Wednesday 29 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Về thái độ của Chúa Yêsu đối với người đau khổ:




Chúa Yêsu đã thấy những nỗi đau đớn trên đời (nghèo nàn, bệnh tật, chết chóc…)

-Ngài đã nghe đến những phán đoán giản lược và cổ truyển của các người đồng thời về đau khổ: họ thấy đó là một phần phạt (Yn 9: 2, 34..), công việc của quỷ (Mc 9: 17). Chúa Yêsu cũng có dùng kiểu nói bình dân đó: Ngài nói đến “thần câm điếc” (Mc 9: 25), “nữ tử Abraham bị Satan cột trói” (Lc 13: 16..).

-Nhưng Ngài thấy sâu hơn. Ngài kháng lại kiểu hiểu quá giản lược coi mọi sự như hình phạt tội này tội khác (Lc 13: 1-5; Yn 9: 3) đích xác nơi cá nhân. Ngài không dửng dưng trước đau khổ, Ngài dùng quyền năng Ngài mà diệt trừ đau khổ: các phép lạ chữa lành của Ngài. Khi thì (và thường như thế) Ngài trách làm náo nức trong dân chúng (Mc 5: 38-43; 7: 32-36; 8: 22-26). Khi đó thì phép lạ không có tính cách một dấu, cho bằng một cử chỉ kín đáo của lòng nhân từ chạnh thương, phản ứng hồn nhiên của lòng Ngài đối với những khổ cực của người xung quanh.

-Các phép lạ đó chắc chắn, tuy nhiều khi cần phải nhận chân khía cạnh. Nhưng hình như phép lạ Chúa Yêsu làm cũng không nhiều lắm. Các kẻ chống đối, muốn tưởng tượng theo những trình thuật rất phóng đại của thời xuất hành, thì cho rằng các phép lạ Chúa Yêsu làm quá nhỏ nhen, họ đòi những dấu lạ bởi trời, bánh Manna bởi trời, những huy hoàng lộng lẫy của Sinai mới (Mt 12: 38; 16: 1-4…). Dù cho lớn và nhiều đến đâu, các phép lạ của Chúa Yêsu cũng chẳng thấm thía vào đâu đối với sự dữ trên trần gian: bao nhiêu bệnh tật, bao nhiêu cái chết xung quanh mà Ngài đã không chữa! Đó là một bài học: Ngài kháng cự lại với đau khổ vừa đủ để dạy đừng thản nhiên lười biếng trước đau khổ của đồng loại, để lên án sự ươn ái ngại ngùng của hạng người ích kỷ. Nhưng thực sự, nỗ lực của Ngài nhắm đến một sự dữ khác: trầm trọng nguy khốn hơn đau khổ trần gian đó chính là tội lỗi.
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)


No comments: