Monday 5 July 2010

Lm Vũ KHởi Phụng: TƯỞNG NHỚ ANH PHAO-LÔ NGUYỄN NGỌC LAN ( 1930 – 2007 )


Anh Phao-lô Nguyễn Ngọc Lan đã qua đời sáng sớm ngày 1.3.2007 tại tư gia ở đường Tân Phước. Từ lúc đó đến lúc an táng anh hôm 5.3, những ai đến viếng anh đều có những ấn tượng đặc biệt. Đã đành là một nỗi đau lớn, không thể có gì bù đắp, đối với người vợ hiền của anh, chị Thanh Vân, và con gái anh, cháu Lan Chi, nhưng xuyên suốt mấy ngày này vẫn là một bầu khí trầm lắng rất bình an. Buổi sáng, buổi trưa và nhất là buổi chiều, buổi tối có cái gì đó lâng lâng nhẹ nhàng khi ta nhìn gương mặt của những người ngồi quanh đấy, và nhận ra có khá nhiều người đã từng bị anh chỉ trích, đã kích, và với ngôn ngữ và văn phong của anh, thì bảo là họ bị anh cắn xé cũng được.

Bên linh cữu anh hôm nay tất cả mọi người có vẻ hiền lành, nhu mì. Họ thầm thì trao đổi với nhau những ký ức, những cảm nghĩ về anh, y như thể con người “tiếng sắt tiếng vàng chen nhau” suốt đời luận chiến ấy khi nằm xuống đã thành con chiên hiền lành, khiến cho chẳng còn ai màng tưởng đến những vị cay chua mặn chát rất đặc trưng của anh nữa. Thay vào đó, tối tối có tiếng đọc kinh và những nhạc điệu êm như những khúc hát ru. Hình như anh kết thúc cuộc đời đấu tranh của mình thì những ngọt ngào êm dịu ấy lại có sức lan tỏa và thấm nhập. Anh N. chẳng hạn, đã lánh mặt không đến thăm anh Lan những tháng cuối đời, chỉ để tránh những lời chì chiết, hôm nay đang góp ý cùng các bạn để làm nên bài điếu văn sẽ đọc cuối Lễ an táng.

Cũng không phải đến hôm nay mới thế. Đã có những dấu hiệu là sẽ như thế ngay từ những ngày cuối đời anh Lan. Ở nhiều góc cạnh và mức độ rất khác nhau, anh Lan luôn có khả năng tạo ra những va chạm nẩy lửa về tư tưởng và tình cảm, mà vẫn để lại trong lòng người đối diện một sự quý mến chân thành đối với con người anh. Xa cách anh hơn hết, những người đã ký giấy cho anh ba năm quản chế cũng đến bên giường anh chỉ để hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện trời mưa trời nắng, gọi là một chút tình nghĩa vẫn trân trọng lưu giữ bất chấp những mâu thuẫn ở đời. Hôm nay vòng hoa của họ được đặt ở một vị trí trang trọng. Cha M. cũng từng là một đối tượng bị anh Lan công kích ác liệt, thì trước khi đến đã cẩn thận cho người trung gian hỏi thăm trước xem cha có thể thăm viếng anh trong tình thân hữu hay không. Và cha M sẽ theo anh đến tận nghĩa trang Lazarô v.v... Và vị linh mục già chí thân mà mới đây cũng từng bị anh xung đột quyết liệt về lập trường, là người nước mắt lưng tròng cử hành cho anh những bí tích cuối cùng.

Trời phú cho anh Lan một trí tuệ quá xuất sắc, kèm với sự nhạy cảm quá tinh tế, phản ứng quá nhanh, và một tài hoa xuất chúng. Con người được hưởng nhiều ơn trời đến thế thì phải trả nợ đời bằng nhiều nỗi đau. Con người ấy sẽ luôn luôn thấy chẳng có gì lý tưởng như lòng mình thiết tha mong đợi. Từ trong đạo đến ngoài đời, từ trong Giáo Hội đến ngoài xã hội, anh luôn phát hiện những điều bất cập. Anh nói và viết nhiều điều sâu cay về người này việc nọ, mà người ta vẫn quý anh, là vì trước khi thốt ra những điều sâu cay, thì trong thâm tâm anh là người đau đớn trước tiên. Sắc mặt anh tái xanh mỗi khi sắp đưa ra một nhận xét nghiệt ngã. Anh không phải là người đứng ngoài để phê phán, đoán xét và lên giọng dạy dỗ lung tung cho sướng miệng, hay cho thỏa một nỗi hậm hực, hận thù nào đó. Anh là người có một mối tình quá cao sáng với con người và với cuộc đời, để rồi khi giáp mặt với những tiêu cực vô số, thì chính cái tình yêu ấy ở nơi anh bị xúc phạm, bị quằn quại. Anh khác với rất nhiều nhà phê phán hay lên mặt mô phạm ở chỗ đó. Anh là một sợi dây đàn rung động trước mọi cơn gió đời; nói như Hàn Mạc Tử: “run như run hơi thở chạm tơ đàn. Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”.

Xã hội chúng ta có một từ trước kia rất ít được nhắc tới, nhưng khoảng chừng một năm nay thì hay được nói đến: đó là từ “phản biện”. Có thể nói anh Lan từ ngày còn trẻ tới giờ vẫn là một bậc thầy “phản biện”. Không biết thời ấu thơ và niên thiếu của anh ra sao, nhưng tôi tưởng rằng với một tâm hồn như anh, ngay cả thuở ban đầu ấy cũng có những điều cho anh mài sắc khả năng phản biện. Chỉ biết rằng từ khi dư luận chú ý tới hiện tượng Nguyễn Ngọc Lan, lúc nào người ta cũng thấy anh đang phê bình một điều gì. Là giáo sĩ hay giáo dân, anh vẫn thao thức vì trong Hội Thánh còn nhiều điều chưa vươn lên đến tầm Tin Mừng và anh cũng nói thẳng ra. Là công dân, anh đau cái đau của dân tộc. Trước 1975, anh chống lại chế độ miền
Nam. Chế độ ấy sụp đổ năm 1975, anh đã thỏa mãn chưa ? Thưa chưa, cho đến ngày nay anh vẫn tiếp tục phản biện, và bằng lòng trả giá, bằng lòng mất hết để trung thực với lòng mình.

Anh Khổng Thành Ngọc, trong bài “Vĩnh biệt Nguyễn Ngọc Lan” trên tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 1596, ra ngày 2.3.2007, đã viết:

“Ai đã từng gặp Nguyễn Ngọc Lan, đọc Nguyễn Ngọc Lan, trò chuyện với Nguyễn Ngọc Lan, khi ra về, lòng khó mà thảnh thơi và tâm trí dễ gì được yên ổn...”

“Nguyễn Ngọc Lan bắt đối phương và kể cả bè bạn, học trò, người cộng sự phải đặt lại những vấn đề tưởng chừng đã giải quyết xong xuôi, phải tìm ra cách tiếp cận mới, phải đi tìm lối đi mới, phải ngó ngàng những khía cạnh khác nữa”.

“Mọi thực tại nhân sinh nếu được / bị Nguyễn Ngọc Lan để mắt, dòm ngó thì hầu như khó bề yên thân, yên ổn. Bởi đối với Nguyễn Ngọc Lan, mọi yên ổn đều là pháo đài. Tất cả cõi sống, dưới mắt Nguyễn Ngọc Lan, đều phải được lay gọi thức dậy. Mọi người đều phải tỉnh thức ( x. Chủ nhật hồng giữa mùa tím, trang 28 ) và ra đón Chúa Ki-tô, chứ không đón bất kỳ “thần tượng” nào khác”.

Sở dĩ như thế, vì tự bản chất, tất cả các “thần tượng” đều chỉ là tượng chứ không phải là thần. Nguyễn Ngọc Lan đập phá các thần tượng, vì anh tìm kiếm “thần” nên phải phá “tượng”. Đời anh là một cuộc tìm kiếm trường kỳ. Con người mảnh khảnh, có nụ cười tươi, thích ngồi nói chuyện rả rích, lại cũng là con người đi tìm không biết mệt mỏi. Cái máu luận chiến ở nơi anh là mặt trái của một mối tình sắt son, “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội”. Một lần nữa xin mượn lời Hàn Mặc Tử:

“Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu...”

Nhưng hôm nay đã “suốt một đời” rồi. Đến lúc “thấu”, đến lúc “đậu” rồi. Ngày còn trẻ anh Lan cũng hay làm thơ. Về sau anh chuyên triết học rồi lao vào tranh đấu cho con người, cho dân tộc. Từ đó, thơ phải nhường chỗ cho những nghị luận, chiến luận , hoặc những suy nghĩ về tâm linh, về đức tin. Đến những năm tháng cuối đời, anh lại làm thơ. Cũng kể như lá rụng về cội. Mấy hôm nay bạn bè đọc cho nhau nghe những vần thơ anh làm trên giường bệnh:

Một mai đến tận cùng đường
Khi chiều sương xuống, hỏi sương hỏi chiều
Bao nhiêu lòng kể là nhiều
Thập hình ngã bóng càng chiều càng xa.

Suốt đường đời của mình, anh Lan luôn thấy hình bóng cây thập giá trong mọi biến cố. Thập giá là cái đau đớn, cái rách nát, cái nhức nhối xuyên suốt cuộc nhân sinh. Thập giá ấy giải thích những tiếng kêu dằn vặt, chói chang, đôi khi chói tai của anh. Cuối cùng khi những tâm tư và bức xúc của anh vẫn còn y nguyên trong lòng mà thân xác thì cứ tàn tạ mãi không đường hồi phục, anh đã cảm thấy thập giá ngay nơi cá nhân mình, nó cứ “ngã bóng” mãi, “càng chiều càng xa” không biết đến tận những sâu thẳm nào. Một cảm nhận như lạ lùng bỡ ngỡ nhưng cũng là cảm nhận tất nhiên, bởi nếu có một “cùng đường”, một “chiều sương” nào mà thập giá không “ngã bóng” thì ở đó chẳng thể có cứu độ, chẳng thể có phục hồi.

Trong nhiều truyền thống tâm linh, ta tìm thấy ý niệm về một “bờ bên kia”. Bầu khí an bình mà những người từ nhiều nơi, nhiều phía tìm về dự phần vào tang lễ cảm thấy có lẽ phát xuất từ cảm giác rằng con người suốt đời ngụp lặn trong nhưng phong ba thế sự, không nguôi được cơn quay quắt tìm kiếm, con người Nguyễn Ngọc Lan đó, cuối cùng đã nhìn thấy “bờ bên kia”, đã có nơi để cập bến bình an. Con sáo đã sang sông, sáo đã sổ lồng sáo bay.

Ý niệm bờ bên kia gợi cho tôi hình ảnh một dòng sông bên lở bên bồi. Sở dĩ có bao nhiêu điều làm cho Nguyễn Ngọc Lan không được như ý là vì ta đang ở bên lở của dòng sông. Ở đây cái gì cũng rạn, cũng nứt. Mọi mộng đẹp, mọi hoài bão, mọi hạnh phúc cứ bị xói đi từng mảng lớn nhỏ. Cả bệnh tật và tang tóc phủ xuống một gia đình cũng là những bờ sông lở. Nhưng các thứ lở ló đó lại là một tiếng gọi, một sức hút, thậm chí là chứng tích của một sự bồi đắp. Hình như đâu đó gần ta thôi, mọi tử biệt sinh ly đảo ngược lại thành đoàn tụ, mọi khiếm khuyết, phũ phàng cũng đảo lại thành sung mãn, thành vuông tròn. Đó là ý nghĩa, là chủ đích của bóng cây thập giá càng chiều tà càng vươn xa đến chân trời.

Tối ngày 4.3, bên linh cữu anh Lan, giữa những bạn bè, những người đã cùng anh Lan tranh đấu, và nhiều người cũng từng bị anh chỉ trích, tôi đứng lên chia sẻ mấy ý tưởng về dòng sông bên lở bên bồi, bên này là “tượng” bên kia là “thần”. Bờ bên này và bờ bên kia. Sau đó chị Thanh Vân muốn nói mấy lời bổ túc. Chị nói rằng không phải bây giờ đã tạ thế, anh Lan mới thấy “bên bồi” của dòng sông. Ngay khi còn ở thế gian, đức tin đã cho anh Lan cảm nhận sâu đậm về bờ bên kia, về bên bồi, khiến cho thâm tâm anh luôn bình an và lạc quan.

Tôi cũng tin như thế ! Bởi như lời Thánh Kinh nói: “Đức tin là bằng chúng cho những điều ta không thấy” ( Dt 11, 1 ). Trong đoạn thư Do Thái ấy, tôi cho rằng có những cảm nghiệm mà anh Lan đã được dự phần, đó là những cảm nghiệm mà các tổ phụ đã từng trải: “Các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn” ( Dt 11, 16 ). Anh Lan đã chứng minh đủ cho mọi người đều thấy, anh đâu có quê hương nào khác ngoài mảnh đất Việt
Nam quằn quại bi tráng này. Thế mà những vật vã một đời của anh lại cho thấy anh đang “mong ước một quê hương tốt đẹp hơn”. Quê hương tốt đẹp hơn ấy không phải ở đây mà lại chính là ở đây. Nó không ở nơi này hay nơi khác, nó ở giữa ta, ở trong ta. Chúa đã dạy thế ( Lc 17, 20 – 21 ).

Như lời chị Thanh Vân nói, anh Lan đã luôn có “bên bồi”, có “bờ bên kia” ở trước mặt. Khác nhau giữa ngày ấy và bây giờ, tôi tìm thấy trong một lời nghịch lý của thánh Phao-lô: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục để thương xót mọi người” ( Rm 11, 31 ). Quá trình của anh đi tìm kiếm một quê hương tốt đẹp hơn lắm khi thật quay quắt, đó là vì anh giáp mặt với, anh trăn trở trong “vòng giam hãm của tội không vâng phục” mà mọi người đều phạm. Với con người khát khao sự nguyên tuyền như anh, biết tìm đâu một nhân loại cho anh thỏa lòng ? Chỉ có Thiên Chúa “thương xót mọi người” mới là Đấng vô lượng từ nhân, Đấng Thánh Thiện, Đấng Bao Dung, Đấng Bình An có thể bao bọc lấy anh và mọi người, và làm dịu cơn khát của anh. Hôm nay cõi ấy hiện ra cho một người vừa nhắm mắt với bờ bên này.

Thưa anh Lan, xin chào anh, xin mừng anh qua bờ bên kia.

Vũ Khởi Phụng

No comments: