫn biện bạch rằng: chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể chế tạo ra con người vô tính ấy, hoặc thiết dựng được bản sao chép y khuôn của nhân vật nào đó chỉ một lý do là vì mỗi người được tạo ra bằng chính bộ nhớ của riêng họ, nam hoặc nữ.

Bộ nhớ quả là dũng mãnh. Thường thì, đó chỉ là một trong các quan năng cuối cùng được dẫn nhập vào não bộ con người. Ký ức (còn gọi là bộ nhớ) có lúc mạnh mẽ đến độ một sự kiện nào đó xảy đến hàng chục năm qua rồi mà, những năm sau đó, người ta vẫn còn nhớ như in. Tưởng như câu chuyện chỉ diễn ra mới đây như ngày hôm qua thôi. Việc hồi tưởng/nhung nhớ có thể đem ta ngược giòng thời gian trở về với những cảm giác mạnh mà ta vốn có lúc trước. Mạnh đến độ làm ta hưng phấn hơn lên mà cười sung sướng hoặc ướt sũng nước mắt vì một vết đau nào đó không thể gắn hàn.

Dù cho thuyết của Stephen Spielberg về người thật trong phim “Trí tuệ do con người làm” có ra như thế nào đi nữa, nó vẫn không xứng hợp với người tín hữu Đức Kitô. Chúng ta đều biết rõ: vẫn có những người có ký ức rất ư là hạn hẹp hoặc chẳng có chút gì được gọi là bộ nhớ cả. Đồng thời, quả là chuyện đáng buồn vì cũng có một số người ngay từ thuở sinh thời chẳng bao giờ có được khả năng biết liên tưởng đến những điều mà họ không tài nào nhớ nổi.

Đối với Stephen Spielberg, có lẽ những người như thế mang ít chất người hơn con người chúng ta. Tuy nhiên, với người tín hữu Đức Kitô, chẳng cần biết là chúng ta có khả năng nhớ nổi mọi việc hay không, thì thần hồn hay tính khí của ta vẫn luôn sống động trong bộ nhớ của Đức Chúa. Chúng ta được hưởng đặc quyền để biết được rằng Đức Chúa vẫn luôn nhớ đến chúng ta.

Tin Mừng hôm nay cho thấy tên trộm biết điều kia chỉ yêu cầu Đức Chúa mỗi “chuyện nhỏ”: “Này Ngài, xin nhớ đến tôi”. Và, Yêsu Đức Chúa bảo với anh ta rằng: được Đức Chúa nhớ, tức là đã đạt chốn Thiên đường. Đây là cách tuyệt hảo để hiểu thế nào là Vương quốc của Đức Kitô. Chúng ta đều hiều rõ khi tuyên xưng Đức Kitô là Vua, ta làm thế không có ý nói đến thứ quyền lực nào đó ở thế giới phàm trần, hoặc đến cái không gian sỏi đá, chẳng phải nhà lầu cao ốc, hoặc sự cao sang quyền thế.

Khi nói đến Vương quốc Đức Kitô ta không có ý đề cập đến chuyện tỏ bày quyền năng của vua quan/lãnh chúa vốn từng áp đặt lên đầu lên cổ thần dân là chúng ta. Cũng không phải để ta phải khiếp sợ về các phán quyết của Ngài vốn chỉ là động tác đầy lòng xót thương. Quyền uy của Kitô Đức Vua nằm nơi bộ nhớ của Ngài. Ngài là Đấng luôn mở rộng vòng tay ôm chào đón mọi người trong thế giới sinh động của loài người để họ được gần gũi với Ngài. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta bằng cách gọi chính tên tục thông thường của chúng ta.

Thành thử, hôm nay quả là ngày Hội lớn. Là năm cùng tháng tận kết thúc một niên lịch của Hội thánh qua đó chúng ta vẫn nhớ rõ mồn một là: Yêsu Đức Chúa có Bộ nhớ thần sầu khi Ngài cứu độ con người. Vì vậy, trong Tiệc Thánh hôm nay, hãy chung lòng cùng giọng với những ai đang hành trình về chốn Thiên Đường, tức Vương Quốc của Đức Chúa và cất tiếng rằng: “Hỡi Yêsu Đức Chúa mến yêu, xin nhớ đến con khi Ngài về lại Vương quốc, chốn Thiên Đường của Ngài.”

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch.

No comments: