Friday 12 November 2010

Lm Chân Tín CSsR: Tinh thần Công đồng Vatican II và Hội Đồng Giám Mục VN


“Giáo hội phải lên tiếng để bênh vực những người nghèo”

Từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, các giám mục đã thường nại đến Công Đồng Vatican II để biện minh cho sự đồng loã với đảng Cộng sản. Bắt đầu từ Tổng Gím mục Nguyễn Văn Bình, sau 30/4/1975, đã gửi tâm thư kêu gọi giáo dân phải “hoà mình vào nhịp sống mới trong tinh thần hoà giải” trong đó ngài viết:

“Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Đây là một niềm vui chung của cả dân tộc Việt nam.”

Và từ đó đến nay, ngoại trừ một số giám mục can cường bảo vệ Giáo hội, bảo vệ con người, bảo vệ công lý và hoà bình (như Đức cha Nguyễn Kim Điền, Đức cha Nguyễn Văn Thuận và các Đức cha Ngô Quang Kiệt, Cao Đình Thuyên, Hoàng Đức Oanh…), đại đa số các giám mục khác đã im hơn lặng tiếng trước những bất công, trước những đau khổ triền miên của con người Việt Nam hôm nay. Và như thế là đồng loã với đảng Cộng sản.

Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, ngay trong lời mở đầu, đã khẳng định rõ ràng:

“Vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (MV 1)

Nhìn lại 35 năm dưới chế độ Cộng sản, ta thấy các giám mục, nhất là Hội Đồng Giám Mục, chưa xem “ưu sầu và lo lắng của con người” Việt Nam hôm nay là của mình. Tự cho mình là những giám mục của Công Đồng Vatican II, hơn hẳn các giám mục miền Bắc bị kìm kẹp dưới chế độc Cộng sản từ 1954 đến 1975, nhưng thực sự các giám mục miền Nam cũng chẳng thấm nhuần tư tưởng, lời dạy và trí ý của Công Đồng Vatican II. Có vẻ những gì “thực sự là của con người” đã không hề gieo được chút âm hưởng nào vào lòng các ngài.

Trước hết, trong nhiều năm trời, rất nhiều dân oan ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác từ các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phuớc, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Bà Rịa, Vũng Tàu… nằm la liệt trên những con đường thành phố Sàigòn đòi công lý. Nhưng Hội Đồng Giám Mục không có một lời nói, một cử chỉ thương yêu giúp đỡ họ. Những người nghèo bị bóc lột, không còn nhà để ở, không còn đất để canh tác, không có công ăn việc làm, đi đòi công lý thì bị đầy từ toà này sang toà khác, từ năm này qua năm khác. Nhưng các giám mục lại bàng quan trước những đau khổ của họ, ung dung đi nước ngoài như đi chợ, im lặng trước bất công, dửng dưng tự tách mình ra ngoài cộng đồng dân tộc. Ưu sầu và lo lắng của con người Việt Nam hôm nay hình như không gieo được một chút âm hưởng nào vào lòng các giám mục Việt Nam!?

Đến khi con cái của Giáo hội bị bắt bớ đánh đập vì đòi công lý và hoà bình, như các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm, Cồn Dầu… Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng vẫn im lặng. Đặc biệt là vụ Đồng Chiêm, như mọi người đều biết, ngoài chuyện đánh đập giáo dân, còn chuyện động trời là Cộng sản đập phá Thánh giá giữa đêm khuya với hàng trăm dân quân cùng chó nghiệp vụ và đủ loại vũ khí, thậm chí dùng cả chất nổ cho nổ tung cây Thánh Giá, biễu tượng thiêng liêng của người Kitô hữu. Khác với các vụ khác, lần này có một số giám mục lên tiếng, nhưng Hội Đồng Giám Mục vẫn im lặng.

Không những thế, tại Rôma ngày 23/6/2009, Đức cha Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý – Đức tin, đã lợi dụng một bài giảng lễ để, một cách long trọng, thanh minh cho sự im lặng thoả hiệp đáng sợ của hàng giám mục trước sự tàn ác của Cộng sản Việt Nam. Đức cha Đọc giảng trước sự hiện diện của tất cả các giám mục Việt Nam đến Rôma gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16, với sự tham dự đông đảo của linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam đang làm việc hoặc học tập tại Rôma, trong một thánh lễ long trọng ở đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Vì thế có thể coi như đó là tiếng nói đại diện Hội Đông Giám mục, và bài giảng đó đúng là bài bào chữa cho sự im lặng của hàng giám mục Việt Nam. Trong bài giảng, Đức cha Đọc đã chỉ dựa vào sự im lặng của Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Đức cha Đọc cố ý quên đi việc Thiên Chúa sai Giêrêmia nói lời của Ngài và sự đảm bảo của Thiên Chúa: “Có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” Thiên Chúa giao cho Giêrêmia một sứ mạng khủng khiếp phải chu toàn:

“Đứng đầu các dân tộc, các nước để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.”

Làm ngôn sứ là phải trả giá. Nhưng hình như các giám mục Việt Nam không dám trả giá như thế, mà chỉ biết loanh quanh biện minh.

Tiếp đó, ngày 13/01/2010, lại có bài “Lên tiếng hay không lên tiếng” trên trang điện tử của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Có thể coi đây thực chất là một bản tuyên bố nói lên lập trường của Hội Đồng Giám Mục. Trong bản tuyên bố này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có ý nói: chúng tôi chỉ đưa ra nguyên tắc chung, còn tại địa phương nào lo địa phương đó. Nói cách khác, Hội Đồng Giám Mục sẽ ăn ngon ngủ yên, mặc cho con cái mình nơi này nơi kia bị bắt bớ tù đày vì đòi công lý, mặc cho đất đai của cha ông như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị cắt dâng cho ngoại bang, mặc cho việc khai thác bôxít độc hại liên lụy đến môi trường sống đã và đang bị ô nhiễm một cách trầm trọng.

Như vậy, Hội Đồng Giám Mục có theo đúng tinh thần của Công Đồng Vatican II không? Có đồng hành với dân tộc hay chỉ đồng hành với đảng Cộng sản? Có sống giữa lòng dân tộc hay chỉ sống giữa lòng đảng Cộng sản?

Hiện nay Hội Đồng Giám Mục đang tiến hành tổ chức Đại Hội Dân Chúa. Đại hội sẽ diễn ra vào tháng 11/2010 sắp tới tại Sàigòn.

Đại hội có đem vấn đề thi hành Công Đồng Vatican II ra thảo luận không? Dân Chúa tại Việt Nam sống giữa lòng dân tộc như thế nào? Làm thế nào để đồng hành thật sự với dân tộc? Làm thế nào để sông lời khẳng định của Công Đồng Vatican II:

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”?

Tài liệu làm việc của Đại Hội đã được gửi đi các nơi, nhưng trong đó chỉ thấy lý thuyết và lý thuyết muôn thuở. Nào là nền tảng thần học, nào là hội nhập văn hoá… Những vấn đề muôn thuở này chỉ cần trình bày trong một số tài liệu để gửi về các giáo xứ học hỏi là đủ. Điều mà Dân Chúa đang mong đợi là câu trả lời thực tế cho các vấn đề nóng bỏng như:

Giáo hội phải đồng hành với dân tộc thế nào trong chế độ Cộng sản? Giáo hội phải sống giữa lòng dân tộc như thế nào để bảo vệ con người, bảo vệ công lý, bảo vệ hoà bình theo tinh thần Công Đồng Vatican II? Đó mới là những vấn đề nhức nhối hiện nay.

Nếu không có trao đổi tự do về những vấn đề đó, thì Đại Hội Dân Chúa sắp tới chỉ là một lễ hội tưng bừng tốn kém mà chẳng ích lợi gì cho ai. Thậm chí chỉ có lợi cho đảng Cộng sản mà thôi. Và thử hỏi, đó có phải là tinh thần Vatican II hay không?

Lm Chân Tín CSsR

20/10/2010

No comments: