Monday 26 July 2010

Phaol-lô Vũ Văn Thiện CSsR: PHÁC HOẠ CHÂN DUNG ĐỨC CHA PAUL SEITZ


Người cao lớn, không mảnh khảnh, không mập. Tóc húi “cua”, râu quai nón. Luôn mặc xu-tan đen đơn giản dù làm Giám Mục. Đặc điểm của Đức Cha về bộ lót: áo cánh ta kiểu xưa, và quần soọc Ka-ki. Chân luôn xỏ xăng-đan, bình dân, giản dị.

Một khuôn mặt đúng là “tiền định”. Bất cứ ai nhìn vào cũng bị thu hút ngay giây phút đầu tiên: với cặp mắt hiền từ nhưng tinh anh, với nụ cười mời gọi nổi lên giữa bộ râu quai nón được chăm sóc kỹ mỗi ngày. tẩu thuốc vốn là thói quen đi theo cuộc đời, không phải vì nghiện, mà là phương tiện để suy nghĩ mơ tưởng, và cũng để phục vụ cho bầu khí tiếp xúc với người đối thoại. Đức Cha không nghiện thuốc, bằng cớ là suốt cả Mùa Chay, từ hồi nào đến giờ, Người không hề hút thuốc, vì muốn hãm mình kính Chúa chịu nạn, và cũng để làm gương cho con chiên.

Xin trở lại cặp mắt và nụ cười của Đức Cha Kim. Nó là cửa sổ tâm hồn “bố”. Nó là hiện thaân sự mời mọc, lời chào đón và lòng nhân hậu. Ai đến gần “bố”, nụ cười ấy, ánh mắt ấy chỉ qua một lần tiếp xúc, sẽ ở lại với người bạn nào đó suốt đời, gần như một sự ám ảnh. Cả khuôn mặt cuả bố toát lên tình người. Làm như thể cái duyên tiền kiếp của bố, là sứ mạng đem lại hạnh phúc cho mọi người đến với bố, hay do bố gặp giữa đường.

Nhắc đến chuyện gặp giữa đường, hầu như rất nhiều bạn bè hay thân hữu của bố đều kể lại cho nhau nghe, hay cho nhiều người khác, tích truyện sau đây:

Bố Paul Seitz có thói quen, cộng với tài nghệ, “dépanner”, xe cộ bị “ban” dọc đường. Ngày nọ, bố đang lái xe tren một con lộ miền cao, bỗng nhác thấy bên vệ đường một vụ hỏng hóc. Cặp vợ chồng người Pháp lo lắng ra mặt, vì trời đã về chiều, đường xá vắng tanh, biết làm sao đây ? Bố dừng lại, xuống xe trong bộ đồ lót áo cánh quần soọc. Ồ, cái ông Tây này lạ nhỉ, nửa Tây, nửa ta ?

Sau lời hỏi han, bố quyết định lấy dụng cụ sửa xe ra, thăm dò mô-tơ, và cuối cùng chỉ còn cách chui dưới gầm xe để sửa… Với óc thong minh và tay nghề thợ máy lão luyện, chỉ một lát sau là vụ dépannage đã được giải quyết thành công… Cặp vợ chồng kia mừng quá, hỏi địa chỉ để đến thăm và làm quen. Bố không tiết lộ danh tánh, nhưng cho địa chỉ Toà Giám Mục Kontum. Nào ngờ họ thấy bác tài sửa xe kia, xuất hiện dưới bộ áo Giám Mục, đeo Thánh Giá trước ngực…Kinh ngạc, bỡ ngỡ ! cặp vợ chồng nọ từ đây trở lại với Công giáo, và biến thành bạn thân của Đức Cha Paul Seitz, lại là ân nhân trong công cuộc truyền giáo vùng Thượng !

Qua câu chuyện kể, ta thấy rõ hơn dung mạo của bố Seitz, và ta cũng hiểu cụ thể Đức Cha Seitz sao mà lắm ân nhân “dọc đường” thế!

Trong các đức tính nổi bật, khiêm nhường và giản dị trong cuộc sống là hòn đá tảng để xây lên tất cả sự nghiệp vĩ đại của bố. Qua tiếp xúc với vị Linh Mục cũng như Đức Giám Mục, đố ai bao giờ tìm được một tâm tình gì gọi là “ghen tương, huyênh hoang, tự đắc” ( 1 Cr 13 ) mặc dù “bố” được chính phủ Pháp nhiều lần gọi lên khen thưởng và gắn Bắc Đẩu Bội Tinh vì sự cống hiến của Bố dành cho giới thanh thiếu niên và những con người nghèo khổ bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề cuộc sống. Có thể nói “bài ca bác ai” của Thánh Phao-lô ( Cr 13 ) bố thuộc nằm lòng và thể hiện từng chi tiết. Nhất là câu: “Tình yêu thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” ( 1 Cr 13, 7 ).

Yêu người và yêu người theo bốn tư cách vừa nói ( 1 Cr 13, 7 ), chỉ có thể tìm được ở một vị dại thánh. Nghĩa là chỉ biết tin tưởng và hy vọng ở con người, cho dầu họ có tệ lậu và đáng tuyệt vọng đến mức nào ! Chỉ biết tha thứ và sẵn sàng chịu đựng tất cả, đối với người mình yêu: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm !” ( Lc 33, 44 )

Trong số các con cái của bố tại Gia Đình Tê-rê-xa, nhiều người đến từ giới trẻ bụi đời, thanh thiếu niên phạm pháp, kể cả “xã hội đen”. Bố Kim không từ khước một ai, sẵn sàng giang tay đón tiếp… Chẳng những thế, còn tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời và vươn lên, thành người tử tế, có phẩm giá, có địa vị xã hội. Kết quả quá sức khả quan. Hầu như thành công đến trên 95%. Tất nhiên, trong quá trình đào tạo cũng gặp những ca đào ngũ và phản bội. bố vẫn “tha thứ tất cả” và “chịu đựng tất cả”. Thậm chí vẫn mở rộng hai tay đón chiên lạc về ràn, chẳng những thế còn đưa đi tây du học thành tài, có người làm bác sĩ, có anh làm tổng giám đốc một ngân hàng quốc tế… Không bao giờ bố lắc đầu, tỏ ý thất vọng về bất cứ ai.

Lòng trắc ẩn của bố trước những phận người bị bỏ rơi làm ta xúc động. Có vị Linh Mục nào đi nhặt những đứa trẻ bị vất ra giữa đường, lang thang, vất vưởng, đêm tối không chỗ nằm, ngày mai không điểm hẹn, để rồi một ngày tấm thân cong queo trên vỉa hè thành phố, ốm o, lở lói, tuyệt vọng… ? Tự tay vị Linh Mục ôm về tắm rửa, kỳ cọ, xức thuốc, vổ về an ủi; khác nào đống xương khô giữa bãi tha ma được thần khí tuồn vào sự sống mới, phục sinh trỗi dậy.

Có một Giám Mục nào là tài xế lái xe chở một thai phụ miền sơn cước đến trạm y tế ? Hiềm một nỗi, bà mẹ xấu số ấy đã trở dạ doc đường, khiến ông Giám Mục lái xe phải dừng lại, đỡ đẻ ngay tại hiện trường, giữa đêm đen dày đặc ? Để nuôi hàng trăm đứa con không còn hạt gạo trong kho, bố chỉ còn lại một vài vật quí trong phòng và chiếc nhẫn ai tặng, cởi ra đem bán… và còn rất nhiều giai thoại như thế để chứng minh bố Kim luôn mãi vẫn là tình yêu mặc thể, “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Nói đến đây, tôi sực nhớ đến trường hợp cá nhân của mình. Khi tôi bỏ hàng ngũ Giáo Sĩ ra lập gia đình, bố tìm cách nhắn người tìm tôi cho bằng được. Tiếp tôi, bố không hề ngỏ lời trách móc. Bằng một giọng xúc động, sau cái bắt tay ôm hôn thắm thiết, bố mở đầu:

“Paul, mon fils… !” ( tạm dịch ): “Phao-lô, con !... Trước cũng như sau, con mãi mãi là con của bố. Không hề có thay đổi mảy may giữa bố con mình. Nếu phải đấm ngực lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, thì bố không đấm ngực con, mà đấm ngực bố và đấm ngực các Đấng Bề Trên của con… Vì dầu sao bố đã không theo dõi con, chúng tôi đã không biết cách đào tạo con người, không chăm sóc con cái mình cho đủ, mới nên nông nỗi này. Dầu sao bố vẫn tin tưởng ở sự an bài của Cha Quan Phòng. Có khi đây là điều có lợi cho đời con vì “có Chúa sắp xếp mọi sự trở thành hữu ích cho những ai yêu mến Người ( Rm 8, 28 ). Cho nên bố vẫn tin tưởng ở con, dầu con ở cương vị nào… Hãy liên lạc với bố, vì con vẫn là con của Bố, và bố vẫn có thể giúp con”.

Và để có một nét sau cùng về bức chân dung của Đức Cha Kim Paul Seitz, tôi xin kể lại ở đây câu chuyện thầy Thoại đã kể năm nào.

Biết rằng bố mình đã gần ngày rời bỏ quê hương trần gian để về Nhà Cha, bác sĩ Tường, con của bố hiện sống tại Pháp, đến gặp bố xin phép được đổi tên họ, lấy họ Seitz của bố làm họ của mình để dòng dõi của bố còn tồn tại trên cõi thế, thì được bố trả lời:

“Cám ơn con đã có sáng kiến con thảo đối với bố, người bố sắp về họp mặt Nhà Cha, nhưng con phải giữ lấy tên họ Việt Nam của con, vì quê hương của bố là Việt Nam chứ không phải Pháp…” Tôi chắc chắn bố đã nghẹn ngào khi nói câu đó: “Quê hương của bố ở Việt Nam chứ không phải ở Pháp”.

Chân dung của bố, theo cách tôi vừa phác họa, là chân dung của một con người rất khiêm tốn bình dị, nhưng lại là chân dung một vị đại thánh. Bài ca đức ái cuả Thánh Phao-lô, bố đã đem ra ngâm nga ca hát suốt cả cuộc đời, từng câu từng chữ, đến nỗi nó đã biến thành xương thịt, máu huyết của bố đến từng tế bào. Phép lạ con người ấy đã xảy ra ngay tại Việt Nam, và chúng tôi, những kẻ đã từng là những trẻ bụi đời, cả hàng ngàn đứa, trong đó có tên tôi, đã từng chứng kiến và ghi nhận, và suốt đời luôn mãi bị ám ảnh bởi cái tên: “Đức Cha Kim”.

Phao-lô VŨ VĂN THIỆN, CSsR

24.2.2006,

nhân lễ giỗ thứ 22 của bố Kim Paul Seitz

No comments: