Wednesday 8 February 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Ít Chi tiết theo Mt 22: 12-14




BÀN VỀ ÍT TÂN ƯỚC (tiếp theo)

Cắt nghĩa ít chi tiết theo Mt 22: 12-14

Trong Mátthêu, chủ tiệc là vua, thay vì một bữa tiệc, thì có tiệc cưới của hoàng tử. Những chi tiết đã mang nhiều ý nghĩa và đòi phải đọc dưới những dung mạo đó chính Thiên Chúa, và Con của Người. Thay vì một đứa đầy tớ đi mời (Lc 14: 17, 21tt), một nét lấy tự sinh hoạt có thực, thì có cả đoàn tôi tớ… vậy phải hiểu đến ám chỉ của mỗi nét:

Vua là Thiên Chúa đã có một ý định trong thánh sử, đến một thời ơn huệ cuối cùng (tiệc cưới của Con). Suốt lịch sử, Người đã sai đi mời.

Câu 3: trong quá khứ là các tiên tri, nhưng Israel đã không nghe.

Câu 4: đến thời Tân Ước, một nhóm thứ hai được sai đi vào thành (Yêrusalem/Israel) mà báo cho họ biết thời Thiên Chúa hứa bây giờ đã đến: đó là các tông đồ, các thừa sai. Họ đã bị bắt bớ, hành hạ, tử đạo.

Câu 7: Thiên Chúa đã không dung thứ: Ngài đã cho thành đó bị huỷ diệt. Đã rõ là có ám chỉ đến Yêrusalem bị phá bình địa năm 70, vì rõ rệt là câu này không thể tả một việc thường xảy ra: mọi sự đã dọn sẵn để ăn rồi, mà nhà vua lại sai quân binh đi tru diệt bọn sát nhân trước đã.

Câu 9-10:  ám chỉ đến việc truyền giáo dân ngoại (bên ngoài thành) (Lc cũng có áp dụng cho truyền giáo dân ngoại trong 14: 22tt). Người ta được kéo vào phòng tiệc cưới: thanh tẩy cho người ta vào Hội thánh.

Câu 11-13: Từ xưa, khi bàn đến những câu này của ví dụ, người ta đã cảm thấy khó hiểu. Làm sao những kẻ ở đầu đường xó chợ, không ngờ gì về việc được mời lại phải có sẵn những bộ áo dự tiệc. Người ta đã giải thích là phong tục xưa có ban áo lễ cho những kẻ được mời. Nhưng phong tục đó không thấy có thời Chúa Yêsu. Vả lại, tiếng dùng để chỉ đầy tớ trong mấy câu này cũng khác. Vậy phải coi những câu này như di tích của một ví dụ tự lập khác.

Vì mục đích nào mà Mátthêu đã đổi phần ví dụ này với ví dụ trên? Là, để tránh hiểu lầm có thể gây nên bởi việc mời cả mớ trên kia, bất luận lành dữ, như thể thái độ của những người được mời không can hệ gì cả. Một khi ví dụ được nói lại trong Hội thánh: câu 10, cộng đoàn mở cửa đón nhận mọi người (lành dữ) trong thanh tẩy. Hội thánh có kinh nghiệm về sự hiểu lầm, ơn huệ nhưng-không của Thiên Chúa dường như miễn khỏi mọi sự cố gắng cải thiện. Muốn chặn lại kết luận phóng túng đó, thì Mt đã thêm ví dụ áo cưới:

Câu 11: Vua đi vào nhìn coi… Tục lệ xưa, gia chủ không cùng ngồi bàn với khách; đó là lễ độ: bao nhiêu của ăn để khách dùng tự tiện. Đang bữa đi vào chăm nom cho khách.

Y phục: Không phải một thứ áo riêng nhân dịp – nhưng chỉ là áo đã giặt sạch sẽ. Trong Mátthêu: ám chỉ đến sự công chính mới Chúa Yêsu đã dạy (Mt ghi lại trong các đoạn 5-7).

Xét chung Mt 22: 1-14: ví dụ đã được hiểu như lược toát thánh sử và trở nên một bài học cho Hội thánh (một điều giống như thánh Phaolô làm trong 1C 10: 1-11).

Còn, xét đến hoàn cảnh Chúa Yêsu, thì phải nói hình thức trong Lc 14: 16-21 đúng với môi trường hơn: một lời cảnh cáo nghiêm nghị: người Do thái phải tự hạch hỏi chính mình về thái độ của họ đối với Tin Mừng Chúa Yêsu rao giảng.
   
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

No comments: