Wednesday 25 August 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chứng nhân của thời đại


Thứ Năm 5.8.1988

11g: Anh chị Nguyễn-Lý-Tưởng , giáo sư Sử học đã có một nhiệm kỳ làm dân biểu hồi trước 75 mời ăn mừng kỷ niệm 20 thành hôn. Ngoài em út trong gia đình, chỉ có cha Chân-Tín, mình, anh Phan-Phát-Huồn và nhạc sĩ Vũ-Thành-An. Anh Huồn và anh An là bạn của anh Tưởng từ trong trại cải tạo. Anh Tưởng và anh Huồn đều đã nghiên cứu nhiều về lịch sử đạo Công giáo ở Việt Nam. Nói chuyện với họ, mình học được nhiều chi tiết thú vị. Anh Huồn đã từng đọc ở thư viện Dòng Đa-Minh bên Manila cả một lá thư của vua Cảnh-Thịnh (Tây Sơn) gửi cho vua Tây-Ban-Nha để xin giúp quân và khí giời đánh lại Nguyễn Ánh. Còn anh Tưỏng thì cho biết có những sử liệu cho thấy là khi Pigneau de Béhaine về Pháp cầu viện cho Nguyễn Ánh, vua quan triều đình Pháp chẳng ai muốn nghe theo ông giám mục. Trừ bà hoàng hậu quá sùng đạo. Người ta đã bảo nhau chẳng cần mất thì giờ bàn qua tính lại với Bá-Đa -ộc làm gì, chỉ ký đại một tờ giao ước… lấy có (pro forma) cho vui lòng hoàng hậu. Rồi triều đình gửi mật thư cho Conway ở Pondichéry bảo tờ giao ước Bá-Đa-Lộc cầm tới không phải là để thi hành.

Thì ra cớ sự còn đến như vậy nữa! Chỉ càng thêm đáng thương cho cái “mốc lịch sử” của Nguyễn-Khắc-Viện.

Đang ngồi nói chuyện với cha Chân-Tín thì có tiếng gõ cửa thá …thô bạo. Một cụ già với râu tóc, dáng dấp khả kính bước vào và hỏi: “Có phải linh mục Chân-Tín ở đây không?” Mình bèn rút lui ra bàn làm việc ở phòng ngoài. Nhưng chỉ vài phút sau cha Chân-Tín lại đưa ông ra: “Bác muốn gặp anh đó.”

Ông cụ là Nguyễn-Văn-Trấn, tác giả cuốn “Chợ Đệm quê tôi” đã gây dư luận khá sôi nổi vì cả lối nghĩ lẫn lối viết khá…ngang. Bây giờ bác Trấn đang muốn viết về Trương-Vĩnh-Ký. Cũng như bác đã viết về Phan-Thanh-Giản hay sẽ viết về Nguyễn-An-Ninh: “Nguyễn-Thị-Bình và đám con cháu Nguyễn-An-Ninh xin tôi viết nhưng tôi nhất định phải viết xong về Trương-Vĩnh-Ký đã mới đụng tới Nguyễn-An-Ninh.” Toàn là những nhân sĩ miền Nam mà ‘người ta’ vẫn đánh giá quá thấp và sai bét: Tôi là người cộng sản nhưng những tay bôi bác Phan-Thanh-Giản hay Trương-Vĩnh-Ký như thế là ‘communistes vaniteux’.

“Tôi đọc bài ‘Nói chuyện tử đạo với ông Nguyễn-Khắc-Viện’ của ông, tôi thấy ông là người có thể giúp tôi viết về Petrus Ký (à này, Petrus không có dấu sắc trên chữ e chớ, phải không ông). Thậm chí ông đứng tên chung với tôi đi.”

-Bác có cách nhìn như vậy về Trương-Vĩnh-Ký, cháu vui lắm. Bác làm việc này là đúng lúc rồi đó. Từ hơn mười năm nay, người ta cứ lăm le san bằng một Trương-Vĩnh-Ký để xây dựng sản xuất đó. Nhưng cháu không viết với bác được đâu. Cháu chỉ xin ra sức tìm tài liệu giúp bác.

Tiếp bác Trấn xong còn phải vội về chở Thanh-Vân và Lan-Chi đi Phú-Lâm ăn giỗ. Lại …ăn, mà mình đang muốn bị cảm. Bèn chỉ ngồi nhìn các món ăn và nhấp nháp vài miếng lấy có.

18g, đi thăm Hồ-Công-Hưng. Đúng như mình và Thanh-Vân đoán, Hưng đau từ cả tháng nay. Bệnh hoại tử đường ruột. Hưng trông phờ phạc hẳn đi. Mất 10 ký là ít. Hèn gì đã lâu ‘không thấy Hưng ghé nhà’. Thanh-Vân và mình ân hận đã không đi thăm gia đình Hưng sớm hơn.

Báo SGGP có bài: ‘Chung quanh việc tăng giá xăng dầu: đúng và sai’. Trước tiên là sự việc:

“Từ cuối tháng trước…số lượng cây xăng ngưng hoạt động nhiều. Giá xăng chợ đen vọt lên (…). Phóng viên báo SGGP đã đến gặp đồng chí Trần-Văn-Thiệu, giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 2 và được trả lời: vì luợng xăng đưa về không đúng kế hoạch. Kể từ 5.8, Công ty sẽ mở cửa các cây xăng bán tự do với giá 400 đồng/lít như cũ ( báo SGGP, ngày 6.8). Nhưng chỉ bốn ngày sau đó Công ty Xăng dầu Khu vục 2 lại ra thông báo: kể từ 9.8, giá xăng được điều chỉnh lên 800 đồng/lít.”

Rồi đặt vần đề: “Vì sao có sự nâng giá gấp đôi một cách đột ngột và phải giữ bí mật với dân như thế?”

Hỏi và bàn lui bàn tới thì cũng là chuyện đã rồi. Và sẽ còn những chuyện đã rồi như thế mãi. Bao lâu còn có lối quản lý độc quyền và nhân dân vẫn quen với những vụ tăng giá gấp đôi gấp ba tương tự để rồi mọi thứ đều thi đua lên giá theo.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(x. Xung quanh vụ Phong Thánh Tử Đạo, Nhật ký 1988, Tin Paris 1993 tr.145-146)

No comments: