Tuesday 9 February 2010

Lm Vũ Khởi Phụng: MỘT NHÀ KHOA HỌC SẼ ĐƯỢC TÔN PHONG CHÂN PHƯỚC?


Ngày 28/6/2007, ở Paris (Pháp ) đã phát động cuộc điều tra chính thức, ở cấp Giáo Phận, nhằm tôn phong chân phước cho giáo sư Jerome Lejeune (1926 – 1994). Sự kiện này là một điềm thời đại. Là một giáo dân, là nhà khoa học hàng đầu thế giới, là người tín hữu Chúa Ki-tô dấn thân tới cùng để bảo vệ sự sống của các thai nhi, ông Lejeune xứng đáng là biểu tượng của Dân Chúa hiện đại. Đối với những ai tha thiết với sự sống từ trong trứng nước như các bạn của Ephata, vụ án tôn phong chân phước này là một thời điểm để cầu nguyện và hiệp thông trong sứ mạng trường kỳ của Hội Thánh phục vụ “Tin Mừng Sự Sống”.

Sinh năm 1926, sau khi tốt nghiệp ngành y, Jerome Lejeune làm công tác nghiên cứu ở Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (
CNRS) năm 1952. Sau đó với tư cách chuyên viên quốc tế, ông đại diện cho nước Pháp trong lãnh vực nghiên cứu những hiệu ứng sinh học của các phóng xạ nguyên tử.

Lòng nhân ái khiến ông tìm được định hướng cho đời mình: ông có cảm nghiệm sâu sắc về thân phận hẩm hiu của những trẻ em thiểu năng về trí tuệ, cụ thể là những đứa bé bị bệnh Down. Chúng như bị xã hội gạt ra bên lề, người ta coi gia đình chúng như một dòng giống bị thoái hóa. Lejeune đã lao vào nghiên cứu. Năm 32 tuổi (1958), ông phát hiện nơi một đứa bé bị chứng Down một nhiễm sắc thể dư thừa trong cặp nhiễm sắc thể thứ 21. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử y học người ta chứng minh được rằng thiểu năng trí tuệ phát sinh từ một sự bất bình thường trong nhiễm sắc thể. Do phát hiện của Lejeune, bệnh Down từ nay còn có tên là tam thể 21 (triconate 21). Ông và các cộng tác viên còn khám phá nhiều bệnh khác cũng phát xuất từ nhiễm sắc thể. Ông được coi như cha đẻ của khoa di truyền học (génétique) hiện đại, mở ra những tiềm năng rất lớn để chữa bệnh. Từ đó, ông nổi tiếng khắp thế giới. Tại bệnh viện Nhi Khoa Necker ở
Paris, ông và các cộng tác viên nghiên cứu 30.000 hồ sơ bệnh lý nhiễm sắc thể và săn sóc 9.000 bệnh nhân.

Năm 1963, Lejeune là người đầu tiên tìm ra nguyên nhân của bệnh “mèo kêu”. Những đứa trẻ bị bệnh này khi khóc phát ra âm thanh như tiếng mèo rú. Ông cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan tới bệnh ung thư. Lejeune trở thành danh nhân thế giới. Ông nhận giải thưởng Kennedy năm 1962, giải thưởng Willam Allan năm 1969.

Giữa những danh vọng dồn dập ấy, nỗi buồn đã ập đến. Trong thập niên 1970, nước Pháp bắt đầu tính chuyện hợp pháp hóa phá thai. Lejeune đã nghiên cứu gen, nghiên cứu nhiễm sắc thể, tìm ra nguyên nhân gây bệnh để chữa bệnh cứu người. Nay người ta lại dùng chính những kết quả nghiên cứu của ông để phát hiện bệnh nơi thai nhi, rồi hủy diệt chúng. Lejeune không thể nào chấp nhận được cái nền văn mình của sự chết đó, ông nói: "Cái đáng sợ không phải là y học, mà là sự điên cuồng của người đời. Mỗi ngày chúng ta lại có thêm khả năng làm biến đổi thiên nhiên bằng cách sử dụng các định luật thiên nhiên, khả năng gia tăng như thế là nhờ vào kinh nghiệm của những người đã đi trước chúng ta. Nhưng sử dụng khả năng ấy sao cho sáng suốt, đó là điều mỗi thế hệ lại phải tự học cho chính mình. Đã đành là ngày nay chúng ta tài giỏi hơn xưa, nhưng khôn ngoan hơn xưa thì không. Công nghệ thì tích lũy được nhưng sự sáng suốt thì không. Phải nói rõ một điều, phẩm chất của một nền văn minh được đo bằng sự nó biết tôn trọng những thành viên yếu đuối nhất của mình tới mức nào. Không có tiêu chuẩn nào khác để đánh giá!”

Thời điểm ấy người ta ồn ào cổ võ, coi hợp pháp hóa phá thai là “tiến bộ”. Giáo Hội ở Pháp phản đối, nhưng sự phản đối ấy cũng chỉ có tác dụng là nhắc lại những nguyên tắc đạo đức mà nhiều người không muốn công nhận. Đa số giáo dân giữ thái độ bị động. Lejeune là người đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự sống của thai nhi.

Ông phải trả giá cho niềm xác tín của mình. Với tài năng, những khám phá và công trạng y học của mình, ông có dư thành tích để nhận giải Nobel. Nhưng người ta luôn dìm tên ông đi mỗi khi ông được đề cử. lý do thật sự để ông bị “đánh trượt” chẳng liên quan gì đến khoa học, chẳng qua là do người ta dị ứng với quan điểm luân lý đạo đức phò sự sống của ông thôi.

Cũng vậy, nhiều đài truyền hình lẳng lặng không mời ông tham gia các chương trình tranh luận về các đề tài đạo đức sinh học nữa. Lý do thực sự là họ đã có mấy lần kinh nghiệm ông nói quá hay, làm cho những người chủ trương phá thai bị lu mờ.

Có những lúc, những nơi, bầu khí chung của xã hội giống như một âm mưu đen tối để dập tắt ngấm những người trung thực. Nhưng chân lý, tự nó, có một sức sống dai dẳng. Giới khoa học và giới truyền thông có thể có nhiều người ngấm ngầm toa rập để đẩy ông vào bóng tối, nhưng trên khắp thế giới lòng ngưỡng mộ đối với ông vẫn lan tỏa.

Năm 1974, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II mời ông làm thành viên Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh, rồi sau đó ông lại tham gia Hội đồng y tế của Tòa Thánh. Ở Pháp, năm 1981, ông được bầu vào Hàn Lâm Viện đạo đức và chính trị học (Académie des Sciences morales et politiques), và năm 1983, ông được bầu Viện sĩ Hàn Lâm Viện Y Học Quốc Gia (Académie nationale de Médecine).

Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II sáng lập Hàn Lâm Viện Phò Sinh của Tòa Thánh và mời ông làm vị chủ tịch đầu tiên. Chức vụ này có ý nghĩa biểu tượng lớn, nhưng thật ra, khi đó ông đã bị ung thư nặng và chỉ còn sống được một tháng nữa.

Người bạn của giáo sư Lejeune, nhà bác học Jean de Grouchy thuộc Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (
CNRS) Pháp, nhận xét: “Khả năng mở đường tìm tòi nghiên cứu của Jerome Lejeune gần như không có giới hạn, mỗi ngày ông lại có một ý tưởng mới, một quan niệm mới, một lý thuyết mới”. Chỉ vài ngày trước khi qua đời, ông vẫn còn trao đổi với các đồng nghiệp, để nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh ung thư.

Ngày 3/4/1994, Jerome Lejeune qua đời, hưởng thọ 67 tuổi, để lại vợ, năm con, và hai mươi bảy cháu nội, cháu ngoại. Ông ra đi, đem theo hai nỗi buồn. Nỗi buồn thứ nhất: người ta đã lợi dụng phát hiện của ông để truy bệnh và hủy diệt các thai nhi. Nỗi buồn thứ hai: ông thấy như mình đã phản bội các bệnh nhân: “Tôi là thầy thuốc phải chữa bệnh cho họ, vậy mà tôi ra đi. Tôi có cảm giác như mình bỏ rơi họ”. Suốt một đời cứu nhân độ thế, Jerome Lejeune ghét bệnh tật mà yêu bệnh nhân, như chính ông từng nói.

Được tin giáo sư Lejeune qua đời, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã lên tiếng tức khắc, ca ngợi ông là người “Ki-tô hữu vĩ đại của thế kỷ XX” là “người nhiệt thành bảo vệ sự sống”.

Hôm cử hành thánh lễ quy lăng, Nhà Thờ Đức Bà Paris chật ních người từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về, để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân đối với giáo sư Lejeune.

1 năm sau, Đức Thánh Cha công bố thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” (Evangelium Vitae); người ta cho rằng ông Lejeune có góp phần trong thông điệp này. 3 năm sau, trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới cử hành tại
Paris, Đức Gio-an Phao-lô II đã dành một thời gian dài để tìm về Chalon – saint Mars (Essonne) ngày 22/8/1997 để viếng mộ “người anh em Jerome”. Giây phút tưởng niệm và cầu nguyện của Đức Thánh Cha trước nấm mộ này đã làm tốn khá nhiều giấy mực. Những giới ủng hộ phá thai gay gắt công kích Đức Gio-an Phao-lô II là khiêu khích chính trị, là lăng mạ pháp luật vì luật cho phép phá thai đã được quốc hội của nước Pháp dân chủ biểu quyết. Nhưng Đức Thánh Cha nhìn thấy một luật khác cao hơn luật của quốc hội nước Pháp hay bất cứ nước nào. Như lời cha Jean Charles Nault, viện trưởng đan viện Biển Đức Saint – Wandrille, là thỉnh nguyện viên trong vụ án tôn phong Chân Phước; Jerome Lejeune đã đưa ra một “chứng tá thật sự của một vị ngôn sứ, có tính cách thời sự lạ lùng”. Cha Nault cũng cho biết từ khắp nơi ở châu Âu và châu Mỹ, rất nhiều người, nhiều nhóm đã dâng “thỉnh nguyện để mở án tuyên phong hiển thánh”, có thể nói “danh tiếng thánh thiện” của giáo sự Lejeune đã lan ra khắp hành tinh.

Ngày nay Viện Jerome Lejeune đã được thành lập do bà Lejeune và nhiều chuyên viên về di truyền học điều hành Viện có mục đích phát triển sự nghiệp và tinh thần của giáo sư Lejeune: nghiên cứu y học về các bệnh thiểu năng trí tuệ và các bệnh di truyền nói chung – đón tiếp và săn sóc bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân tam thể 21, và các bệnh do trục trặc gien di truyền, trong tinh thần tôn trọng sự sống và phẩm giá của bệnh nhân từ khi thụ thai cho đến khi chết. Tinh thần này là nền tảng luân lý chi phối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân và gia đình.

Hiện nay chưa thể nói được kết quả của vụ án tôn phong chân phước cho giáo sư Lejeune sẽ ra sao. Nhưng biến cố này tự nó đã phản ảnh hướng đi của Dân Chúa trong thế giới ngày nay.

Lm Vũ Khởi Phụng, CSsR

2007

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: