Monday 19 July 2010

Mễ Duy: Vẻ đẹp quanh ta

Những ngày nước lên cao mà nắng thật đẹp thì biển hồ đầy ắp ánh sáng lỏng hôn tận tới bờ đường. Chạy xe sát bờ tưởng chừng ánh sáng lỏng đó sắp như vỡ bờ. Mình đi đến đâu nó theo sát mình, một khối mênh mông vừa đẹp vừa « rễ sợ».

Những ngày trời không quang lắm thì từ một khoảng trời không mây: một thân áo dài của mặt trời xõa xuống sườn núi phủ lên cảnh vật một thứ pha lê trong như suối mát xứ thần tiên sáng như ánh mắt trẻ thơ. Vạt áo lạ lùng đó chìm xuống biển, nổi lên mặt nước, một phao nhẹ như lông chim, rộng như đồng lúa. Khó lòng mà phân biệt được đâu là nước, đâu là áo mặt trời, vì hai bên riềm tà áo không ngừng bị xé vụn, tan thành sao sáng, lá hoa phiêu dạt, xác pháo cháy mắt, mảnh gương bể vụn, kim cương mỏng…vội sáng lên, rồi chìm mất, nhường chỗ cho trăm ngàn tinh tú khác đáp xuống, mọc lên, từ đâu? Nước là gì? Ánh sáng là gì? Mặt trời là gì? Tôi ước ao, cho tôi cho người, chúng cứ còn là những vần thơ bí-nhiệm, những lời ca huyền-ảo, đưa hồn bay bổng đến mộng ước được chiêm ngưỡng chính cái đẹp của trọn vẹn vũ trụ.

Những ngày nước xuống như sáng nay, khi tôi ra đến nơi, thì ô hay đã biến mất cái đầy ắp nguy nga, no căng sáng chói, bù lại trải rộng ra trước mắt một cánh đồng cát bùn. A ha bụng dạ phơi ra hết như thế này! Nhớ hồi ở quê, đồng lúa vàng nâu hôm trước, hôm sau dần dà bị cắt trụi, để cho nổi lên từng mảnh ruộng trống trải, chằng chịt đường nẻ với những hàng gốc rạ nhạt trắng chen nhau như mắc cửi, trên đó mình có thể chạy nhảy. Một sự đổi thay thật lạ, trước đó mình chỉ được ngắm nhìn cho thích mắt, nay có thể nhảy vào chạy chơi. Những trẻ em Do Thái, khi bố mẹ giắt qua lòng biển khô ráo, hai bên nước tự vén lên như thấy được trong phim Mười điều răn chắc hẳn đã tung tăng chạy nhảy trong lòng biển. Xa cỡ trăm thước, khối nước mỏng lại như một lớp vải mỏng. Một giải đăng-ten, mép môi của khối nước, nở hoa trắng tua tủa dật dờ trên da thịt cát bùn. Hai ba người rảo bộ hay canh chừng mấy cô chú bé đang nghịch cát. Ba bốn con chó lững thững hoặc rượt bắt nhau. Những sinh hoạt thư giãn đó quả là vui mắt mà không ồn ào đến độ làm mất cái thơ mộng của cảnh vật, chỉ thêm phần linh động cho đồi núi, biển trời, gió mây. Xa hơn nữa, mấy cù lao màu lá trầm mình. Xa nữa là ngọn núi phía sau thật lớn, đồ sộ, vạm vỡ, một loại cổ thụ, một loại bành tổ, sáng nay nước xuống lại bành trướng hẳn ra, khiến thấy được cả những mái nhà trắng lác đác dưới chân núi, nổi bật lên như những bông hoa rừng bên vệ đường.

Hai chân trong đôi giầy vải thô kệch, tôi bước xuống bụng biển, dẵm lên vô vàn những dãy núi li ti trùng điệp, tượng khắc tỉ mẩn những con sóng lăn tăn dịu êm để lại, bước lên những mô cát phồng nhẹ, mịn màng, in dấu chân mình rõ nét trên cát bùn tinh tuyền…Những động tác của cơ thể tôi như muốn hít hết gió vào lồng ngực, muốn phóng mình bay cao tới mây, muốn gửi giọng đến trời xanh…

Nếu bạn là du khách sành điệu, trước khi đi thì tra cứu, đến nơi thì «biết» phải đi những đâu, máy chụp hình đeo lủng lẳng trước ngực, hay cầm sẵn nhẹ bẫng trong tay, tốí tân mà, chụp lia lịa, nheo mắt không biết mỏi, quay mình tứ phía không thấy chóng mặt, đem về rửa thật nhanh, tải vào vi tính, ngắm nhìn, cho mẹ con nó xem, chờ đợi khen tụng, mở tiệc mời bè bạn đến coi, viết bài tường thuật, chưa xong đã vội vẽ kế hoạch cho kỳ sắp tới…mà tôi đem bạn đến «thăm viếng» cái bãi biển đó thì thể nào bạn cũng «giết» tôi. Nếu bạn dư dả tài chánh chỉ «quen» ở khách sạn 5 sao thì chắc chắn bạn sẽ «xé xác» tôi. Quả thế bãi biển tôi thường lui tới đó thật là tầm thường, nếu không nói là «tồi tệ». Cát không vàng nhưng màu bùn, không xoai xoải để có thể nằm như trên ghế bành, chưa thấy một cặp tuổi trẻ cặp kè, không một «Vệ nữ» tắm nắng. Có bồn cỏ xanh, nhưng người «văn miêng» ra đó dắt theo chó làm những sự không đẹp mắt. Mỗi sáng thứ hai tôi thấy loong, chai, rác rết la liệt trên cỏ, dưới gốc cây, di tích của những buổi «canh thức» li bì, phải đợi cơ quan thị xã quét dọn mới «coi được». Nhưng đó là nơi tôi, -đã về hưu non từ mấy tháng nay- ngày thường nào cũng «phải» ghé thăm kẻo trong ngày nhớ cảnh đẹp. Tại sao ? Tôi đã tìm ra ba đặc điểm để giải thích sự việc này.

Thứ nhất nơi đó miễn phí. Nếu phải tốn tiền chắc chắn là tôi đã không đến. Chẳng phải là vấn đề tài chánh, nhưng vì cái đẹp trong thiên nhiên là quà tặng, cho không biếu không, cho bất cứ ai muốn mở mắt ra đón nhận. Trong thành phố tôi ở, có một khách sạn đồ sộ được xây cất ngay trên bãi biển, có thể vào vừa uống nước vừa nhìn nước, nhưng gần đây khách sạn đó sau khi biến thành trại nghỉ mát trong một thời gian, đã đóng cửa, người ta không biết phải làm gì với nó, phần tôi chỉ biết nó làm dơ mắt. Kể ra như vậy để muốn nói với bạn là người ta không thể mua thiên nhiên, vẻ đẹp thiên nhiên đuợc ban cho nhưng không, ngành du lịch chỉ có thể cung cấp các dịch vụ giúp khách đến gần thiên nhiên chứ không thể cung cấp cái đẹp trong trời đất.

Đặc điểm thứ hai, nơi đó thanh vắng. Trong thành phố tôi ở cũng có những bãi biển đẹp, được lên hình trên bưu thiệp, có vệ đường lót gạch hồng, có hàng dừa thơ mộng, nhưng đông người lui tới, xe cộ chạy khá ồn ào sát bờ. Riêng tôi cảm thấy là trước cái đẹp của trời đất, của thiên nhiên, của biển trời mây nước, ta cần phải làm thinh để cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên vốn thuộc về thế giới tâm linh, chứ không thuộc về địa hạt hưởng thụ.

Đặc điểm thứ ba, là nơi đó tương đốí còn hoang dại. Đúng thế, thiên nhiên chỉ thực sự đẹp khi còn hoang dại. Khi người ta bắt đầu khai thác quá mức thì thiên nhiên trở thành một nguồn lợi, mất đi cái tính chất siêu phàm, tính chất tâm linh, biếu không mà thành một thứ xa xỉ để tiêu thụ. Bao nhiên người dầy công đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, một mình một thuyền ngoài khơi gió bão, leo núi tuyết thật nguy hiểm, đi tìm hiểu những bộ tộc trong rừng sâu , hoặc làm phi hành gia… Những tu viện bao giờ cũng «ẩn mình» trong thiên nhiên chứ không bao giờ lấn át thiên nhiên.

Vài đặc điểm như vừa kể ra cho tôi thấy vẻ đẹp trong thiên nhiên vượt hẳn lên trên những tính toán và khả năng phát triển của con người. Nơi thiên nhiên, ta chiêm ngắm cái bao la, cái «tài tình» vượt quá sức tưởng tượng của con người. Thiên nhiên là một cửa mở, một tiếng gọi cho ta hướng về những gì là vô hạn.

Thế nhưng chúng ta vẫn có thể đặt câu hỏi là tại sao xem ra cảnh đẹp đánh động người này mà không lay chuyển sự nhạy cảm nơi người khác. Có tác giả tâm lý học viết rằng nhân loại chia ra làm hai loại, một số ít thật nhạy cảm và số còn lại nhạy cảm sơ sơ hoặc gần như không nhạy cảm. Số người thật nhạy cảm sinh ra để làm nghệ sĩ, triết gia, lãnh đạo tâm linh….đại đa số còn lại thích hợp cho những sinh hoạt hiếu động. Không dám bàn rộng về điểm này, dễ gây «đụng chạm», nhưng xin bàn về khả năng cảm nghiệm nơi chúng ta.Trong văn chương Việt Nam có câu: «người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…», cho thấy tâm trạng có thể cấm cản cảm nghiệm vẻ đẹp quanh ta. Về mặt tâm lý, đây là một điều quan trọng.Về mặt tâm linh cũng thế. Trong Kinh thánh Thiên Chúa giáo, thật nhiều lần Thiên Chúa khuyên bảo con người không được sợ hãi hay lo lắng. Đặc biệt trong Tân Ước, Đức Cứu Thế dạy chúng ta phải biết nhìn hoa huệ ngoài đồng, chim trên trời rồi từ đó nghiệm ra sự chở che của Cha trên trời mà đừng quá lo vật chất nhưng hãy lo những gì là chính yếu, chăm sóc sự sống và niềm vui nội tâm.

Kể từ ngày tôi về hưu, lợi tức tóp teo, nếp sống thật bình dị, nhờ đó tôi hiểu thấu đáo hơn lời nói của Đức Cứu Thế: «Phúc cho kẻ nghèo». Kẻ nghèo ở đây cần hiểu là kẻ có tâm hồn khó nghèo, biết rằng mọi sự, ngay đến mạng sống mình, đều là do Thiên Chúa cách này cách khác ban cho. Kẻ giàu có là kẻ lệ thuộc vật chất, hoặc vênh váo hoặc mất ăn mất ngủ vì nó. Chính vì không có gì để vênh váo nên tôi nhạy cảm đón nhận bao nhiêu cái đẹp quanh tôi.

Nếu không cảm nghiệm cảnh đẹp trong thiên nhiên thì làm sao con người có an ủi, có niềm vui, có hứng khởi để tranh đấu cho những giá trị nhân bản. Được nhìn cảnh đẹp, nhìn hoa lá, nghe chim hót, nghe tiếng nhạc, được đi đứng, cử động, nói tóm lại sự kiện mình là một cơ thể tuyệt diệu mở ra với thiên nhiên nhất định là một niềm vui vô giá, mà tiền rừng bạc bể không mua nổi. Nên đó là niềm vui chính của tôi về mặt thể chất. Xin nhấn mạnh một lần nữa là tiền bạc (cần thiết để có phương tiện sống) không mua nổi niềm vui đó. Nếu được nhìn, được nghe, được ngửi, được nếm, sờ, mà chưa vui thì làm sao vui khi nghĩ đến thiên đường? Nếu được sống với đầy đủ 5 giác quan mà chưa vui thì làm sao thương người tàn tật, người bệnh hoạn? Nếu được nếm, được ăn, được uống mà chưa vui thì làm sao thương người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc? Nếu được nhìn, được nghe…mà chưa vui thì làm sao yêu chuộng học hành, suy luận…sẽ là những niềm vui khác? Nếu nhìn cảnh đẹp trong thiên nhiên, nghe chim hót, mà chưa vui thì làm sao mường tượng được cái vui khi ta tĩnh tâm hầu gặp Tuyệt đối? Mà nếu chưa vui, không vui thì làm sao khát khao làm điều hữu ích cho tha nhân?

Chúng ta thấy ngày nay con người sau khi đã phát minh ra những tiến bộ đáng kể (như Internet) lại có một tâm thần ủ rũ. Chỉ cần nghĩ đến con số đáng kể thiếu niên tự vận trong các xã hội đã phát triển về kinh tế, những trường hợp người già chỉ mong được chết, những vụ sinh viên hạ sát bè bạn rồi quay súng tự tử. Mỗi năm xảy ra 40, 50 triệu vụ phá thai. Toàn là những chuyện quá sức tưởng nhưng cũng không lay động các giới chức hữu trách. Tôi không có ý xét đoán chỉ muốn nói là chúng ta không có quyền chạy theo cái «văn minh (phục vụ) sự chết» này. Chúng ta phải can đảm cho giới trẻ hiểu rằng cái vẻ thỏa mãn thỏa thuê bên ngoài dựa vào mức sống cao, vào hưởng thụ, vào no nê vật chất như thấy được trong quảng cáo, trong phim ảnh, chỉ là một sự giả dối, một sự lừa bịp bản thân và các thế hệ trẻ, đánh lừa người vô học, người không suy nghĩ. Xin đừng nghĩ tôi đả phá phát triển kinh tế, nhưng tôi thấy cần thiết phải tâm linh hoá toàn diện các sinh hoạt, đặc biệt kinh tế. Tâm linh là gì Là tất cả những gì đưa chúng ta đến vui sống, sống có ý nghĩa, là làm thiện cho bản thân và cho người khác.

Gần đây tôi đọc một bài viết về sự trưởng thành về tâm linh, tác giả cho tôi hiểu rằng trình độ tiên khởi trên đường phát huy tâm linh là quý trọng sự sống, từ cây cỏ cho đến con người. Nhờ thế tôi hiểu rằng tâm thần thê thảm của nhân loại hiện nay là do sức sống tâm linh đang bị bóp chết. Con người đã giết đi đứa bé trong tâm hồn mình, giết đi cái hồn thơ trong mình, giết đi cái bản chất tự nhiên trong mình… giết đi cái phần tâm linh trong mình. Giải pháp theo tôi là định tâm lại, tổ chức lại cuộc sống, cải tổ nền giáo dục...

Một vị thừa sai Công giáo được gửi đi giảng đạo trong một bộ tộc người pygmée/pygmy ở rừng Phi châu, ông đến nơi thấy họ có một cuộc sống mật thiết với thiên nhiên quanh họ nhất là đối với rừng cây, ông bèn ở lại với họ mấy chục năm mà chả bao giờ đả động đến «Chúa». Quả thế tôn giáo đáng lý phải đưa con người đến chỗ sống vui, yêu mến sự sống, trưởng thành về mặt tự do nội tâm, giúp phát huy cái phần tâm linh trong con người, thay vì đào tạo ra những người giữ đạo vì sợ.

Trong một cuốn sách, Nhất Hạnh kể kinh nghiệm sau đây. Ở làng hồng (village des prûniers) của ông, nằm ở miền Nam nước Pháp, có một cây cổ thụ tỏa bóng mát, nơi đó sau bữa ăn bà con ra uống trà trò truyện. Một cơn bão lớn ấp đến, sấm sét chẻ cây từ trên xuống dưới, phang đi cái cành lớn nhất. Sáng hôm sau ra thăm cây ông chứng kiến cảnh tượng ôm cây mà khóc. Vì ông thương cây nên nhờ một người bạn trong ngành lâm chăm sóc cho cây. Một thời gian sau cây trở lại tốt tươi còn hơn trước.

Trong cách cư xử với cỏ cây, với sự sống quanh mình, với đồng loại, một bậc hành đạo chứng tỏ mình đã trên đường gặp Thiên Chúa đến mức độ nào, chứ không phải vì một sự gì khác, kể cả chức tước, vai vế «vị vọng». Tìm gặp được một vị như Nhất Hạnh quả là hiếm có.

Mễ duy

Nouméa, 01 11 2007

No comments: