Tuesday 9 November 2010

Lm Nguyễn Hồ Đỉnh CSsR: Mặt ngoài của Chính Thống Giáo ở Nga


Anh Vũ Khởi Phụng thân mến,

Mình nhận được Thư Nhà số 5 một ngày trước khi đi thăm văn-hoá Moskova và St Petersbourg và đã đọc bài của anh “ý nghĩa một chuyến đi” vì thế mình chú ý hơn về hiện tình chính thống giáo tại Giáo hội “tự thủ chết” (autocéphale) Moskova. Ngoài chuyện tâm đắc với anh về những cú banh đá lọt lưới. Mình muốn phụ hoạ với anh về một nét chính trong lịch sử Giáo hội này.

Thái độ của Đức Thượng Phụ Alexis II trước cuộc thăm viếng Ukraine của Đức Gioan Phaolô II là một thái độ lôgích trong tiến trình lịch sử tôn giáo tại đây.

Tiến trình lịch sử tôn giáo

Năm 988, Đại vương Vladimir (miền Kiev) “chọn” Giáo hội Chính thống Byzantine cho chính mình và dân Nga. Nói “chọn tôn giáo” là rất chính xác. Theo truyền thuyết lịch sử, ông đã triệu tập các đại diện có thẩm quyền của các tôn giáo lớn thời đó để nghe họ minh thuyết về đạo của họ trước khi chọn lựa. Đó là các đại diện của:

1.Tôn giáo dân gian địa phương đa thần:

-Peroun (Thần sét-dã chiến);

-Volos (Thần mặt trời, bảo vệ gia súc)

-Stribog (Thần gió);

-Zebog (Thần đất);

2.Hồi giáo;

3.Giáo hội Công giáo;

4.Giáo hội Chính thống-

Ông cho Tôn giáo dân gian là dị đoan. Hồi giáo : klhông thích hợp với dân Slave (buộc giữ Ramadan, cấm uống rượu…); Công giáo: lễ nghi chán ngắt; chỉ có Chính thống giáo Byzance (đang thời cực thịnh) là thích hợp với dân Nga hơn cả.

Như vậy việc ông chịu thanh tẩy và kéo nhân dân của ông vào Giáo hội chính thống Byzance là một lựa chọn trong lãnh vực tâm-linh-hệ, ý-thức-hệ, tổ chức văn hoá xã hội… chứ không phải vì đã bản thân gặp được Đức Kitô hằng sống và Tin Mừng “Phúc thật” và mầu nhiệm tử nạn Phục Sinh của Người…

Sau đó, hoàng triều Nga luôn tìm cách để biến chuyển Giáo hội Chính thống tại đây thành một Giáo hội Nga, do hoàng triều và nhân dân Nga, cho hoàng triều và nhân dân Nga. Ban đầu Giáo hội này trực thuộc Thượng phụ Byzance. Vị này đặc sai một Métropolite (kiểu như Hồng y Giáo chủ) người Hy Lạp để điều khiển Giáo hội Nga. Sau đó, vào những năm

1439: Công đồng Florence tìm hoà hợp Rôma và Byzance. Hoàng triều Nga phản đối và hạ bệ Đức Giáo chủ Isidore, người Hy Lạp (1444).

1448: Byzance thất thủ; lịch sử Nga gán cho Đại vương Ivan III lời này:

“Hai giáo đô Rôma đã sụp đổ, Giáo đô thứ ba đứng vững đây và sẽ không có giáo đô thứ bốn…” ông vừa thống nhất lại các miền đất Nga và đặt thủ độ tại Moskova.

1589: Moskova trở thành toà Thượng phụ và Đức Job mang tước hiệu “Thượng phụ của tất cả các giáo phận Nga”, hay “Thượng phụ của tất cả các ‘lãnh địa’ Nga. Giáo hội luôn gắn liền với Hoàng triều và chịu để Hoàng triều chi phối.

1700: Phêrô Đại Đế chiếm hữu một phần tài sản của Giáo hội này. Ông bãi bỏ ngôi Thượng phụ. Thay vào đó, ông thiết lập một Thượng Hội Đồng điều khiển tôn giáo do chính ông chủ toạ tại St Petersburg… Từ đó, phần lớn các giáo sĩ trở thành “linh mục nhà nước” ngày càng ít ảnh hưỏng và ít được kính tôn…

Mãi đến năm 1917, Ngà hoàng cuối Nicholas II mới thiết lập lại Toà Thượng phụ. Nhưng sau đó, dưới chế độ Cộng sản của Lénine, Staline và Kroutchev, Giáo hội bị bách hại, tàn phá đủ điều, tuy vẫn tồn tại chút ít bề ngoài nhưng mông lung và mênh mang bề trong.

Hoàn cảnh mới từ 1985

Sau khi Đại Vương đỏ Brejnev, người tập trung mọi quyền hành trong tay qua đời, Gorbachev thiết lập thể chế Perestroika và Glasnost bãi bỏ chính sách Staline, dân chủ hoá vv… Giáo hội bắt đầu dễ thở và nhiều người Nga lui tới công khai những thánh đường và tu viện đã được Staline cho mở lại phần nào sau thế chiến thứ II (1946…)

1990: Năm bắt đầu tái thành lập nước Nga cũng là năm tổ chức lại toà Thượng phụ Moskova. Ngày 7 tháng 6 năm 1990 Thượng Hội Đồng Giáo hội Chính thống Nga gồm 300 vị Giám mục, tu sĩ, linh mục họp tại Zagork đã chỉ định Đức Alexis II, Giáo chủ Leningrad-Novgorod trọn đời làm Thượng phụ Moskova và các Giáo phận Chính thống Nga (một Giáo hội gồm chừng 60 triệu giáo hữu). Ông đẩy mạnh việc trùng tu, tiếp thu và xây dựng lại các đại thánh đường, hiện diện trang trọng trong các buổi lễ chính thức của Nhà nước và mang lại cho Giáo hội Chính thống Nga những cảnh huy hoàng tráng lệ, những cuộc tế tự đầy tình cảm của thời xưa.

Qua một chuyến thăm Moskova

Dưới đây là những ghi nhận của cá nhân tôi qua cuộc tiếp xúc và trao đổi:

Đời sống tôn giáo được phục hồi

Moskova đầy dẫy những thánh đường với những tháp hình bán cầu lát vàng chói lọi. Những thánh đường bị đóng cửa, tịch thu và sử dụng vào những việc trần thế như bảo tàng viện, kho chứa vật liệu, chợ búa, hội họp vv.. hầu hết đều đã được chính quyền trùng tu và trao trả lại cho Giáo hội. Những thánh đường cổ kính, lịch sử đã bị tiêu hủy nay cũng được xây dựng lại. Tiêu biểu là thánh đường Giáng sinh của Đức Kitô Cứu Thế ở trung tâm Moskova, gần nôi thành Kremlin nơi có cả chục thánh đưòng, nguyện đường lộng lẫy đã được trùng tu. Thánh đường Đức Kitô Cứu Thế này đã bị tiêu hủy dưới thời Staline, nay đã được xây lại trong vòng 4 năm (1990-1994) với tất cả sự huy hoàng, bề thế thuở xưa và trao lại cho Giáo hội, trong khi nhà nước Nga vẫn thiếu tiền mở mang đường xá, học đường, trả lương cho binh sĩ, vv..

Những giải thích tâm linh

Chúng tôi tới tham quan thư viện cổ kính Thiên Chúa Ba Ngôi –Thánh Sergiô (cách Moskova 70km) vào một ngày thường trong tuần (thứ Ba 14 tháng 8). Tu viện được thánh Sergiô bắt đầu xây dựng từ thế kỷ XV – và nay có dạng như một nội thành: nhiều đại thánh đường chung quanh một tu viện, những nhà ăn nhà họp cổ kính, những cư xá và dinh thự giữa một rừng cây rộng lớn… Tu viện này là nôi sinh nhiều tu viện khác từ thế kỷ XV. Tại đây, bức hoạ thánh Thiên Chúa Ba ngôi của André Roublev đã được thượng tôn qua nhiều thế kỷ và tu viện đang đòi nhà nước hoàn lại.

Tu viện còn 20 tu sĩ vào năm 1985 (năm mở đầu thời Perestroika)- nhưng nay đã có tới 320 tu sĩ- mỗi năm có thêm chừng 25 người. Tại đây có dinh thự và toà nhà thượng phụ của Đức Alexis II. Chúng tôi đến nơi khoảng 10g30 và cho đến 12giờ đã tiếp cận gần một ngàn người trẩy hội hành hương, tham dự lễ nghi chính thống từ nhà thờ này đến nhà thờ kế cận khác.

Vị tu sĩ hướng dẫn chúng tôi giải thích:

“Từ khi ý thức hệ Cộng sản sụp đổ, người dân Nga sống giữa trống rỗng tâm linh, trống rỗng tin tưởng, trống rỗng ý thức cuộc đời… Nhà thờ mang lại cho họ tin tưởng và tình cảm tâm linh… Không ai có thể sống mãi trong trống rỗng… nên nhiều người tìm lại nhà thờ…”

Tôi thấy kiểu giải thích này phần nào cũng là dư âm của Marx và Lénine về nhu cầu tôn giáo trong xã hội (tìm tình cảm tôn giáo để bù trừ cho thiếu thốn, khốn khổ…) Nhưng tôi thấy các người hướng dẫn du lịch văn hoá cũng lặp đi lặp lại như thế, đặc biệt là Natasha, một thiếu phụ trí thức ở St Petersburg. Bà không có liên lạc gì với đạo trong suốt thời niên thiếu, không thanh tẩy, không giáo lý, không quan tâm… Nhưng từ thời Perestroika và thăm viếng nhiều nhà thờ và thấy nảy ra trong mình tình cảm tôn giáo:

“Người ta bảo tôi phải chịu thanh tẩy mới được làm dấu thánh giá, nếu không coi chừng tay khô liệt đó! Tôi vẫn làm dấu thánh giá, và này tay tôi vẫn lành mạnh đây!”

Và bà tâm sự với ít nhiều tiếc nuối:

“Bây giờ có nhiều đôi trẻ làm phép cưới trong nhà thờ lắm… nhưng phải chịu phép thanh tẩy đã mới được làm phép cưới trong nhà thờ… và cũng tốn tiền lắm!”

Mỗi năm bà đều chen lấn vào nhà thờ mừng lễ Phục Sinh –bà tâm sự:

“Đông lắm, nhưng người ta không thể không tham dự: lễ nghi này mang lại cho ta tha thứ, tinh luyện, thanh bình…”

Một Giáo hội tìm duy trì địa vị quan trọng của mình.

Marina là một thanh nữ thuộc nhóm hướng dẫn du lịch địa phương tại Moskova. Cô xem ra có “lòng đạo” hơn bà Natasha. Tôi hỏi cô:

“Tại sao Đức Thượng phụ Alexis lại phản đối việc Đức Giáo hoàng thăm viếng Ukraine?”

Cô bộc phát trả lời:

“Vì đây là một hành động có tính cách hơi …”kẻ cả”!... Đáng nhẽ Đức Giáo Hoàng phải đàm đạo tay đôi với Đức Thượng phụ và gửi một phái đoàn Hồng y tới đàm phán với Hội đồng Giáo chủ Moskova… Nhưng ông đã đơn độc quyết định đến thăm một miền mà tuyệt đại đa số giáo dân trực thuộc toà Thượng phụ Moskova.”

Vẫn lại là “uy tín” “quyền hành tôn giáo” hơn là sinh khí Tin Mừng và khiêm nhường cải hối, đổi mới… đểm tìm phục vụ xác đáng hạnh phúc, việc tìm kiếm và hành động của con người hôm nay.

Vì vẻ hào nhoáng và uy lực xã hội bên ngoài này, mà một người Pháp, quan sát viên văn hoá về đời xã hội Nga, đã nói với tôi:

“Dân Nga ngày nayvẫn là một dân tộc đượm tinh thần tôn giáo và cả chiều sống linh thiêng nữa… Nhưng nhiều thành phần không mấy thiện cảm với Kitô giáo.”

Tôi tưởng đây chỉ là bề mặt xã hội. Chắc bên trong vẫn còn 1/3 hàng giáo phẩm được mô tả thuở xưa như (…) chủ yếu trung thành với chế độ (=không chống chế độ) nhưng lại quá hăng say hoạt động, nhất là giữa giới trẻ…” theo như người viết trong thư “Giọt mưa giọt nắng” đã trình bày. Và đó là điều cho phép tôi còn kỳ vọng và thành kính với Giáo hội Chính thống Moskova.

Ngài không truyền cho chúng con toàn thắng, chỉ đừng thảm bại…

Cách đây gần một trăm năm, để chào mừng thế kỷ mới, thi hào Công giáo Paul Claudel đã viết bài “Procession pour saluer le siècle nouveau” vào năm 1907. Trong bài này hàng chữ “car vous ne nous avez pas ordonné de vaincre mais de n’être pas vaincu” đã nhập đậm trong tâm trí mục vụ của tôi và hướng dẫn tôi suy nghĩ về một khía cạnh lịch sử Kitô giáo.

Đoàn người tín hữu sống Tin Mừng Ơn Nghĩa không nhất thiết phải toàn thắng mọi quyền lực, mọi bách hại, mọi ý thức hệ -hệ đối lập- … Chỉ nhận được lệnh truyền: dù bất cứ ở hoàn cảnh nào cũng vững tin vào Thiên Chúa Tình Thương và dấn thân phục vụ những người anh em cùng sống với mình.

Trong thế kỷ qua, nhất là từ Cách mạng tháng 10 Nga, Giáo hội Chính thống Nga đã không thảm bại trước bạo quyền. Giáo hội này cũng không toàn thắng chế độ kia (chế độ Cộng sản Xô-viết tự sụp đổ vì trống rỗng ý nghĩa, bại hoại sức sống, mâu thuẫn nội tại và lầm lỗi nặng nề…)

Ngày nay Giáo hội này cũng cần thức tỉnh để khỏi thảm bại trước hoàn cảnh mới để khỏi sa chước cám dỗ mà ngay từ tháng năm 1944 mục sư Dietrich Bonhoeffer đã trực giác trước khi bị Hitler hành quyết:

“Giáo hội chúng ta, từ bao năm tháng, đã chỉ tranh đấu để tự tại, như mình là cùng đích của chính mình –và vì thế, không còn sức mang nặng trong mình Lời hoà-giải và cứu chuộc cho con người và thế giới…”

Xin các thế hệ mục tử mai sau chuyên chú đến tín thư này

Lm Nguyễn Hồ Đỉnh CSsR

(trích Thư Nhà số 6, tháng 11/2001 tr. 1-3)

No comments: