Saturday, 26 November 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT : "LỠ MỘT CUNG ĐÀN…"




Quốc Hội nước Công Hòa XHCN Việt Nam trong phiên họp vừa qua có một số các đại biểu đề cập đến vấn đề môi trường, từ lâu nay vấn đề này được xem là nhạy cảm, đúng hơn là cấm kỵ. Có những người trăn trở về môi trường đất nước bị tàn phá nặng nề, cách này cách khác họ tỏ thái độ và lên tiếng với nhà cầm quyền, phần đông trong số họ đã phải gánh chịu sự đau khổ thiệt hại nặng nề vì những hành vi của mình.
Nhóm bạn hữu vừa kỷ niệm ngày qua đời của một người giáo viên có tên là Đinh Đăng Định. Ông xuất thân từ bộ đội và tốt nghiệp trường Sư Phạm khoa Hóa Học, ông phản ứng không đồng thuận với chương trình khai thác Bôxít ở Tây Nguyên Việt Nam, ông thu thập được rất nhiều chữ ký trong một bản kiến nghị gởi nhà cầm quyền để xin hủy bỏ dự án Bôxít. Ông bị bắt, xử án tù, trong tù ông bị ung thư bao tử, giai đoạn cuối người ta chuyển ông về Bệnh Viện 30/4 ( Bệnh Viện của Công An ) chịu phẫu thuật, vài ngày trước khi qua đời, ông được phóng thích về gia đình, ông ra đi trong đau đớn của căn bệnh ác nghiệt hành hạ. Ông bị xếp vào loại nguy hiểm đến độ sau phẫu thuật cắt hoàn toàn bao tử, phòng ông nằm luôn có 6 người CA bên cạnh, chưa kể nhiều nhân viên CA khác bố trí canh gác dọc hành lang dãy phòng của ông.
Những ai theo dõi mạng xã hội hẳn chưa quên được hình ảnh bà mẹ trẻ ôm đứa con nhỏ, mặt hai mẹ con đầy máu, hai mẹ con bị đánh tả tơi vì đi trong đoàn tuần hành phản đối Formosa ở giữa Sàigòn vào một Chúa Nhật lẽ ra phải là ngày bình yên tươi hồng. Bao hình ảnh khác nữa cho thấy, vấn đề môi trường là vấn đề cấm kỵ mọi người dân trên đất nước này. Gần đây nhất, nhà cầm quyền đã bố trí dày đặc CA để bảo vệ Formosa, dây thép gai đã được giăng cao hai tầng trên đỉnh tường rào dọc theo khu vực Formosa dài 4Km, chỉ vì cách đó một tuần, dân chúng vùng Hà Tĩnh đã tụ tập phản đối sự tàn phá môi trường do Formosa gây ra.
Các thông tin về hậu quả môi trường bị tàn phá dồn dập trong những năm vừa qua về Bôxít Tây nguyên, về rừng bị khai thác cạn kiệt, về ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long, về ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện xử dụng than, về thực phẩm cây trái nhiễm thuốc độc hại, về hàng tiêu dùng chứa hóa chất cấm, về xả thải chất độc vào biển Đông, về chôn lấp chất thải nguy hiểm khắp nơi, nhất là các vị trí đầu nguồn nước, về mở xả các đập thủy điện gây ngập lụt nghiêm trọng, tàn phá nhà cửa hoa màu, về cá nuôi và cá thiên nhiên chết trên khắp các con sông, ao hồ trong cả nước… Nói chung, chúng ta đang sống trong một môi trường hoàn toàn bị hủy hoại nặng nề. Trong các hành trình dọc dài theo đất nước, ngồi trên máy bay rất dễ để nhìn ra những mảng đất lở loét đỏ hỏn đến ghê rợn. Những con sông đục ngầu chất xám, những cảnh đồi trọc xác xơ.
Thông Điệp Laudato Si ( Chăm sóc ngôi nhà chúng của chúng ta ) của Đức Thánh Cha Phanxico, ở Chương Một, phần III, Đức Thánh Cha nhận định:
"… Việc mất mát rừng rậm và thảo mộc đồng thời đưa đến việc đánh mất các giống loài, trong tương lai có thể là những nguồn quan trọng nhất, không những để nuôi dưỡng, nhưng còn để chữa lành bệnh tật và còn cho nhiều phục vụ đa dạng khác. Nhiều giống loài chứa các gen, là những nguồn tài nguyên cho các phận vụ chủ yếu, có thể giải quyết nhu cầu của nhân loại trong tương lai hay giúp giải quyết một vấn đế môi trường nào đó" ( Số 32 ).
"… Mỗi năm mất đi hàng nghìn loại cây cối và thú vật, mà chúng ta không còn khả năng nhận ra, cả con cái của chúng ta cũng chưa thấy được, hoàn toàn mất đi vĩnh viễn. Phần đông chúng chết là do hoạt động một cách nào đó của con người. Vì lỗi lầm của chúng ta, mà hàng ngàn giống loài không còn tôn vinh sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng không trao lại cho chúng ta sứ điệp của chúng. Chúng ta không có quyền làm như thế" ( Số 33 ).
"… Mức độ can thiệp của con người thường là để phục vụ cho tài chính và tiêu thụ, đã làm cho thế giới chúng ta đang sống bớt phong phú và mất đi vẻ đẹp, luôn bị hạn hẹp lại và xáo trộn..." ( Số 34 ).
Résultat de recherche d'images pour "ô nhiễm formosa"Chúng ta nhận thấy Đức Thánh Cha chỉ ra rằng: vũ trụ, thiên nhiên muôn loài muôn vật cùng với chúng ta cất lời ca tụng tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, con người và muôn loài được tạo dựng để thờ phượng Thiên Chúa, đánh mất sự cân bằng sinh học không chỉ là làm mất một giống loài trong việc duy trì nòi giống, phá vỡ sự cân bằng sinh thái vốn vô cùng cần thiết, hay đánh mất nguồn dự trữ các lợi ích cho con người vốn là tài sản vô giá, nhưng quan trọng nhất là làm lỗi nhịp bản hợp ca tán tụng Thiên Chúa, bôi bẩn bức tranh toàn mỹ Thiên Chúa muốn phô diễn. Sống mà không để thờ phượng ngợi ca Thiên Chúa, sống mà lạc điệu nham nhở rối loạn, thì không phải là sống, không phải là sự sống Thiên Chúa thông ban.
Vấn đề môi trường tại Việt Nam không chỉ là vấn đề nhạy cảm chính trị như có những lý luận thường đưa ra để biện hộ cho thói vô cảm, cá nhân, hưởng thụ và nhát đảm, nhưng rõ ràng là vấn đề của lòng tin, của luân lý Kitô giáo. Sự sống đời sau bắt đầu từ sự sống hôm nay, sẽ là sự chết nếu hôm nay chúng ta chấp nhận hoặc thỏa hiệp với sự chết đang len lỏi vào bàn ăn và căn nhà của chúng ta.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 23.11.2016
Ghi chú:
Tựa đề bài viết trích từ một câu trong vở cải lương Chuyện tình Lan và Điệp:
"Lỡ một cung đàn, phải chăng tình đời là vòng dây oan trái..."

No comments: