Tuesday 6 July 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Ngày nay vẫn còn dấu này


Tên : Giêsu

Sinh ngày : không biết

Năm : Không rõ lắm, vẫn còn phải được sưu tra để xác minh, nhờ các sử gia kim cổ và cả các nhà thiên văn hiện đại. Có tính kỹ lắm cũng chỉ phỏng chừng là “khoảng năm 7 – 6 trước Công Nguyên”.

Nơi sinh : Chỗ có máng cỏ, đâu đó ở Bêlem

Cha : “Con bác Giuse, như người ta nghĩ” (Lc 3,23 và 4,22).

Mẹ : “Con bà Maria” (Mc 6,3)

Nguyên quán : Bêlem.

Nơi thường trú

Đầu đời : “Không có chỗ trong quán trọ”.

Cuối đời : “Không có chỗ ngả đầu” (Lc 9,58).

Dấu vết riêng : Không giống ai, “vôi tội, vô tì” (Dt 7,26; 4,15) “không hề biết tội là gì” (2 Cr 5,21; Ga 8,46; 1 Ga 3,5) mà lại “trở thành giống hẳn người ta” (Pl 2,7) kể cả “thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8, 2), thậm chí trở thành “sự tội” (2Cr 5,21).

Tất cả căn cước, lý lịch chỉ có bấy nhiêu.

Hài nhi này ra đời: một chuyện thường ngày không đáng chiếm nửa dòng trên báo chí. Nói cho ngay, thứ chuyện thường ngày chẳng hay ho gì cho cả người trong cuộc lẫn xã hội xung quanh: “Bà đã sinh con đầu lòng, và lấy tã vấn con và đặt nằm trong máng cỏ, bởi vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ”.

Tệ hơn nữa, hài nhi nằm trong máng cỏ cũng không được yên. Hêrôđê không để cho yên. Và để đảm bảo không cho một trẻ sơ sinh được yên, Hêrôđê không để yên “tất cả các trẻ con tại Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống…” (Mt 2,16) sai quân tới giết hết. Trừ hài nhi đã được đưa đi trốn sang Ai Cập.

Tuy nhiên trước con mắt đức tin, “Vinh quang Thiên Chúa” vẫn luôn có thể và phải “rạng ngời bao quanh” chuyện thường ngày kia, như trong đêm ấy đã “rạng ngời bao quanh họ”, đám mục đồng vô danh tiểu tốt đã “đóng ở ngoài trời và đêm khuyên thức canh để giữ đàn cừu”. Và sứ điệp của thiên thần vẫn còn đó, vang lên: “Này ta đem cho anh em một niềm vui to tát, tức là niềm vui cho toàn dân: là hôm nay đã sinh ra cho anh em vị Cứu Chúa, tức là Đức Kitô Chúa trong thành của Đavit. Và có dấu này được ban cho anh em: anh em sẽ gặp thấy một hài nhi mình vấn tã, đặt nằm trong máng cỏ”.

Giá trị lịch sử của các tường thuật về việc Chúa Giêsu sinh ra là thế nào đi chăng nữa, thì sứ điệp cốt yếu mà các tường thuật ấy chuyển tới cho lòng tin vẫn thật rõ ràng và dứt khoát: Thiên Chúa từ đây là Thiên – Chúa – được – ban – tặng, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23), “Lời đã thành xác phàm và lưu trú giữa chúng ta” (Ga 1,14). Và Đức Kitô Chúa đả xuất hiện ở chỗ bất ngờ hơn cả: ở ngoài chỗ có địa chỉ, có hộ khẩu thường trú, ở dọc đường hay ở chỗ lưu đày.

Sứ điệp ấy, “dấu chỉ ấy” vẫn là cho ngày hôm nay nữa.

Đức Kitô Chúa ấy vẫn có những dấu tầm thường nhất, đơn mọn nhất được ban cho chúng ta để chúng ta tìm gặp ngài. Nước thanh tẩy, hình bánh hình rượu Thánh Thể, lời thú tội và lời tha tội v.v…Tất cả các dấu bí tích trong Hội Thánh. Và dấu chỉ có tầm rộng như cả loài người, theo một ý nghĩa nào đó cũng đáng gọi là “dấu bí tích tha nhân”, nhất là những người nghèo khó, cơ cực, ở bên lề xã hội như “hài nhi vấn tã, nằm trong máng cỏ”. “Hài nhi vấn tã” không còn nằm mãi ở Bêlem, nhưng lại có thể gặp thấy nhan nhản trên mọi nẻo đường đời: “Ta đói…Ta khát…Ta là khách lạ… Ta mình trần (còn tệ hơn là được vấn tã!)…Ta đau yếu…Ta ở tù…” (Mt 25, 35-36).

Đức Kitô Chúa, chúng ta vẫn phải tìm Ngài ở đâu đó bên ngoài các quán trọ và có lẽ cả bên ngoài thành Bêlem. Có tìm Ngài bên ngoài các cuốn niêm giám điện thoại, các sổ địa chỉ thì mới dễ gặp Ngài hơn. Bên ngoài mọi thứ cơ chế, tổ chức, bên ngoài nhà mình ở, kể cả…tu viện hay nhà xứ. Bên ngoài mọi thứ tổ ấm, bên ngoài sự yên ổn thoải mái của mình và xa hẳn giới người sẵn có địa vị, tiền của, quyền thế, mới dễ gặp Đức Kitô Chúa hơn.

Đức Kitô Chúa, Ngài thường xuyên trú thân dưới một gầm cầu hay cầu thang nào đó như Alêxù huyền thoại mà rất thật. Thường xuyên sống lây lất trên các lề đường. Hay cứ mãi phải lang thang trên mọi nẻo đường lưu đày, trốn chạy. Những kẻ đã bị tước mất quê hương, những kẻ bị săn đuổi như thú rừng hay như…hài nhi nọ ở Bêlem. Những khuôn mặt khó thương, khả nghi: những kẻ tự dưng trở thành con tin trong những trò mặc cả, đổi chác quái đản.

Đức Kitô Chúa, Ngài dễ thuộc thế giới thứ ba, thậm chí thế giới thứ thư hơn. Ngài dễ được tìm thấy hơn ở phía những người, cứ luật hay cứ sự, chỉ là công dân hạng hai, hạng năm hay hạng bảy chỉ vì hoàn cảnh xã hội của họ, hay chỉ vì những xác tín, quan điểm chính trị, đạo đức hay tôn giáo của họ.

Giáng Sinh năm nay, 1994, dấu được ban cho không chỉ là những cá nhân riêng lẻ mà còn không biết bao nhiêu đám dân đông đảo. Ruanda hay Bosnia chỉ là những trường hợp “nổi bật” nhất trong những tháng ngày gần đây.

“Bình an dưới dất cho những con người được Thiên Chúa thương”, sự bình an ấy được loan báo và được ban tặng không phải là để ru ngủ người tín hữu nhưng trái lại phải khiến họ trở thành những kẻ tỉnh thức, không ngừng tỉnh thức. Tỉnh thức không phải để canh giữ một đàn cừu nào đó mãi mà để “hối hả” đi tìm Chúa nơi anh e của mình. Và nếu những giấc mộng xây dựng một thế giới loài người công bình hơn, tốt đẹp hơn từ những Khổng Tử, Platon xưa kia cho đến những nhà xã hội học thế kỷ XVIII – XIX trước sau gì cũng đều là không tưởng, nếu những giấc mộng ấy chưa bao giờ thành hiện thực hay chỉ đã thành những hiện thực tệ hại hơn trước khi đổ bể, thì không vì thế giới xung quanh vẫn chẳng ra gì, chẳng đâu vào đâu mà người tín hữu lạc hướng lòng tin. Như thánh Phaolô, người tín hữu vẫn “biết mình tin vào ai”. Không phải vịn vào ông X. mà tin ông Y. hay ông Z. thế kỷ này phá sản thế kỷ sau sẽ khấm khá hơn, sẽ là “người của thế kỷ 21”. Người tín hữu thì biết rằng chỉ một mình Đức Kitô, là hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Trong đêm tối loài người, Chúa đã Giáng Sinh hôm qua, Chúa vẫn đang đến hôm nay.

Và nếu vinh quang Thiên Chúa chưa rạng ngời bao quanh được mọi thực tại trần thế, nếu những nỗ lực tìm Chúa trong mọi niềm bất hạnh, nếu những nỗ lực không ngừng để chia cơm xẻ áo, nếu những mẹ Têrêsa Calcutta, những Dì Hai Bến Sắn chưa thay đổi gì được bộ mặt chung của thế giới thì người tín hữu cũng biết rằng không có phương pháp, chủ trương nào trục xuất được hết tội lỗi ra khỏi lòng người, ra khỏi trần gian. Còn phải chờ ngày Chúa lại đến, “Ngày Đức Giêsu Kitô” như Hội Thánh nhắc đi nhắc lại khi đọc các thư Thánh Phaolô trong các thánh lễ chủ nhật I, II, III Mùa Vọng và cả trong thánh lễ đêm Giáng Sinh: mầu nhiệm Giáng Sinh chỉ trọn nghĩa và thành toàn là vì ta “ngóng đợi hy vọng phúc lộc và cuộc hiển linh vinh quang của Thiên Chúa lớn lao và là Cứu Chúa của ta, Đức Giêsu Kitô” (Tt 2,13). Amen! Maranatha! Xin hãy đến! lạy Chúa Giêsu! (Kh 22, 20).

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2000

No comments: