Wednesday 3 February 2010

Lm Mai Văn Thịnh: Bảo vệ sự sống - Bảo vệ tình yêu


Nhân gian, sự sống, tình yêu… các đề tài này vẫn là chuyện căn bản của con người. Nói nôm na, đây là “chuyện dài nhân dân tự vệ”. Nhân dân luôn tự vệ để bảo vệ sự sống. Bởi vì, khi bảo vệ sự sống cũng là lúc mình bảo vệ cho tình yêu, bảo vệ chính con người. Những người con của nhân dân. Sự thật là như thế. Nhưng, con người vẫn cứ nại cớ này khác để quên đi sự thật ấy. Sự thật mà Thiên Chúa vẫn khẳng định với chúng ta, từ bao giờ.

Vào cuối năm 2005, trước khi bị hành quyết, em Nguyễn Tường Văn đã được các luật sư, các lãnh tụ tôn giáo và chính trị gia lên tiếng kêu gọi Lý Hiển Long, thủ tướng Tân Gia Ba ân xá cho em từ tội bị treo cổ xuống thành án tù chung thân. Nhưng mọi tiếng kêu cứu của những người ủng hộ em đã trở thành “công dã tràng”. Cuối cùng, em bị hành quyết vào ngày 02-12-2005.

Vẫn biết rằng buôn bán hay vận chuyển ma tuý là việc phi pháp, gây nhiều tệ nạn trong xã hội. Nhưng thật là man rợ khi án tử hình vẫn còn áp dụng tại một số nơi trên thế giới. Và, tàn nhẫn hơn nữa, có những thai nhi vô tội đã và đang bị con người hắt hủi ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, chưa mở mắt chào đời, chưa được hưởng không khí yêu thương đã bị tống xuất ra khỏi cung lòng người mẹ.

Thế gian, mang tiếng là dân chủ nhưng nhiều lúc có những trò chơi khó chấp nhận được. Mấy tháng trước, các ông các bà đại diện cho dân đã lên tiếng kêu gọi giảm án tử hình cho tội nhân; thế mà vừa rồi họ lại quên bẵng những chuyện ấy, vẫn bỏ phiếu theo lương tâm phê chuẩn việc cho phép sử dụng thuốc viên “phá thai”RU486 vốn đã có mặt trên thị trường từ lâu.

Suy nghĩ về việc của người trần gian, tôi chợt nhớ đến lời dạy của Đức Yêsu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi Ngài ban Con Một của Ngài cho thế gian, để ai tin vào Con sẽ khỏi chết nhưng được sống muôn đời.”

Quả vậy, Thiên Chúa đã ban Con Một của Người không phải để lên án thế gian. Nhưng nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Dù tình trạng của thế gian có tội lỗi đến đâu chăng nữa, Đức Yêsu cũng không lên án, Ngài vẫn cứu độ. Lên án lẫn nhau là trò của thế gian. Người ta chỉ lên án những người có tội, mà thậm chí, cả những kẻ vô tội nữa cũng bị lên án. Thai nhi nào đã biết đến tội thế mà vẫn bị lên án. Và, lại là cái án nặng nề nhất: án tử hình.

Qua những sự kiện vừa kể, chúng ta thấy được bộ mặt thật của thế gian. Các nhà lãnh đạo vẫn thường thao tác quyền lực trên sự sống người khác. Là tín hữu, chúng ta cần xây nền văn hoá mới, văn hoá của tình thương và sự sống. Sự sống là quà tặng vô giá từ Thiên Chúa.

Là quà tặng Thiên Chúa ban, con người làm gì có quyền trên đó. Con người cần phát triển sự sống một cách sung mãn để đẩy lùi sự chết do những nhà đạo diễn có thế lực đang tự tung tự tác, hoành hành trên sự sống của người khác. Chính thứ văn hoá mới của sự sống cần được bảo vệ và phát triển để đẩy lùi văn hoá của sự chết và bóng tối đang bao trùm mọi nơi.

Sự sống quả là quan trọng và cần trân quý biết chừng nào. Thế mà, trong bài Tin Mừng thánh Mar-cô, Hội thánh nhắc nhở chúng ta một nghịch lý trong lời dạy của Đức Yêsu: “Ai yêu thương mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.”

Lời dạy của Đức Kitô ở đây, có thể hiểu là: ai sống theo những sở thích của mình, thì sẽ mất nó vì sự sống đời đời. Ở đây, chúng ta cần phân biệt những điều mình muốn, và mình cần. Hai điều này hoàn toàn khác biệt. Ta có thể muốn và thích đủ mọi thứ; nhưng chưa hẳn những điều ta muốn, lại là những điều mình cần. Những điều cần cho sự sống thì ít hơn những điều ta muốn.

Điều ta cần là “Nước Thiên Chúa”, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho. Và, tiêu chuẩn để sống như công dân Nước Trời không phải là làm theo ý của mình. Nhưng là để thực hiện ý Thiên Chúa. Và, ý muốn của Người là: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

Tinh thần vâng phục của Đức Yêsu còn trái ngược hẳn thái độ bất tuân của con người vào mọi thời. Ngày xưa, tầng lớp lãnh đạo và nhân dân trong lịch sử Israel vẫn cứng đầu cứng cổ. Ngày nay, cũng chẳng có gì khá hơn: nạn phá thai vẫn đang huỷ hoại biết bao trẻ thơ vô tội.

Hố ngăn cách giầu/nghèo giữa các cá nhân, xóm đạo, cộng đoàn, quốc gia đang sói mòn cả một dân tộc. Nguyên do cũng chỉ vì con người không con vâng phục Thiên Chúa, không còn trân trọng sự sống của người khác, không còn biết giá trị đích thực của hôn nhân và gia đình cũng như không biết phân bổ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho đúng cách hầu mưu cầu lợi ích chung; không xây dựng tình liên đới và huynh đệ giữa người với người. Và, trên hết mọi sự, họ đã khước từ quyền làm chủ của Thiên Chúa, chỉ muốn thực hiện các tham vọng cá nhân; đặt quyền lợi riêng của mình trên lợi ích chung của tha nhân và cộng đồng.

Như vậy, người tín hữu cần đặt lại lý tưởng của mình. Như Chúa Yêsu, họ phải biết quan tâm sống phục vụ người khác. Để đạt lý tưởng này, các tín hữu buộc phải hiến mạng sống mình. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta có thể từ bỏ được nhiều thứ; nhưng, một khi bị đòi hỏi phải từ bỏ ý riêng mình thì xem ra rất khó thực hiện. Những ai làm cha làm mẹ cũng đã hiểu quá rõ về sự cần thiết phải hy sinh bản thân để con cháu mình được sống khá hơn.

Các bậc cha mẹ phải hy sinh chính bản thân, làm việc thêm giờ, không ngại vất vả để con cháu có cơ hội thăng tiến. Nhờ những hy sinh đó, thế hệ thứ hai mới đạ được kết quả mỹ mãn. Bởi vậy, cha mẹ tốt giống như hạt lúa hằng ngày phải chết đi, rơi xuống đất, thối đi mới mang lại nhiều hoa trái cho con cháu. Bằng không, hạt lúa là cha mẹ sẽ trơ trọi một mình.

Đó là điều hiển nhiên. Nhưng, sẽ chẳng hiển nhiên chút nào, Chúa Yêsu mời gọi ta bước ra khỏi môi trường gia đình để đến với người khác, đặc biệt là đến với những ai cần sư hy sinh của ta. Đối với thế gian, chúng ta sẽ bị coi là những kẻ điên, người khùng. Nhưng, đối với kẻ theo Chúa, đó là điều bắt buộc, nếu ta muốn theo chân Ngài.

Đọc lịch sử thế giới và lịch sử các dân tộc, chúng ta khám phá ra nhiều vị anh hùng sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để hoàn thành lý tưởng bảo vệ dân tọc, nêu cao ngọn cờ chính nghĩa. Các thánh tử đạo Việt nam, tiền nhân của ta cũng hế. Các ngài là tấm gương hào hùng, bỏ mạng sống mình để làm chứng nhân cho việc phục vụ Chúa. Không phải chỉ trong giây phút trên đoạn đầu đài, mà cả cuộc sống, các ngài đều nhắm đến lý tưởng cao quý đó.

Có vị tử đạo nào, trên đường ra pháp rtường, lại thốt ra những lời cay đắng, mạ lị những kẻ giết mình, hoặc nguyền rủa những kẻ hai mình? Trái lại, nơi các ngài chỉ có nụ cười và niềm vui; chỉ có lời cầu ủi an và thứ tha cho những kẻ giết hại mình.

Hy sinh mạng sống có thể bị thế gian coi là điên , là khùng. Nhưng, điều mà thế gian coi là điên khùng, lại là những điều cần thiết cho sự sống đời đời. Chính Đức Yêsu, vì yêu thương thế gian, nên đã chấp nhận bị thế gian lên án; và, vì muốn lôi kéo mọi người về với Chúa nên Ngài đã vui lòng chấp nhận bị giương cao, trên thập giá.

Qua hành động dâng hiến mình trên thập giá, Ngài đã hoàn tất giao ước của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Giao ước này tồn tại qua muôn thế hệ. Giao ước cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi và bảo đảm ơn tha thứ từ Thiên Chúa. Qua cái chết, Đức Yêsu đã nhìn thấy chiến thắng vinh quang. Mọi người sẽ được ban cho đời sống mới, đời sống thứ tha và đồng trở nên con Thiên Chúa.

Quả vậy, qua giao ước yêu thương, là con đường phục vụ, chúng ta làm cho lối sống của Chúa trở thành sung mãn và hoà nhập với lối sống của chúng ta. Trong Ngài, mọi người đều là ruột thịt mang trong mình tinh thần hoàn toàn đổi mới. Có như vậy, chúng ta mới thiết lập một nền văn hoá mới. Văn hoá của tình thưong và sự sống. Và, từ đó, văn hoá của sự chết và bóng tối sẽ bị đẩy lùi để nhường chỗ cho ánh sáng Phục sinh.

Thành thử, muốn sống cuộc đời như Đức Yêsu dạy, chúng ta phải tự nguyện chết cho ý riêng, chết cho các cám dỗ của danh vọng, thế lực, tiền tài, tham vọng cá nhân, những dự định bất chính, tính toán ích kỷ, vv.

Còn trăm ngàn cái chết khác mà chúng ta phải gẫm suy, phải sẵn sàng để trung thành với cuộc sống phục vụ trong yêu thương của Chúa. Lối sống ấy, phải được bảo vệ. Cũng như tình yêu có được bảo vệ mới mang đặc tính vĩnh cửu.

Mai Văn Thinh

Kew, 2006

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: