Monday 13 February 2017

Lm Lê Quang Uy DCCT Các môn-đệ đã tin vào Ngài



 Thứ bảy tuần vừa qua, ngày 4.2.2017, đến phiên chúng tôi chia xẻ trong Thánh Lễ dịp Hành Hương Kính Đức Mẹ, chủ đề Nhà Dòng đã giao cho lần này là "Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana".
Thật bất ngờ khi tham khảo tài liệu về Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp để soạn bài, chúng tôi gặp được chi tiết sau đây thật dễ thương nhưng lại ít ai chú ý. Đó là bức Linh Ảnh, trước khi có danh hiệu chính thức là "Mẹ Hằng Cứu Giúp" ( The Mother of Perpetual Help ) như ngày nay, đã lần lượt mang lấy nhiều tên gọi khác nhau: "Trinh Nữ của cuộc Thương Khó" ( The Virgin of the Passion ), "Kim Mẫu" ( The Golden Madonna ), "Mẹ của các Thừa Sai DCCT" ( The Mother of the Redemptorist Missionaries ), và cuối hết là "Mẹ của các Mái Ấm Công Giáo" ( The Mother of Catholic Homes ).
Không ai rõ bức Linh Ảnh được họa sĩ nào sáng tác, sáng tác từ năm nào và ở đâu, chỉ biết rõ Icon theo trường phái hội họa Byzantin này chính thức được đặt tại Nhà Thờ kính Thánh Mátthêu ở Roma ngày 27.3.1499, vậy ít ra Icon này cũng phải ra đời trong khoảng thế kỷ 15. Trải qua bao nhiêu truân chuyên lưu lạc, với đủ mọi cảnh huống cuộc đời, bức Icon đã được mọi người sùng kính với nhiều danh hiệu khác nhau như đã nêu trên, nhưng với bài viết nhỏ này, nhân Năm Mục Vụ Gia Đình 2017 đã khai mở, chúng tôi xin dừng lại ở tên gọi bức Icon là "Mẹ của các Mái Ấm Công Giáo". 
Câu chuyện ở tiệc cưới Cana ( Ga 2, 1 – 11 ) chỉ ra cho chúng ta một thực tế xót xa. 
Trước hết, không chỉ với tiệc cưới, với gia đình hai họ và khách mời, với đôi vợ chồng mới cưới ở Cana ngày xưa, mà cả bây giờ, trong các gia đình Công Giáo và không phải Công Giáo, các đôi hôn nhân tại thế hay các cộng đoàn tu trì, Mẹ vẫn đang có mặt, nhỏ nhẹ nói với Chúa Giêsu dù nếu Mẹ không nói, Người cũng dư biết tình trạng bi đát: "Con ơi, họ hết rượu rồi !"
Cuộc sống của chúng ta hôm nay, nhìn chung, không thiếu cơ hội để hưởng dụng các tiện nghi hiện đại, không thiếu đam mê thâu tóm danh vọng địa vị, không thiếu tham vọng nắm lấy quyền lực và quyền lợi. Người nghèo khó đến đâu thì cũng nuôi một ước mơ vươn lên thoát khổ dù chưa thấy tia sáng nào cho tương lai. Còn những người đã may mắn, khỏe mạnh, có vốn liếng, có trình độ kinh nghiệm thì đương nhiên luôn xoay xở trăn trở để được giàu hơn, sung sướng hơn, sở hữu mọi mặt ngày càng nhiều hơn.
Rõ ràng, nếu gạt bỏ con đường tiến thân bất lương, bất chính, bất tín, bất công, bất nhân ( đủ mọi thứ bất… ) thì khát vọng xóa nghèo là xác đáng. Thiên Chúa đâu có muốn con người sinh ra phải sống trong khổ nhục khốn cùng ? Người đã chúc phúc cho mọi công việc tốt lành của con người. Vậy mà, sự giàu có về của cải vật chất lại có thể nghịch biến với sự giàu có của tinh thần, của tình cảm và của tâm linh sâu xa... Và rất nhanh, các gia đình, cả các cộng đoàn nam nữ Tu Sĩ được nhìn như một gia đình, bắt đầu thiếu rượu mà không biết, có khi cạn sạch rượu mà không ngờ !
Cái thứ rượu làm cho người ta say xỉn, gây sơ gan và ung thư, gây ra tai nạn giao thông, của đáng tội, lại chẳng hề thiếu, bao nhiêu két, bao nhiêu thùng, alô một tiếng, có ngay. Nhưng thứ rượu mà các gia đình đã cạn mất lại chính là rượu Tin Mừng. Đó là thủy chung, là hiếu thảo, là bao dung, là thuận hòa, là tiết độ, là hy sinh, là tinh thần Bảo Vệ Sự Sống.
Tông Đồ Phaolô có mời gọi: "Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau… Trên hết mọi đức tính, anh em phải ó lòng bác ái vì đó là mối dây liên kết tuyệt hảo" ( Cl 3, 12 – 14 ). Thế mà các đức tính và mối dây liên kết ấy biến đâu mất, để quên chỗ nào hay thất lạc từ bao giờ rồi ? Hậu quả có thể thấy ngay là các Mái Ấm không còn ấm và có khi bay… cả mái, gia đình chỉ còn trơ trụi, ngơ ngác, bất an giữa đời.
Gia Đình là đơn vị nhỏ nhất nhưng lại là từng "hòn gạch" nền để xây dựng Xã Hội và Giáo Hội. Vậy mà Gia Đình chúng ta hôm nay, riêng tại Việt Nam, đang gánh chịu nhiều thương tích xót xa: ngoại tình, ly dị, phá thai, bạo lực… Các tệ nạn như thú dữ bao vây Gia Đình có thể kể ra là ma túy, cờ bạc, thuốc là, rượu bia, games bạo lực và khiêu dâm… Từng thành viên của Gia Đình, từ thai nhi còn trong dạ mẹ, trẻ em, giới trẻ, người lớn, người già, đều phải giáp mặt thường xuyên với bệnh tật, nghiện ngập, thất nghiệp, phá sản, tai nạn, nghèo đói, khổ đau, đổ vỡ, bất an, mất hướng, lạc đường…
Giữa một bối cảnh như thế, Mẹ Maria thì thầm với Chúa Giêsu: "Con ơi, họ hết rượu rồi !"
Lại nhắc đến bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhiều giai thoại kể lại về người họa sĩ ẩn danh theo trường phái Byzantin, đã phải chạy tịnh, tĩnh tâm, suy niệm, cầu nguyện nhiều ngày tháng, rồi mới chấp bút vẽ, mà không phải đứng vẽ hay ngồi vẽ, mà là quỳ vẽ, vẽ trong tư thế chiêm ngắm và cầu nguyện. Họa sĩ phác họa bố cục rồi vẽ tất cả các chi tiết của bức tranh, xong xuôi mới hoàn tất bằng cách "điểm nhãn", vẽ đôi mắt và ánh nhìn sâu lắng của Mẹ.
Đôi mắt ấy giờ đây đang nhìn sâu thật sâu vào mắt chúng ta, vào lòng dạ chúng ta, vào tận từng uẩn khúc ngang trái của Gia Đình chúng ta, Cộng Đoàn chúng ta. Ánh mắt dịu hiền nhưng nghiêm nghị, không dễ dãi nuông chiều đối với đàn con của Mẹ. Ánh mắt thoáng một chút buồn nhưng không bi lụy, xoáy vào tâm can, vừa mời gọi, vừa thúc bách từng đứa con của Mẹ trỗi dậy, đổi đời, an tâm vui mừng vì có Mẹ hằng cứu giúp, vì có Mẹ dắt đi, xuyên qua bóng tối của Thập Giá mà tiến về phía ánh sáng vàng rực rỡ của Phục Sinh.
Khi Mẹ ngỏ cùng Chúa Giêsu: "Con ơi, họ hết rượu rồi", Chúa Giêsu không hẳn từ chối, cũng không hẳn nhận lời, có lẽ Người chưa muốn tỏ lộ quyền năng sớm quá trong bước đầu của sứ vụ. Dù vậy, sau đó như chiều theo ý Mẹ muốn, lòng-thương-xót-của-Con đã hòa cùng với lòng-xót-thương-của-Mẹ, dấu lạ đã được thực hiện: nước lã dùng để rửa tay chân lại hóa thành rượu ngon nồng đượm. Và mọi người có mặt ở Cana hôm ấy đã được thưởng thức món Quà Cưới tuyệt vời ấy của Chúa Giêsu. Tin Mừng ghi lại: "Các Môn Đệ đã tin vào Người".
Còn hôm nay, với chúng ta thì sao ? Mẹ đã xin với Chúa Giêsu cứu các Gia Đình, và ắt hẳn Người đã cứu ngay rồi, đã đổ rượu quý Tin Mừng cho các Gia Đình thật đầy tràn chan chứa. Chúng tôi, các Linh Mục Tu Sĩ, có thể nói, chính là các gia nhân được Mẹ dặn dò "Người có bảo gì, các anh cứ làm theo". Chúng tôi đã múc bao nhiêu là nước lã đời để đem cho Chúa Giêsu làm thành rượu quý trong các Thánh Lễ, qua các Bí Tích được cử hành, qua các buổi hành hương, qua các bài giảng ở Nhà Thờ và trong các lớp Giáo Lý. Chúng tôi đã phục vụ trong Tiệc Cưới do Chúa Giêsu khoản đãi mỗi ngày và mỗi Chúa Nhật, chúng tôi biết rõ các Gia Đình chúng ta không còn thiếu Rượu Tin Mừng đâu. Tuy nhiên, vấn đề là các thành viên trong Gia Đình chúng ta có được Lòng Tin như các Môn Đệ ngày xưa để sẵn sàng chịu đưa tay cho Mẹ cứu giúp, chịu mở lòng cho Chúa Giêsu ngự vào mà biến đổi hay không ?
"Lạy Chúa Giêsu, nhờ Mẹ, chúng con tin vào Ngài !"
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT,
11.2.2017, Lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức

No comments: