Monday 21 May 2012

Lm Vĩnh Sang DCCT: SÊRÊPỐC, NỖI ĐAU NỐI TIẾP HÀNG VẠN NỖI ĐAU



Lại một tai nạn nữa xảy ra nối tiếp những tai nạn giao thông trên cả nước, nâng thống kê số người vô tội chết thảm thương lên hàng con số chục ngàn cho mỗi năm, những con số lạnh lùng nghiệt ngã.
Cho đến hôm nay, 34 người qua đời, 21 người mang thương tật, đó có phải là những con số quá 1ớn không ? Có làm rung động lòng người không ? Có phản ứng nào từ lương tâm của những người có trách nhiệm không ?
Con số trên 10 ngàn người thiệt mạng hàng năm mà các cơ quan công quyền công bố là con số gì ? Đó có phải là mạng người hay không, sao không có một động thái phản ứng mang tính tích cực ? Báo chí nói, rộn lên vài ngày rồi “chìm xuồng”, dư luận cũng dần im lặng, mọi người sẽ dần quên, đau khổ nhiều quá rồi cũng thành quen !
Người ta bảo, con số người chết và bị thương tật trong các tai nạn giao thông hàng năm trên đất nước này lớn hơn số người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc hơn 37 năm trước ! Thật thế không ? Sao đất nước chúng ta đau khổ quá vậy ? Cứ sau mỗi tai nạn, thông tin từ phía công quyền lại có hàng chữ “các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và làm rõ nguyên nhân gây tại nạn”, hàng chữ lạnh lùng rồi mất dần đi, chẳng hiểu “làm rõ” là làm sao, ai trách nhiệm và xử lý thế nào ?
Chỉ còn khăn tang, nỗi đau không gì bù đắp của tuổi thơ, của gia đình, của làng xóm và của xã hội. Nỗi đau ấy đeo đuổi cả một đời người, hệ lụy nhiều thế hệ. Có ai biết đứa trẻ thơ vô tội, bỗng dưng mất cha mất mẹ một cách kinh hoàng, chịu những chấn động tâm lý nặng nề, rồi từ nay phải đàm đương một đời cô độc, môt đời côi cút, cháu sẽ lớn lên thế nào, sẽ sống ra sao, rồi sau này lập gia đình và sinh con thế nào ? Hệ lụy bi thương còn kéo dài đến tận mãi đâu ? Hình như chẳng ai có liêm sỉ đứng ra nhận trách nhiệm, thật phũ phàng !
Bằng một cách suy nghĩ giản đơn, giản đơn nhưng không võ đoán, cái gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó, một tai nạn xảy ra ắt phải có nguyên nhân gây tai nạn, là tai nạn giao thông, những cái cấu thành giao thông đường bộ là: con người, phương tiện, hệ thống quản lý giao thông và đường. Có khi chỉ do một nguyên nhân, có khi do nhiều nguyên nhân cùng gây ra.
Không thể không có nguyên nhân, không th ể cứ mãi vô lý như chuyện cháy xe hàng loạt trong hai năm qua trên đất nước này, những tin tức này bay ra nước ngoài hỏi chúng ta có nhục không ? Một đất nước tự hào là lương tâm của nhân loại, là ưu việt và tiên tiến, là tiến bộ, là thần thánh, là “ra ngõ gặp anh hùng”, thế này thế kia… biết bao mỹ từ tự hào mà có mỗi nguyên nhân gây cháy xe, hàng trăm cái đầu “có học” mang học vị tiến sĩ, hàng ngàn cái đầu “có học” mang học vị thạc sĩ, hàng vạn cái đầu “có học” mang học vị cử nhân về kỹ thuật mà hai năm rồi không tìm ra nguyên nhân ! Đứa trẻ con cũng biết, nếu xe nào cũng cháy, ngọn lửa không lựa chọn một loại xe nào thì nguyên nhân đích thị là nhiên liệu chứ còn gì nữa !
Xưa nay không cháy, bỗng dưng hai năm nay cháy, đích thị là nhiên liệu tiêu thụ trong hai năm nay là nguyên nhân, mà nhiên liệu nhập vào Việt Nam thì ai nhập biết rồi ! Cơ quan nào nhập thì biết rồi ! Còn nếu sản xuất ở Việt Nam thì ai sản xuất cũng biết nốt. Sao lại im lặng ?
Cái nhịp cầu Cần Thơ đang thi công bỗng đổ sụp xuống, hàng mấy chục người bỏ mạng, hàng mấy chục gia đình mất mát đau khổ, “các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân”, cho đến bây giờ vẫn cứ… “chìm xuồng”, im lặng khó hiểu ! Những kẻ tham gia vào quá trình thi công, tham gia vào quá trình nhập và phân phối nhiên liệu bây giờ đang hưởng thụ và vinh vang phè phỡn ở những chức vụ cao trọng !
Trở lại chuyện tai nạn giao thông, chẳng nói ra ai cũng biết, về co n người, người ta cứ nói đến ý thức giao thông, ý thức có từ đâu nếu không phải là được giáo dục, mà giáo dục giao thông đơn giản nhất là học để lấy bằng lái xe, cái hệ thống cấp bằng như thế nào, chỉ còn biết… cười ! Về phương tiện, cái căn bản nhất của phương tiện là việc đăng kiểm, cái hệ thống cấp bằng đăng kiểm như thế nào ? Thêm một tiếng… cười khì ! Rồi đến mạng lưới tổ chức giao thông, chắc chắn cũng phải… cười nữa vì báo chí nói quá nhiều rồi. Có những tổ chức giao thông đang diễn ra hết sức vô lý, đến đứa con nít cũng biết sẽ không thể làm như vậy nhưng hệ thống ấy được thiết kế bởi những quan chức bằng cấp đầy mình, có cả những hệ thống giao thông “thuê” nước ngoài thiết kế nữa ! Tình trạng kẹt xe vô lý ở hai thành phố lớn nhất nước chứng minh điều đó.
Đứng trước tình trạng đó chúng ta, những người tin vào Chúa phải làm gì ? Không thể mãi im lặng và gọi đó là đối thoại. Giáo Hội có trách nhiệm với những con người mà Giáo Hội được sai đến để phục vụ không ? Đứng trước những đau khổ của họ, với tư cách là một Giáo Hội sở hữu và quản lý kho tàng đức tin, niềm hy vọng, niềm vui và Ơn Cứu Độ thì phải làm gì ?
Vào ngày 15 tháng 5 năm 2012, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa công bố bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, tuy mới chỉ là một bài nhận định nhưng ít là có một tiếng chuông, có một tiếng nói, nói về một thực trạng mà những ai có lương tâm đã không thể im lặng.
Trong sách Công Vụ Tông Đồ, trong đoạn được công bố ngày lễ Chúa Thăng Thiên có câu: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ?” ( Cv 1, 11 ). Quê hương chúng ta ở trên Trời nhưng đường lên Trời lại là đường ngay trên mặt đất, chúng ta thuộc về Quê Trời nhưng chúng ta không làm… “người cõi trên”.
Hãy nguyện cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta biết phải làm gì để xây dựng quê hương trần thế của chúng ta tươi đẹp, phản ánh và làm chứng cho ánh huy hoàng của Quê Trời ở ngay giữa trần gian. Lời nhắn nhủ của Đức Tổng Giám Mục, vị đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh cứ theo đuổi tôi mãi: “Phải bước ra khỏi mộ tối để chiếu giải sự thánh thiện cho thế gian”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
Lễ Chúa Thăng Thiên 20.5.2012

No comments: