Sunday 17 June 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Chỉ trích Lề luật


Chỉ trích Lề Luật

Chúa Yêsu không chỉ bất đồng quan điểm với luật sĩ về những điều thêm thắt bởi đạo đức. Có hai điểm Chúa Yêsu đã từ khước, mà lại là hai điểm thuộc Lề luật Ngài coi như có uy tín của Thiên Chúa.

Luật ly dị (Tl 24: 1-4): Luật Môsê cho phép chồng được ly dị. Từ thế kỷ thứ 5 trước kỷ nguyên, luật đó đã bị lạm dụng làm tiên tri Malaki đã phản kháng. Nhưng luật đó vẫn hiện hành vào thời Chúa Yêsu. Chúa Yêsu đã lên án việc ly dị trong một tranh luận với biệt phái (Mc 10: 2-12), thánh Phao-lô ám chỉ đến 1C 7: 10-11 (chú giải tranh luận về khoản trừ trong Mt 5: 32 và 19: 9. Không thể nhận được rằng Chúa Yêsu cho phép ly dị khi có ngoại tình. Nhưng phải hiểu tiếng “dâm bôn” đây theo kiểu nói Do thái thời đó, tức là những hôn nhân bất hợp pháp đã công nhận trong Lề luật là hôn nhân đó không thành). Chúa Yêsu giải thích luật ly dị như một sự bất đắc dĩ miễn chước cho trong lì lợm cứng cỏi của những phong tục xưa. Đứng trước luật ly dị, Chúa Yêsu lấy ý định Thiên Chúa trong việc thiết lập hôn nhân thuật trong sách Môsê như luật Ly dị trên (Kn 1: 27; 2: 24 lời chỉ trích của Chúa Yêsu nại vào chính Lời của Thiên Chúa.
Luật trong sạch về thức ăn (Lv 11; Lv 17: 10-16). Xét về do lai của các luật này, chúng ta phải coi đó như những điều huý kỵ cổ thời lưu truyền lại. Lời chỉ trích đó ghi lại trong Mc 7: 14-23. Lời chỉ trích này có tính cách “cách mạng”: chính các môn đồ phải trải qua nhiều kinh nghiệm và thời gian mới lĩnh hội được tầm ý nghĩa (Cv 10: 10-16; 15: 20-29: 21: 25…). Chúa Yêsu dựa vào đạo lý Sách Thánh (Ysaya, Thứ luật thư, Yêrêmya, Thánh vịnh…) nói đến lòng người ta để đính chính. Thay vì những cấm đoán của tục lệ về huý kỵ, thì Chúa Yêsu cho thấy những yêu sách cuối cùng của Thiên Chúa như thấy xuất hiện dần dần trong sự tiến triển của Mạc khải Cựu Uớc.
Nên để ý: Ý nghĩa của lời chỉ trích Lề luật là cần thiết:
-Có phải là chỉ trích Lời Thiên Chúa không? Tại sao?
-Lời chỉ trích đó phân biệt làm sao trong những luật lệ cổ truyền có phương diện nhân loại? và giá trị do bởi Thiên Chúa?
-Chúa Yêsu dựa vào quyền nào để viện chứng cho lời chỉ trích đó? Lý trí? Truyền thống? Sứ mạng riêng của Ngài? (các nố khác nhau đó không loại trừ lẫn nhau, nhưng có thể bổ túc tuỳ phương diện).   
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


No comments: