Tuesday 31 August 2010

Lm Richard leonard sj : Bậc thầy kinh nghiệm


Trong mọi lúc hãy giữ lòng cao thượng

Không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông

Xóa hận thù bằng mọi dấu yêu thương

Mỗi kinh nghiệm là một thầy dạy dỗ.

(thơ Nguyên Đỗ).

“Giận dữ, ghen tương cùng tỵ hiềm xót xa”, nhất nhất đều là đau thương đuối ngã trên đường đời. Con đường lâu nay vẫn thắm đượm nhiều kinh nghiệm cần lướt thắng. Lướt, bằng yêu thương. Thắng, bằng tha thứ. Bằng, giữ lòng cao thượng như Chúa dạy. Suốt hôm nay.

Lời Chúa dạy, thoạt nghe ta tưởng đó như nghịch lý. Rất khó nghe. Nghịch lý và khó nghe là bởi, nếu không thận trọng, ta những tưởng Chúa dạy phải giận hờn ghét ghen. Ghét vợ. Ghét con. Ghét cha mẹ. Người thân. Không thận trọng, ta cứ tưởng: ghét như thế, mới gần được Chúa. Với Cha.

Không. Không phải thế. Trình thuật, nay thánh Luca muốn diễn bày quyết tâm của đồ đệ theo Chúa. Thánh sử diễn tả bằng lời lẽ, rất triệt để. Điều, mà thánh nhân nói, là: khi dấn bước theo Chúa, con dân nhà Đạo nên dứt khoát tư tưởng, cho trọn tình. Trọn nghĩa. Trọn tâm can. Trọn tình vẹn nghĩa, tức chấp nhận lối cảm nghiệm rất sâu sắc, về cuộc đời. Rất cảm nghiệm. Để rồi, đem thái độ sống vào chính đường mòn ta đi. Trong đời.

Đọc Tin Mừng thánh Luca với đầu óc hoàn toàn cởi mở, không theo theo nghĩa đen, hoặc không thành kiến rất tối, người đọc hẳn sẽ nhận ra rằng: thánh Luca không có ý bảo: hãy ghét hết mọi người. Hoặc, ghét chính mình. Ngược lại, thánh sử kêu gọi người người hãy yêu thương giùm giúp lẫn nhau. Yêu thương giùm giúp, mà chẳng cần tìm hiểu hoặc cứu xét xem người ấy là ai. Người ấy, có đáng yêu không. Cũng chẳng cần xét xem người ấy có là họ hàng người thân, không.

Những gì Đức Kitô căn dặn nơi trình thuật, lại đã đưa ta về với xác tín ta vẫn có, từ trước. Đặc biệt hơn, dụ ngôn kể về người Sa-ma-ri tốt bụng, từng đề cập khi trước. Điều này còn ghi nơi lời nguyện cầu “Lạy Cha”, Chúa vẫn khuyên. Xem như thế, là đồ đệ theo chân Chúa, hết thảy đều phải tâm niệm câu nói nằm lòng “tứ hải giai huynh đệ”. Tức, anh em bốn bể đều là người nhà. Con cái muôn phương đều một Cha. Người Cha yêu thương. Ở trên trời. Đó là điều Chúa dạy tất cả các người con dưới thế: hãy yêu thương nhau như con một nhà.

Trình thuật, nay nhấn mạnh đến nền tảng của Đạo: là tương quan với Chúa. Tương quan – hiệp thông, được dẫn chứng bằng đường lối ta cư xử với các người anh, người chị cùng một Cha. Đường lối cư xử, tức cách xử sự của những người con cùng Cha trên trời, không tùy vào hệ thống quân giai rắc rối, như ở đời. Cũng chẳng tách bạch họ hàng, như gia tộc. Tương quan hiệp thông với Chúa, không thể cân đong đo đếm bằng danh xưng/chức tước, tiền bạc/của cải. Tôn giáo. Nghề nghiệp. Hoặc giai cấp xã hội. Tương quan với Chúa, là tâm tình thân thương trìu mến được diễn bày với người dưng khác họ, ở đâu xa.

Trình thuật, nay còn bàn về tương quan ta đang có giữa những người anh em đồng hội đồng thuyền, gần gũi ta. Trong tương quan đối xử, điều quan trọng không nằm ở chỗ: người này/người kia đánh giá thế nào về ta. Nhưng, bằng vào mức độ ta quan tâm chăm sóc hết mọi người. Như thế nào. Quan tâm chăm sóc, còn được gọi là lòng xót thương/trìu mến thể hiện qua cử chỉ và tâm tình khi ta tiếp xúc với người dưng khác họ, thôi.

Ai tìm sự bình an/hài hoà nơi động thái quan tâm chăm sóc người ngoài luồng, ngoài Đạo, thì người ấy sẽ cảm nghiệm được điều mà thánh Phao-lô khẳng định trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Do thái: “Nơi anh chị em phải đến, đó chính là núi Sion. Là chốn thành đô của Thiên Chúa cùng với toàn thể Hội thánh. Ở nơi đó mỗi người là “trưởng tử” và là công dân của Nước Trời.”

Trình thuật hôm nay cũng nhấn mạnh thêm điều này: chúng ta đương nhiên là đã yêu thương người thân thuộc cùng giòng họ. Không cần nói cũng biết. Nhưng, điều hệ trọng Chúa ân cần dặn dò, là: nếu chỉ yêu thương đùm bọc người thân yêu ruột thịt mà thôi, như thế không trọn nghĩa. Vẫn chưa đủ.

Giả như, ta chỉ thỏa mãn ước nguyện của người thân yêu/ruột thịt mà chẳng đoái hoài gì đến nhu cầu và thân phận của người dưng khác họ, nào khác; tức là ta đã bất công với gia đình rộng lớn gồm những người con cùng Cha trên trời. Nếu không nhận ra người anh người chị trong gia đình lớn như người thân thuộc, ta không thể nào trở thành đồ đệ của Thầy Chí Thánh. Bởi, như thánh sử Luca ghi rõ:“Mỗi lần các ông từ chối không chăm sóc những người anh chị em của Ta, tức là các ông từ chối chính Ta.

Nếu chỉ yêu thương đùm bọc mỗi giòng họ người thân của mình, thôi. Đó là thứ “ghét bỏ” mà Đức Giê-su không muốn con cái và đồ đệ Ngài thực hiện. Nói tóm lại, là người theo Chúa đích thật, ta phải nhận ra sao bản của Thầy Chí Thánh nơi tất cả những người anh/người chị thân thương hoặc chỉ là người dưng khác họ, không hơn không kém.

Yêu thương đùm bọc mà Chúa nói đến, còn được thánh Phao-lô bổ túc bằng thư tâm tình xin anh Phi-lê-môn nhận người dưng khác họ là nô lệ Ô-nê-xi-mô làm người anh em thân thuộc: “Tôi xin anh cho đứa con sinh ra trong cảnh xiềng xích, xin gửi về anh để xin anh đón nhận như người ruột thịt.” (Plm 1: 10-14).

Tình yêu thương mà thánh nhân đề cập là tha thứ cho những gì mà người nô lệ trẻ Ô-nê-xi-mô đã từng làm. Nay, thì người nô lệ ấy đã trở thành anh em cùng nhà. Nhà, của tín hữu Đức Kitô Nhân Hiền. Ở nơi đó, mọi người coi nhau như anh em ruột thịt.

Cuối cùng, ghét bỏ mọi hình thức thân cận, ruột thịt là để ta có được tự do mà theo đuổi sự thật. Sự thật về lòng yêu thương đùm bọc luôn thăng hóa. Và, khi đã thăng hóa trong yêu thương như thế, mọi người theo chân Chúa sẽ tự tạo cho mình niềm phấn khởi sẵn sàng lập một hành trình. Hành trình luôn “có lòng cao thương; không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông”. Nhưng, xóa bỏ hận thù bằng mọi dấu yêu thương”.

Xóa bỏ hận thù rồi, ta sẽ hân hoan hơn lên mà tiến bước. Tiến về nơi có những vui mừng và hy vọng đang chờ đón. Hân hoan để rồi cùng với các nghệ sĩ “người dưng”, cất lên lới ca ý nhị thuở nào:

Hãy ngồi xuống đây

Hãy ngồi xuống đây

Xa cơn buồn phiền

Dẫu biết chia phôi

Nhưng trong cuộc đời vẫn có đôi ta… (Lê Uyên Phương – Hãy ngồi xuống đây)

Vâng. Hãy ngồi xuống với nhau. Bỏ hết ưu tư cách biệt của người dưng khác họ. Vì đã có Lời Chúa làm bằng, nay ta đã trở thành người thân. Đã xa cơn buồn phiền. Ngồi xuống với người thân, vì cuộc đời vẫn có đôi ta. Có chúng ta, những người con cùng một Cha. Cha trên Trời. Cha của Nước Trời. Ở dưới thế.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá diễn tịch

No comments: