Tuesday 23 November 2010

Hồ Công Hưng: Thư gửi con trai đến tuổi biết yêu,

Con H. thân yêu,

Hôm con vừa vắng nhà, ba nhận được vài điện thư (Email) gửi đến cho con, đọc qua ba biết người viết có thể là bạn gái của con. Mặc dầu mẹ bảo ba hủy đi, “để cho con nó học”, ba vẫn chuyển (forward) ngay những thư đó cho con, bởi vì ba nghĩ đây là quyền chính đáng và thiêng liêng của con: quyền được làm quen và giao tiếp với một thiếu nữ mà sau này có thể trở thành bạn đời của con. Con trai ba mới đó mà đã biết yêu rồi. Ba hoàn toàn tin tưởng nơi con, ba tin rằng với những giá trị con có như sự tự tin, lòng hiếu học, tinh thần trách nhiệm, thái độ hợp lý với đồng tiền, lối sống chan hoà, chí tình chí nghĩa với đồng loại v.v…, con thừa khả năng xây dựng một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Với lá thư này, ba chỉ muốn ở bên cạnh con từng chặng đường đời của con để nhắn nhủ đôi điều. Cuộc sống lứa đôi quá quan trọng đối với từng người và ảnh hưởng đến con cháu mai sau, nên mọi sự chuẩn bị đều không bao giờ đủ và các lời khuyên cũng không bao giờ thừa.

Trước hết, tình yêu nam nữ là đặc quyền mà Tạo hoá ban cho con người. Yêu thương sao cho xứng đáng với con người là do giáo dục. Ba luôn bất bình trước hiện tượng đề cao và khai thác quá đáng khía cạnh thú tính của tình yêu nam nữ qua phim ảnh, quảng cáo, Internet… mà người ta gọi đó là văn minh, tiến bộ. Thế giới văn minh, theo ba quan niệm, phải tạo điều kiện cho chúng ta thể hiện tính người một cách tốt nhất và giúp con người sống hạnh phúc, chứ không phải chỉ lo tìm khoái lạc nhất thời. Hôn nhân trong xã hội loài người chỉ có thể dựa trên tình yêu. Thế mà rất nhiều người lấy nhau vì một toan tính nào khác, chứ không cần yêu và kết quả là họ có một đời sống vợ chồng hết sức vô vị.

Tình yêu đích thực là sự giao lưu giữa hai tâm hồn nên luôn chân thật. Hễ yêu thì phải yêu chân tình, yêu hết lòng, vì người thiếu nữ nào cũng xứng đáng với một tình yêu như thế. Con không nên bao giờ đùa với tình yêu: yêu chơi, yêu giỡn, yêu thử, yêu giả… đều bất xứng và phải trả giá. Có những nguời con trai, có thể con từng gặp trong số bạn bè, lo nghiên cứu tâm lý bạn gái chỉ để chinh phục thật nhiều cô nhẹ dạ và khoe khoang thành tích của mình. Theo ba nghĩ, họ đã phạm một tội ác là tiêu hủy niềm tin vào tình yêu chân thật nơi những người thiếu nữ mà họ lừa gạt cũng như nơi chính bản thân họ.

Còn con dâu tương lai của ba mẹ như thế nào, đó là quyền tự do lựa chọn của con: mập ốm, cao thấp, tóc dài hay ngắn, thông minh lanh lợi hay hiền lành, vv… hoàn toàn tùy con miễn là con yêu thật lòng. Nhưng nếu con hỏi ý kiến của ba: Người thiếu nữ đó cần có đức hạnh nào trước tiên, thì với một ít kinh nghiệm sống, ba có thể khẳng định ngay không do dự: Đó là lòng nhân ái và một chút khiêm tốn.

Có một người vợ nhân hậu, con sẽ rất yên tâm vì có “bà tiên” trong nhà, nghĩa là một người không những âm thầm vui vẻ phục vụ chồng con, không hề kể công hay phàn nàn, mà còn biết sống phải đạo với bà con trong gia đình, xóm giềng, bạn hữu xa gần… Còn tính của người vợ giúp cho gia đình luôn êm ấm. Khiêm tốn không phải là tự hạ mình xuống, mà chủ yếu là thái độ sống phù hợp với sự thật. Người khiêm tốn biết giới hạn của sự hiểu biết và khả năng mình. Ba biết tính con hơi cọc và khó, con không thể chịu đựng nổi cảnh con vừa đi làm về mệt nhọc mà gặp phải người vợ lải nhải những câu đại loại: “Trong nhà chỉ có một mình con này lo…”

Nhưng làm sao để con biết được một người thiếu nữ có lòng nhân ái và khiêm tốn? Kinh nghiệm cho thấy khi làm quen nhau, nhất là khi đã trở nên thân thiết, người ta không còn đủ sáng suốt để biết rõ con người thật của nhau. cách tốt nhất là quan sát bà mẹ nàng mà ba thường hay gọi đùa là “gấu mẹ vĩ đại”, nhìn cư xử của bà với chồng con, với người giúp việc, kẻ làm công, người nghèo khó… Dấu ấn của giáo dục gia đình ghi lại rất sâu đậm nơi mỗi người, dù học cao hay thấp, mà không phải ai cũng ý thức được để điều chỉnh. Ông bà mình từng nói “Lấy vợ xem tông…” là thế…

Kinh thánh có một câu mà trong các lễ cưới ở nhà thờ thường nghe đọc: “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ, anh em… để yêu thương gắn bó với vợ mình hầu cả hai nên một thân xác và một tâm hồn.” Thiết nghĩ, không có quan niệm hôn nhân nào nhân bản và xác đáng hơn. Việc trở nên một thân xác thì dễ hiểu rồi, cần có sức khoẻ và biết quan tâm đến nhau, còn sự hoà hợp giữa hai tâm hồn đòi hỏi một sự tương đồng về văn hoá, trình độ hiểu biết, niềm tin, nhân sinh quan, vv… Mặc dầu chuyện yêu đương vợ chồng là hạnh phúc riêng của hai người, nhưng hạnh phúc đó sẽ trọn vẹn hơn, viên mãn hơn nếu hai người được hội nhập vào đại gia đình của nhau.

Con không chọn ba mẹ, không chọn cái gia đình con sinh ra nhưng khi ba gặp mẹ, ba đã nghĩ đến con. Nói như thế ba muốn con hiểu khi con chọn người bạn đời thì con cũng chọn người mẹ tương lai của những đứa con của con, nghĩa là con chịu trách nhiệm đối với con cái về sự lựa chọn đó. Dân gian có câu “Con hư tại mẹ…” không phải là điều vô lý và bất công đâu.

Sau cùng, dù con chọn ai là bạn đời của con thì cũng đừng quên: Ba mẹ có quyền và bổn phận đứng về phía con dâu của ba mẹ mà đòi hỏi con phải tôn trọng và yêu quí nàng suốt đời con.

Ba mong con luôn tin ở mình, ở cuộc sống và tin nơi một người thiếu nữ đang ở đâu đó mà trong tương lai sẽ chia sẻ buồn vui với con và đem lại hạnh phúc cho con trên cõi đới này.

Ba của con,
Hồ Công Hưng
(trích Thư Nhà số 3, tháng 5/2001, tr. 12)

No comments: