Tuesday 19 January 2010

Mễ Duy-Nguyễn Quí Bân: Sống giây phút này

Giữa giờ ra chơi, đám trẻ được hỏi: “Nếu một giờ nữa con phải chết thì làm gì?” Đứa trả lời: “Đi tìm cha xưng tội.” Đứa khác: “Vào nhà thờ cầu nguyện”… Riêng Đôminicô Saviô thì: “Tiếp tục chơi!”.



Không biết Saviô làm cách nào mà đạt đuợc “chưởng lực” tâm linh thâm hậu như thế. Riêng tôi, năm nay đã sáu mươi mốt tuổi đầu mà chỉ mới tập tễnh trên bước đường này. Quả tình, sống giây phút này, theo cái khám phá non nớt của tôi, không phải là dễ!



Bởi vì tôi không còn là con trẻ nữa. Khi tôi còn bé tí ti, thì những gì bỏ vào miệng thật lạ, thật mới, vì là lần đâu: củ khoai ăn sống lần đầu, trái ổi ăn lần đầu, đồng bánh lần đầu. Rồi càng lớn lên, càng có kinh nghiệm, càng nhiều kỷ niệm, những nếm hưởng sau này, dù gọi là mới, cũng bớt đi tính chất lần đầu. Theo thời gian, chúng ta bầy đủ thứ trò để “nếm hưởng đời”.



Tôi còn nhớ thời đó, tuy lãnh lương “kiệm ước” , nhưng cũng cố “quản trị” sao cho đủ xìn để tham gia cùng nhóm bạn lâu lâu đi du ngọan hoặc thỉnh thỏang đi ăn chỗ này chỗ kia. Trong nhóm có nam có nữ nên ai cũng trở thành hào hoa, lịch lãm, “văn miêng”…! Những kỷ niệm vui đó, vui phần lớn là nhờ cái liên hệ bạn bè, chứ ngọai vật tự chúng không đủ sức lôi cuốn tôi. Không còn lôi cuốn tôi như hồi nhỏ. Bây giờ, tôi đã mất đi cái nhìn mớ mẻ, hồn nhiên của thời ấu thơ.



Khám phá những “cảm giác lạ” không thể thỏa mãn lòng người, phần vì chúng bao la, phần vì những cảm giác đã xảy ra trong quá khứ đã trở thành những tiêu chuẩn để so sánh cho những lần sau. Mỗi lần ăn thêm một tô phở, tưởng tượng hoặc “cảm” thấy ngon, nhưng thực ra không còn cảm cách trực tiếp, đơn thuần nữa, mà đã phê phán nó, so sánh nó với những tô phở lần trước. Trong bữa ăn, nếu có người không hài lòng về món này món kia, theo tôi nghĩ, cũng chỉ vì người đó không còn khả năng nếm hưởng trực tiếp mà đã để ký ức mình “họat động” quá độ, so sánh với những cảm giác đã qua, đã quen. Dĩ nhiên, văn miêng đã chế ra cái ý niệm “sành điệu”, nhưng cũng chỉ để thêm một thế “kẹt”, vì nếu chạy theo thì bao giờ mới tìm được cái ngon nhất…


Vậy, chỉ còn một thái độ là cảm giác ngây ngô. Thái độ ngây ngô là không tích trữ, không “nuôi” kỷ niệm, không “o bế” quá khứ. Không phủ nhận, không xóa bỏ chúng, nhưng không để chúng lấn át hiện tại. Kinh nghiệm sống, kiến thức đạt được, ký ức đều là cần thiết, nhưng khi mình không còn làm chủ chúng nữa thì chúng biến thành những bức tường vô hình ngăn chận con người sống trực tiếp với ngoại vật, người khác… Xin lấy một ví dụ: nghe nhau. Sở dĩ có cãi cọ trong nhà ngoài ngõ là vì tình trạng ông noi gà bà nói vịt, theo nghĩa là không hiểu ý của nhau. Mà không hiểu ý của nhau là bởi vì không nghe “cái đã”, mà muốn nói ý kiến mình ngay. Nghe thế nào? Nghe như con nít nghe. Con nít nghe “đã” rồi mới hiểu sau, nhưng hiểu lẹ và vâng lời dễ dàng. Nghe “đã” là để cho những âm thanh, như những âm thanh, lọt vào tai. Nếu như trong một tích tắc, người ta nghe người đối thọai như hấp thụ cách ngây ngô âm thanh “trước đã” thì hiểu nhau nhanh và nhiều hơn.


Nhìn cũng thế, con nít nhìn cách “ngây ngô”. Ví dụ, cho một đứa bé một lá cờ nó chưa từng biết thì thọat tiên, trong một tích tắc, nó chỉ nhìn đó như một… mảnh vải. Nhìn “cái đã”, sau đó mới đặt câu hỏi : “cái gì đây?” hoặc: “cờ nước nào vậy?” VITTOZ gọi nhìn, nghe, nếm, ngửi, sờ cách ngây ngô như vậy là những hành vi nhận thức –“actes concients”-, khả dĩ lôi con bệnh ra khỏi névrose hay psychose. Những cảm giác ngây ngô đó là bước đầu giải thóat người bệnh ra khỏi những ý nghĩ, hình ảnh quá mạnh đang vây hãm tâm thần họ.



Nhưng những cảm giác ngây ngô cũng là căn bản của một nghệ thuật sống. Cha JOMIN, thiết lập một phương pháp trị liệu tâm lý khác mà căn bản là sống giây phút hiện tại, tuy đã về già mà mỗi ngày ngoài việc tiếp 15 người bệnh còn đọc xong một cuốn sách, nhờ sống bằng cảm giác ngây ngô.



Cảm giác sự vật cách ngây ngô khiến phục hồi hay duy trì khả năng hấp thụ, lãnh hội (réceptivité), giúp con bệnh tiếp xúc lại với thực tại bên ngoài. Vì cái bệnh tâm thần là cái bệnh chỉ biết “nghĩ”: nghĩ lung tung hay chuyên môn nghĩ một chuyện, một chiều. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn chắc cũng đã có dịp như tôi, “tiếp chuyện” với một con bệnh kiểu này, bạn chẳng phải nói năng gì cả, chỉ việc đứng ngoan ngoãn nghe “thuyết pháp” quanh một đề tài hay một “tâm sự đời tôi”. Bao lâu bạn còn nể tình hay vì chở đợi “tình hình thay đổi”, ngoan ngõan đứng nghe thì người nói càng thao thao bất tuyệt, càng thêm khỏe ra, hùng hồn hơn… Lần sau gặp lại, “con bệnh” sẽ rất ư vồn vã, nồng hậu đón tiếp bạn, và “dọn” cho bạn sơi cũng cùng một món ăn chơi như lần trước. Dĩ nhiên, đến lần thứ ba thì rút kinh nghiệm, từ còn xa, bạn đã nhỏen miệng cười chào và lễ phép thưa “xin phép bác, con phải về lo cho thằng cu…”



Trên đời ai mà không cảm thấy nguy cơ rơi vào tình trạng nghĩ lung tung. Điều này trở thành bệnh khi tự mình không biết tháo gỡ ra sao. Khi những ý nghĩ tâm tư như: chờ đợi, hy vọng, thất vọng, mơ ước, hối tiếc, vui quá, buồn quá, nóng giận, tức muốn chết… trở thành dồn dập, không tìm được lối thoát hay được “hóa giải” thì biến tâm não thành một trận địa hay một cuộc huyên náo dày vò tâm thần.



Điều làm cho tôi vui là khám phá điều này: võ thuật, tâm lý điều trị, triết lý sống, và các tôn giáo lớn đều giáo huấn con người biết sống trong hiện tại, sống giây phút này.



Mễ Duy

2006


(Xem thêm các bài cùng một loại, xin ời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: