Wednesday 2 May 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Ví dụ “Người Con Hoang Đàng” (tiếp theo)




Lc 15: 11-32:
Câu 20: Hồi tỉnh rồi nhận tội và quay về lại nhà cha. Nhưng sự trở về mà thực là về nhà, là do tự người cha mà có. Đây có những lời rất tế nhị, mỗi tiếng phải thẩm định với tất cả những gì ngầm hiểu ở dưới:

Ông đã thấy nó tự đàng xa: té ra ông hằng chờ đợi nó, và bởi ông chờ đợi, nên khoảng cách không làm cho ông lầm lẫn, tuy mắt ông vào tuổi già rồi, ông đã nhận ra con ông! Và ngay tự đàng xa, ông tiến lại, không thế thôi, ông chạy (đối với một người phương Đông có tuổi, một cụ già khả kính đạo mạo mà chạy tất tả, người ta coi như không xứng tí nào. Nhưng:

Ông chạnh thương: Lòng dạ ông như lộn nhào tơi bời vì thương con.

Ông bá lấy cổ con mà hôn lấy hôn để: hôn chân, hôn đầu gối là cử chỉ của hàng nô lệ, của người hối cải (Lc 7: 37); hôn tay: cũng còn thuộc bề dưới; hôn má là dấu bằng vai, là hợp đồng trọn hảo. Nhưng không chỉ là một cái hôn lấy lệ, nhưng “hôn lấy hôn để”, một sự tha thiết nồng nhiệt và làm đi làm lại, như bù đắp lại bao năm trời không được hôn con: như vậy là một sự tha thứ hoàn bị, tái lập đầy đủ sự xum họp, tái lập lại đầy đủ quyền làm con.

Câu 21/ Ngay trước khi nó thú tội, nó đã được nhận và đối xử như con rồi. Và nó vừa nói ít tiếng, thì ông đã ngắt lời.

Câu 22-23/ Cả ba lệnh: ban áo danh dự (kiểu phong tặng của các nước Tiểu Á; không có phẩm hàm, kim khánh; khi muốn biết đã thưởng công thì nhà vua ban áo quí. Mặc áo mới trở nên tượng trưng cho thời cứu rỗi). Đứa con có ít tã quấn mình đột nhiên trở thành thượng khách.

Nhẫn: Nhẫn mang ấn triện. Ban nhẫn tức là chuyển giao quyền chức.

Giày dép: một dấu xa hoa, chỉ những người tự do mới có. Đứa con không còn là nô lệ đi chân không nữa.

Giết bò: Con bò tơ dành cho những ngày đại lễ. Một đại lễ của gia đình. Tiệc xum vầy tái lập mối hợp đồng trọn hảo. Chính điều này làm cho con cả tức đến hộc tiết ra được.

Và cảnh nhà ông cha, xưa nay chìm trong lặng lẽ, nghiêm khắc làm ăn, bỗng ran lên đàn ca xướng hát vì vui sướng: lời của ông cha làm gián đoạn trình thuật cho thấy ý nghĩa tại sao có cái vui sướng đó: một cuộc cải tử hoàn sinh. Lời đó ông còn lặp lại cho con cả của ông một lần nữa để kết thúc ví dụ…

Tự ý ra đi khỏi nhà cha là chết, hư đi mất rồi. Sống trong tội tức là sống trong án chết. Chúa Giêsu coi người ấy như chết rồi. Trở lại, về nhà cha, nhà mở ra cho trong ơn tha thứ, tức là lĩnh lấy sự sống và sự sống ấy cứ còn mãi, cho dẫu thân xác phải chết. Sự sống đó là về lại cùng Cha, Chúa Yêsu đem về nhà Cha, tức là Ngài ban cho sự sống.  

 (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

No comments: