Tuesday 30 November 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Mùa Giáng Sinh – Mùa đối thoại


Mùa Giáng Sinh sắp trở về với chúng ta. Nói đến mùa Giáng Sinh, tức là nói đến mùa đối thoại vĩ đại, vì đây là lúc Thiên Chúa hoàn tất cuộc đối thoại mà Người đã khai mào từ lâu về trước:

“Đã nhiều lần và nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa dùng các tiên tri mà nói với cha ông. Nhưng đến thời sau hết, tức là những ngày này, Nguời đã nói với chúng ta nơi một Người Con mà Người đã đặt làm kẻ thừa hưởng cả vạn vật.” (Dt 1: 1-2)

Để đối thoại với con người, Thiên Chúa đã làm người, nói tiếng loài ngưòi, sinh sống lao nhọc như bao người khác. Và Thiên Chúa đối thoại với chúng ta là để đưa chúng ta vào ánh sáng và tình thương của người. Mầu nhiệm Giáng sinh nói lên cuộc đối thoại lạ lùng giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, Giáo hội ngày nay hơn bao giờ hết muốn đối thoại với thế giới. Giáo hội của Công Đồng Vatican II đã mở toang cánh cửa để nhìn thế giới, để chấp nhận thế giới, để đi đến với thế giới, để phục vụ thế giới. Như Chúa Kitô đã đến trong thế gian và sống giữa chúng ta, thông vào bản tính nhân loại của chúng ta, để chúng ta thông phần vào bản tính Thiên Chúa của Người, thì Hội thánh cũng biết mình sống trong thế gian và tham gia vào những hoạt động của con người, để thông cho con người sự sống của Thiên Chúa. Hội thánh gồm những con người và được thiết lập cho con người. Giáo hội của Công Đồng Vatican II đã đem lại một tinh thần mới, một thái độ mới: tinh thần và thái độ đối thoại.

Tinh thần và “đối thoại” ấy khác hẳn với tinh thần và thái độ “độc thoại”, càng khác hẳn với tinh thần và thái độ “đối chọi”. Đức Gioan 23, Đức Phaolô VI cũng như các nghị phụ đã đề cao tinh thần đối thoại đó. Theo lời mục sư Casalis, giáo sư phân khoa thần học Tin Lành Balê, thì Đức Gioan 23 là con người có tinh thần đối thoại, tức là

“tinh thần nhìn nhận tha nhân, tôn trọng tha nhân, ý muốn tìm hiểu và lựa lời nói cách nào để không làm tổn thương đến tha nhân và hạ giá họ bằng cái lối đơn giản hoá tư tưởng của họ.”

Đức Paholô VI cũng đã long trọng xác định thái độ của Giáo hội đối với thế giới, ngay trong bài diễn văn khai mạc khoá II của Công Đồng:

“Hội thánh không đứng ngoài thế giới để phán xét thế giới, nhưng là đi đến với thế giới, cùng chung một vận mệnh với thế giới, để đối thoại với thế giới và phụng sự thế giới. Mặc dầu biết thế giới còn nhiều điều đáng buồn, nhưng Hội thánh vẫn không kết án một ai, chỉ biết thương yêu, thông cảm, vui mừng, hy vọng và cứu vớt.”

Ngài nói:

“Giờ đây, như chúng tôi đã nói, tâm hồn chúng tôi và tâm hồn Giáo hội triệu tập thành Công Đồng, chỉ biết yêu thương. Chúng tôi muốn nhìn thời của chúng tôi, và mọi biểu hiệu dị đồng, đối lập của nó, với con mắt thiện cảm sâu xa, với lòng tận tình mong ước được cống hiến cho loài người ngày nay bản sứ điệp tình thương, ơn cứu độ và nguồn hy vọng mà Chúa Kitô đã đem đến cho thế gian. Thiên Chúa không ban Con Một Người đến trong thế gian để kết án thế gian. Vậy thế giới nên biết: Hội thánh nhìn họ với tâm tình thông cảm sâu xa, vối một ý thán phục chân thành, thành thực và sẵn sàng: không phải để chế ngự họ, nhưng để phụng sự, không để hạ giá họ, nhưng để đề cao; không để kết án họ nhưng để nâng đỡ và cứu vớt họ.”

Trong thông điệp Ecclesiam Suam, Đức Phaolô VI đã dành một phần lớn nói về vấn đề đối thoại. Ngài đã nêu cao gương mẫu đối thoại của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh và ngài đã nhận rằng: Đối thoại phải là đặc điểm trách nhiệm Giáo hoàng” của ngài. Và trong ngày bế mạc Công Đồng Vatican II, ngài còn nhấn mạnh hơn nữa:

“Công Đồng Vatican II là Công đồng đặc biệt của đối thoại. “Một trào lưu yêu đương và cảm phục đã từ Công đồng tràn ngập lên trên thế giới ngày nay. Những giá trị của thế giới không những được quí trọng, nhưng còn được tôn sùng; những cố gắng được nâng đỡ, những ước vọng được luyện sạch và chúc lành.”

Cũng một tinh thần với Đức Gioan 23 và Paholô VI, các nghị phụ đã kết thúc thái độ đối thoại nơi hiến chế mục vụ về Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay. Ngay trong mấy lời mở đầu, Công Đồng đã tuyên bố liên đới với thế giới ngày nay:

“Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và các mối lo âu của con người hôm nay cách riêng của những người nghèo và của tất cả những ai đang đau khổ, cũng là mừng vui và hy vọng, đau buồn và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô: Không gì đích thực nhân loại mà lại không có tiếng vang trong cõi lòng các tín hữu Chúa Kitô. Cộng đoàn Kitô hữu thành lập những con người đó, đã được thâu họplại trong Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần hưóng dẫn trên bước đuờng đi về Nước Cha; họ là những người mang sứ điệp cứu rỗi cho tất cả. Cho nên Hội thánh tự cảm thấy thật sự và sâu xa liên đới với nhân loại và toàn khối lịch sử của nhân loại.”

Giáo hội không sống ngoài Lịch sử của con người. Cuộc hành trình của Dân Chúa đã bắt đầu khi có loài ngườ và sẽ chấm dứt với ngày cánh chung. Cuộc hành trình này nằm ngay trong Lịch sử của thế giới. Lịch sử của con người hôm qua, hôm nay và ngày mai, với những lo âu hy vọng và vui mừng của nó. Không có vấn đề cứu rỗi ngoài Lịch sử ấy. Chính vì đó mà Thiên Chúa đã muốn làm người để cứu rỗi chúng ta, làm người với tất cả bi đát cuộc đời. Lịch sử là thời ân sủng Thiên Chúa ban cho con người, để con người được cứu thoát. Tình yêu của ta đối với anh em đồng loại không thực hiện ngoài thời gian, nhưng trong thời gian, trong Lịch sử.

Trong tinh thần liên đới với thế giới, Giáo hội muốn đối thoại với thế giới, phục vụ thế giới:

“Công Đồng, có sứ mệnh làm chứng và hướng dẫn lòng tin của Dân Thiên Chúa, một Dân đã được thu họp bởi Chúa Kitô, thiết nghĩ rằng không còn cách nào để có thể mang lại cho gia đình nhân loại, môi trường sống của Dân Thiên Chúa, một bằng chứng liên đới và yêu mến lớn lao hơn và dấn thân đi vào cuộc đối thoại với gia đình nhân loại.”

Giáo hội đối thoại với thế giới ngày nay, vì Giáo hội tin ở con người. Giáo hội của Vatican II có một thái độ lạc quan rõ rệt và chân thành đối với con người.

Giáo hội là chính Đức Kitô được tiếp tục giữa trần gian. Vì thế Giáo hội không thể nào có một thái độ nào khác thái độ Chúa Kitô,

“Đấng đã đến trong thế gian, để làm chứng cho sự thật, để cứu thoát chứ không phải lên án, để phục vụ chứ không để được cung phụng.”

Đức Kitô đã đến với con người, sống với con người, chia nỗi vui và hy vọng của con người, đối thoại với con người, phục vụ con người. Giáo hội không thể làm khác.

Mùa Giáng Sinh là mùa đối thoại vĩ đại giữa Thiên Chúa và loài người. Vì thế, cứ mỗi lần Mùa Giáng Sinh trở về, là chúng ta khao khát một cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới ngày càng phong phú, càng tốt đẹp, ngõ hầu nhân loại được hưởng hoàn toàn ánh sáng và tình thương của Chúa Kitô, vì không có “ơn cứu rỗi nào ngoài Chúa Kitô.”

Lm Chân Tín, CSsR

12/1966

No comments: