Sunday 10 June 2012

Lm Kevin O'Shea CSsR: Lễ Mình Máu Chúa


Mình Thánh Chúa Ki-tô
Công Đồng Vatican 2 và Phụng Vụ Thánh Thể

Đến nay đã gần năm mươi năm kể từ phiên họp đầu tiên của Công Đồng Vatican 2. Vào dịp lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô năm nay, chúng ta thử nhìn lại và xem Công Đồng Vatican 2 đã giúp chúng ta hiểu biết về Thánh Thể và về Giáo Hội như thế nào.

Có lẽ lễ kính Mình Thánh Chúa Ki-tô là một dịp tốt để nhìn lại, nhìn xa hơn, về chiều dài lịch sử của sự chuyển biến trong phụng vụ. Chúng ta nên nhớ lại cách đây không bao lâu mình đã từng đi lễ như thế nào. Sự chuyển biến trong phụng vụ đã khởi đầu từ cả hơn một trăm năm trước, nhưng chỉ mới có hiệu quả trong những năm sau kỳ đệ nhị thế chiến, do những người như Prosper Gueranger chủ xướng. Đó là một cuộc hành trình leo ngược dốc. Trong cả một giai đoạn quá lâu trước đó, phụng vụ đã trở nên phần sự vụ đặc biệt chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ – người linh mục cử hành thánh lễ bằng tiếng Latin, cử hành hầu như trong thinh lặng, không hướng mặt về cộng đoàn, trong khi giáo dân sốt sắng đọc những lời nguyện trong mấy quyển sách kinh nguyện hay có thể là lẩn chuỗi mân côi. Như Lambert Beauduin nhận xét, trong phụng vụ của những ngày xa xưa đó người Ki-tô hữu đã không rút tỉa được sự diễn tả chân thật về lòng kính mến bẩm sinh trong tâm hồn họ. Thời đó nhà thờ thì nguội lạnh và tẻ nhạt, còn giáo dân thì vội vã ra về khi lễ đã xong. Tâm hồn của người ta không hiện diện ở đó. Nếu có chút tâm hồn nào, thì chỉ có trong các việc đạo đức khác mà thôi.

Rô-ma cảm nhận được sự cần thiết phải cải tổ. Vào năm 1903 Đức Giáo Hoàng Pi-ô X kêu gọi tín hữu tham dự tích cực vào các mầu nhiệm. Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI khuyên tín hữu đi lễ không phải như người đi xem lễ, như người ngoại quốc không biết nói loại ngôn ngữ đang được dùng trong thánh lễ. Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII (trong tông thư Mediator Dei vào năm 1947) đã bắt đầu một sự thay đổi thật sự khi ngài cải tổ phần phụng vụ Tuần Thánh và phụng vụ Vọng Phục Sinh. Dần dần, phụng vụ không còn được xem chỉ là thánh lễ riêng của linh mục mà thôi, mà là hành động của đoàn dân Chúa: trong hơn một thiên niên kỷ trước đó, giáo dân Công Giáo trong thánh lễ đã không tích cực hiệp thông với nhau hay với Thiên Chúa. Một người Công Giáo đi lễ Chúa Nhật trước thời Công Đồng Vatican, (hay một người thời nay đi dự một thánh lễ mà ngày nay được gọi là lễ dạng ngoại thường), thì không bao giờ được nghe về câu chuyện hai người môn đệ trong hành trình Emmau, hay không được nghe bất cứ điều gì về hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a đọc trong thánh lễ.

Công Đồng Vatican 2 là khởi đầu của một sự mới mẻ thật sự trong thánh lễ. Văn kiện đầu tiên được phê chuẩn tại Công Đồng Vatican 2 (vào ngày 4 tháng Mười Hai năm 1963) có tựa đề là “Sacrosanctum Concilium” (Công Đồng Chí Thánh), tuy nhiên văn kiện đó không nói về Công Đồng, mà nói về một sự thay đổi nơi quan điểm của chúng ta về Thánh Thể. Đó là một việc biểu trưng, gần như là một việc ngoạn mục mà Công Đồng đã làm. Đó là một tuyên bố được cân nhắc cẩn trọng. Thánh Thể là điều liên quan trực tiếp nhất đến cuộc sống của người Công Giáo. Tuyên bố như vậy thì đâu còn chỗ nào để thay đổi được? Vatican 2 muốn canh tân nghi thức thánh lễ bằng cách quay về nguồn; Vatican 2 cũng muốn đơn giản hóa các nghi thức để giúp giáo dân hiểu nghi thức rõ hơn và tham dự vào các nghi thức một cách tích cực hơn.

Để làm được điều này, Vatican 2 phải giáo huấn chúng ta một điều gì đó, một điều gì thuộc tín lý Bí Tích Thánh Thể. Văn kiện Công Đồng Chí Thánh đưa chúng ta đến cốt lõi của đạo chúng ta và của tất mọi phụng vụ của chúng ta – đó là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Đó là sự phục sinh của Đức Giê-su bị đóng đinh, và sự hiện diện luôn mãi của Người với chúng ta, để đưa chúng ta qua Cuộc Vượt Qua của Người mà đến với Đức Chúa Cha.

Trong mầu nhiệm đó, toàn thể nhân loại đều được dự phần. Vì vậy sứ mạng chủ yếu của Giáo Hội là loan báo ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ơn cứu độ này đã đến với nhân loại, và vẫn đang tiếp tục đến với nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô. Ơn cứu độ đến trong lịch sử của chúng ta, trong lịch sử cá nhân cũng như lịch sử chung của toàn thế giới, nhưng ơn cứu độ đến trong một cách rõ ràng hơn thông qua các nghi thức và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Đó là lý do tại sao phụng vụ Thánh Thể – như Công Đồng Vatican 2 đã nói – là nguồn máng và là đỉnh điểm của cuộc sống của Giáo Hội.

Nhìn lại năm mươi năm trước, tôi không nghĩ bản văn kiện đầu tiên của Công Đồng Vatican 2 là thật sự nói về Phụng Vụ. Bản văn kiện đó là nói về Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Bằng một loại ngôn ngữ mới mẻ đối với truyền thống Công Giáo mà đa số chúng ta đã được nuôi dạy, Công Đồng Vatican 2 xác quyết rằng Đức Ki-tô Phục Sinh hiện diện trong phụng vụ không chỉ trong một cách thức mà trong nhiều cách thức: không chỉ hiện diện trong các phép bí tích, đặc biệt là trong bánh rượu Thánh Thể, mà còn hiện diện nơi vị linh mục đang cử hành thánh lễ - trong ngôi vị Chúa Ki-tô, và còn hiện diện nơi Lời Chúa được đọc và đón nhận trong đức tin, và vì thế cũng hiện diện nơi cộng đoàn giáo dân đang tham dự vào những điều này để mừng Chúa phục sinh.

Đó là lý do vì sao sự tham dự của dân chúng – mô thức hàng đầu của Công Đồng và đặc biệt của văn kiện này – là điều thật hệ trọng. Cả một nền thần học của giáo hội được tiên báo ở đây – điều đó về sau sẽ được làm sáng tỏ trong Lumen Gentium (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội - Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân). Từng cá nhân không làm được hết tất cả mọi sự, nhưng nhờ vào tính chất linh mục của tất cả những người đã được rửa tội, tất cả mọi người đều tham dự trọn vẹn vào hành động chung của Đức Ki-tô phục sinh và của Giáo Hội đang được thiết lập.

Chính là nhằm khuyến khích sự tham dự này mà Công Đồng Vatican 2 đã đề ra việc sử dụng ngôn ngữ bản xứ, đề cao bài giảng phúc âm, âm nhạc phụng vụ, và bình ca. Một cải tổ nổi bật của Vatican 2 là phần đọc sách thánh. Sự thay đổi này là nhằm cho thấy rõ sự kết hợp mật thiết giữa nghi thức và văn bản lời Chúa. Tất cả các quyển sách trong Thánh Kinh đều được đưa vào sách bài đọc trong thánh lễ.

Công Đồng Vatican 2 muốn thấy trong phụng vụ một ‘sự hiển linh’ mới của giáo hội, một biểu hiện về bản chất thật sự của giáo hội. Công Đồng muốn chúng ta nhận ra điều đó qua ngôn ngữ vượt qua. Để bày tỏ điều đó, công đồng đã đưa lại phần lời nguyện phổ quát vào thánh lễ (chúng ta gọi đó là lời nguyện giáo dân), và cho phép việc đồng tế giữa nhiều linh mục.

Bên dưới bề mặt của những việc cụ thể, chúng ta đang đối diện với hai tâm linh riêng biệt. Có hai khái niệm về giáo hội ở đây. Đó là hai khái niệm về chiều kích xã hội của giáo hội. Có hai cách để xem giáo hội là một cộng đoàn. Có hai khái niệm về sự hiệp thông. “Hiệp thông” có hai ý nghĩa khác nhau.

Cái tâm linh thứ nhất mà thánh-lễ-phát-triển-qua-lịch-sử đã dạy chúng ta qua hàng bao thế kỷ (thánh lễ mà chúng ta đã được thừa hưởng và đã từng yêu quý) được đặt nền tảng trên nguyên lý Thiên Chúa đối xử với mỗi cá nhân chúng ta như những cá thể riêng biệt. Chúng ta cần phải cải tổ đời sống cá nhân của mình, phải chuẩn bị để lãnh nhận riêng cho mình phần rước lễ cá nhân khi tham dự thánh lễ. Việc hiệp thông rước lễ - phép bí tích – theo ngày xưa thì trước hết và trên hết là hiệp thông với Đức Giê-su trong phép Thánh Thể của riêng mỗi cá nhân chúng ta. Giáo hội ngày xưa là một tập hợp của các cá nhân trong đó mỗi cá nhân tin giáo hội và sống đời sống của giáo hội. Một trong những bổn phận luôn luôn của họ là yêu thương nhau trong tư cách những người cùng có chung niềm tin và có chung những việc giống nhau, và cùng thực thi những việc bác ái cho người nghèo như một nghĩa vụ chung của những người hiệp thông với nhau. Giáo hội là để trợ giúp các cá nhân được lên thiên đàng. Thánh lễ cũng vậy.

Tâm linh thứ hai của Thánh Thể Cổ Đại (mà ngày nay đang được Vatican 2 phục hồi lại) giả định là chúng ta biết rằng Thiên Chúa đối xử với chúng ta không phải như những cá thể riêng biệt, nhưng trong Đức Ki-tô, trong Đức Ki-tô bị đóng đinh và phục sinh và hoạt động tích cực giữa mọi người chúng ta. Tất cả mọi người chúng ta được “kết hợp” với Người và kết hợp với Thiên Chúa qua Người. Điều này đã luôn luôn diễn ra kể từ lúc Người Phục Sinh. Chúng ta cùng nhau cảm nhận được điều này qua phụng vụ của Bí Tích Thánh Thể Cổ Đại. Đó là một sự hiệp thông huyền diệu trong và với Đấng Phục Sinh và Thiên Chúa của Người. Khi chúng ta cùng lãnh nhận Mình và Máu Người trong phép bí tích, chúng ta chứng minh điều đó một cách công khai. Sự “hiệp thông chung” đó giải nghĩa sự “hiệp thông” của riêng chúng ta. Nhưng sự hiệp thông đó lớn lao hơn chúng ta – lớn lao hơn tính chất cá thể của chúng ta – và lớn lao hơn đời sống tâm linh của cá nhân mỗi chúng ta. Chúng ta chính là giáo hội – một tập hợp những người được tập hợp nơi Đấng Phục Sinh. Chúng ta là tất cả, nhất là những người nghèo và những người bị loại trừ, tất cả đều tập hợp chung với nhau trong giáo hội. Chúng ta đã tập hợp chung như vậy kể từ dịp Phục Sinh đầu tiên. Giáo hội và Thánh Thể không phải chủ yếu là một sự trợ giúp cho các cá nhân, giáo hội và Thánh Thể là một diễn tả (biểu tượng và bí tích) của sự hiệp nhất nên một nơi Thiên Chúa – sự hiệp nhất lớn hơn tất cả mọi cá thể gộp lại. Viễn kiến xã hội về các tín hữu được đặt nền tảng trên sự hiệp nhất này của giáo hội. Thân xác phục sinh của Đức Ki-tô đã tích cực thành lập nhiệm thể hội thánh Ki-tô. Nhiệm thể hội thánh giữ mối hiệp thông với chính thân xác phục sinh của Đức Ki-tô bằng cách lãnh nhận thân xác đích thực đó qua phép bí tích – nhưng bí tích Thánh Thể không có nghĩa là sự hiệp thông cá nhân trong một phương cách riêng biệt, mà có nghĩa là toàn bộ phụng vụ Thánh Thể. Nhiệm thể hội thánh Ki-tô được thành lập, duy trì, nuôi dưỡng, và được giữ trong sự hiệp thông với Đức Ki-tô phục sinh qua phép Thánh Thể đó. Việc đó được gọi là hiệp thông bởi vì qua đó chúng ta thông giao với Đức Ki-tô và với nhau. Việc đó được gọi là bí tích Thánh Thể bởi vì chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về điều đó – cái mầu nhiệm, cái viễn kiến mà Thiên Chúa đã định cho tất cả chúng ta.

Đó là điều chủ yếu mà Công Đồng Vatican 2 muốn dạy chúng ta.

Đó là ….. Mình Thánh Chúa Ki-tô …..


mh
09.Jun.2012


No comments: