Saturday 10 March 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi:

 
 
Những câu hỏi để tra khảo: Tội Lỗi

Muốn nhận biết ý tưỏng của Chúa Yêsu về tội, cần phải biết tình hình thực tế thời Ngài. Trong thế giới Do thái, lòng nhiệt thành vì Lề Luật, phong hoá nghiêm nhặt, sinh hoạt đơn giản đã tạo nên một đoàn thể rất kỷ cương về luân lý. Trong xã hội đó, Chúa Yêsu không gặp thờ quấy, và dâm dật lan tràn như trong các thành Hy Lạp và Rôma (như thấysau này trong các cộng đoàn dân ngoại mà thánh Phaolô phải đào tạo, huấn luyện).
I.                    Những tội mà Chúa Yêsu gặp xung quanh Ngài.
-Những tội thường có của một xã hội yên tĩnh và đơn mộc: ít người đàng điếm (Mc 7: 21; Mt 21: 31; Lc 7: 37; 8:2…); những người thu thuế (bóp cổ đồng bào trong việc thu thuế: Mc 2: 15t; Mt 21: 31t; Lc 18: 9-14; 19: 1-10…). Những tội mà Chúa Yêsu tố cáo: ghen ghét (Mt 5: 21-26, 38-48; 7: 1-5…), ích kỷ (Lc 10: 25-37; 16:19-26…), tham của (Mt 6: 19-21, 24-34; Lc 12: 13-21; 14: 28-33; 16: 1-9…), sắc dục (Mt 5: 27-32), lười biếng (Mt 25: 24-30).

Nhưng đối với Chúa Yêsu có một tội nặng hơn, vì đi nghịch hẳn với sứ mạng của Ngài: sự từ khước không tin của hàng lĩnh đạo Do thái và cách riêng của Biệt phái. Biệt phái là gì, cần thiết phải hiểu. Theo nghĩa thông thường giữa chúng ta, Pharisiêu là quân giả hình (do bởi những lời chỉ trích có trong Mt 15: 7; 22: 18; 23: 13-15…), Chúa Yêsu biết có ít người Biệt phái giả hình (cũng ngay giữa những Biệt phái, họ cũng nhận như thế nữa); nhưng chắc chắn là Chúa Yêsu không nói tất cả nhóm Biệt phái là giả hình. Nhóm Biệt phái thời đó gồm những phần tử đạo đức nhất và quan trọng nhất trong đạo Do thái. Họ là những người ngay chính và nghiêm chỉnh, thực hành Lề luật một cách nhiệt thành. Trong đạo lý của họ, nhiều điểm Chúa Yêsu cũng nhận (sự sống lại của kẻ chết, sự phân tách đời và đạo…). Tật xấu mà Ngài trách họ là việc sùng tín vào Lề luật một cách chật hẹp: cố công thực hành những điều Lề luật dạy, cả những điều nhỏ mọn nhất, nhưng trong khi chăm chú tất cả vào những điều lặt vặt đó, họ để mất cả ý nghĩa của những đòi hỏi căn bản (Mc 7: 1-8; Mt 23: 23-28) của Thiên Chúa. Họ tưởng làm theo ý Thiên Chúa ngay trong khi họ từ khước không nhận Đấng Thiên Chúa sai đến cho họ (Mt 21: 28-32). Yên lòng bởi đã tỉ mỉ giữ luật, họ không thấy được tội của họ nữa (Lc 18: 9-14); họ tưởng họ là “những người lành mạnh” (Mc 2: 17); họ là những kẻ “mù” (Mt 15: 14; 23: 16-19, 24-36…).

-Không phải ngẫu nhiên mà thái độ Biệt phái lại bàn đến nhiều trong Tin Mừng: đó là cái nguy trường tồn của mọi tôn giáo chín chắn nghiêm chỉnh. Vậy cần thiết phải hiểu ý nghĩa của thái độ Biệt phái. Đó là điều chúng ta đã bàn đến khi họ nói đến ơn tiên tri trong Cựụ Ước. Đây Chúa Yêsu không trách Biệt phái vì không nhận biết Ngài là Mêsia (vì Ngài qua khác xe điều người ta trông đợi). Nhưng Ngài lên án họ, vì họ nhất định không xét xem những chứng chỉ của Ngài: các dấu chỉ bắt đặt vấn đề về sứ mạng của Ngài, lời giảng của Ngài cho thấy Cựu Ước được hoàn tất một cách lạ lùng thế nào. Sự từ khước đó là tội chống lại ánh sáng (tội mà Chúa gọi là tội phạm đến Thánh Thần: Mt 12: 32, một lời trước tiên phải đặt trong hoàn cảnh của Chúa Yêsu! Không phải phạm thượng đến Thánh Thần cách chung, nhưng chống lại Thánh thần hoạt động trong công việc trừ quỉ của Chúa Yêsu. Đây hiểu ngược lại: không phạm thượng đến Thánh Thần tức là nhận biết Chúa Yêsu đã trừ quỉ do quyền phép Thiên Chúa. Ngược lại, những ai đứng trước công việc Chúa Yêsu, lại muốn khước từ quyền lực của Ngài, bằng viện lý ra để cắt nghĩa quyền của Ngài là do Satan, thì họ là những kẻ hư đi! Nên nhớ, không lên án từng người, nhưng là một lời cảnh cáo long trọng; và đàng khác, ơn tha thứ không phải là một việc máy móc, nhưng là một việc độc quyền trong sự tự do làm chủ của Thiên Chúa). Lý do của thái độ Biệt phái: kiêu ngạo của hạng làm thầy trong dân không muốn học gì với tiên tri, hèn hạ, ỷ nại quen lệ với giáo huấn sẵn có, sợ những yêu sách sâu thẳm hơn là những đòi hỏi của điều răn chỉ cần làm xong từng điều là mãn nguyện.

Vài điều nên suy nghĩ:
Cái nguy của tinh thần Biệt phái vẫn có luôn
-Dưới hình thức nào, bây giờ người ta cảm thấy được cái nguy đó?
-Nguồn gốc cho tinh thần Biệt phái đối với chúng ta là ở đâu (kiêu ngạo, lười biếng, sợ sệt…)
-Chúng ta có thể tìm cách trốn tránh những đòi hỏi của Thiên Chúa theo kiểu Biệt phái không? Hoặc bằng học thức? hoặc bằng luân lý?
-Làm sao Lời của Chúa Yêsu giữ ta khỏi tinh thần đó.  
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

No comments: