Saturday 9 January 2010

Nội San Duc in Altum số 68


Quý 4/2009

Rao giảng là nhiệm vụ

Lm Josephn Mai văn Thịnhg, CSsR

Rao giảng Lời Chúa là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội, đó chính là lời căn dặn của Chúa trước khi cất bước về Trời:“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Vui cho mọi loài thọ tạo.”(Mc16:15) Lời rao giảng cần có người nghe. Chính chúng ta là đối tượng của lời rao giảng. Tôi vẫn biết rằng, anh chị em rất khổ tâm khi ‘phải’ hay ‘bị’ nghe một bài giảng dài, lập đi lập lại những chủ đề rời rạc, bay lòng vòng tìm bãi đáp, nhiều khi đáp lộn chỗ. Nếu ‘ông cha’ là một viên phi công, thì hậu quả như thế nào? Không cần nói chúng ta cũng biết cả rồi!

Tôi nhớ lại một câu chuyện. Có một linh mục kia có tài hùng biện trong việc giảng thuyết. Người ta lũ lượt đến từ khắp nơi để nghe Ngài giảng. Một lần kia trong kỳ giảng phòng Mùa Chay. Trong số người nghe, có 3 bà mẹ công giáo. Các bà đến thật sớm để tìm được chỗ ngồi ở hàng ghế đầu. Tuy nhiên, có một việc hơi khác thường là thay vì chăm chú nghe giảng các bà lại lâm râm đọc kinh cầu nguyện; hình như họ đang cùng nhau lần chuỗi mân côi kính Đức Mẹ.

Trước sự kiện đó, tâm trạng của ông cha chuyển biến từ ngạc nhiên đến bực mình, (quả thật điều này cũng dễ hiểu vì trong lúc mọi người đang chăm chú nghe giảng mà lại có người cứ lẩm bẩm cầu kinh, khiến cho người khác bị lo ra, chia trí thì ai lại không bực). Thế là, sau buổi giảng thuyết ngày thứ nhất, ông cha nhà ta mời các bà vào để hỏi cho ra lẽ. Họ thản nhiên trả lời là chúng con cầu nguyện cho Cha.

Đến ngày hôm sau và các ngày kế tiếp, việc đó vẫn xẩy ra. Lúc này ông cha không còn đủ kiên nhẫn để chấp nhận thái độ lỳ lợm, không vâng lời và làm cho người khác bị chia trí của các bà. Thế là sau khi giảng thuyết xong ngài gọi các bà vào để làm cho ra lẽ. Vẫn một thái độ thản nhiên các bà nói “chúng con vẫn cầu nguyện cho cha”. Cụ cố nhà ta bèn phán “Đây đâu phải là giờ cầu; các bà cầu nguyện không đúng nơi, đúng chỗ, nếu các bà muốn cầu nguyện thì tại sao lại không đến vào giờ khác.” Tình hình có vẻ căng thảng và nếu cứ nói qua nói lại cũng chẳng đến đâu; cuối cùng một bà mới can đảm trình rằng:“Thưa cha, chúng con vẫn biết là cha giảng rất hay; nội dung và cách trình bày của cha hết sức lôi cuốn và thuyết phục người nghe. Nhưng thưa cha, có bao giờ cha nhìn ra kết quả của các bài giảng? Đã có bao nhiêu người được cảm hóa để giao hòa với Chúa? Chúng con nghe người ta khen Cha giảng hay. Nhưng phòng hòa giải lại trống trơn!”

Nghe đến đó, vị linh mục cảm thấy như vừa trải qua một giấc mơ. Tuy bực mình, nhưng Ngài cũng phục lòng can đảm của các bà. Sau khi họ ra về, Ngài nhìn lại và nhận thấy lời nói của các bà cũng có lý. Ngài đã tốn kém quá nhiều thời gian để chau chuốt và sửa chữa lối dùng từ nhằm mục đích thỏa mãn thị hiếu người nghe. Ngài lại quá chú trọng đến giọng nói là làm thế nào để chuyển cho người nghe sứ điệp của mình. Nhưng, quả thật chẳng có ai đã chia sẻ với Ngài về sức mạnh của bài giảng khiến họ phải ray rứt và thay đổi lối sống. Nghĩ ra được điều đó, ông cha nhà mình bèn dọn dẹp tất cả những sách vở và chỉ để lại trên giá sách một bộ sách duy nhất, đó là quyển Thánh kinh. Ngài tự hứa kể từ rày về sau Ngài sẽ nói Lời Chúa, chứ không nói lời mình. Muốn được như thế ông cha chúng mình cũng khám phá một điều khác là mình sẽ chẳng có gì để cho. Vì thế việc đầu tiên mà ông cha cần làm là để cho sức mạnh của lời Chúa trước tiên bao phủ cuộc sống sứ vụ của Ngài.

Câu chuyện tạm dừng ở đây. Chúng ta cũng không biết các bài giảng sau này của ông cố có đem lại hiệu quả gì cho các tín hữu. Nhưng qua câu chuyện nói trên, tôi biết rằng ngôn ngữ là một trong những phương tiện giúp con người thiết lập và xây dựng tương quan với nhau; và qua cách nói chúng ta cũng biết được mật độ của sự tương quan đó.

Làm thế nào cha mẹ có thể dậy bảo và khuyến khích con cái sống để trở thành những hạt giống tốt trong khi tương quan của họ ngày hôm nay mưa, ngày mại lại nắng. Và mỗi lần như thế, cả ông cũng như bà chẳng còn kiêng nể gì nhau, bao nhiêu ngôn ngữ trong kho tàng tiếng Đức được văng ra hết. Nếu thế thì con của mình sẽ trở lên các hạt giống tốt sao?

Một số khác lại có lối sống 2 mặt: đến với Chúa thì dịu hiền, ai cũng khen họ thánh thiện, nhưng cách đối xử với tha nhân và nhất là những người trong gia đình họ hoàn toàn khác hẳn: chỉ muốn làm chủ và thống trị người khác. Óc thống trị, lòng ham muốn danh lợi vẫn là những khắc khoải trong cuộc sống làm người.

Ngôn sứ Isaia đã nói rằng: Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra sẽ không trở lại với Người mà không sinh hoa kết trái; nhưng nó thực hiện ý định của Thiên Chúa và làm trọn sứ mạng của Người. Điều này làm chúng ta nhớ lại. Khi sáng tạo Thiên Chúa đã dùng Lời mà dựng nên mọi sự. Chúng ta được hiện hữu cũng bởi Lời của Thiên Chúa. Mọi sự được tạo dựng đều hoàn hảo. Và khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã nhập thể và cư ngụ giữa chúng ta trong sứ vụ Ngôi Lời. Chính nhờ sứ mạng của Đức Kitô mà mỗi người chúng ta có thể hãnh diện mà tuyên xưng rằng chúng ta là những dụng cụ, là lời mà Thiên chúa muốn dùng để chuyển thông sứ điệp tình yêu cho nhân loại. Nói cách khác, chúng ta là những hạt giống mà Chúa đã gieo nhằm mục đích thánh hóa môi trường.

Thật vậy, ý định của Thiên Chúa là muốn các tín hữu trở thành những hạt giống tốt. Người là Đấng sẽ làm cho các hạt giống đó được sinh hoa kết trái. Phần chúng ta: hãy tin tưởng vào khả năng mà Người đã trao ban để trở thành những hạt giống tốt. Điều này thật vô cùng quan trọng; nhiều lúc vì quá bận tâm nhìn các sai lỗi mà quên đi các khả năng thiện hảo được gieo sẵn bởi tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhắc nhở nhau rằng, đã mang tính xác phàm, ai lại chẳng có những sai trái. Nhưng qua những biến cố thăng trầm của giòng đời, chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để cảm nghiệm được sự quan tâm và nuôi dưỡng của Thiên Chúa. Và, có thể ngay lúc chúng ta đang phạm lỗi, Thiên Chúa cũng không chối bỏ chúng ta.

Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Đấng gieo hạt giống, kêu gọi chúng ta trở thành những hạt giống tốt thì chính Người sẽ vun xới và nuôi dưỡng hạt giống của Người. Còn phần mình hãy mở lòng ra để đón nhận sự tha thứ và chấp nhận sự chăm sóc của Người, và tức khắc chúng ta sẽ được biến đổi để trở thành những hạt giống sinh hoa kết trái.

Chúa có lối giáo dục của Người. Đường lối của Người chúng ta không thể dò thấu. Nhưng có một điều mà chúng ta cần xác tín đó là Người sẽ không để cho bất cứ một hạt nào mà Người đã gieo lại trở về với Người mà không sinh hoa lợi.

Chúng ta đã được tạo dựng bởi Lời Thiên Chúa.

Chúng ta lại được cứu độ bằng tình yêu của Ngôi Lời.

Và giờ đây, Thiên Chúa còn trao ban cho chúng ta sứ mạng là lời Thiên Chúa, là hạt giống tốt cho nhân loại. Chính Người sẽ làm cho Lời đó sinh hoa kết trái nơi môi trường mà chúng ta được sai tới. Vì thế anh chị em hãy cầu nguyện, hãy học để nói và sống lời yêu thương, thông cảm và tha thứ như Chúa thường nói với chúng ta.

Lm Joseph Mai văn Thịnh, CSsR

Tất cả là ân huệ

Lm Richard Leonard sj

Những ngày trước đây, tôi có đọc cuốn “Bóng đen và khung trời mù tối”, sao thấy xót xa bàng hoàng. Sách do tác giả người Úc, linh mục John Cowburn, giáo sư trường thần học Dòng Tên ở Melbourne, viết. Trong sách, tác giả đã thận trọng đi tìm phương cách hữu hiệu để giúp ta giữ vững lòng thủy chung với Đức Chúa trong mọi tình huống, dù có phải đối đầu với sự dữ, hoặc mây mù dầy đặc, trong đêm.

Ý tưởng viết sách trên, bất chợt đến với tác giả khi ông đang chạy xe đạp, chợt ngã quỵ, gẫy mất chiếc xương cổ. Ông đành nằm dài chờ ngày nhập viện, để giải phẫu. Đang lúc đợi chờ, tác giả gặp vị nữ tu cao niên bước vào phòng bệnh, trao cho ông chiếc Bánh thánh để hiệp thông với Chúa, trước giờ lên bàn giải phẫu. Tác giả kể cho vị nữ tu nghe lý do tại sao ông gặp tai nạn. Chuyện lan man như một khúc phim dài vô vị. Nghe chuyện, vị nữ tu già bèn bảo với tác giả: cha cầu nguyện với Chúa đi. Theo con nghĩ: Chúa thấu hiểu tình cảnh của cha đang cần một thời gian để nghỉ, nên đã sắp xếp để cho cha té ngã, chỉ ngã nhẹ chưa đến phải giã từ cuộc đời! Tác giả vội đáp lời: nếu thế, tôi cũng khá vui, bởi như vậy là Chúa đã chịu để cho tôi chọn ngày sa-bát mà nghỉ ngơi một chút, đấy Sơ ạ.

Mãi từ thời Đức Kitô đến nay, nhiều người tuy tốt bụng nhưng hễ gặp chuyện chẳng lành, thường đổ lỗi cho Đức Chúa hoặc cho tà thần sự dữ làm nên. Trong chuyện vừa kể, tác giả thừa hiểu là mình bị tai nạn chỉ vì ơ hờ, không cẩn trọng, mới ra nông nỗi. Đơn giản, chỉ có thế. Vâng. Tất cả những gì tốt đẹp Đức Chúa gửi đến, dù là tai nạn lớn nhỏ, vẫn là một đặc ân, một quà tặng đôi khi giúp ta thêm dũng cảm để tiếp tục hành trình gầy dựng nhân gian vạn vật, theo nhiều lối. Sự kiện Đức Kitô giáp mặt với “những điều chẳng lành” trong trình thuật hôm nay, hẳn đã mang dấu ấn của thứ thần học gọi là “sự-dữ-thôi-thúc-ta-gặp-chuyện-chẳng-lành”. Và, lời đáp trả của Đức Kitô vẫn là một thử thách gửi đến với con người, hệt như với người Pa-lét-tin, hồi thế kỷ đầu.

Xem như thế, bất cứ khi nào ta còn đem hành vi tiêu cực đổ cho sự dữ, ác thần về những điều xấu ta gặp, rồi rút lại cam kết sau cùng, thì có lẽ chúng ta vẫn còn đang tìm cách xa lánh, và đổ vấy mọi trách nhiệm, hoàn cảnh lên con tim của ta. Dù tim ta nay đã được biến đổi thành tình yêu thương cứu độ. Điều này không có nghĩa, là: quỷ dữ-ác thần không hiện hữu, và cũng không có được uy lực nào trên ta. Nên hiểu ngược lại thì mới phải. Tựa như ân huệ ở Trên ban vẫn được hun đúc bằng tình yêu thương tốt lành, cũng vậy, ác thần - sự dữ vẫn cứ lớn mạnh nơi các bất hạnh, hờn giận. Là tín hữu Đức Kitô, ta nhận ra rằng: trong mọi hoàn cảnh, Đức Chúa vẫn tặng ban cho ta ý chí tự quyết. Thành ra, nếu sự dữ-ác thần vẫn đeo đẳng nơi ta, thì điều đó cũng là hậu quả của các chọn lựa đáng tiếc mà ta thực thi trong quá trình gầy dựng niềm tin-yêu, rất cần.

Trong sống đời hiện thực, tùy theo cách ta nhìn sự dữ - thế gian vạn vật, sẽ ảnh tưởng lên lòng xót thương, nhân hậu của ta. Bởi, nếu không tiếp cận với tham, sân si, những “bảng chỉ đường” tệ bạc thì ta đâu kết cục bằng hành vi trộm cắp, giận hờn, tù tội; hoặc đi xa hơn, những giết chóc, tham quyền cố vị; và, hà hiếp, dâm ô hoặc tha-hóa bản thân đến độ bạo động, khủng bố. Nếu thế, thật khó giúp ta thông cảm được với các can phạm đã dám thực hiện tội ác cùng cực.

Tùy vào mức độ nhận thức của con tim, ta sẽ có khả năng thực hiện được mọi việc hay không. Và, ta mới có thể đặt mình vào vị thế biết trân trọng các ân huệ tặng ban mà ta nhận lãnh và triển khai. Tùy vào mức độ cảm kích biết ơn, chuyện “có còn hơn không’, ta mới biết mình có xót thương những người từng hụt hẫng, để luột mất cơ hội được nghe Tin Vui an bình, cứu độ từ Đấng Trên Cao. Và, cũng tùy vào tư thế đồng thuận hay bất đồng với lập trường “có, còn hơn không”, ta có lệ thuộc vào sự dữ, ác thần hay không. Tất cả những thái độ và khả năng trên hoàn toàn tùy thuộc vào ta, vì ta luôn được giáo dục trong tự do hoặc đã tự mình chọn lấy quyết định. Tùy vào thái độ của mình, ta sẽ dành để cho sự dữ-ác thần một chọn lựa chung cuộc hay không.

Tham dự tiệc thnh hôm nay, cầu mong Đức Kitô giúp ta vui vẻ đón nhận Thân mình Ngài qua hình thức bánh và rượu rất thánh. Vui vẻ, vì ta cũng sẽ là những “giọt vỡ” đang cần đến sự trợ lực ấy. Và, khi nhận lãnh Máu Thánh đổ tràn lên người mình rồi, ta cũng sẽ hiên ngang dấn bước ra đi mang theo sứ mạng của thương yêu. Để rồi, ngang qua ta, tất cả mọi người sẽ nghe được lời mời gọi của Đức Chúa mà biến đổi tâm can. Sống hiền hoà. Yêu thương. An bình.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch.

Bàn về sống lành mạnh tuổi hưu

Mễ Duy

" bí -kíp "

Về phương diện sức khoẻ cơ thể, cuộc đời tôi chia làm hai giai đoạn:

- giai-đoạn 1: đau ốm triền miên, cứ uống thuốc này đến thuốc nọ mà bệnh vẫn hoàn bệnh, như thế suốt mấy mươi năm;

- giai-đoạn 2: thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đó, tuy không phải cái "rụp" nhưng cũng là cách vĩnh viễn, bao lâu tôi trung thành thực hành "bí- kíp" phục hồi sức khoẻ đã tìm thấy.

-

Bí-kíp đó là gì? Kể ra liệu bạn có tin không? Kể ra liệu bạn có thấy là hữu ích cho bản thân bạn không? Tuy nghi vấn như vậy, tôi cũng không thể không viết về vấn đề sức khoẻ cơ thể, ít nhất là một lần trong đời. Cũng dễ hiểu, những người đã trải qua một khổ đau, sau khi thoát nạn thì có một cái gì đó thúc đẩy họ bàn về, viết về kinh nghiệm đó. Cái gì đó chính là niềm vui được giải thoát, được như sống lại. Trường hợp tôi cũng thế, nếu như quá khứ đời tôi, đứng về mặt sức khoẻ, chỉ dừng lại ở giai đoạn một thì nó có khác chi một đường hầm tối đen, có gì mà học hỏi, có gì mà đem cống hiến. Nhưng trong quá khứ tôi, đã xảy đến giai đoạn hai , xảy đến sự giải thoát. Nên niềm vui trong lòng tôi ngọt ngào lắm! Khi bàn về hạnh phúc, triết gia Hy-lạp xưa đã chẳng nêu lên một kinh nghiệm thông thường là phải đi đôi giầy chật chội, sau đó được tháo chúng ra, mới cảm thấy sung sướng sao?

Nhưng trong tôi không phải chỉ có niềm vui ngọt ngào được giải thoát, còn sôi sục cả một bực tức chát chúa trước tình trạng cơ thể con người thời nay suy sụp, khiến tôi muốn cổ võ người thân, bạn bè, bất cứ ai, làm một cuộc cách mạng dinh dưỡng để sự sống được rạng rỡ trong đời mình, trên từng khuôn mặt, trong từng tuổi đời. Nhưng tôi cũng cảm thấy chút hổ thẹn nào đó vì, không giấu gì bạn, quá trình phục hồi sức khoẻ của tôi cũng không là một quãng đường thẳng, nó ngoặc nghèo, đầy nhịp điệu ba chìm bẩy nổi, ngã xuống đứng lên nhiều lần. Dẫu vậy, tổng quát mà nói, quá trình đó đã có một sự liên tục nào đó và sẽ còn kéo dài mãi cho đến ngày tôi vĩnh biệt cõi đời này. Đó là quyết tâm của tôi. Đã quá khổ vì bệnh trong suốt 40 năm đâm ra tôi kiên trì đi con đường mới.

Năm lên 5, 6 tuổi, tôi theo gia đình đi làm rẫy ở miền rừng thiêng nước độc, bị sốt rét rừng thật nặng, hôn mê mấy ngày liền, trong nhà đã chuẩn bị chôn cất tôi. Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh đó, sức khoẻ tôi coi như là khá bình thường, nhưng kể từ 15, 16 tuổi thì bệnh đã đến "đóng đô" trong tôi. Suốt cho đến khi 40 tuổi tôi thật khổ sở vì bệnh. Có năm gần như tháng nào cũng liệt giường. Khi lên đại học, tôi ít liệt giường hơn nhưng các triệu chứng gia tăng, nhất là nhức đầu và xình bụng. Cuộc sống tôi trở nên khá điên đảo, vừa lo cuộc sống vừa lo trị bệnh, đi hết bác sĩ này đến bác sĩ kia, nằm bao nhiêu là bệnh viện, uống bao nhiêu là thứ thuốc, hết thử máu đến thử nước tiểu bao nhiêu lần, chụp bao nhiêu là hình quang tuyến. Năm tôi 40 tuổi, tị nạn tại Pháp, thì tình hình trở nên vô vọng : nhức xương sống, đau buốt hai bên thận, nhức đầu như búa bổ, hai chân trở nên nặng chình chịch, bàn chân, ngón chân xưng như những quả chuối con, khó thở, mờ mắt, ù tai, kiệt sức.

Chính lúc cơ thể nguy kịch, tâm thần điêu đứng, cùng cực như vậy, thì ơn trên dẫn dắt tôi đọc được một cuốn sách bàn về thức ăn, tôi không còn nhớ rõ ý chính, bây giờ chỉ nhớ là đã đọc mấy trang nói về lợi ích của việc ăn lạt, tức bỏ muối mắn. Ở đây xin mở một dấu ngoặc về cái từ "bỏ". Cứ khi nào dùng các từ "bỏ", "đừng" hay tệ hơn nữa "cấm" là người nghe lại cảm thấy khó chịu, cảm thấy mất mát, như mất mát một thú vui, một quyền tự do, chỉ muốn làm ngược lại. Thật là kẹt! Đóng ngoặc. Chiều đọc sách đó tối áp dụng ngay, sang ngày hôm sau thì thấy nhẹ ở hai chân, mấy ngày sau thì hai chân trở nên bình thường, hết xưng, bớt nhức. Một khám phá lạ lùng: sửa đổi thức ăn là con đường cứu thoát!

Làm sao diễn tả tầm quan trọng của kinh nghiệm ăn lạt/bỏ mắn muối nói trên? Tôi nghĩ ngay đến câu nói của phi hành gia Neil Armstrong, khi đặt chân lên nguyệt cầu,người đầu tiên:"đây là một bước nhỏ cho con người, một bước lớn cho nhân loại" (That's one small step for man, one giant leap for mankind."/«Un petit pas pour l'homme, un grand pas pour l'humanité»"). Đối với tôi cũng thế, kinh nghiệm ăn lạt không làm cho tôi hết bệnh ngay, còn phải nhiều đổi thay nữa về mặt ăn uống mới dần dần tháo gỡ được các triệu chứng chằng chịt cột bó tôi. Nhưng thí nghiệm đó đã mở cho tôi một chân trời mới. Quả đó là " một bước nhỏ trong việc trị bệnh, nhưng một bước lớn trong việc tìm lại một lối sống lành mạnh " Tôi nhận chân ra rằng trong trường hợp của riêng tôi bác sĩ và dược phẩm của nền y khoa Tây phương không thể giúp gì được, nhưng may quá là tôi có thể đón nhận đường hướng trị bệnh khác, không phải do tôi khởi xướng, nhưng nhờ học được nơi những người đã dám đi ngược dòng đối với nền y học quy ước.

Hai người mà tôi nhớ ơn nhất là bác sĩ (hay tiến sĩ?) Herbert Macgolfin Shelton, người Mỹ, đã thiết lập đường hướng trị bệnh bằng nhịn ăn và thay đổi thức ăn, và ông Albert Mosséri, quốc tịch Pháp, là người đã phổ biến tư tưởng của Shelton và bổ túc với vài sửa đổi .Tôi đọc cuốn sách rất công trình của H.M. Shelton về nhịn ăn, được dịch ra tiếng Pháp. Tại sao cần nhịn ăn trong một thời gian để phục hồi sức khoẻ? Ông giải thích rằng nhịn ăn là sự nghỉ ngơi sinh lý (repos physiologique). Khi cơ thể mệt mỏi hay bệnh hoạn thì điều quan trọng bậc nhất là nó cần được nghỉ ngơi. Sau đây xin dùng một ngụ ngôn để quảng diễn tư tưởng này.

Hãy tưởng tượng một ngôi biệt thự kiến trúc thật đẹp, nhưng bên trong lại ngổn ngang chồng chất các thứ đồ tạp nhạp và đầy ắp rác rết bụi bặm. Chuyện lạ là có một định luật khắt khe của Trời khiến ông chủ ngôi biệt thự đó không thể thuê hay nhờ một ai khác quét dọn. Chính ông ta phải tự mình, đích thân, nhọc công quét dọn. Đó là độc quyền tuyệt đối của ông vì người khác không ai được phép vào trong ngôi biệt thự đó. Chúng ta lại giả thiết tiếp là ông chủ nhà đó chỉ quan tâm đến việc hưởng thụ đầy mình, bỏ hết thời giờ và sức lực vào việc nấu ăn và nhậu nhẹt, dẫu là cứ sau mỗi bữa nhậu thì rác rết lại chồng chất thêm lên trong nhà.

Vậy theo bạn đâu là giải pháp để giải quyết tệ trạng đen tối, nhơ bẩn, thối tha của ngôi biệt thự đó? Dĩ nhiên, vì chỉ có mình ông chủ mới có quyền và nhiệm vụ thu dọn thì chỉ có một giải pháp duy nhất là chính ông ta phải xét lại việc nấu ăn ăn nhậu sao cho sinh hoạt này không còn chiếm hầu hết thời giờ và nghị lực của ông, hầu còn có thời giờ và sức lực dành vào việc quét dọn.

Xin giải thích dụ ngôn trên. Ngôi biệt thự là cơ thể con người. Lý ra nó phải tuyệt đẹp, nhưng vì con người không tôn trọng những định luật về dinh dưỡng của thiên nhiên nên sau bao nhiêu thế hệ cơ thể con người không còn tuyệt đẹp như thuở mới được dựng nên, đây chỉ là giả thuyết của riêng tôi. Ông chủ nhà là bộ óc và hệ thần kinh. Sức lực của ông chủ nhà là năng lượng do bộ óc phát ra. Nấu ăn là tất cả những gì du nhập vào bên trong cơ thể như đồ ăn thức uống, thuốc thang, rượu, thuốc lá vv... Cũng có thể hiểu nấu ăn ở đây như là toàn bộ các sinh hoạt của con người như làm việc, di chuyển, thể thao, văn hoá, văn nghệ .... Tình trạng đầy ắp rác rết bụi bặm là hoàn cảnh của cơ thể khi các chất độc đã quá nhiều trong cơ thể khiến sinh bệnh.

Chính vậy, Shelton giải thích rằng nguyên do có bệnh là vì cơ thể chất chứa quá nhiều độc tố (rác rến trong ngụ ngôn), mà bộ óc lại không còn đủ năng lượng để tống khứ ra ngoài. Khi nhịn ăn thì gần như toàn bộ năng lượng của bộ óc được dồn vào việc "quét dọn" cơ thể cho sạch khỏi các độc tố, vì hệ thần kinh không còn phải bận bịu tiêu hoá các bữa ăn thông thường. Đúng thế, tiêu hoá và đồng hoá thức ăn đòi hỏi rất nhiều năng lượng thần kinh. Sau một bữa quá chén, cơ thể trở nên nặng nề, buồn ngủ, vì bộ óc phải dồn máu, dồn sức về các bộ phận tiêu hoá và làm việc này, một việc nhọc mệt cho hệ thần kinh. Ngược lại, trong lúc nhịn ăn, toàn cơ thể ở trong trạng thái thư giãn, hệ thần kinh rảnh tay tống khứ các độc tố ra ngoài cơ thể, khiến các triệu chứng dần dà biến mất. Chúng trước kia bộc lộ trạng thái yếu ớt của bộ óc trong chức năng dọn dẹp, nhưng nay hệ thần kinh đã có thể dốc toàn lực vào việc quét dọn nên việc này thành hữu hiệu. Theo Shelton bệnh là trạng thái yếu ớt của bộ óc và hệ thần kinh không đủ năng lượng chu toàn nhiệm vụ tống khứ độc tố khỏi các bộ phận, còn các triệu chứng chỉ là những hình thức của sự bộc lộ vừa nói. Khi một người lên cơn sốt, liệt giường thì là vì cơ thể người đó đòi hỏi phải ngừng các sinh hoạt thông thường, không ăn uống, chịu khó nằm yên để bộ óc chu toàn nhiệm vụ đẩy độc tố ra khỏi cơ thể.

Sau cái kinh nghiệm ăn lạt như đã kể, tôi đọc cuốn sách về nhịn ăn của bác sĩ Shelton và khởi sự cuộc nhịn ăn, vừa nhịn ăn vừa nghiền ngẫm cuốn sách đó để theo dõi và hiểu các diễn biến, hầu tránh sợ hãi hoang mang. Tuy tôi dự tính kéo dài thật lâu, nhưng vì đã quá yếu nên tôi chỉ nhịn được 10 ngày là ngừng. Ở đây xin phép có ý kiến rằng nhịn ăn nhằm phục hồi sức khoẻ cần được diễn ra dưới sự chăm sóc của một người hướng dẫn có kinh nghiệm và cũng cần hội đủ một số điều kiện bên ngoài cũng như bên trong, bên ngoài thì cần có nơi chốn yên tĩnh chẳng hạn, bên trong thì chẳng hạn đầu óc phải thảnh thơi vô lo nghĩ. Một điều hệ trọng nữa là sau cuộc nhịn ăn, cần phải tiếp tục một lối sống lành mạnh bao gồm nhiều yếu tố trong đó ăn uống cách phù hợp với khả năng tiêu hoá của cơ thể con người nói chung và của mỗi người nói riêng. Shelton không có ý nghĩ nhịn ăn là để trị bệnh, chỉ coi đây là việc tự nhiên, thông thường hoặc là bước đầu trong kế hoạch thực hành một lối sống lành mạnh với cách ăn uống lành mạnh phù hợp với phép dinh dưỡng tự nhiên. Nếu như một người không nhịn ăn mà thực hành việc ăn uống lành mạnh thì cũng từ từ tạo được một sức khoẻ tối hảo nhất cho mình, tuy như thế sẽ lâu hơn là khởi sự bằng một cuộc nhịn ăn.

Khi cảm thấy cơ thể không khoẻ nên phản ứng bằng nhịn ăn là sự kiện rất tự nhiên của cơ thể để duy trì sự sống. Shelton đã quan sát được trong thiên nhiên sự kiện này là khi các động vật không được khoẻ hay bị thương tích, thì chúng tìm nơi yên ổn nằm nghỉ ngơi không cần, không thèm, ăn uống gì đợi cho tới lúc cơn đói thực sự trở lại khiến phải chỗi dạy đi kiếm ăn

Mễ Duy

Tản mạn lễ giỗ Lm Hồ quang Tâm

Quách Sến Đặng tiến Linh (tiếp kỳ trước)

Hồ quang Tâm

Khi được tin Hồ quang Tâm từ trần vì tai nạn xe cộ. Ph.B. một người bạn cùng lớp với ngài, đã to tiếng thốt lên : «Biết ngay mà… Chạy xe như thế có ngày… !» Viết ra như thế, nhưng xét trong « ngữ cảnh», ta sẽ thấy đây là một câu chê trách, nếu không muốn nói là một lời mắng mỏ to tiếng, kiểu như ông bố mắng ông con:«Tao đã bảo rồi mà!»

Thực ra, theo chúng tôi hiểu, Ph.B đâu có dám mắng mỏ, hay chê trách ai, cho dù đó là bạn mình, chưa nói tới đó là 1 vị cao niên, hay 1 vị chức sắc. Đàng này, HQT lại là một linh mục, tuy đã U 60, nhưng vẫn còn nguyên đó tính chất của người trai trẻ : hăng say, tận tình, và nhiệt thành đến gần như bạt mạng. Cũng chẳng dám trách Thiên Chúa là đấng thấu suốt và định đoạt hết mọi việc. Có chăng là thầm trách cái «tôi» của Hồ quang Tâm (cũng không phải là trách, mà chỉ là «khều» nhẹ thôi). Đương sự đã không biết giữ mình, đã bạt mạng trong nhiều tình huống. Đã từng một lần mang thương tật vì một con chó băng ngang đường.

Chúa nói «phải từ bỏ mình đi mới được cứu thoát». Phải chăng việc từ bỏ thuốc lá xét như một thói quen xấu là vượt thắng chính mình, sau khi là một yếu tố có lợi cho sức khỏe. Cũng gần như thế, phóng xe không hẳn là thói quen xấu, nhưng nếu hậu quả của nó gây ra rất khó lường – cho chính mình cũng như cho người khác – vậy đi chậm lại một chút đâu có thiệt hại cho…ông Tây nào ! Vả lại, với thiên chức linh mục, cái «tôi» đã được thánh hóa. Việc gìn giữ cái «tôi» này là một bổn phận, là một trách nhiệm, như là gìn giữ rượu quý trong bình, một thứ chất rượu, chất men, chất xúc tác cho bao người tìm đến Thiên Chúa. Dù cái bình có bằng vàng, hay chỉ là ve chai, vẫn không thể đánh đổ rượu quý ra ngoài!

Vậy, ngoại trừ Thánh ý Thiên Chúa, cái Thánh ý nào ai có thể dò thấu (Rm 11,33) Và đương nhiên để đáp lại lời gọi của Thánh ý này, con người chúng ta phải «từ bỏ triệt để» rồi, từ bỏ đến cả mạng sống chứ không phải chỉ mấy cái tiểu tiết vớ vẩn như thuốc lá, rượu bia… Kỳ dư, chúng ta – dù là chức sắc hay phó thường dân nào – vẫn phải quý trọng bản thân xét như đền thờ Chúa ngự đồng thời còn là cộng tác viên vào kế hoạch của Ngài.

Trong một xã hội còn đầy dẫy vô-tín, trong một thế giới còn tôn vinh sự dữ… sự hiện diện của các linh mục vô cùng quan thiết. Đừng nói mấy bố trùm này chánh nọ, hay mấy mụ giáo lý viên… làm nên chuyện, có khi chỉ thêm rối rắm. Các linh mục mới là sự hiện hữu đầy đủ và có trọng lượng chứng tá cho niềm tin. Nếu linh mục có được gì gọi là ưu đãi – nhất là trong hoàn cảnh Việt-nam nơi các bác xem ra được ưu đãi kha khá – thì khổ thay, các bác càng gánh trọng trách tình cảm nặng nề hơn, đồng thời không quên rằng, sự ưu đãi đó có chăng không phải vì cá nhân mình mà vì lòng nhiệt thành nhà Chúa đêm ngày nung nấu trong tâm hồn bổn đạo.

Vì thế bảo vệ, bảo trọng chính mình vì tầng lớp con chiên, nói chung vốn là tầng lớp nghèo túng, lại sống giữa đồng hoang khắc nghiệt không có gì tự vệ giữa muôn loài thú dữ rình rập… có lẽ là một bổn phận quan trọng. Đôi khi, với tính khí hăng say của con người cộng với lòng nhiệt thành Đức Tin, các mục tử đã xả thân quá mức cần thiết, một phần quên rằng công việc mục vụ vẫn là chuyện dài hơi.

Đối với anh em đồng đạo, trong Hội Thánh Chúa, bảo trọng bản thân không phải là hành vi ích kỷ. Trong một phương diện, sự hiện hữu của một cá nhân là một đối tượng cho kênh tương-giao. Khi các thánh cùng thông công, bổn đạo, trong chừng mực nào đó, vẫn chia sẻ công đức lẫn cho nhau một khi cuộc sống tại thế còn kéo dài.

Trong cái nhìn đó, dù đã 3 năm qua, chúng tôi vẫn không ngơi thương tiếc Hồ quang Tâm. Dù là linh mục dòng hay triều, dù chỉ là cụ xứ nhà quê Suối Nghệ hay là chủ xị Đại giáo đường Đức Mẹ HCG Huế, dù là «Sans Sujets Remarquables» hay «Seul Sujet Renommé» Chúng tôi vẫn yêu quí ngài và tiếc thầm cho ngài. Ngài bỏ chúng tôi đi sớm quá. Ngài bỏ bổn đạo còn bơ vơ, sớm quá. Bao nhiêu tâm hồn còn trông chờ ngài. «Đức Jêsu thấy đám đông, người chạnh lòng thương vì thấy họ lầm than vất vưởng như đàn chiên không kẻ chăn dắt» (Mt 9.36)

Nhưng thôi, Chúa Jêsu Kitô cũng chỉ sống có 33 năm, rao giảng có 3 năm. Nguyện xin Thiên Chúa phát triển mầm mống mà cha đã gieo xuống trong thời gian ngắn ngủi của cha. Những mầm mống sẽ thành hoa trái, như hoa trái La-Vang, một thời đau khổ vì bách hại, đã nên duyên cải hóa cho bao người.

Sanh năm 1950, Khấn dòng 1975, Linh Mục 1994

Coi sóc họ đạo Hữu Phước, Suối Nghệ, Bà-Rịa Vũng Tàu (1994-2005).

Bề Trên DCCT kiêm Chánh xứ Đức Mẹ HCG, Huế (2005-2006).

Từ trần 9/7/2006.

Chúng tôi tham dự lễ giỗ mãn tang của Tâm vào buổi sớm ngày 9/7/2009 tại Đại giáo đường Đức Mẹ HCG Huế với sự chủ tế của cha Nguyễn minh Sang, bề trên mới của Nhà Dòng. Cha Sang, người kế tục anh Tâm, dù rằng cao niên hơn, nhưng cũng vẫn một tâm tính ấy : vui vẻ, hòa đồng và nhiệt thành hết mực. Phải chăng nhìn dấu này người ta biết chúng ta là môn đệ thánh An- Phong?

Tham dự lễ cầu nguyện cho linh hồn Joankim, chúng tôi lại thấy mình được hưởng nhiều ân huệ: sống những giờ phút vui vẻ thân thương trong cộng đoàn nhà Dòng : cha Việt, cha Giang, cha Hưng… đã luôn coi chúng tôi là anh em bạn hữu. Được ăn cơm…nhà Đức Chúa Lời thêm vài bữa, sau 3,4 chục năm…chay tịnh (!).

Bước lên xe từ biệt Huế, chúng tôi lại thấy mình là những kẻ « ăn theo » hạnh phúc, được hưởng lộc từ những người yêu Tâm, quí mến Tâm, những anh em trong lớp Vô Nhiễm : Phan thành Nghi, Lee Zung Qui, Ph B…đặc biệt Trần ngọc Huân, người gánh trách nhiệm tài chính nặng nề nhất.

Ôi, Hồ quang Tâm, cái tâm» của anh đã thành ánh hồ quang» để chúng tôi nhìn vào.

Tháng 7/09

QS Đặng tiến Linh

Giáo hội Công giáo:

Người Công giáo Việt Nam

Trần Ngọc Tá

3. Công giáo việt nam

với nền dân chủ thật sự

Anh chị thân mến,

Tôi đã có dịp thưa chuyện cùng anh chị về tính cách chung và đại đồng của Giáo hội Công giáo, mà các tín đồ đã và đang vui hưởng. Người Công giáo Việt nam cũng nhận được hồng ân ấy, với tư cách là thành viên của Giáo hội. Nhưng khi về lại với tư cách là công dân đất nước mình, người Công giáo Việt lại biến thành thiểu số khác đạo. Từ đó, họ dễ có khuynh hướng tách riêng/cục bộ, trước các sinh hoạt của đất nước. Và thói quen không mấy tốt đẹp ấy, đã đưa đẩy người Công giáo đến các tình huống căng thẳng, mỗi khi họ cần có thái độ để đòi hỏi nền dân chủ, cho đất nước.

Đến đây, tôi đề nghị chúng ta bàn sơ về tính cách chung mà riêng/riêng mà chung của cụm từ đất nước dưới cái nhìn của người Công giáo Việt. Với người Công giáo Việt, ta không những phải dứt khoát với những gì là riêng tư/cục bộ mà còn phải chứng tỏ tính cách chung của Giáo hội, bằng các đóng góp thiết thực cho đất nước.

Ở trên, chúng ta đã thông qua phần nhận định về tính cách chung/phổ cập của Giáo hội, qua danh xưng “Công giáo” tức là Nhà chung. Đến đây, hãy nói về đất nước. Cụm từ này, tuy không có cùng một ý nghĩa rộng rãi như Công giáo, nhưng chắc chắn nó không thuộc đặc quyền, của riêng ai. Và người Công giáo Việt khi đã yêu và tôn trọng Nhà chung là Giáo hội rồi, đương nhiên cũng sẽ yêu tổ quốc, yêu đất nước của mình.

Vào thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ Cộng hòa sang độc đảng toàn trị, một số người Công giáo đã quá lo lắng sợ sệt, trước những đe dọa đủ loại, đến với họ. Nên, họ đành phải để tên trong nhóm mà người ta quen gọi là nhóm “Công giáo yêu nước”. Nay, thời kỳ ấy đã qua. Và người Công giáo Việt đã trưởng thành về nhiều mặt. Thiết tưởng, đã đến lúc nghĩ đến bổn phận phải tiếp tay với tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Đành rằng, với tư cách là công dân, tín đồ thuộc mọi tôn giáo đều có bổn phận hợp tác cho tiến trình này. Nhưng, là thành viên của Giáo hội chung toàn cầu, người Công giáo Việt có lý do và uy thế, để đẩy nhanh tiến trình ấy. Phải công nhận rằng: lâu nay, trong suốt hơn phần tư thế kỷ, đa số giáo dân Công giáo Việt Nam đã có thái độ “im lặng dễ sợ” trước sức mạnh bạo tàn của guồng máy độc tài, đảng trị. Thành thử, cả một dân tộc đều thiệt thòi. Nay, không còn thời gian để chần chừ nữa. Phải có quyết tâm tái tạo nền dân chủ khẩn thiết, cho đất nước đang vẫy gọi.

Có một điều cần xác minh ngay ở đây, là khi nói đến vai trò tái tạo dân chủ, chúng ta không có ý lập đi lập lại sáo ngữ mà người dân bị nhồi nhét quá nhiều, trong suốt chiều dài phần tư thế kỹ. Đại để như, những cụm từ lờn tai: “Đảng lãnh đạo nhà nước, quản lý nhân dân, làm chủ!” Và, vì là sáo ngữ (tức là thứ ngôn ngữ của loài sáo), nên cụm từ ấy, đặc sệt những ý nghĩa khách sáo, thuộc lòng. Và, đặc tánh của loài chim sáo thường hay nhại lại các cụm từ được nhét nhồi, đến thuộc lòng. Để rồi, khi xuất khỏi cửa miệng, với lưỡi lòng đã bị lột, cụm từ sáo ngữ kia trở thành những câu nhại ngược ngạo như: “chủ làm dân nhăn, lý quản nước nhà, đạo lãnh đảng!”

Vâng, “đạo lãnh đảng” không phải chỉ là lãnh nhận mọi trọng trách mà đảng chừa lại, mà là lãnh đủ những gì thối tha, nát bét, mà đảng không hoàn tất nổi trong quá trình dân chủ hóa đất nước. Thành thử, muốn có một nền dân chủ thật sự, người Công giáo Việt nên rút kinh nghiệm của người đi trước. Né tránh mọi thái độ “chủ dân”, mà lâu nay người ta thường sơn phết bằng các cụm từ đao to búa lớn: cửa quyền, hà hiếp dân đen, tham ô, đảng trị… Thay vào đó, thực sự tái tục thứ tự do và quyền lợi căn bản mà Quyền Năng trên Trời đã ban cho mọi người dưới thế. Bởi, có đề cao dân chủ mà vẫn không phát huy được tự do, thì dân chủ ấy chỉ là dân chủ què, dân chủ quặt, mà thôi. Nói khác đi, dân chủ là chuyện cốt thiết, nhưng Tự do phải là ưu tiên hàng đầu.

Anh chị thân mến,

Nói đến tái tục tự do, tôi nhớ nhiều đến kinh nghiệm của một số đồng hương, người anh em tôi, ở Úc. Vốn thuộc cộng đồng người Việt tự do sống ở Úc, anh chị em đồng hương của tôi, đã ra sức vận động và vận động rất thành công, bằng những phương tiện cũng như cách thức riêng/chung của mình để bà con bị giam giữ lâu ngày trong trại cấm Hồng kông, Thái Lan, Phi Luật Tân được trả tự do và định cư tại nước thứ ba. Tình cảnh mất tự do tại một số trại thật oan ức, khiến một số đồng bào không chịu nổi đã nhịn đói, biểu tình chống đối. Thậm chí có người mổ bụng tự sát. Hy sinh mạng sống riêng mình, cho quyền lợi chung của người còn lại. Cho mọi người được hưởng thứ tự do mà họ mong muốn.

Trong số đồng bào chịu thân phận hẩm hiu ấy có 11 thuyền nhân người Việt từ Nam Dương dùng thuyền nhập cư đất Úc. Một lần nữa, nhóm người bị gọi là “thuyền nhân lang thang” đã để mất tự do và lại bị giam cầm trong trại cấm Hedland, miền Tây nước Úc suốt năm bẩy năm trường. Ít lâu sau đó, họ dược chuyển về trại đóng kín ở Villawood, Sydney nằm thêm một hai năm nữa, đợi ngày ra tòa. Vào ngày xử, tòa Di trú Liên bang xét thấy đồng bào không đủ tiêu chuẩn để được tỵ nạn theo diện chính trị, nên đã ra phán quyết trục xuất tất cả về lại Việt Nam.

Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc, đặc biệt là Ủy ban Yểm trợ Tị nạn Sydney, đã ra tay vận động anh chị em đồng hương tranh đấu hỗ trợ cho đồng bào xấu số kia. Ủy ban đã tiếp xúc và bàn bạc với giới hữu trách tại Úc. Họ đã cùng nhau đệ đạt thỉnh nguyện thư lên Tổng trưởng di trú Philip ruddock. Quyết đề nghị cho đồng bào được ở lại Úc. Thế rồi, nhờ có sự hỗ trợ đông đảo của đồng bào người Việt Tự do ở Sydney, cũng như trên toàn nước Úc, Tổng trưởng di trú Philip Ruddock đã chấp thuận đảo ngược phán quyết của Tòa. Ông quyết định cho phép 11 thuyền nhân nọ, được ở lại Úc với tư cách thường trú, như mọi công dân khác.

Xem như thế, người Việt Công giáo khắp nơi đã có kinh nghiệm nâng đỡ đồng bào của mình. Nay, ta nên tiếp tục công cuộc tranh đấu ấy. Lần này, ta cũng đòi trả lại tự do nhưng không chỉ đòi cho các thuyền nhân bị nhồi nhét tại trại cấm, mà cho toàn thể đồng bào mình, đang bị nhét nhồi tại trại giam to lớn hơn. Thứ nhà tù vĩ đại hình chữ S, thân thương.

Tuy nhiên, cũng cần nhận định thêm, là: trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, không thể tái tục được tự do khi đất nước chưa đạt được thể chế chính trị căn bản: Thể chế đa nguyên, đa đảng. Thành thử, bổn phận trước mắt của người công giáo việt, theo tôi, là bằng mọi cách tái tạo cho bằng được một nền dân chủ pháp trị. Hầu nước mình có được hệ thống đa đảng như các nước tự do dân chủ thật sự khác.

Anh chị thân mến,

Muốn làm việc này cho có kết quả, tôi nghĩ, mình phải rời bỏ vỏ sò hoặc tháp ngà không tưởng. Lập tức ra tay ngay. Vận động bằng bất cứ hình thức nào thích hợp hơn cả để chuẩn bị cho một nước Việt không còn cái chế độ độc tài toàn trị kia nữa. Cho đến ngày tươi đẹp ấy, thân chúc anh chị và bạn bè những tháng ngày phấn khởi. Đừng để mất đi niềm hy vọng cần có.

(những ngày đẹp trời cuối tháng 5 năm 2000).

Trần ngọc Tá

CĂN PHÒNG THINH LẶNG

Phêrô Nguyễn Hùng Cường

Cuối tháng 3/2008, tôi đi Canada về, một người bạn thân hỏi đùa:

Đi Canada về có quà cho tôi không?

Tôi hơi lúng túng vì thực ra quà cáp dù có nhiều cũng không đủ để biếu bạn bè. Ngoài một số rượu Tây mang nhãn hiệu ‘Produit du Canada’ tôi phải tay cầm tay xách, số quà cáp còn lại tôi đã chứa vào hai con mắt và tâm hồn của mình. Tôi nghĩ đó cũng là những món quà nên biếu cho bạn bè, và chắc chắn không phải là những món quà của kẻ ‘đi xa về tha hồ nói khoác’.

Không bíết phải hiểu là điềm lành hay điều dữ, nhưng theo bạn bè bên đó ví von thì chuyến đi của tôi khá đặc biệt. Tôi đã được đại lục Canada ‘tiếp đón’ còn hơn cả một thượng khách. Mới bước chân xuống phi trường, tôi đã nghe bạn bè ra đón báo động đỏ: “42 năm mới có một trận bão tuyết kinh khủng như thế này.” Đúng là ‘lỗi tại tôi mọi đàng’ vì đã không chịu coi thời tiết trước khi lên đường. Ai đời mới tháng Ba mà dại dột đặt chân đến một thảo nguyên với hơn 80% diện tích còn hoang vu để lãnh đủ cái lạnh mà ngay cả nhiều người ở phía Đông nước Mỹ cũng không chịu nổi. Chỉ thấy tuyết và tuyết. Phải gọi là những núi tuyết mới đúng. Tuyết rơi xuống che khuất cả chiều cao của mái nhà. Tuyết bao phủ mọi nơi, trải rộng một màu trắng đến vô tận. Bởi vậy, tai nạn do tuyết gây ra là chuyện không thể tránh. Cảnh xe ngập tuyết nằm la liệt ngoài phố, tài xế phải cuốc bộ về nhà xa hằng cây số. Em rể tôi lái xe về đến trước nhà mà không vào sân được, đành phải đi vòng vèo để vào nhà. Đúng là gần nhà xa ngõ. Tôi đã chứng kiến nhiều cụm xe nối đuôi nhau lật ngửa trên xa lộ. Trên màn ảnh vô tuyến có những màn phóng sự trực tiếp cho thấy các mái nhà khu thương xá cũng sụp đổ dưới sức nặng của tuyết. Phải mấy hôm sau lính cứu hoả mới đem xác chết ra được. Cám ơn rất nhiều người tại Ottawa, Montréal, và Toronto-Mississauga đã ấp ủ tôi với trọn tình người, nhất là tình bằng hữu. Tôi cũng được nghe bạn bè bên đó tự nhận đất nước Canada của họ là ‘Xứ lạnh tình nồng’. Điều này cho tôi hiểu rằng tình người là của ăn thật cần thiết cho người Việt Nam trong cảnh tha phương xứ người. Xin cám ơn Chúa đã cho con chuyến đi và về bình an, tai qua nạn khỏi.

Nhưng giữa bao nhiêu món quà mang về từ đất nước Canada có diện tích lớn hơn Việt Nam 30 lần, tôi còn giữ được như in hình ảnh của một căn...phòng hơi kỳ lạ đối với tôi. Căn phòng này được cư dân địa phương Ottawa-Hull nói tiếng Pháp gọi là ‘La Salle du Silence’, hoặc ‘Quiet Room’, có nghĩa là Căn phòng thinh lặng, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hai thành phố chỉ ở cách nhau có một chiếc cầu mà phía bên Hull thì nói tiếng Pháp, trong khi phía bên Ottawa lại xử dụng tiếng Anh. Trong hai tuần lễ ở thành phố Hull City của Québec, ngoài những cái hẹn đã định trước, tuy thời tiết khắc nghiệt em rể tôi cũng chở tôi đi lòng vòng để biết người ta sinh hoạt ra sao, có khác nhiều với bên Mỹ không. Đặc biệt vì cư dân Hull City nói tiếng Pháp nên cũng khá hấp dẫn đối với tôi. Các giáo sư ngày xưa dạy tôi học ở Dòng Chúa Cứu Thế Huế lại là các vị truyền giáo đến từ vùng Québec nói tiếng Pháp. Các ngài đã để lại trong tôi hình ảnh của một vùng đất xa xôi để tôi coi là một giấc mơ có ngày sẽ đến thăm mà đến nay 51 năm sau tôi mới có dịp.

Em rể dẫn tôi vào một khu thương mại vùng Ottawa Hull. Khu chợ khá rộng với nhiều thương hiệu quen mắt. Mua bán tuy sầm uất, nhưng không sao so với cái sôi nổi và nhộn nhịp như ở một nơi tương tự tại Mỹ. Tôi chỉ thích đi ngắm và nghe người ta nói tiếng Tây hơn là mua sắm. Vả lại cũng chẳng biết mua gì. Loay hoay làm sao mà anh em tôi lại ra khỏi khu chợ và đứng ngay trước một căn nhà bằng kiếng. Đúng hơn là một căn phòng với kích thước khá khiêm tốn. Nhìn xuyên qua lớp kiếng, tôi thích thú nhận ra đây là một căn phòng hình như để...cầu nguyện, vì thấy có vài người đang quỳ im lặng nơi bàn quỳ, đầu họ gục xuống. Tôi tò mò hỏi em rể, “Nhà gì mà lạ thế?”, thì em nói tỉnh bơ, “Phòng thinh lặng! Em đã vào mấy lần rồi.” Đoạn em chêm thêm một câu tiếng Tây cho ra điều chắc chắn, “La Salle du Silence đó.” Tôi gật đầu ra hiệu với em và mạnh dạn xô cửa đi vào cho biết. Tôi để ý ngay đến cái tĩnh lặng đặc biệt của căn phòng. Một thứ tĩnh lặng khiến cho người hiện diện có cảm tưởng mình đang ở trong một tu viện. Hình như những người đang quỳ gục đầu trong suy tư nơi hàng ghế kia không bận tâm đến sự xuất hiện của anh em tôi. Tôi nhìn khắp căn phòng hình chữ nhật nhỏ bé, thấy không có gì trỗi bật. Sát tường chỉ có hai hàng ghế, mỗi hàng gồm 6 chiếc ghế tựa, hướng về bức tường trước mặt. Cũng có hai hàng ghế để quỳ, đặt cách biệt với các ghế ngồi. Quang cảnh trong phòng quá đơn sơ. Tôi tưởng còn đơn sơ hơn cả khung cảnh trong các dòng khổ tu. Không thấy bày biện hoa đèn gì, ngoại trừ một bóng đèn nê-ong treo giữa phòng. Nhưng trên tường, ở chỗ cao nhất có treo một cây thánh giá bằng gỗ. Trong sự tĩnh mịch của không gian, anh em tôi cùng quỳ xuống. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, mắt ngước trông lên cây thánh giá trên tường. Trước khi rời khỏi căn phòng, em tôi chỉ tay vào bức tường trước mặt và giải thích, “Ngay đằng sau bức tường này là khu chợ mà mình đã vào khi nãy.”

Tối về nhà tôi vẫn còn tò mò muốn biết thêm về căn phòng lạ lùng đó. Em cho biết, nhiều người trong khi đi mua sắm trong chợ thường vào phòng này. Phòng được xử dụng như một nơi cầu nguyện ngay giữa phố thị. Đang khi mua sắm ai muốn vào cầu nguyện cũng được, không phân biệt tôn giáo. Còn ai là tác giả có sáng kiến lập nên căn phòng này, không ai trả lời được. Nhưng chắc chắn đã được chính quyền địa phương chấp thuận để xây cất lên. Phòng chỉ có một lối duy nhất để vào và ra. Giờ mở và đóng cửa là từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Một đặc tính dễ nhận ra của căn phòng, nhờ vào lối xây cất có chủ đích, là cửa phòng quay mặt ra đường lộ, trong khi phần sau của căn phòng lại tựa lưng vào khu mua sắm. Điều này nói lên một ý niệm căn phòng được cách ly với sự mua bán ồn ào trong khu thương mại đang diễn ra liên tục phía sau bức tường. Em rể nói tiếp, “Ai muốn vào phòng này đều phải rời khỏi khu chợ để ra đường lớn rồi từ đó mới vào được căn phòng thinh lặng. Khi đã vào phòng ai cũng phải thinh lặng tuyệt đối, nghĩa là phải tự coi mình là người duy nhất trong căn phòng mà thôi.” Người ta có thể lưu lại trong phòng chỉ nửa giờ là tối đa. Trước kia, vì lý do an ninh một máy kiểm soát được gắn trên trần nhà trong góc phòng. Cũng đã có một giai đoạn những người không thích căn phòng này muốn làm lệch đi mục đích và ý nghĩa của chiếc máy kiểm soát. Họ châm chích nói chiếc máy để ‘đánh thức’ những ai ngủ quên trong đó. Em tôi nói chiếc máy nay không còn xử dụng nữa. Tôi cũng hỏi để biết trong một ngày có được bao nhiêu người xử dụng căn phòng lạ lùng này. Em nói cũng đếm được khoảng vài chục người chiếu cố. Em nhắc lại một lần nữa, “Họ vào để cầu nguyện. Và yêu cầu duy nhất là tuyệt đối thinh lặng.”

Trên chuyến bay rời Canada tôi cứ miên man nghĩ đến cái công dụng hữu ích của căn phòng hi hữu này mà ở Mỹ không thấy có. Tự nhiên tôi liên tưởng đến những giây phút yên tĩnh mà tôi thực sự cần có trong cuộc sống xô bồ mỗi ngày. Phúc Âm đã nói rõ sự cần thiết của những giây phút thinh lặng đó trong đời sống của mỗi người Kitô hữu, nhất là một Cursillista. Đức Kitô là Thầy Chí Thánh không những chỉ dạy tôi phải có những giây phút thinh lặng trong đời sống mỗi ngày, nhưng Ngài cũng nêu gương cho tôi về điều đó. Trước và sau một ngày truyền giáo, Chúa thường tìm vào nơi thanh vắng và cầu nguyện. Đặc biệt để chuẩn bị cho cuộc thương khó cứu chuộc nhân loại, Chúa đã vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện bốn mươi đêm ngày. Với tâm tình của một tông đồ Cursillista, tôi cảm nhận rằng chỉ khi chầu Chúa nơi Nhà Tạm mới là giây phút thinh lặng nhất trong ngày của tôi. Chỉ có lúc đó tôi mới nghe được tiếng Chúa nói với tôi.

Hy vọng ý nghĩa và mục đích của một nơi chốn hiếm hoi như căn phòng thinh lặng trên đây sẽ mang lại cho mỗi người một suy tư cần thiết.

Phêrô Maria Nguyễn Hùng Cường

Thư con dâu thánh AnPhongSô

Teresa Ho

Kính thăm các chị thân mến,

Trước hết em xin tự giới thiệu, em là một trong nhóm ‘chúng mình 6 đứa’ mà chị Maria Nguyễn viết thư cho các chị ở Duc In Altum kỳ trước đó. Lần đầu tiên hội ngộ cùng các chị nên em cũng run lắm, nhưng được các chị trong nhóm khuyến khích, hỗ trợ ghê lắm để viết thư tâm sự, hỏi ý kiến và kinh nghệm cùng các chị. Nếu em có viết chi mà lắp bắp thì kính mong các chị tha lỗi cho nhé.

Em bắt đầu ở đâu nhỉ.

Số là em vừa có dịp đi dự một buổi hội thảo của người Việt mình và có phút chào cờ Úc Việt và phút mặc niệm các quân nhân đã hy sinh dưới cờ và em đã khóc ròng chị ơi! Dù em đã biết và cố nén lòng ghê lắm mà em khi nhìn thấy quốc kỳ của nước mình ngày xưa (cờ vàng ba sọc đỏ) và nghe bài quốc ca “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi..” hoặc “Hồn tử sĩ” là em không thể ngăn nổi những thổn thức và nước mắt cứ tuôn rơi (dù cũng thấy xấu hổ với người đứng chung quanh).Em cảm thấy bồi hồi, thương nhớ quê hương và những người lính Việt Nam Cộng Hoà, người còn sống cũng như đã nằm xuống cho quê hương.

Đây không phải là lần đầu mà em cảm động như thế đâu mà rất nhiều lần các chị ơi mỗi khi nhìn thấy lá cờ và nghe tiếng ca quốc thiều. Và em biết cũng như xác quyết là tổ quốc Việt Nam vẫn luôn ở ngay trong con tim em dù là bao năm xa quê hương. Đồng thời em cũng cảm thấy hãnh hiện vì còn có một quê hương để yêu thương và để nhớ. Em nghĩ dù có làm gì đi nữa, có ở xứ nào dù lâu cách mấy, có nói tiếng của bản xứ nhuần nhuyễn thì mình vẫn không thể nào không là người Việt được phải không các chị?

Quả thật là em đã bồi hồi, xúc cảm cả ngày hôm đó, tâm trí em cứ quanh quẩn với nỗi nhớ và thương, rồi em lại nghĩ đến các con em và tự hỏi là không biết các con em có khi nào nghĩ đến, nhớ đến và có một lòng thương mến quê hương của ông bà, cha mẹ chúng không nhỉ? Chắc mấy chị cũng như em, làm cha mẹ thì mỗi khi mình cảm nhận được những tâm tình nào mà mình cho là hay, là đẹp thì đều nghĩ đến con cháu và ước ao cho con cháu mình cũng được hưởng như vậy. Tự hỏi vậy rồi em lại thấy hơi bi quan vì mấy đứa lớn của em nay cũng đã 15-17 tuổi rồi, không nói và không hiểu tiếng Việt được gì nhiều dù có cho chúng đi học Việt ngữ. Còn cô con gái út em thì nay cũng cố gò tiếng Việt nhưng không biết đi tới đâu. Em lại còn nghĩ là nếu tụi con của em chúng không nói, không hiểu tiếng Việt rành thì chắc cũng khó lòng mà có chút tình quê hương. Mà nếu vậy thì tội cho chúng nó các chị nhỉ? Vì chắc hẳn là chúng sẽ thiếu đi một phần nào phần linh thiêng cao quý trong tâm hồn nếu không có một quê hương để thương để nhớ, không cảm thấy lòng ấm áp rạt rào mỗi khi cất tiếng hát ‘Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời hai câu nói trên vành môi Việt Nam nước tôi... Việt Nam Việt Nam…hai câu nói sau cùng khi lìa đời’ hoặc “ Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”. Em nghĩ là dù chúng có sinh đẻ tại đây đi nữa, nhưng chắc chúng cũng không thể trở thành người Úc được và đây chỉ là quê hương thứ hai của chúng thôi.

Thế là em bèn điện thoại nói chuyện với 5 chị bạn kia, và mấy chị đều hẹn là tối sang nhà em để nghe em tâm sự (em thầm cám ơn tình bạn bao la). Thêm một điều nữa là như mấy chị biết đó, nhà của chúng em ở liền nhau (cùng vừa làm xong 6 cái home theatres) nên các chị thu xếp sang cũng không khó khăn gì sau khi hoàn tất công việc nhà, kèm dạy con cái.

Sau khi nghe em thổn thức kể lại tâm tình của em, các chị trong nhóm của em im lặng vài giây để tôn trọng cảm xúc của em và rồi an ủi, góp ý. Có chị góp ý là ta nên tạo nhiều dịp cho con cháu chúng nó biết về lịch sử Việt Nam,nên sinh hoạt với đại gia đình nội ngoại, bạn bè người Việt, học tiếng Việt, nói tiếng Việt ở nhà, khuyến khích chúng sinh hoạt với cộng đồng vv...Tuy nhiên ai cũng không thấy điều ấy chắc ăn lắm nên mấy chị quay qua hỏi một chị mà tuị em thường gọi đùa là ‘chị ít nói’ để hỏi ý kiến. Chị này bây giờ mới nhỏ nhẹ góp ý là: ‘theo mình nghĩ chị đừng quá lo lắng nhiều như thế và mình nghĩ là mấy đứa con của chị không sao lãng như chị nói đâu, vì một cách nào đó mấy đứa nhỏ cũng sẽ thấm nhuần và hành xử như chị thôi!’ Đến đây thì có một chị xin lỗi tiện thể hỏi cả nhóm một câu mà chị cho là ‘trật đường rầy’ là vẫn nghe bà nội, bà ngoại xưa thường nói ‘phúc đức tại mẫu’.Thế là mấy chị khác nhao nhao lên hỏi thế nghĩa là sao vì nghe hoài nhưng không hiểu. Chị ‘ít nói’ mới nói là chị cũng có nghe câu đó nhưng chưa hiểu lắm và không biết câu này mà áp dụng vào gia đình, thời đại vi tính, kỹ thuật truyền thông bây giờ không biết có đúng không nữa. Chị ấy đề nghị lúc khác sẽ nói chuyện thêm và mấy chị khác đồng ý. Rồi chị ‘ít nói’ an ủi em rằng nếu em có lòng thương mến nước Việt thì chắc rằng con cháu của em cũng cảm thấy như em thôi.Em mong chờ ý kiến quý báu của các chị nhé.

Teresa Ho

Hôn nhân có là nhân hôn suốt ngày dài?

Mary Vũ

Thăm các anh các chị mến thân,

Vừa rồi anh chủ bút của báo nhà An Phong tìm đâu không tìm lại vớ ngay em để nhờ viết bài cho số 68. Khổ nỗi, lúc này em cứ mải lo chuyện chồng con, gia đình nên cứ lình xình, chẳng nghĩ ra được tư tưởng nào hết. May quá. Em vừa đọc đề mục “Giọng Cũ Xa Gần” ở các số cũ, bèn bắt chước cất giọng khá cũ, để hát với hét chuyện đàn ông, đàn bà nói là “hôn nhân”. Tức nhân hôn, suốt ngày dài cuộc đời.

Em trộm nghĩ, ông Dân Gầy nào đó trong mục này, chỉ trích dẫn các bài thơ vớ vẩn, bêu xấu các bà vợ (nhiều hơn ông chồng) hoặc chị em phụ nữ mình, quá xá cỡ. Nên, hôm nay em thử góp giọng bằng những lời nhận định của các em nhỏ tuổi “Tin” xem sao. Cũng khá hay đó, các anh chị. Em bắt đầu nhé. Chỉ là những hỏi đáp, thế này:

Theo em nghĩ ai là người nên làm đám cưới?

Alan, 10 tuổi: Thưa cô, phải tìm người nào cùng thích một thứ mới đề nghị họ cưới nhau được, chẳng hạn như: nếu cô thích thể thao, cô phải tìm người nào cũng thích như thế để cưới về chồng. Bằng không mau chán lắm (?)

Kriten, 10 tuổi: Em thấy chẳng có ai nói rõ là lớn lên mình nên cưới ai về làm chồng làm vợ, hết đó. Tất cả đều do Chúa quyết định hết. Cuối cùng, cưới rồi mới biết là Chúa có cho mình sung sướng hay không, mà thôi.

Theo em tuổi nào làm đám cưới thích hợp nhất?

Camille, 10 tuổi: 23, là tuổi lý tưởng nhất để nghĩ về chuyện đó. Bởi vì, đến tuổi đó mới biết là người bên kia có chúng tình với mình không. Trước đó, chỉ là để chơi cho vui thôi.

Sao biết người đó nói đúng là họ có cưới hỏi?

Derrick, 8 tuổi: Có thể đoán được, nếu xem người ấy có la con nít nhà hàng xóm hay không.

Em thấy cha mẹ mình có điểm nào giống nhau?

Lori, 8 tuổi: Cả hai không muốn có thêm con nhỏ.

Khi yêu đương hẹn hò, người ta làm gì?

Lynett, 8 tuổi: Hẹn hò là để cho vui. Mấy người hẹn nhau là để quen biết nhau. Con trai rành chuyện này, nhất là khi con gái hẹn gặp mà cứ nói dài, nói hoài không chấm dứt.

Martin, 10 tuổi: Lần hẹn đầu, cả hai người đều nói dối cho hay để còn hẹn lần tới nữa chứ.

Làm gì nếu lần hẹn đầu xem ra không thích thú?

Craig 9 tuổi: Em sẽ chạy vội về, nằm lên giường giả chết. Ngày hôm sau, em gọi cho các tờ báo, nhờ họ phân ưu.

Thời gian nào là thuận tiện nhất để hôn nhau?

Pam 7 tuổi: Khi nào giàu có, hãy hôn. Trước đó, thì đừng.

Curt, 7 tuổi: Luật đời dạy phải đủ 18 mới được hôn nhau. Hôn sớm chỉ khổ sớm.

Howard, 8 tuổi: Đúng ra, lề luật dạy thế này: Nếu ôm hôn người nào, em phải cưới người đó và có con với nó… Bằng không, khỏi lo tốn tiền mua thuốc xúc miệng.

Nên ở độc thân hay cưới vợ/lấy chồng?

Anita, 9 tuổi: Theo em nghĩ, với con gái nên để các bạn ở vậy độc thân. Còn bọn con trai, cứ để chúng lấy vợ rồi suốt đời sẽ ở đợ, lo nhà cửa.

Thế giới này có tốt hơn không, nếu chẳng ai chịu lấy vợ lấy chồng?

Kelvin, 8 tuổi: Khi đó cô sẽ hỏi: kiếm đâu ra con nít để cho vui cửa vui nhà đây…

Làm cách nào để đám cưới được thành công?

Ricky, 10 tuổi: Hãy nói với người vợ rằng: em đẹp gái lắm, mặc dù trông bã như chiếc xe hủ lô nặng cả tấn.

Thưa các anh các chị,

Trên đây chỉ là một vài “chuyện nhỏ” mình siêu tầm ở trên báo. Xin gửi các anh các chị đọc cho vui thôi. Chúc các anh các chị những ngày dài vui vẻ trong đời sống hôn nhân, không được khoẻ.

Mary Vũ

“XIN CHÚA SỬA LẠI MỌI SỰ TRONG NGOÀI

CHÚNG CON.”

Lm Joe Mai Văn thịnh, CSsR

Cũng lâu lắm rồi chúng ta không có dịp gặp nhau trên những trang mạng của gia đình an phong hay trong nội san DIA. Nếu tính từng ngày, cũng gần l năm, l năm 365 ngày đâu phải là ít!!! Rồi nếu ai chi ly tính toán nhân 365 ngày với 24 giờ, rồi 60 phút và 60 giây thì con số 31.536.000 giây không phải là nhỏ. Rào trước đón sau để xin thưa với anh chị em một điều là bần tăng cũng cảm thấy khó chịu khi phải xa anh chị em. Đôi lúc chúng ta cũng có nhiều cơ may ‘gặp mặt’ nhưng chưa hẳn đó là những giây phút ‘ bên lòng’. Bởi vì tâm còn lòng vòng, hồn còn ngổn ngang thì làm sao có thể an với mình và tịnh với người được.

Một chuyến đi xa thậm chí có thể gọi là đi hoang thì cũng phải có lúc ngừng chân. Ngừng để thở rồi đi tiếp hay cũng ngừng để định vị tìm phương hướng. Vì thế, mỗi lần ra đi là một lần trở lại, trở về với những ngổn ngang để tìm kiếm chút an bình cho chính mình.

Nếu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, thì 365 ngày xa nhà của tôi cũng dậy tôi nhiều điều.

Sàng khôn thứ nhất xin chia sẻ với anh chị em là tôi đã bắt đầu tìm lại được những gì đã tưởng như là đánh mất. Đôi lúc, trong cuộc sống mình đã chọn lựa những cái dễ. Và khi chọn như thế mình cũng vịn đủ lý do để bào chữa cho việc làm của mình. Thậm chí còn cắt xén lời Chúa như là khí cụ hỗ trợ cho vị trí của mình.

Trong một kỳ thăm viếng Giáo đô, có một vị Giám mục muốn bào chữa cho sự thinh lặng vì nhiều nguyên do khác nhau của Ngài, nên đã trích dẫn một câu trong sách ngôn sứ Giêrêmia “Lạy Đức Chúa, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !” (Gr 1,6). Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng không đáng bàn. Nhưng ngay phần tiếp theo, thật lạ lùng và khó hiểu khi nghe Ngài trích tiếp câu sau là “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi, Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói” (Gr 1,7). Ta truyền cho ngươi (tiên tri Giêrêmia) nói, nhưng chúng con thì im lặng. Im lặng mà lại trích câu này thì quả là không hiểu được? Nhưng, những câu sau vô cùng quan trong lại không được trích dẫn, đó chính là “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi,… Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: Coi, hôm nay ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,7-10).

Đoạn trong sách ngôn sứ Giêrêmia, từ câu 6 đến câu 10 mà chúng ta vừa đọc có nghĩa là Chúa không chấp nhận lý do “quá trẻ và không biết ăn nói” của ngôn sứ. Điều đó cho dù là sự thật. Nhưng điều thứ 2 quan trọng hơn tất cả, đó là sự hiện diện của Chúa trong hành trình sứ ngôn của Giêrêmia: Ta ở với ngươi. Sự hiện diện của Chúa là điều tiên quyết và quan trọng hơn hết mọi điều để chúng ta thi hành sứ vụ. Chỉ cần điều này và chỉ có điều này là quá đủ rồi.

Nhưng, vì không nhận ra sự hiện diện của Chúa nên tôi không chỉ đi lạc mà lại còn tưởng mình đã đi đúng đường, rồi cứ tưởng mình ‘ào ào dễ thương’. Đúng ra phải gọi tôi thuộc lọai người ‘ào ào lá đổ’ mới đúng. Vì bên trong của sự ‘ào ào dễ thương’ là những ngang trái của sự lầm đường. Và, cũng chỉ vì ngu dại, thiếu ý thức mà mình đã làm sai và tổn hại đến niềm tin và tình yêu của người khác!!!

Ánh sáng vẫn chưa được chiếu tỏa. Nhưng, cho đến hôm nay có cơ hội nhìn lại tôi quả thật thấy mình đã mất hướng đi, mất dần ý nghĩa cuộc sống, mất điểm tựa thậm chí đôi khi mất luôn cả Chúa. Thời gian đó cuộc sống tôi không phải ‘như’ mà đã bị ‘đêm đen’ bao phủ.Những ý nghĩ tiêu cực về sự sống cứ luẩn quẩn trong tâm trí. Quay đi quẩn lại chỉ thấy đau khổ và mất mát. Những gì đã nâng niu, trân quí nhất còn vuột khỏi tầm tay thì cuộc sống này còn có nghĩa gì nữa, thôi thì “ngọc đá vỡ tan”!!! v.v….

Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc nhưng vẫn nỗ lực tìm kiếm; không tuyệt vọng nhưng sống trong niềm tin và hy vọng. Không trốn tránh nhưng sẵn sàng đối diện với những gì đang xẩy ra. Điều quan trọng hơn cả là đối diện với chính mình, dám ‘mở tung’ những gì sâu thẳm nhất, những gì đã bị che khuất. Mở ra không phải để ‘ân hận’ hay ‘tự trách’; nhưng mở ra để đón nhận luồng sáng giúp mình biện phân những điều mà trước đây cứ tưởng là đúng. Biện phân để mời Chúa vào, đón nhận sự hiện diện của Chúa. Chính điều này đã giúp tôi thóat cảnh gian nan, thoát ách ‘nô lệ’ của chính mạng lưới mà tôi đã đan kết, mạng luới dung dưỡng bản thân và chiều theo xu hướng của những đam mê, dựa vào lời thánh Phao lô, thì đó là những đam mê xác thịt và hậu quả của nó là sự chết. Cội rễ đã đưa tôi vào ngõ cụt, đường cùng là tính ích kỷ, rồi từ đó giả như tôi không từ khước sự can thiệp của Chúa thì cũng ‘uốn éo bằng những lý luận’ để dùng Chúa hỗ trợ ý riêng mình. (Rm 8: 5-13)

Như vậy, sàng khôn thứ nhất là gì? Lời Chúa để soi đường chỉ lối chứ không được dùng để hỗ trợ cho ý riêng hay củng cố vị trí đã được trao ban. Chúa là Đấng để ta tôn thờ chứ không phải là vật ‘bệ chân’ để con người dẫm lên. Và một khi, chúng ta để Ngài là ‘bệ chân’ thì sớm muộn cũng bị hiểm họa của sự diệt vong.

Đã có 1 thì phải có hai. Sàng khôn thứ hai tôi xin trình làng là sự đổi mới ‘kỳ diệu’ nhiều khi không lý giải được. Bao nhiêu điều mới, kể sao cho hết. Vào những năm gần đây, các trung tâm học ngọai ngữ mọc lên như nấm ở Sài Gòn. Đó là khí cụ giúp con người tại đó tiến thân. Và điều này cũng được du nhập vào trong làng đạo của chúng mình. Các lớp anh văn cũng được tổ chức hầu khuyến khích mọi đấng bậc nâng cao trình độ. Đã có học thì phải hành. Học mà không hành, thì như ‘nước đổ đầu vịt.’ Vì thế, có những nơi họ tổ chức các kỳ trại, các cuộc hội thảo, các chương trình thường huấn bằng tiếng Anh. Tiếng Anh tràn ngập như nước lũ khiến nhiều người bị ngộp. Cụ thể là người đang hầu chuyện anh chị em.

Anh chị em thử tưởng tượng cảnh một đoàn tầu chứa đầy hành khách chạy bon bon trên đường, thế mà cứ vài ba phút, bác tài hết đạp ‘phanh’ rồi lại kéo ‘thắng’ thì hành khách sẽ như thế nào? Không nôn thì cũng ói…

Vâng, đó chính là cảnh người ngọai quốc đến thuyết trình bằng tiếng Anh. Sau mỗi câu nói của thuyết trình viên là phần thông dịch. Cứ thế hai người thay đổi nhau. Cũng có đôi lúc họ không ăn ý. Thuyết trình viên chưa dứt lời thì ông thông ngôn đã nhẩy ngay vào…. Quả thật, làm việc kiểu này, không chỉ có người nói mệt, nhưng người nghe cũng mệt.

Tôi thầm nghĩ, không lẽ ở Việt Nam không còn người đủ tài, khôn ngoan để nói chuyện với nhóm người này hay sao? Nghĩ đến đâu cảm thấy khó chịu đến đó, nên tôi đã đem điều này chia sẻ với vài thành viên trong nhóm, thì được biết rằng giả như buổi hội thảo này đựơc hướng dẫn bởi người Việt thì thành phần tham dự sẽ ít hơn. Còn có vị hăng quá nên ‘nổ’ hơi kêu là sẽ không tham dự, bởi lẽ đâu ai có tài hơn để dậy khôn mình. Thật đáng buồn cho việc không chấp nhận nhau giữa một tập thể có cùng một chí huớng.

Nhưng điều này không quan trọng cho bằng đến phần hội thảo. Có một người đã đặt vấn đề là tôi có được phép ban bí tích hòa giải cho tín hữu, khi điều đó lại đi ngược lại với vài khoản luật của giáo quyền địa phương hay không? Tôi quả thật bị choáng váng khi nghe đến vấn đề như thế. Ai là người có quyền cấm đoán người khác giao hòa và hiệp thông với Chúa? Và, có tội nào lại không thể tha được. Biết như thế, nên đến giờ giải lao, tôi tìm đến người đã đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm. Đó là tình trạng của những người đã lỡ yêu nhau rồi chung sống với nhau mà chưa có phép cưới. Quả thật, khi thi hành mục vụ, anh em linh mục cảm thấy đây là việc vô cùng tế nhị. Một mặt phải theo luật lệ của Hội Thánh, mặt kia là quan tâm đến đời sống riêng của từng người, có nghĩa là yếu tố cá nhân, hòan cảnh phát sinh vấn đề và nhiều nguyên do khiến hối nhân phải hay bị lâm vào hòan cảnh trái ngang mà chính họ cũng không muốn.

Có lẽ, giải pháp đơn giản nhất là cho phép họ hòa giải nhưng không được hiệp thông với Chúa qua bí tích Thánh Thể. Lối giải quyết này cũng không cứu vãn được tình thế. Bởi vì chúng ta khiến họ đi từ hoang mang này đến bối rối khác. Hòa giải mà không được hiệp thông thì hòa giải mang ý nghĩa gì? Cũng có một số nơi các đấng các bậc lại cho phép họ chỉ được rước lễ vào những dịp lễ trọng như Phục sinh hay Giáng sinh. Cũng là lối giải quyết chắp vá. Tại sao trong hai dịp đó lại được phép còn những lễ khác lại không? Vậy, phải làm sao?

Tôi và có lẽ nhiều đồng nghiệp khác không hài lòng về lời giải thích của thuyết trình viên. Ngài khuyên chúng ta nên tôn trọng những qui luật của địa phương rồi sau đó đặt tay cầu nguyện cho ‘hối nhân’ được bình an. Thực ra, ngài cũng không có chọn lựa nào hơn, bởi vì đây là lần đầu tiên ngài thuyết trình bên Việt Nam. Ngài cũng chưa khôn đủ để hiểu rõ hoàn cảnh của các Giáo hội địa phương bên Việt Nam.

Điều gây ra nhiều khó khăn không phải là chuyện ban bí tích hòa giải cho bất kỳ một cá nhân nào. Bởi vì những việc mà chúng ta gọi là ‘tòa kín’ thì ‘nhớ’ cũng chẳng được quyền phương chi là ‘bàn’. Nhưng thực tế lại khác. Mình không nói, nhưng những người được ơn lại vô cùng hân hoan, vì thế không có cách nào yêu cầu họ ‘giữ kín’ được. Vì thế, hậu quả mang tính cộng đoàn. Một người được cho thì người khác cũng tự cho mình đặc ân đó. Và, cứ người này nói kẻ khác nghe, cuối cùng cả nhà, xóm đều biết. Đến lúc đó các đấng bản quyền hết cách ‘trị’ dân.

Như vậy, chúng ta đã lạm bàn sang một đề mục khác; thay vì noi gương Chúa Giêsu, Đấng không chỉ làm gương nhưng còn kêu gọi những người lãnh đạo, những ai ‘làm lớn’ hãy sống theo cách thức của Ngài đó là ‘phục vụ và rửa chân’ cho các tín hữu – chúng ta lại dùng quyền để ‘trị’; và đã dùng quyền thì cần có luật để bảo vệ quyền.

Tôi được biết có một ông cụ bị cha xứ lên án ‘vạ tuyệt thông’ không được rước lễ hơn 10 năm chỉ vì cụ ngoan cố dám cả gan tham dự những bữa tiệc cưới của những người chưa được phép của Hội Thánh cho sống chung, nghĩa là họ chưa có phép cưới. Mấy ngày trước đây, tôi được tin cha xứ nọ đã được thuyên chuyển đến nơi khác. Ông cụ niềm vui chưa đến, lại đâm lo là ai sẽ tháo ‘vạ tuyệt thông’ cho cụ. Thật tội nghiệp cho cụ đã theo Chúa bao nhiêu năm, thế mà vẫn còn bị ‘những thứ lẩm cẩm’ đó cầm buộc. Cụ đâu được ai dậy bảo là khi lên án ‘vạ tuyệt thông’ cho ai thì Đức Giáo Hòang cũng cân nhắc rất cẩn thận trước khi ban hành. Đâu giống như cha xứ nọ, bạ đâu phạt vạ đấy. Thế mà lại có tác dụng và làm nhiều người phải sợ.

Đi nhiều nơi, nhìn nhiều chỗ; chưa biết học được bao nhiêu? Nhưng có một điều, tôi xin trần tình với anh chị em là tuy đất nước của chúng mình đã có nhiều đổi mới. Đời sống của dân chúng cũng không đến nỗi khốn khổ như trong thời bao cấp. Nhà thờ được sửa sang lại, khang trang, rộng và đẹp hơn. Nhưng tất cả vẻ bên ngòai đó là gì? Hồng ân Chúa hay quà tặng của những người cầm quyền? Đã là hồng ân của Chúa thì không thể bị ràng buộc, không thể sống mà cứ lo, thậm chí lo sợ cả những điều chẳng biết.

“Đừng lo…. Hãy xem chim trời…. Hãy nhìn hoa huệ ngòai đồng…” vẫn là những dấu chỉ, những lời mời gọi tha thiết của Hội Thánh dành cho những kẻ tin. Hãy nhìn xem bên cạnh cảnh nguy nga tráng lệ của các ngôi nhà thờ còn nhiều ‘đền thờ’ mà Chúa muốn chúng ta xây dựng nơi kiếp sống lầm than, vất vưởng của những người nghèo? Thử tìm xem bên cạnh những thùng đựng đầy ý khấn có tiếng kêu than của những người bị ‘rối’, bị ‘vạ tuyệt thông?

Vì thế, mắt của chúng ta vẫn được mời gọi để mở lớn hơn nữa. ‘Mở’ để tìm Chúa nơi phần sâu thẳm nhất của đời mình. ‘Mở’ để lột tung những ‘mặt nạ’ đã khiến dung mạo của Chúa bị bóp méo. ‘Mở’ để ánh sáng lời Chúa chiếu thấu suốt mọi nơi, ngay cả nơi kín ẩn nhất. ‘Mở’ để nhìn xem bao nhiêu người đang chờ đợi bàn tay và con tim của chúng ta…. Cuối cùng là ‘Ephata – hãy mở ra’ để Chúa đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh CSsR

Canh tân đặc sủng

Anh chị em thân mến,

Vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, anh chị em tín hữu tại Melbourne, đặc biệt tại Springvale và West Sunshine nói riêng, được dịp tiếp cận và làm quen với lối giảng thuyết và cầu nguyện hơi mới lạ của cha Nguyễn Trường Luân, CssR. Dư luận và những phản ứng tuy khác nhau. Nhưng, nhiều người trong anh chị em rất cảm kích trước tinh thần phục vụ miệt mài không nghỉ của Ngài. Và trong anh chị em, cũng có nhiều người nhận được những ơn lạ. Tuy nhiên, cũng có một số anh chị em lại bị hoang mang bởi những hiện tượng hơi lạ kỳ đã xẩy ra: thí dụ té rồi ngã trong khi cầu nguyện. Có nhiều lời giải thích khác nhau. Thậm chí có anh chị em cho rằng đây là hiệu quả sức mạnh của Thánh Linh?

Thay vì trả lời riêng cho anh chị em. Chúng tôi mới nhận được bài viết và kinh nghiệm của cha Trần Việt Hùng, New York gửi qua hệ thống email (group email). Bài viết của Ngài rất sâu sắc, nhận định rõ ràng, cộng thêm với những giải thích dựa trên kinh nghiệm của Ngài. Chúng tôi xin gửi đến anh chị em.

Và chúng con cũng xin cảm ơn cha Trần Việt Hùng đã giúp chúng con và anh chị em tín hữu có một cái nhìn quân bình hơn về phong trào Canh tân đặc sủng của Thánh Linh.

Lm Mai Văn Thịnh, CssR

CANH TÂN ĐẶC SỦNG

ĐẶT TAY VÀ SỰ TÉ NGÃ.

Đã từ lâu tôi nghe nói về Phong Trào Thánh Linh hay gọi là Canh Tân Đặc Sủng. Từ mấy năm nay, trong cộng đoàn nơi tôi giúp, đã có một số anh chị em đi dự các Khóa Tĩnh Tâm Thánh Linh do các cha hướng dẫn. Tôi nghe họ bàn tán với nhau rằng: cha này hay cha kia có ơn riêng về chữa bệnh, đặt tay cho té ngã và nói các tiếng lạ. Có một vài anh chị em nói rằng: một số cha ở địa phương cứng lòng không tin và sợ không bị té ngã nên không dám tham dự và không dám cho mở khóa Tĩnh Tâm Thánh Linh tại giáo xứ của mình.

Tôi cố gắng tìm hiểu các hiện tượng ra sao? Mở trang Website: Thanhlinh.net đọc tất cả các tài liệu và nhìn xem các hình ảnh. Có đông các linh mục, tu sĩ Nam Nữ và anh chị em tham dự các khóa Thánh Linh. Hình ảnh rất đẹp và ấn tượng. Tôi cũng hỏi thăm nơi này hoặc nơi kia về các sự kiện và diễn tiến của các cuộc tĩnh tâm. Đã có nhiều cuộc Tĩnh Tâm khác nhau do các cha phụ trách. Có ngày giờ và thời biểu cùng các đề tài kèm theo tùy theo Mùa Phụng Vụ.

Tháng vừa qua, sau khi đi tĩnh tâm ở Philadelphia trở về, các ông bà và anh chị trong nhóm Thánh Linh thuộc Cộng Đoàn Chúa Kitô Vua, vùng Bronx, muốn xin tổ chức cuộc Tĩnh Tâm Canh Tân Đặc Sủng tại nhà thờ vùng Bronx, New York. Ngày 30/10-1/11/2009, chúng tôi đã tổ chức thành công Khóa Tĩnh Tâm Thánh Linh. Đã có khoảng 250 người giáo dân từ các Tiểu Bang khác đến tham dự và một số lớn giáo dân địa phương tham dự tùy thời gian thuận lợi.

Linh mục giảng phòng đã vất vả bận rộn với các bài giảng, suy niệm và ca hát ngợi khen cùng các sinh hoạt khác. Chương trình từ chiều Thứ Sáu 5:00-10:30pm, đặt Mình Thánh Chúa, ca hát, giảng giải, Đi Đàng Thánh Giá và lần lượt xếp hàng lên ôm hôn Thánh Giá. Thứ Bảy từ 8:00 am-11:00 pm., suốt 15 tiếng đồng hồ, có các bài giảng, ca ngợi, những bài hát tâm tình bên những hình ảnh thật cảm động về cuộc Thương Khó và tình yêu của Chúa. Giờ cao điểm là Thánh Lễ dìm mình trong Chúa Thánh Thần. Sau Thánh Lễ, khoảng 9:30 pm. Linh mục có giờ đặt tay xin Chúa Giêsu, Đấng Chữa Lành ngự đến và xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa.

Trong thánh lễ, tôi có ngồi nghe bài giảng của cha giảng phòng. Cha dùng nhiều thí dụ và trưng dẫn Thánh Kinh nói về việc đặt tay và té ngã từ thời Chúa Giêsu và các Tông Đồ, cùng những ơn chữa lành khác. Ngài chia sẻ một số ơn đặc biệt: linh mục được ơn xức dầu rồi chết ngay, được ơn cầu cho có mang thai, giáo dân được ơn cười… tôi nghĩ đây là những truyện vui thôi. Ngài trích dẫn Kinh Thánh để chứng minh sự ngã té của những người đến bắt Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, theo Phúc âm của thánh Gioan: “Chính Ta đây, chúng lùi lại, mà ngã xuống đất.”(Jn 18:6).

Như vậy, quân dữ bị ngã, còn con cái đến với Chúa có bị ngã không?

Tối hôm đó, trên gian cung thánh bầu khí âm u vì không có ánh sáng. Ca đoàn hát những bài ca ru hồn: Chạm vào lòng con Chúa ơi…. Giáo dân lần lượt xếp hàng bước lên gian cung thánh và những người hướng dẫn nói với những người giáo dân: đứng nhắm mắt lại, giơ tay lên cầu nguyện, tập trung tinh thần để cầu xin ơn Chúa. Khi chúng ta buông lỏng tâm hồn và cầu xin Chúa Giêsu, Đấng Chữa Lành ngự xuống, trong khi linh mục đặt tay cầu nguyện và thổi hơi nhẹ như là luồng gió của Chúa Thánh Thần. Tôi thấy hầu hết tất cả anh chị em tham dự đã xếp hàng đi lên để được đặt tay. Có người xếp hàng đi lên hai ba lần để được đặt tay.

Tôi quan sát cũng có một số anh chị em đi làm về và ghé ngang qua phòng hội khi linh mục đang đặt tay. Họ cũng xếp hàng bước lên, trong bầu khí âm u và ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Họ chợt nhìn thấy đã có nhiều người đang nằm trên cung thánh được phủ bong xanh, tự nhiên họ thấy có gì lo sợ và đánh động tâm hồn. Rồi họ cũng thả hồn phó thác niềm tin vào Chúa. Một linh mục tiến đến trước mặt họ với mặt nhật có Mình Thánh Chúa và linh mục khác đặt tay trên trán mỗi người và cầu nguyện có khi là tiếng Việt, có khi tíếng Anh và tiếng Latin và cả tiếng lạ. Khi người giáo dân trong tư thế đứng nhắm mắt và giơ tay cầu nguyện chờ đợi, linh mục lần lượt đến từng người đặt tay cầu nguyện và đã có nhiều người ngã ngửa về phía sau.

Tôi suy nghĩ, khi chúng ta đứng nhắm mắt lại, con người của chúng ta ở tư thế nhưng không, không có điểm tựa, thiếu sự thăng bằng và khi linh mục đặt tay trên trán, sức nặng của bàn tay hướng tới trước. Nếu chúng ta cưỡng lại, chúng ta sẽ cảm thấy có một lực đẩy tới. Nếu chúng ta buông theo và ngã ngửa, chúng ta thấy an toàn và như có một luồng khí tỏa lan trong người. Cảm giác lâng lâng và té ngã làm cho chúng ta cảm thấy một cái gì mới lạ trong người. Chúng ta gọi là được ơn.

Tôi cũng nghe có những người được ơn như: khỏi đau lưng, khỏi đau tay và không còn bị thúc giục đi đánh bài và bỏ hút thuốc… Có người nói rằng sau cả ngày tĩnh tâm, tối về nhà họ thấy ngủ ngon hơn và thấy sảng khoái hơn. Có vài người nói là được ơn trở lại cùng Chúa. Họ cầu nguyện nhiều hơn và hy sinh nhiều hơn cho việc chung. Họ không tiếc tiền bạc cúng để lo việc tổ chức Khóa Tĩnh Tâm. Có người được té 5 hay 6 lần và nghĩ rằng họ được nhiều ơn Chúa Thánh Thần. Trong buổi lễ khoảng trên dưới 300 người. Đã có rất nhiều người té ngã. Họ rất vui vì như được ơn và đánh giá niềm tin của mình qua sự té ngã.

Có những nhân chứng té ngã chia xẻ rằng họ cảm thấy rất nhẹ nhàng và không còn chỗ dựa như trong chân không. Có những người nằm xuống thì cười, khóc, hát hoặc nói thì thào cái gì đó và nằm đó nghỉ ngơi một hồi lâu. Có người la hét và khóc sướt mướt. Nhưng có những người không té, cứ đứng trơ ra đó. Tôi nghe các anh chị đó chia sẻ rằng họ cũng theo những hướng dẫn và làm theo cách thức cầu nguyện. Các anh chị đó không té ngã vì cố gắng đứng vững và cảm thấy có lực đẩy về phía sau từ tay linh mục. Cưỡng lại thì có lực đẩy và xuôi theo thì sẽ ngã ngửa. Cũng có các em nhỏ bị té khi lên cầu nguyện. Tôi hỏi một em rằng tại sao em té, em trả lời: Con thấy mấy người bên cạnh té xuống, con cũng té nhưng con biết con té mà.

Nhiều người té cho là mình có đức tin nhiều và là người tốt lành. Những người không té bị cho là kẻ tội lỗi, thiếu đức tin hoặc là không tập trung? Sau cuộc tĩnh tâm, tôi cảm thấy lo. Lo vì nhiều người bị hoang mang trong niềm tin. Không biết thật hư thế nào? Và đã có nhiều phân rẽ và cười nhạo lẫn nhau trong cộng đoàn. Người tin vào tác động của Chúa Thánh Linh qua việc đặt tay và té ngã, thì cái gì xảy ra cũng do Thánh Linh. Người không tin hiện tượng này thì đặt nhiều nghi vấn và bị hỏa mù. Tôi tin rằng hoa qủa của Thánh Thần là tình yêu, là sự thật và là sự đoàn kết nên một. Chúa Thánh Linh chính là Thần Chân Lý, Ngài đến để dạy chúng ta sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Qua các sự kiện trên, tôi cố gắng học hỏi và tìm hiểu thêm về phong trào và nhận ra có những ưu điểm và những khuyết điểm cần được thay đổi cho thích hợp. Giúp củng cố lòng tin của chúng ta một cách vững vàng và sống đạo trưởng thành. Chúng ta không nên lệ thuộc vào những hiện tượng ảo giác hay cảm giác để tạo sự mơ hồ và chao đảo.

Đã có nhiều người được lôi cuốn đi theo linh mục và là fans. Linh mục đó đi bất cứ nơi nào để tổ chức cấm phòng, họ cùng đi theo. Có khi họ đi ra nước ngoài. Họ không quản ngại và không kể thời gian hay tiền bạc. Họ nói rằng họ đã được ơn và muốn chia sẻ với người khác.

Sau cấm phòng một tuần, vào thứ bảy đầu tháng, ngày 7 tháng 11, 2009 vừa qua, khi hội họp các Bà Mẹ Công Giáo trong Cộng Đoàn. Tôi đã giải thích những điểm tích cực và những điểm cần chú ý để cùng học hỏi. Tôi đã thực hiện hình thức đặt tay và tìm xem hiệu qủa của nó thế nào. Tôi mời gọi ba bà trong Hội các Bà Mẹ, tự nguyện bước lên trước nhóm để được đặt tay cầu nguyện. Có ba bà đã tham dự nhiều khóa Thánh Linh bước tới. Sau đó tôi cũng mời một số bà đỡ sau lưng phòng khi té xuống. Phòng tắt điện và nhóm các bà còn lại hát bài: Giêsu, chúng con tới đây sấp mình… Tôi mời các bà nhắm mắt, tập trung giơ tay cầu nguyện và sau một phút, tôi bắt đầu đặt tay, thật ngạc nhiên, tôi chưa kịp cầu nguyện chi cả, bà thứ nhất té xuống. Tôi tiếp tục đặt tay bà thứ hai, trong khoảng 10 giây, bà ta té xuống và đến bà thứ ba cũng thế, tôi mới đặt tay cầu nguyện, chưa kịp xin Chúa ơn gì mà bà ta đã té ngã xuống rồi. Cả ba bà nằm đó một khoảng thời gian. Có bà thì hát và có bà thì khóc lóc.

Như vậy, có phải là Thánh Linh cho té ngã hay vì một lý do gì khác? Chúng ta cần chú ý một số điểm sau đây:

Thứ nhất: Chúng ta cần học hỏi nhiều về ý nghĩa đích thực của Phong Trào Thánh Linh.

Thứ hai: Sự kiện đứng nhắm mắt sẽ ảnh hưởng tới sự thăng bằng của con người.

Thứ ba: Khi linh mục đặt bàn tay trên trán, thì tay có sức đẩy tới.

Tóm lại, trong bầu khí thánh thiện và sốt mến, tâm hồn chúng ta chìm ngập trong tin yêu. Khi đặt tay, chúng ta sẽ dễ dàng bị té xuống. Tôi biết sẽ có rất nhiều qúy ông bà và anh chị em sẽ không đồng ý với tôi về sự kiện này. Quý ông bà và anh chị em cứ thử cầu nguyện cách thức như trên trong gia đình hoặc trong nhóm với nhau. Khi bị té như thế có lẽ có nhiều yếu tố góp lại. Chúng ta đừng gán ghép cho Chúa Thánh Thần mọi thứ kẻo bị xúc phạm. Chúng ta đừng cuồng tín. Đừng bị ảo giác chi phối. Niềm tin của chúng ta cần đặt trên nền tảng vững chắc nơi Thánh Kinh và Thánh Truyền. Hãy sống đạo trưởng thành, đừng ủy mị và mê tín hay cả tin.

Tôi đề nghị rằng chúng ta nên theo cách thực hành của Giáo Hội Công Giáo. Trong Giáo Hội, chúng ta có cả một kho tàng truyền thống lịch sử lâu dài. Nghi thức đặt tay vẫn được cử hành trong các Bí Tích như Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Bí Tích Thêm Sức và đặc biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh. Trong Lễ Truyền Chức Giám Mục, Phó Tế hay Linh mục, có các Giám Mục và có khi cả mấy trăm linh mục đặt tay trên các ứng viên linh mục hay phó tế trong tư thế qùy và được đặt tay trên đỉnh đầu cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần.

Để được an toàn, chúng ta cứ qùy gối xuống cầu nguyện và phó thác trong tay Chúa. Linh mục đặt tay cầu nguyện, không cần phải người đỡ sau lưng. Chúa Thánh Thần sẽ làm việc bất cứ ở nơi nào. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Chúng ta không thể cản ngăn ơn Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh thần ngự đến. Xin Ngài canh tân bộ mặt trái đất và canh tân tâm hồn chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

Một chút suy tư

về đức khiết tịnh hiện nay

Anthony Trần Xuân Anh, tu sĩ DCCT

Trong những lần tôi đi làm mục vụ, tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều nguồn gốc và văn hóa khác nhau. Bất cứ khi nào nói chuyện với họ nếu tôi nói tôi là một chủng sinh, thì chắc chắn một trong những đề tài của câu chuyện sẽ là “sự khiết tịnh”, và câu hỏi mà họ hỏi tôi sẽ là “Bạn tin vào sự khiết tịnh?” Hoặc “Bạn thực sự có thể sống khiết tịnh?” Có một sự ngạc nhiên pha chút giễu cợt nào đó trong câu hỏi của họ. Hình như họ đã tự trả lời trong cách nghĩ của họ: “Làm gì có chuyện người ta có thể sống khiết tịnh, ngay cả mấy ông linh mục, tu sĩ.” Xem ra họ cũng có phần đúng, bởi lẽ họ đã nghe và chứng kiến biết bao vụ linh mục lạm dụng tình dục xảy ra ở khắp nơi hiện nay. Chính vì thế, lẽ đương nhiên họ không còn tin vào đời sống khiết tịnh của hàng linh mục, tu sĩ, và những người đang theo đuổi đời sống tu trì khiết tịnh bị coi là những người “không được bình thường” cả về thể chất lẫn tinh thần trong não trạng văn hóa ngày nay.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị bao phủ bởi một thứ gọi là “nền văn hóa dâm dục” (Raunchy Culture) đầy dẫy những thứ phơi bày về tình dục khắp nơi: phim ảnh, báo chí, internet, chat, thời trang, quảng cáo, v.v.. Người ta nói về chuyện làm tình một cách công khai, và sinh hoạt tình dục (sexual practices) một cách nào đó được coi như là một trong các hoạt động giải trí của con người. Như cha David Fleming, Dòng Tên, trong bài viết của ngài “Discerning Our Celibate Way in Our Culture”, ngài nói: “Sinh hoạt tình dục ngày nay được đánh đồng với những thú giải trí tiêu khiển.” Vì thế, ngài nói thêm: “Nó không còn được coi như một hành vị chỉ giới hạn trong khuôn khổ của hôn nhân,” (1). Người ta dễ dàng sinh hoạt tình dục trong độ tuổi rất trẻ. Báo chí việt nam gần đây nói về chuyện các em học sinh cấp I viết thư cho “bạn tình” với ngôn ngữ ướt át diễn tả chuyện yêu đương của tình yêu đôi lứa, vợ chồng. Đây quả là một cú sốc cho các bậc làm cha mẹ và người có trách nhiệm giáo dục. Mary Johnson trong bài viết của bà “Bowling Alone, Living Alone: Current Social Contexts for Living the Vows”, có đề cập đến nhà xã hội học người Mỹ vào những thập niên 80 Lillian Rubin, có phỏng vấn một ngàn người ở Mỹ giữa độ tuổi 13 và 48 về đời sống tình dục của họ. Một khám phá quan trọng đó là sinh hoạt tình dục bắt đầu từ rất sớm ở tuổi teen ngày nay và mức độ sinh hoạt tình dục ở teen ngang bằng với người lớn. Bên cạnh đó bà còn đề cập đến một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên Cứu Đời Sống Xã Hội và Sức Khỏe Quốc Gia (National Health and Social Life Survey) vào những thập niên 90. Nghiên cứu này cho thấy có một sự gia tăng kinh khủng mức độ sinh hoạt tình dục trước hôn nhân. Trên 95% người Mỹ kết hôn có sinh hoat tình dục trước hôn nhân. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu còn đưa ra một dữ liệu của giáo hội Công Giáo chỉ ra rằng người từ độ tuổi 18 có bạn tình trung bình khoảng 3 người. Chỉ 13% người Công Giáo không có bạn tình trước 18 tuổi, trong khi đó 72% có 1, 13% có từ 2 đến 4, và 3% có 5 hoặc hơn. (2)

Đưa ra những dữ liệu và thông tin ở trên để thấy rằng đời sống khiết tịnh một cách nào đó là không phù hợp với lối văn hóa tục hóa ngày nay, hay nói cách khác khiết tịnh là một khái niệm rất xa lạ với nền văn hóa đương thời. Khiết tịnh bị hiểu một cách sai lạc là lối sống phủ nhận tính dục con người, nói một cách rõ hơn, khiết tịnh và tính dục dường như không đi đôi với nhau. Để có thể hiểu được ý nghĩa của sự khiết tịnh ta cần đặt đời sống ấy vào trong các mối quan hệ: quan hệ với chính mình, với tha nhân, và với Thiên Chúa.

Sống khiết tịnh

trong mối quan hệ với chính mình

Thật là sai lầm nếu hiểu khiết tịnh là một sự chối bỏ bản thân. Trái lại nó là sự nhận thức về chính bản thân, nói cách khác, khiết tịnh là sự tự nhận thức về tính dục. Do đó, sống khiết tịnh phải dựa trên sự nhận thức rõ về tính dục. Chúng ta, những con người, cũng là những sinh vật có tính dục, nhưng chúng ta cao hơn đời sống thú vật bởi vì chúng ta là những hữu thể tinh thần (spiritual beings). Chúng ta có ý chí và lý trí. Chúng ta sống đời sống tính dục của mình bằng sự hiểu biết, tự do, không phải bởi bản năng của các loài vật. Chính vì thế, chúng ta có thể vượt xa mức độ thấp của đòi hỏi tình dục nơi thế giới loài vật, nghĩa là chúng ta có khả năng đưa vào quan hệ tình dục một ý nghĩa, ý nghĩa của sự gẫn gũi và sự hoàn thiện tính dục. Thật vậy, tính dục con người chỉ có thể tìm được ý nghĩa của nó trong sự hoàn thiện đối với nhu cầu gần gũi của con người. Một đời sống khiết tịnh cũng là một sự tìm kiếm sự gần gũi và hoàn thiện tính dục nhưng trong cách lối không bao hàm sự tìm kiếm hành vi tình dục. Với ý nghĩa đó khiết tịnh không đơn thuần là sự tiết chế quan hệ tình dục. Có một nhu cầu con người về sự gần gũi, và điều này không đồng nghĩa với hành vi tình dục (3).

David Fleming nói rằng thật sai lầm khi nghĩ rằng để đạt được đời sống khiết tịnh thật tốt cần phải chối bỏ bản năng tính dục của chính mình (4). Chúng ta được tạo dựng bởi Thiên Chúa như là những thụ tạo có giới tính. Vì thế, chối bỏ bản năng giới tính là chối bỏ ý muốn tạo dựng của Thiên Chúa. Chúng ta tự nhiên là những thụ tạo có tình yêu. Khiết tịnh không phải là sự chối bỏ bản chất này của con người, nhưng là một sự siêu thăng của cuộc sống. Đó là một sự chọn lựa cá nhân trong tự do và hạnh phúc (5). Hơn nữa, khiết tịnh trong khái niệm quan hệ với bản thân, Josef Pieper diễn tả thuật ngữ “yêu chính mình” (self-love), rằng chính chúng ta, tự thâm tâm, luôn mong muốn hạnh phúc cho chính mình. Yêu chính mình là hình thức cơ bản của tình yêu mà tất cả những tình yêu khác đều đặt nền tảng trên nó, và nó làm cho những tình yêu khác trở nên có thể. Josef khẳng định rằng tình yêu mà chúng ta dành cho chính mình là tiêu chuẩn cho tất cả các loại tình yêu khác, tình yêu tha nhân và tình yêu Thiên Chúa (6).

Sống khiết tịnh trong mối quan hệ với tha nhân và với Thiên Chúa

Chúng ta được kêu gọi để yêu thương người khác (Jn 13:34). Cũng vậy sống khiết tịnh không có nghĩa là phủ nhận tình yêu dành cho tha nhân, nhưng trái lại nó lại là cách thức mang tình yêu của chúng ta đến mọi người. Theo ý nghĩa này, David Fleming cũng khẳng định rõ ràng theo quan điểm kitô hữu:

Khiết tịnh là một ơn gọi kitô hữu, nghĩa là chúng ta theo đuổi một lối sống yêu thương tha nhân, không phải bởi vì chúng ta được thúc đẩy, mà là vì con người xứng đáng được yêu. Họ là con cái Thiên chúa. Vì thế, khiết tịnh hiểu theo cách kitô hữu là một lối sống của tình yêu, một cách sống có liên hệ đến người khác. (7)

Trong mối quan hệ với tha nhân, chúng ta luôn luôn yêu thương họ một cách khiết tịnh. Chúng ta được kêu gọi cho một lối sống yêu thương đặc biệt. Đó là một ơn gọi mà sẽ giúp chúng ta tận hiến toàn bộ cho sự phuc vụ mọi người và các giá trị kitô giáo. Nó sẽ giải thoát chúng ta và hướng chúng ta đến tình yếu của tất cả con cái Thiên Chúa. Đó là một cách sống tin mừng. Đó là một ơn gọi ngôn sứ. Qua đó chúng ta trở nên những nhân chứng cho Tin Mừng qua việc tận hiến cho Thiên Chúa tâm hồn và thể xác, tận hiến khả năng để yêu và được yêu. Donald Goergen diễn tả rất rõ điều này: “Khiết tịnh tự nó không làm chứng được gì, nhưng những người sống khiết tịnh là những chứng nhân.” (8).

Tóm lại, khiết tịnh không phải đơn thuần là một nghĩa vụ bắt buộc dành cho những ai sống đời sống linh mục hay tu sĩ, nhưng nó đến từ tình yêu cá nhân và sự tận hiến cho tình yêu Thiên Chúa. Nó không phải là sự tránh những điều buộc nào đó, nhưng là sự dâng hiến thật sự vì Nước Trời, một sự chọn lựa trong tự do và hạnh phúc, trong sự lắng nghe và nhận thức về bản thân. Tính dục là ân ban từ Thiên Chúa (St 1:27; 2:24), và qua đời sống khiết tịnh, nó được thánh hiến cho tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu và sự phục vụ Thiên Chúa gặp gỡ tại trung tâm điểm người được thánh hiến (9). Chúng ta đặt trung tâm của đời sống khiết tịnh ở nơi Thiên Chúa, chứ không phải nơi lối sống văn hóa xã hội. Khi chúng ta sống đời sống khiết tịnh đặt Thiên Chúa là trung tâm, thì cầu nguyện là một thực hành hết sức cần thiết để đào sâu tình yêu thân mật giữa chúng ta với Thiên Chúa, vì cầu nguyện là sự đối thoại của tình yêu. Cầu nguyện là nền tảng và là nguồn sức mạnh cho đời sống khiết tịnh. Chúng ta, là những con người, không thể sống đời khiết tịnh nếu không có ơn Thiên Chúa qua việc cầu nguyện hàng ngày. Đức khiết tịnh, vì thế, không phải là một nỗ lưc tự bản thân con người, mà là ân sủng được ban tặng từ Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện thân mật với Ngài. Đức khiết tịnh hướng chúng ta đến với tha nhân trong tình yêu Thiên Chúa, và đồng thời dẫn đưa tha nhân đến với Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của đời sống thánh hiến.

Ghi chú _________________________________

1.David L. Fleming, “Discerning Our Celibate Way in Our Culture”, trong Review for Religious, tập 59, số 2 năm 2000, tr.140.

2.Mary Johnson, “Bowling Alone, Living Alone: Current Social Contexts for Living the Vows”, trong Review for Religious, tập 59, số 2 năm 2000, tr.128-129.

3.David L. Fleming, “Discerning Our Celibate Way

in Our Culture”, 144. Ibid

4.Joseph D. Wade, Chastity Sexuality and Personal Hangups, alba house, 1969, chương 6, tr. 59-68.

5.Josef Pieoer, About Love, Franciscan Herald Press, 1972, tr.82.

6.David L. Fleming, “Discerning Our Celibate Way in Our Culture”, 141.

7.Donald J. Goergen, “Calling Forth a Healthy Chaste Life,” trong Review for Religious, tập 57, số 3 năm 1998, tr.260.

8.David L. Fleming, “Discerning Our Celibate Way in Our Culture”, 155.

Anthony Tran Xuan Anh

Giọng cũ Xa gần

*Gọi được là định nghĩa sao?

Bắt đầu đề mục này mà lại chua các bài thơ như ri, nghe cũng hơi bất tiện, có phải thế không? Hỡi các Tám nó? Nhưng, vì là “Giọng cũ xa gần”, thiết tưởng cũng nên để cho các giọng “ống bơ rỉ” là các đức ông chồng được xả xú-páp một chút chứ nhỉ! Vậy thì xin mời bầu bạn cứ tứ nhiên mà đọc, chẳng chết thằng Tây nào đâu:

Vợ là quả ớt chín cây
Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng.
Vợ là một đoá hoa hồng
Vợ là "sư tử Hà Đông" trong nhà.

Vợ là nắng gắt mưa sa
Vợ là giông tố phong ba bão bùng..
Nhiều người nhờ Vợ lên Ông
Nhiều người vì Vợ mất không cơ đồ

Vợ là cả những vần thơ
Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy
Vợ là một chất men say
Là nước hoa ngoại làm ngây ngất lòng

Vợ là một áng mây hồng
Vợ là hoa hậu để chồng mê say.
Vợ là khối óc bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta

Vợ là nụ, Vợ là hoa
Vợ là chồi biếc, Vợ là mùa xuân..
Vợ là tín dụng nhân dân
Vợ là kế toán giải ngân trong nhà

Vợ là biển rộng bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê
Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông.

Vợ là chỗ dựa cho chồng
Nhiều ông dám bảo vợ không là gì!?
Khoan khoan hãy nghĩ lại đi
Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.

Việc nhà vợ có công đầu
Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà.
Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là Cát-sét, Vợ là Tivi.

Nhiều đêm Vợ hát Chồng nghe
Lời ru xưa lại vọng về trong ta.
Vợ là làn điệu dân ca.
Vợ là bà chủ, vợ là nhân viên

Vợ là cái máy đếm tiền
Vợ là "Nội lực" làm nên cơ đồ
Vợ là thủ quỹ, thủ kho
Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà.

Vợ là vũ trụ bao la
Nhiều điều bí ẩn mà ta chưa tường.
Khi nào giận, lúc nào thương.
Sớm mưa, chiều nắng ai lường được đâu.

Vợ là một khúc sông sâu
Vợ như là cả một bầu trời xanh
Vợ là khúc nhạc tâm tình
Vợ là cây trúc bên đình làm duyên

Vợ là cô Tấm, thảo hiền.
Vợ là cô Cám, hám tiền ham chơi.
Vợ là con Phật, cháu Trời,
Rẽ mây rơi xuống làm người trần gian.
Vợ là.... lựu đạn tanh bành thân ta ....

*Là thơ, nhưng không thẩn!

Mấy hôm nay nằm nhà, Dân Gầy tưởng là đời mình đi đứt. May mà không dứt cũng chẳng đi luôn. Đi sao được, vì cũng có bạn như mình đang thầm thì lời thơ, nghe rất não. Nhưng tuyệt hảo. Đúng hơn, phải gọi là thơ hay, thơ tuyệt cú, đâu nào tuyệt hảo, như sau này:

Đêm bệnh-viện, sầu tơi trên tóc trắng,

Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương,

Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,

Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.

Đầu ngật ngầy váng vất,

Thương con mình tất bật ngược xuôi,

Mấy ngày qua luôn túc-trực không rời,

Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.

Bàn tay già chầm chậm,

Thờ thẩn nắm tay con.

Từ rãnh mắt xoáy mòn,

Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.

Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,

Chuyện tuổi già, con ủ-rũ làm chi.

Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,

Mình may mắn, có gì mà áo-não.

Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,

Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,

Vì một mai khi rời khỏi nơi đây,

Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.

Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,

Để cho con phải lo lắng miệt mài

Đời con còn nhiều trách-nhiệm trên vai,

Đâu có thể chực-chầu hoài sớm tối.

Thân gầy còm yếu đuối,

Sao kham nổi đường xa.

Thêm việc sở, việc nhà,

Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.

Người già thường cau-có

Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.

Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,

Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.

Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,

Dẫu cơ-hàn, mà rau cháo có nhau.

Bao năm qua mất Mẹ , bấy năm sầu,

Bố gượng sống với niềm đau-lẻ-bạn.

Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn-nạn,

Bỏ quê nhà, chấp-nhận vạn gian-truân,

Chết trong tay đã nắm chặt chín phần.

Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.

Con thuyền khốn khổ,

Sóng gió tả-tơi,

Phút chót đã kề nơi,

Lối định-mệnh, ai người sống sót.

Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót,

Nhưng Trời thương cho trót-lọt qua đây,

Trong khi bao người biển cả vùi thây,

Giờ sao nữa, chẳng mảy-may tiếc rẻ.

Bố chỉ hận mình không còn sức khỏe,

Đở đần con việc lẻ-tẻ hôm mai,

Để chiều về, con bớt phải loay-hoay,

Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.

Khi bị đẩy vào trong phòng hồi-lực,

Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.

Dù thoát nạn hôm nay,

Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặc.

Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,

Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.

Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,

Con cũng đỡ xót xa giờ đưa tiễn.

Mai kia rời bệnh-viện,

Con đừng bịn-rịn xót xa,

Hãy nghe lời y-tá dặn ngày qua,

Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.

Cuộc sống mới dù là mưa hay bão,

Bố không buồn,tự bảo vẫn còn may,

Vì biết rằng, chỉ quanh-quẩn đâu đây,

Con cháu Bố đang vui vầy hạnh-phúc.

Rồi sẽ có những buổi chiều hun-hút,

Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.

Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,

Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray-rứt.

Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,

Nhìn thấy con hạnh-phúc, Bố vui lòng.

Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,

Con phải sống cho chồng, cho con cái.

Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,

Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,

Mà con không kịp đến lúc phân-kỳ,

Nói cùng Bố lời chia-ly vĩnh-viễn.

Đêm trơn giấc, người con rời bệnh-viện,

Đôi mắt già quyến-luyến vọng đưa chân.

Trong ký-ức phai dần,

Khuôn mặt những người thân vùng hiển-hiện.

Lòng chợt thoáng bùi-ngùi khi nghĩ đến

Phút lên đường, theo ước-nguyện ba-sinh,

Chân bơ-vơ trong tăm tối một mình,

Mò mẫm lối hành-trình về thiên-cổ.

TRẦN VĂN LƯƠNG

*Giọng cũ rất trong?

Có thiếu xót chăng nếu ta không đăng những mẫu thư từ liên lạc, theo kiểu “tìm bò lạc”, như ri. Bò lạc tìm được hôm nay là do đằng ấy Vũ Nhuận dám gồng mình viết thư cho anh Sĩ nào đó (I ngăn ngắn chứ không dài), thì lại nhận được thư của đúng người anh cũng tên là Sỹ (như I rất dài như Mai Vị Sỹ). Dân Gầy mạn phép nối lại nhịp cầu liên lạc, ta để mất khá lâu nay, vì chẳng ma nào chịu viết thư. Như thư này:

Anh luc nay da gia va ve huu duoc 5 nam nay. O Portland co hoi cuu de tu DCCT tu hop duoc hon 20 anh em va gia dinh. Co cha Giuse Vu Hoang Phuc DCCT lam tuyen uy cho tui anh. Khi anh moi den Portland June 1975, anh lam viec nhieu cho cha Vincent Cao Dang Minh DCCT la ban cung lop de tu, va cha Hong Phuc DCCT-Toa Bao DMHCG. Vui lam. Cha Phuc da qua doi o day, va cha Minh tro lai nha Dong DCCT tinh Denver.

Anh duoc 3 chau : 1 trai, 2 gai. Tui no lon ca roi. Con trai o San Francisco, gai ut o Union City, CA va gai lon o Portland.

It hang tham gia dinh em. Ranh cu tho tu qua lai. Anh moi di Tampa Florida ve thi nhan duoc tin em, voi tra loi ngay.

Xin Chua chuc lanh.

Joseph Sy...

*Và thu hồi âm của đàn em anh Mai Vị Sỹ:

Em rat vui mung bat duoc lien lac voi anh. Ong ba cu em qua Bi tu lau, nay da mat ca roi. Anh em
trong gia dinh duoc bao lanh qua Bi sinh song. O Viet Nam chi con minh co Nghia - tu tai gia. Ben
Uc, co 2 anh em. Em voi chu em ut la Vu Hai Nam, nay cung da co gia dinh.
Con ve cuu de tu DCCT, o Sydney co mot chi hoi voi khoang 15 gia dinh. O Melbourne khoang 10
gia dinh. Chi hoi Sydney, co anh Nguyen An Binh - lop cha Cao Dinh Tri, co anh Huynh Cong Loi,
lop cha Thanh Tam, Si Tin, co anh Tran Ngoc Ta, lop cha Tien Loc. Chi hoi Sydney moi nam hop 2
lan. Mot lan Tet Am Lich va lan thu nhi nhan dip le Thanh To An Phong. Le Thanh An Phong, chi
hoi co thoi quen gop tien giup tinh dong Viet Nam.
Muon biet them ve sinh hoat cua chi hoi Sydney anh co the mo cac dia chi sau :
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.tranngocmuoihai.blogspot.com
www.giadinhanphong.blogspot.com
Cach day mot thoi gian, nhan dip cha Tran Si Tin qua Uc , chi hoi Sydney co to chuc mot buoi van nghe gay quy kha thanh cong. Neu co the duoc, anh cho em dia chi, em se gui DVD ve buoi van nghe nay.

Thoi it hang tham anh chi va chuc anh chi moi dieu tot dep.

Kinh
Vu Nhuan

*Lại thêm một bài văn xuôi mà không trót?

Xuôi hay trót… lọt là nói về tình hình học và dạy, ở quê nhà. Nhưng cứ nghĩ về tình hình học và tập ở bên ngoài, thì bài văn dưới đây kể như không được gọi là xuôi văn/văn xuôi. Cũng chẳng là văn vần hoặc vần văn, nữa đó chăng? Thôi thì, để tuỳ quý vị định liệu mà phê phán. Hôm nay, Dân Gầy chỉ thủ vai trò của tên mõ, mà thôi. Mõ làng mõ xóm gì cũng đặng. Nào, mời bà con ta cứ… đặng:

Sài Gòn hay Hồ Chí Minh
Bé Việt hôm nay đi học về không được vui. Mẹ thấy thế hỏi bé bị cô la rầy hay bạn bè trêu chọc gì không. Bé trả lời

- Con nộp bài cô giáo trả lại . Bắt phải về làm lại. Nếu không, sẽ không được điểm .
- Thế con viết gì nào hở bé con của mẹ ?
- Thì con viết thế này này

Bà mẹ cầm tờ giấy đọc :

Chiều nay, bầu trời Sài Gòn đang nắng bỗng mây đen từ đâu kéo tới rồi mưa như trút nước xuống Sài Gòn . Người Sài Gòn hối hả tìm chổ trú mưa dưới những mái hiên nhà dọc hai bên đường .....

- Có gì sai hở con ?
- Ngay cả mẹ không biết sai gì ư ?
- Sai gì nào ?
-Thì đấy ... Cô bảo con phải thay thế tất cả các từ Sài Gòn là Hồ Chí Minh .
- Mẹ tưởng gì . Chỉ đơn giản vậy thôi à . Thì con cứ sửa lại cho đúng .

Đứa bé mặt mày tiu nghỉu ngồi viết bài lại ...

Sáng hôm sau, bé hớn hở, hân hoan chạy vào lớp . Khoe cô giáo bài viết đã được sửa . Cô giáo cầm đọc . Càng đọc, sắc mặt cô càng tím tái .....

Chiều nay, bầu trời Hồ Chí Minh đang nắng bỗng mây đen từ đâu kéo tới rồi mưa như trút nước xuống Hồ Chí Minh . Người Hồ Chí Minh hối hả tìm chổ trú mưa dưới những mái hiên nhà dọc hai bên đường .....

Chẳng bao lâu sau, Hồ Chí Minh bị ngập nước . Bộ mặt Hồ Chí Minh bây giờ trông thật thảm . Nước càng lúc càng nhiều, dâng cao, kéo theo nào là rác rưởi phủ đầy ngỏ ngách Hồ Chí Minh . Du khách nhìn Hồ Chí Minh ngao ngán .

Em ngồi nhìn Hồ Chí Minh mưa mà thấy chán . Vì cơn mưa có lẽ kéo dài đến tối . Không phải như mọi người thường nói " Sau cơn mưa trời lại sáng " Với Hồ Chí Minh, sau cơn mưa thường cúp điện . Cho nên Hồ Chí Minh tối thui tối thủi . Và vậy là sẽ không được đi dạo chơi Hồ Chi Minh đêm nay, đêm cuối tuần .

Tội nghiệp du khách đến chơi Hồ Chí Minh vào mùa mưa thì coi như bó chân không đi đâu được . Nhưng người ta vẫn đến vì tò mò, vì Hồ Chí Minh có đủ các món ăn chơi của ba miền gộp lại .

Em không thích Hồ Chí Minh nhưng em phải sống với Hồ Chí Minh vì mẹ em đã sống với Hồ Chí Minh mấy mươi năm nay . Mẹ bảo không thể bỏ đi vì Hồ Chí Minh là nơi chôn nhau cắt rún gì gì đó của mẹ .

Chiều nay, Hồ Chí Minh mưa to, em vẫn ngồi nhìn Hồ Chí Minh chẳng biết chơi gì ngoài hy vọng Hồ Chí Minh đừng mưa nữa

Hoàng Lan Chi

*Giọng cũ rất xa nhưng quả là rất gần:

Nói gần và xa, cũng chỉ là cách nói miêu dạng. Hoa hoè hoa sói… để nói rằng anh bạn Mười Hai vừa chuyển cho Dân Gầy bức thư của Lm Châu Xuân Báu Bề Trên Giám Phụ Tỉnh Hải Ngoại, từ Hoa Kỳ gửi sang. Thư cha Châu Xuân (rất ư là Quý) Báu có nói sơ về những người anh, người em ở hai phương trời xa cách, nhưn nay có dịp gần gũi. Những gần và gũi, mà các cụ lâu nay vẫn thường bảo…những: ”Hai ta tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”. Xa không gian địa lý, nhưng vẫn gần cái …lòng thòng tình thương yêu cùng chung một gia đình mình, Gia Đình An Phong dấu yêu. rất mỹ miều. Như sau:

Men tham Anh Chi Ta va cac Chau,

Lau nay khong thu tu gi cho Anh Chi nhung van

duoc biet tin tuc ve "gia

dinh Anphong Tuyen 2" o ben ay qua DUC IN

ALTUM. Ta on Chua va Duc Me la

Me HCG da luon gin giu cac anh chi trong binh an

va trong tinh than hang

say tong do. Nay mai Cha Nguyen Truong Luan,

CSsR, se qua tham Uc trong y

dinh dem Radio Me HCG qua ben ay...Cha da gioi

thieu Cac Anh Chi voi ngai

de duoc su giup do cua cac anh cac chi khi can den

cho Danh Cha Ca Sang.

Phan cha, On Chua thuong van khoe trong tuoi gia.

Cha cung co du tinh neu

dep y Chua va duoc Chua ban phep thi January

2012 se qua Uc mot lan nua de

tham than nhan an nhan va bang huu va cung de

cung ba con ta on Chua trong

dip Kim Khanh linh muc. Trong cay se duoc gap cac

Anh Chi va cac Chau.

Hiep thong trong JMJA,

Chau Xuan Bau, CSsR


*Và, một giọng mới ơ rất nhưng là rất gần

Giọng đó là giọng của đương kim Chi Hội Trưởng GĐAnPhong Nam Cali Hoa kỳ, anh Nguyễn Hùng Cường, rất Cường và Hùng như sau:

Thưa anh,

(1) Cám ơn các anh đã gửi cho Cường một série 9 CD Phiếm rồi nhưng lu bu quá nên chưa thưởng thức được cuốn nào. Để dành từ từ vậy.

(2) Trong tình hiệp thông Anphong, Cường báo tin để anh em bên đó biết là Cha Phan Thiện Ân CSsR (anh em chú bác với Cha Phan Phát Huồn) đang có mặt tại Nam Cali, vừa để thăm Cha Huồn đang trọng bệnh tuổi già, vừa du lịch luôn thể. Nghe nói ngày 19/11 Cha Ân sẽ về lại VN. Không biết ngài có duyên nợ gì với một chuyến đi thăm xứ Đại Thử hay không.


(3) Bệnh tình Cha Phan Phát Huồn khi nặng khi nhẹ. Mấy tháng trước cha được khẩn cấp điều trị trong khu Intensive Care Unit (ICU) vì phổi có nước, sau đó dời qua khu nursing home. Nhưng vừa rồi lại trở bệnh và đã trở lại khu ICU.

(4) Riêng cha Phạm Minh Thiện CSsR, sau một thời gian chữa trị chấn thương cột sống tại San Francisco, nay đang dưỡng bệnh tại nursing home ở Nam Cali.

Vài hàng tin anh em bên đó rõ. Chúng ta cầu nguyện cho ngài và cho cả chúng ta nữa.

*Thư đi thì có, thư lại cũng có luôn:

Dân Gầy có cái duyên với nhiều anh em trong ngoài Gia Đình An Phong, vẫn được các anh ưu ái cho đọc ké thư từ của đấng bậc. Một trong các đấng bậc rất vị vọng vừa viết một thư (được trích dẫn ở trên), nay lại thêm vài chi tiết nữa, về Lm Nguyễn Trường Luân CssR trong chuyển Úc du tháng 11/2009. Dân Gầy chuyển thư theo tư cách thông tin cùng gia đình mà không có lời bàn gì hết:

Anh Muoi Hai than,

Nhan duoc thu hoi am Anh gui, biet Anh van manh va hang say lam tong do bang ngoi but: mung oi la mung. Cam on Anh da gui cho "Chuyen Phiem Dao Doi" cuon 1 va 2, da doc xong? Rat hay va bo ich...minh co "danh cap" nhieu y tuong trong "chuyen phiem" roi bien che de dung cho cac bai chia se voi anh chi em giao dan ben nay...xin Anh tha cho cai toi "presumitur phep tac" nay!

Neu Anh thuong tinh ma cho doc cuon 3 nua thi tuyet voi. Viec Cha Truong Luan qua Uc: Minh co gioi thieu Anh va cac Anh Chi Cuu DT va mot it than huu khac o Sydney cung nhu o Melbourne....roi de tuy ngai xep dat sao cho phu hop voi thoi gio va cong viec ngai da du tinh thuc hien.

Co the chuyen di nay se khong duoc nhieu ngay boi

vi ngai rat u la ban ron. Xin cac Anh cac Chi va cac Chau giup loi cau nguyen cho cong viec chung.
Cac Anh Em Cuu DT mien Nam Cali cung dang tren da phat trien ve mat tinh than. Minh tuy da cao tuoi nhung cung cam thay vui vi duoc cac Anh Chi Em qui men cho duoc dong hanh va tham du moi sinh hoat deu dan hang thang.

Cha Giam Tinh VN Pham Trung Thanh cung da den

du Mung Ngan Khanh Phu Tinh Hai Ngoai va Le Thanh hien Den Duc Me HCG tai Nha Dong Houston truoc khi di du Tong Cong Hoi o Roma. Lan sau khi den USA moi Anh qua buoc toi Texas tham Den Duc Me tai Houston va Nha Du Tu tai Dallas nhe.

Nho nhau trong JMJA

Giuse Chau Xuan Bau, CSsR

*Vợ hiền, hơn cả tuyệt với:

Thế đó là một định nghĩa. Dân Gầy bắt gặp ở trên mạng. Mạng hay không, điều tuyệt vời dưới cả vời tuyệt, là: định nghĩa này đã được một “cha”… hay cha “ngoại” đã góp giọng ngay trên bục giảng ở nhà thờ. Để làm chi rứa? Câu trả lời, xin dành để cho người đọc. Giờ thì ta cứ nghe và cứ đọc, những vần thờ… bơ vơ/lạc lõng, không lời bàn:

Vợ Hiền

Tuyệt vời hơn cả tuyệt vời ...

Bồ là cô gái qua đường
Vợ mới trân quí nhớ thương vô vàn
Bồ thì nũng nịu than van
Vợ lo nhà cửa lầm than vô cùng
Bồ hay mơ mộng mông lung
Vợ rất thực tế vô cùng đáng yêu
Bồ luôn đòi hỏi đủ điều
Vợ lo cơm sáng cơm chiều quanh năm
Bồ chỉ lo chuyện ăn nằm
Vợ thường chịu đựng cả năm mới tài
Bồ nào nghĩ đến tương lai
Vợ lo tính toán chuyện dài mai sau
Bồ thì chưng diện muôn màu
Vợ chỉ quanh quẩn trước sau trong ngoài
Bồ luôn đòi hỏi, ăn xài
Vợ thì vun xén một hai ba đồng ...
Bồ như chim hót trong lồng
Vợ làm vất vả cho chồng cho con
Bồ là con gái còn son
Vợ đâu có thể ỷ on suốt ngày
Bồ như có chút men say
Vợ đầy thương nhớ ngất ngây tình nồng
Bồ như một đoá hoa hồng
Vợ đẹp như cả vườn hồng ngát hương
Bồ thường giả dối yêu thương
Vợ thì chung thủy, cuối đường có nhau
Bồ đâu chịu đựợc âu sầu
Vợ luôn che dấu niềm đau trong lòng
Bồ là chỗ tựa đêm đông
Vợ mang hơi ấm tình nồng suốt năm
Bồ không một chút ân cần
Vợ thường lo lắng phân trần đúng sai
Bồ không cần biết đến ai
Vợ lo nội ngoại, nhớ ơn sinh thành
Bồ như trái chín trên cành
Vợ mang hạnh phúc an lành ấm êm
Bồ là những đứa moi tiền
Vợ hiền lại đẹp là Tiên trên đời !!!

*Một chút gì để …cải chính.

Cải, là cải tà qui chính về tin tức đóng góp cho Chương trình Bảo trợ Đệ tử - Dự tập. Cải rất chính, về trường hợp Thày Huỳnh Công bị quên tên dù đã đóng góp rất … Lợi cho Lm Tiến Lộc CssR như bình thường, hàng năm. Vậy xin bà con nhớ cho rằng Thày Sáu đã đóng góp theo tục lệ hàng năm ($50) cho Đệ tử viện ở Mai Thôn và đề nghi bà con theo gương thày Sáu “tương lai” mà yểm trợ cho nhau nhé.

*Và một định nghĩa, viết bằng thơ

Thơ con cóc hay thơ thời đại, cũng vẫn là thơ. Nhất thứ, thơ nói về vợ về chồng lại càng là thơ với thẩn. Như sau này:

VỢ:

Em vẽ tên anh trên cát biển, sóng cuốn trôi đi.

Em vẽ tên anh trên không trung, gió thổi bay đi.

Và rồi,

Em khắc tên anh trong trái tim, em bị đứng tim.

CHỒNG:

Trời thấy anh đói, trời tạo ra món pizza.

Trời thấy anh khát, trời tạo ra nước Pepsi.

Trời thấy anh trong tăm tối, trời tạo ra ánh sáng.

Trời thấy anh chẳng buồn lo, trời tạo ra EM.

VỢ:

Lấp lánh lấp lánh ngôi sao sa

Anh rất nên biết người biết ta

Một khi anh biết người biết ta

Nhà thương điên cũng chẳng bao xa.

CHỒNG:

Mưa xuống làm mọi sự xinh hẳn ra

Từ ngọn cỏ cho đến những bông hoa

Mà nếu mưa làm mọi sự xinh ra

Sao mưa không nhỏ trên em chút gọi là?

VỢ:

Hoa hồng màu đỏ; hoa cỏ màu thiên thanh

Thảo cầm viên là dành cho lũ khỉ như anh

Anh đừng lo em cũng sẽ có ở đó

Không phải trong chuồng mà là đứng ngoài nhạo cười anh.

*Cũng có một chuyện cười:

Cứ gọi đó là chuyện cười. Cũng được đi. Vỉ, chuyện là chuyện kể do thần tăng lâu lắm mới kể, qua điện thư. Và, thần tăng Mai Vanh Xăng, kể lại chuyện kể nghe có lẽ được từ một người chồng, chứ không phải do thần tăng chế ra đâu, như sau:

Cuộc sống gia đình như cái máy nhai tiền, bao nhiêu bỏ vào cũng không đủ. Hai vợ chồng anh Tư phải ra sức làm thêm đủ thứ mới hy vọng tồn tại qua ngày

Một hôm, thấy chồng đưa về một xấp tiền dày cộm một cách đầy kiêu hãnh, chị Tư vui sướng hét lên:

- Trời ơi, ở đâu ra nhiều thế này?

Anh Tư đắc chí:

- Anh mới tìm được một chỗ làm mới, ngon vô cùng.

Chị Tư sửng sốt:

- Chỗ nào mà khá thế?

Anh Tư vênh mặt:

- Chỗ đặc biệt. Chỗ nguy hiểm. Chỗ đòi hỏi những phẩm chất bậc cao. Chỗ cho thú dữ ăn.

Vợ anh kinh hoàng:

- Thú dữ ăn? Là sao?

Anh Tư giảng giải:

- Em phải biết, hiện nay có rất nhiều khu du lịch nuôi thú dữ để khách tham quan. Thú tuy dữ tợn, nhưng cũng như gà vịt, cần phải cho ăn, cần vệ sinh chuồng trại. Và anh đã đi làm công việc đó, được trả rất nhiều tiền.

Chị Tư thét lên:

- Nhiều tiền ư? Nhưng nghề ấy nguy hiểm vô cùng. Vừa qua, ở một khu sinh thái đã có một anh bị hổ vồ chết. Vậy anh chăm sóc con gì?

Anh Tư điềm nhiên:

- Anh không dọn chuồng hổ. Anh dọn chuồng sư tử.

Chị Tư ngả ngồi xuống:

- Trời ơi, sư tử còn dữ tợn gấp ngàn lần cọp nữa. Vậy nếu nó sổng chuồng, tóm lấy anh thì sao? Có đáng vì tiền mà đổi tính mạng không?

Anh Tư cả cười:

- Đáng chứ. Vì tiền quá nhiều. Còn vụ thú sổng chuồng thì anh không sợ. Vì hôm nay nó đã sổng rồi.

Chị Tư nấc lên:

- Sổng rồi? Sao anh còn về đây được?

Anh Tư bình tĩnh:

- Sáng nay, anh đang cắt cỏ bên ngoài thì "rầm" một tiếng, một con sư tử to tướng phóng qua hàng rào lừ lừ tiến tới chỗ anh.

Chị Tư suýt xỉu:

- Rồi sao nữa?

Anh Tư cười khẩy:

- Các công nhân khác chạy tán loạn, anh thì leo lên cây, anh thì nhảy xuống nước, anh thì chui vào hang đá run cầm cập. Riêng chồng em không hề sợ hãi. Chồng em thong thả tiến tới gần con thú dữ và nói: Chào sư tử bé bỏng. Chú tưởng anh sợ chú sao? Chú tưởng với hàm răng kia, với bộ móng vuốt kia là chú dọa được anh sao? Chú nhầm rồi, sư tử tội nghiệp ạ. Đã bao nhiêu năm qua, anh ở cạnh một thứ còn ghê hơn sư tử nữa, ghê đến mức chú chả là cái đinh gì.

Chú gầm à? Thứ đấy gầm còn to hơn. Đã thế, chú chỉ gầm khi đói, trong khi thứ kia gầm cả khi cáu, khi hết tiền, khi nghi ngờ và khi anh về nhà muộn, mà chú biết đấy, anh là kẻ về muộn thường xuyên.

Chú nhe răng, trợn mắt à? Chú phải hiểu rằng, thứ kia còn biết nhe đủ thứ, biết trợn chả những mắt mà còn tóc và tai đều dựng đứng lên. Dựng đến nỗi cả cái đầu bung ra như con nhím tua tủa, bờm sư tử của chú là cái quái gì.

Chú biết nhảy vồ à? Chú phải biết thứ kia còn biết nhảy dựng, biết nhảy choi choi, vừa nhảy vừa xỉa tay chứ không chụm chân vào tầm thường như chú.

Chú biết cắn xé à? Ối trời ơi, thứ kia còn biết đay nghiến, biết chì chiết, biết rên rỉ, biết rít lên từng cơn. Chú nghiến răng ư? Thứ kia còn biết nghiến lợi nữa. Vậy sư tử ơi, chú hãy cút vào chuồng, đừng làm phiền anh. Anh đã sống sót với thứ kia mấy chục năm qua, lý do gì không sống sót với chú!

Nghe anh nói xong, con sư tử... len lén về chỗ.

Lời bàn của DânGầy: Cứ sự thuờng, Dân Gầy chả dại gì mà bàn với bạc về các truyện kể. Nhất thứ là truyện do thần tăng anh em, như ở trên. Xin dành để bạn đọc toàn quyền xử trí. Rất cám ơn.

*Có những cử chỉ rất ư là mỹ miều:

Trước tiên là cử chỉ của nhóm “Nhớ Bạn Nghèo” trụ trì miền Tây Sydney đã làm một việc quá ư là đẹp. Đẹp hơn bài thơ. Vì cử chỉ này, mà người nghèo ở Lý Sơn, Quảng Ngãi và Tùng Lâm Đà lạt, cũng bớt tủi. Số là, Nhóm “Nhớ Bạn Nghèo” mỗi tháng đến với nhau trong tình thương yêu, đặt tình bạn, nụ cười và lòng quảng đại làm nền tảngkhích lệ nhau dấn thân, san sẻ với bạn nghèo. Mỗi tháng nhóm này tự nguyện nấu ăn và phục vụ anh chị em, sau khi đã trừ chi phí đi chợ và bảo trì, phần còn lại là của bạn nghèo. Lần rồi, tháng 11/2009, nhóm nói trên đã đề nghị gia đình An Phong Sydney hợp tác tiếp tân, để rồi tiền bạc gặt hái sẽ gửi biếu bạn nghèo. Kỳ này ta thu hoạch con số kỷ lục từ nhóm, những $1,540 cộng với quỹ tiêu dùng còn $490. Thế là, CHTrưởng và Phó được sai đi đến với … dịch vụ để gửi về cho Lm Nguyễn Thọ CSsR Quảng Ngãi số tiền $1,500 đô Úc tương đương với tiền Việt là VNĐ$25,875,000 và dồn số còn lại cho Lm Nguyễn Xuân Thu CSsR ở Tùng Lâm Đà Lạt là $500 đô Úc tương đương với VNĐ$8,875,000. Bút tích nhận quà sẽ được liệt kê đâu đó, ở phần sau. Như thế là kỳ này nạn nhân thiên tai/đói kém sẽ có quà Giáng Sinh khá linh đình, xôm tụ. Bởi lẽ, ít khi nào gia đình An Phong Sydney gây quỹ lẻ tẻ được số tiền khá lớn như thế. Thôi thì, ta cũng đội ơn Chúa và xin Ngài cho người nghèo được bớt buồn và bớt tủi vì vẫn còn chút gì để nhớ và để thương.

Và đây là chứng cứ của tình thân thương đó:

Như vừa nói, bà con Sydney vừa gửi quà cho anh chị em nghèo ở vùng sâu vùng xa trên cao nguyên ngang qua Lm Nguyễn Xuân Thu (cùng lờp với đương kim Chi Hội Trưởng GĐAP Sydney là nguyễn Duy Lâm), thì nay nhận được thư “phản hồi” rất hồi hộp. Hồi hộp, là bởi thay vì cảm ơn chung anh em GĐAP ở Sydney, thì đương sự lại viết cho người đại diện, lời lẽ như sau:

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi tình yêu luôn thánh hóa , ban muôn phúc lành và sự bình an xuống trên Duy Lâm và gia đình. Mình xin cảm ơn nhiều vị đã yêu thương mình và công việc truyền giáo nhất là cho người dân tộc sống trong rừng sâu. Mình đã nhận được số tiền là 8.875.000 đ VN. Anh em mình luôn nhớ cầu nguyện chung cho nhau nhé.

Thân ái trong Chúa Giêsu KiTô, Mẹ Maria và Cha Thánh Anphongsô.

*Thư cảm tạ của Lm Nguyễn Thọ từ Châu Ổ

Gia Đình An Phong mình làm việc bài bản, như Tây. Tây đây không là Pháp Đức Albani gì cho cam. Tây đây chỉ là tây đui, tức “Tui đây”. Tui, tức là thành viên An Phong tuyến 1 ở Lý Sơn Châu Ổ, Quảng Ngãi. Xứ mình rất ân nghĩa, tình mình đất Quảng, như thế vầy:

Châu Ổ 18-11-2009,

Phaolô Nguyễn Thọ, Dòng Chúa Cứu Thế,

phụ trách giáo xứ Châu Ổ, Quảng Ngãi

Gởi lời chào thân thương đến Anh em gia đình An-phong tại Úc

Tôi rất xúc động nhận được khoản tiền anh em gia đình An-phong tại Úc gửi giúp người nghèo, nhận chiều 10-11 : 25.850.000 VNĐ (hai mươi lăm triệu tám trăm năm chục ngàn)

Điều tốt đẹp là mối tình đậm đà thuỷ chung của con cái Cha thánh Anphong.

Chúng ta ngưỡng mộ, biết ơn hướng lòng về cha già Eugène Larouche, người đã có công lớn gầy dựng gia đình Anphong. Một hồng ân lớn Cha trên trời ban cho Dòng Chúa Cứu Thế VN!

Tôi sung sướng ôm choàng anh em cũng như gia quyến trong vòng tay mến thương chan hoà và biết ơn sâu xa.

Xin cảm tạ Cha, cảm tạ anh em.

Cũng trong tình gia đình, xin chia sẻ đôi chút cuộc sống của anh em DCCT Châu Ổ trong việc tông đồ.

Vùng hoạt động được Đức Cha Phạm Ngọc Chi trao cho nhà Dòng năm 1963 gồm hai huyện Bình Sơn và Trà Bồng, bắc tỉnh Quảng Ngãi - hiện là 4 huyện: Bình Sơn tách ra Lý Sơn (hải đảo) và Bình Sơn, Trà Bồng tách thành Trà Bồng và Tây Trà.

Về mặt đạo: hiện có hai giáo xứ: Châu Ổ (đất liền), và Lý Sơn (hải đảo). Giáo xứ Châu Ổ gồm 16 giáo họ: 2 giáo họ lớn biệt lập là Bình Thạnh (cha Nguyễn Thế Thiệp) và Bình Hải (cha Nguyễn Minh Hảo), 14 giáo họ còn lại (giáo họ nhỏ ít người) cha Thọ phụ trách. Cả hai giáo xứ chừng 3.500 giáo dân (Lý Sơn: hơn 500 ; Bình Thạnh hơn 300; Bình Hải hơn 1000. Nhà thờ đang sinh hoạt: Lý Sơn, Châu Ổ, Bình Thạnh, Bình Hải.

Nhà thờ đang xin lại từ nhiều năm: Trà Bồng, An Điềm, Mỹ Tây.

Nhà thờ đang xin đất, bù lại nhà thờ giáo xứ Trung Tín cũ đổ nát thời chiến tranh, tại giáo họ Trung Tín hiện nay.

Riêng nhà thờ Châu Ổ - nhà thờ giáo xứ - được cha Châu Xuân Báu xây xong năm 1972, mới được tu sửa trong vòng hai tháng 7 - 9 /2009: lợp lại mái, làm trần giảm âm, trần cách nhiệt, lợp các mê (veranda) đã thấm nước (tiền đường, phòng thánh, hai hành lang), sơn lại trong ngoài, sơn PU các cửa, bắt lại hệ thống ánh sáng, quạt ...

Tổng chi: hơn 500 triệu VNĐ (khoảng 30 ngàn USD thời giá tháng 8-2009)

Bà con giáo dân, đại đa số là dân nghèo, trong đó một số nhiệt tình góp công góp của.

Bà con ở xa giúp được 7.700 USD

Mới dâng lễ tạ ơn "sửa xong nhà thờ bình an" được 1 tháng thì cơn bão số 9 đổ bộ vào Bình Sơn, anh em đã am tường cảnh đổ nát hoang tàn vì bão và lụt hoành hành cùng một lúc! Tạ ơn Đức Mẹ. Nhà thờ chỉ bị bão xé một nửa phần tôn úp nóc, phía bão thổi đến.

Ngoài việc tôn giáo thuần tuý, không quên người nghèo ... Khi có giáo dân bị tai hoạ hoặc đi bệnh viện xa, tiền oi Chúa nhật được kêu mời bỏ rộng tay hơn dành cho việc trợ giúp. Cũng lưu ý đến người tàn tật, già cả neo đơn, túng ngặt.

Tết vừa qua (Kỷ Sửu) làm quà cho người tàn tật, già cả neo đơn, túng ngặt (cả người ngoại đạo): 144 người, 36.750.000 VNĐ.

Nhận quà anh em gia đình Anphong gởi, năm nay gởi quà sớm hơn, đã bắt đầu trao tay, sẽ hoàn tất vào Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua: 168 người, 33.600.000 VNĐ.

Sinh hoạt tuổi trẻ :

- Có trại ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 cho thiếu niên. Năm nay có 80 em, chia thành 10 trại (có một số từ các giáo xứ khác tham gia)

- Trại truyền thống giới trẻ 2-9 các giáo xứ hạt Quảng Ngãi cùng tham gia. Năm nay có 365 trại sinh, 30 trại chia thành 5 tiểu trại, từ 6:30 - 21 giờ : đóng trại, trò chơi lớn, thi đua nấu ăn, thi đua trò chơi và đố vui giáo lý, văn nghệ ...

- Trung Thu rằm tháng 8, mừng vào tối Chúa nhật cho hơn 100 em nhi đồng - tổ chức 5 ngày sau cơn bão số 9!

Xin gởi đến anh em và gia quyến tấm lòng hiệp thông trong đại gia đình Anphong, cùng lòng hân hoan, trìu mến và biết ơn của những người nghèo ...

Người anh em - Nguyễn Thọ

TB: Gởi đến anh em vài hình ảnh về cơn bão số 9 vừa qua

http:www.s587.photobucket.com/albums/ss318/thanhthong/

Người đánh máy và gởi e-mail : tu sĩ Anton Nguyễn Thành Thông

*Thành viên An Phong đến từ xa:

Đã từ lâu, anh em ở Sydney lại được hân hạnh đón tiếp thành viên “đại thụ” đến từ miền tận cùng của đất Úc, tức thủ phủ Adelaide, Nam Úc Châu: Bác Lê Quang Đạt, cây đại thụ quý hiếm của gia đình An Phong Úc năm nay đã xấp xỉ cửu thập. Trong chuyến viếng thăm người con út ở Bass Hill – Sydney, Bác Lê Quang Đạt đã nhắn CHPhó Trần Ngọc Tá đến tệ xá của người con, để trò chuyện. Dân Gầy được CHP TNTá tường trình là bác LQĐạt còn minh mẫn, tinh tường và khoẻ khắn lắm. Duy có cặp mắt không được tỏ như xưa, nên đôi lúc phải hạn chế đọc nội san, dù rất thích. Tuy thế, bác vẫn hăng say yểm trợ công cuộc mục vụ của anh em tuyến 1 ở quê nhà. Và, bác yêu anh Mười Hai chuyển món quà $300 Úc gửi tặng chương trình giúp đỡ các anh chị em nghèo và bệnh qua Lm Lê Quang Uy CSsR. Mọi việc đã được Chi Hội Phó giải quyết, trong chớp mắt, rất vui vẻ. Dân Gầy được đề cử thay mặt cho gia đình An Phong Sydney và Trung Tâm Mục Vụ DCCT Kỳ Đồng, xin cảm ơn bác Lê Quang Đạt và chúc bác luôn vui mạnh, để còn tiếp tục sinh hoạt với anh em … mình.

*Tin vui đến từ hậu phương lẫn tiền đồn:

Tin vui lần này, lại là tin rất quý và rất mới: Tỉnh Dòng Úc lại có thêm một “Thầy Sáu” còn rất trẻ: đó là người anh em tên Giuse Đỗ Tuấn Anh. Tuấn Anh rõ ràng vẫn còn tính chất rất “Việt tộc”, nay tình nguyện sinh sống và mục vụ vĩnh viễn cho tỉnh dòng Úc. Ngày thụ phong Phó tế sẽ diễn ra ở nhà Kew, Melbourne ngày 18/12/2009 lúc 5giờ chiều. Toàn gia An Phong Úc Việt các tuyến hết sức vui và mừng. Mừng và vui, gửi lời chúc rất nhiệt tình đến người anh em Tuấn Anh. Xin Chúa Kitô và Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn gìn giữ thành quả quý hiếm của nhà ta luôn tươi đẹp mãi mãi.

Dân Gầy mạn phép hai tỉnh dòng chuyển giấy mời đến bà con trong họ ngoài làng An Phong dấu yêu, như sau:

*Có những lời thư rất … thơ:

Thư, là thơ về cuộc đời. Về những người anh em em cùng gia đình, chung một tuyến như sau:

Thưa anh,

(1) Cám ơn các anh đã gửi cho Cường một số CD do anh em ở Úc thực hiện nhưng lu bu quá nên chưa thưởng thức được cuốn nào. Để dành từ từ vậy.

(2) Trong tình hiệp thông Anphong, Cường báo tin để anh em bên đó biết là Cha Phan Thiện Ân CSsR (anh em chú bác với Cha Phan Phát Huồn) đang có mặt tại Nam Cali, vừa để thăm Cha Huồn đang trọng bệnh tuổi già, vừa du lịch luôn thể. Nghe nói ngày 19/11 Cha Ân sẽ về lại VN. Không biết ngài có duyên nợ gì với một chuyến đi thăm xứ Đại Thử hay không.

(3) Bệnh tình Cha Phan Phát Huồn khi nặng khi nhẹ. Mấy tháng trước cha được khẩn cấp điều trị trong khu Intensive Care Unit (ICU) vì phổi có nước, sau đó dời qua khu nursing home. Nhưng vừa rồi lại trở bệnh và đã trở lại khu ICU.

(4) Riêng cha Phạm Minh Thiện CSsR, sau một thời gian chữa trị chấn thương cột sống tại San Francisco, nay đang dưỡng bệnh tại nursing home ở Nam Cali.

Vài hàng tin anh em bên đó rõ. Chúng ta cầu nguyện cho ngài và cho cả chúng ta nữa.

*Lại một tin buồn đến rất mau:

Tin buồn kỳ này, là tin về người anh em Lm P.X. Nguyễn Hữu Hoà, người từng ghé bến Sydney năm nào kể cho nhau nghe chuyện đời thường chốn viện tu An Phong, La Mã. Mới ngày nào còn vui câu truyện kể, nay anh đã ra người thiên cổ. Cổ thiên hay thiên cổ, thôi thì bà con mình vẫn cứ xung phong một lời cầu. Cầu, cho anh được viên mãn, nơi quê trời. Cầu, cho đồng môn và đồng đạo với anh, luôn xác tín về niềm vui quê trời. Bất cứ nơi đâu. Quê trời hay quê người vẫn cứ R.I.P.

No comments: