Thursday 5 August 2010

Lm Richard Leonard sj: Ngày vui không dễ nói ra lời


Em cũng giống như cơn mưa,

như trận gió lúc sang hè

làm thức tỉnh hồn tôi nhiều biến động

tôi im lặng, bàng hoàng khi được sống

một ngày vui không dễ nói ra lời.

(thơ Bằng Việt)

Hồn anh chỉ tỉnh thức lúc sang hè đầy biến động, thôi sao? “Biến động” hay “im lặng bàng hoàng khi được sống”, chưa hẳn là thái độ phải có, như vẫn được dặn nơi Phúc Âm. Phúc Âm hôm nay, có lời dặn của Đức Chúa khuyên ta hãy tỉnh thức, lúc chủ về. Tỉnh thức với tất cả sự thận trọng cần thiết. Tỉnh thức, vì không biết giờ nào và thái độ của chủ sẽ ra sao, khi ông trở về. Tỉnh thức và đề cao cảnh giác, kẻo kẻ trộm đến bất thần, lúc nửa đêm.

Chẳng cần nói ta cũng biết, phần đông mọi người đều kinh nghiệm rằng: vì không tỉnh thức, nên mỗi lần kẻ trộm đến nhà thường có mất mát. Mất tiền mất của, mất niềm tin tưởng vì thiếu thận trọng. Có khi mất cả báu vật - người thân, và có khi mất cả chính mình nữa vì thiếu cảnh giác. Thành thử, biết tỉnh thức như lời Chúa dặn, không những không bị mất mát, mà còn được hiệp thông sự sống với toàn thể nhà Đạo. Hiệp thông với con dân ngoài đời, ở chung quanh.

Điều Chúa nhắn nhủ hãy tỉnh thức, vẫn là chuyện hệ trọng. Hệ trọng, không chỉ vì mức độ của mất mát với “biến động”, mà thôi. Nhưng, hệ trọng còn vì phẩm chất của sự sống, nữa. Phẩm chất sự sống, điều mà Tin Mừng căn dặn, bao gồm năm đặc điểm:

Trước nhất, khi tỉnh thức, người tín hữu Đức Kitô luôn hiệp thông san sẻ cả nỗi ưu tư lẫn những gì mình đang có với người túng thiếu, rất cần.

Kế đến, khi thận trọng tỉnh thức, con dân nhà Đạo luôn ăn ở cho công bằng, phải phép với hết mọi người.

Và, khi đã thức tỉnh không còn nhiều “biến động”, người nhà Đạo sẽ nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa, trong đời thường.

Khi cảnh giác về sự hiện diện của Ngài, ta không sách nhiễu phiền hà bất cứ ai. Ngược lại, sẽ sống hiền hòa, bình lặng cùng mọi bằng hữu chốn Nước Trời.

Và, có thận trọng tỉnh thức, người nhà Đạo sẽ nhận ra là: Đức Chúa sẽ quang lâm đến lại, vào mọi lúc.

Bởi vậy, đời sống người tín hữu Đức Kitô nên cảnh giác quan tâm đến linh đạo cần thiết cho đời mình.

Hơn hai thiên niên kỷ vừa qua, dân con nhà Đạo vẫn chờ đợi ngày Chúa quang lâm đến lại. Nhưng, điều đáng buồn là: trong lúc chờ đợi, người người vẫn sống đời bon chen phức tạp, đến độ hành vi của mình đi ngược lại lời dặn của Đức Chúa. Chính vì thái độ sống như thế, ta chuốc lấy vào người, mất mát lớn. Mất mát về một hạnh phúc đích thật. Buồn thay, mất mát ấy lại là bi kịch của cuộc sống. Do có bi kịch mất mát, ta hãy nên xét lại phương cách sử dụng quà tặng Chúa ban, như một bài học để mà đổi thay.

Thiếu xem xét. Thiếu cảnh giác. Thiếu thận trọng tỉnh thức, nên thảm kịch mất mát vẫn xảy đến với cuộc đời, bằng mọi hình thức. Rất đa dạng. Lời dặn dò “hãy tỉnh thức”, còn được thánh Phao-lô bổ sung thêm, ở bài đọc thứ hai. Thánh nhân qui về chuyện của Áp-ra-ham coi đó như mẫu mực cho mọi thức tỉnh. Thánh nhân nhấn mạnh: nhờ niềm tin yêu có cảnh giác, mà Áp-ra-ham mới tuân theo lời Yavê Thiên Chúa kêu gọi làm cuộc hành trình dựng xây trời mới/đất mới. Trời mới/Đất mới này, có sự kế thừa mà Yavê tặng ban cho riêng ông. Cho đông đảo lớp hậu duệ .

Quả thật, hành trình mà thánh Phaolô muốn cộng đoàn tín hữu Đức Kitô để tâm bắt chước ông Áp-ra-ham không phải là để ra đi làm một cuộc du hành vào chốn không định hướng. Nhưng, là tìm ra phương cách thoả đáng có giá trị trong cuộc đời. Hành trình mà thánh Phao-lô đề nghị, bao gồm các kinh nghiệm ta sẽ trải qua. Đó chính là cách thế ta xử sự, đối với nhau. Với Đạo.

Hành trình, là hành trình sống. Hành trình, là nhờ đó ta tìm gặp người anh người chị cùng đồng hành với ta. Hành trình, là đáp lại Lời Chúa dặn dò. Và hành trình Ngài vẫn dặn, còn là đá tảng thôi thúc chính mình đi vào với thăng tiến cá nhân. Thăng tiến hướng thượng, để rồi sẽ gặp gỡ Đức Chúa.

Thăng tiến bản thân, như người người vẫn làm. Làm chung một hành trình cùng với bạn hữu gặp thấy trên đường. Thăng tiến, sẽ giúp bản thân mình đáp ứng lời dặn dò của Đức Chúa. Đáp lại trong yêu thương tôn trọng sự thật. Ứng xử, để cùng nhau đi vào cuộc sống có cảnh giác. Cuộc sống luôn biết thận trọng. Và khi đã đáp ứng có thận trọng - tỉnh thức, người người sẽ không còn “im lặng bàng hoàng”. Nhưng, “sống một ngày vui không dễ nói ra lời”.

Ngày vui không dễ nói thành lời, là hành hương về với Chúa, Là có một hành trình như Áp-ra-ham và giòng tộc ông trước đây đã sống. Sống ở lều, nhưng lòng ông vẫn hướng về phía trước. Hướng về Đấng Yavê Thiên Chúa. Sống sự thận trọng, luôn tỉnh thức. Hướng về Nước Trời được Thiên Chúa hứa ban. Nước Trời Chúa ban, là xã hội của những người công chính, sống rất an bình.

Sống vui và thận trọng, ta sẽ nhận được mọi sung mãn giàu sang đích thực. Giàu sang không chỉ cho riêng mình. Nhưng sẻ san cho tất cả. Tất cả cùng an bình. Sống như thế, ta mới sẵn sàng gặp gỡ Đấng Cứu Độ, vào mọi lúc. Gặp Ngài, ta sẽ nhận ra rằng: ta vẫn sống với Ngài trong tương quan với người anh, người chị cùng yêu thương đồng hành. Những người anh em thân thương phục vụ trong cuộc sống, rất chung đụng.

Hành trình sống có tỉnh thức, ta sẽ gặp được nhiều điều mà mình tìm kiếm. Gặp trong yêu thương. Gặp trong vinh dự, như ý lời diễn bày trong nhạc bản của mà nghệ sĩ xưa vẫn kiếm tìm:

Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi

Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới

Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người

Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông.


Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi

Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới

Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người

Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi.

(Phạm Duy – Tìm nhau)

Đúng thế. Có “tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu”, mới “gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái” để “tâm hồn được nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi “dưới Đức Tin bao la phơi phới”. Đúng như tâm tình mà nghệ sĩ họ Phạm từng thổ lộ. Thổ lộ với anh. Với chị. Và với tôi. Với hết mọi người đang đi tìm. Tìm nhau. Tìm Chúa ở trần gian. Bên nhau nơi Nước trời. Chốn Nhân gian có kinh cầu một hồi chuông. Chuông canh thức. Chuông hy vọng. Và tỉnh thức.

No comments: