Chúng tôi vừa
có một chuyến ra tận miền Trung để thăm bà con bị lũ lụt. Không dám gọi là cứu
trợ, vì có "cứu" được gì đâu, lại cũng không "trợ" được gì nhiều,
có chăng là chúng tôi xin được làm một nhịp cầu chia xẻ ( đúng nghĩa
"chia" và "xẻ", chứ không phải là "chia sẻ" như
lâu nay vẫn quen viết sai ) giữa người ở Sàigòn, ở các nơi, ở rất xa, với anh
chị em ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, hai tỉnh chịu thiên tai và nhân họa nặng nhất.
Chúng tôi có
post lên Facebook nhiều tấm hình ghi lại cảnh phân phối gạo và mì tôm tại hai
Giáo Xứ Cồn Sẻ, huyện Quảng Trạch, và Giáo Xứ Minh Cầm, huyện Tuyên Hóa, cả hai
nơi đều thuộc tỉnh Quảng Bình. Có người biết số điện thoại của chúng tôi, đã
gọi và trách tôi "vô duyên, vô cảm, người ta đang khổ mà cha cứ cười toe
toét". Chúng tôi chỉ biết nói một lời xin lỗi, rằng khi ấy và cả những lúc
khác, khi ở ngoài ấy, chúng tôi chỉ có thể cười chứ không thể… khóc, hay ít là
ra vẻ nhăn nhó khổ sở, là bởi vì khung cảnh và bầu khí của bà con rất vui, vui
như ngày hội. Người ta nói cười xôn xao, nghịch ngợm, tếu táo, chọc ghẹo lẫn
nhau. Có ông phụ trách khu xóm đọc tên người lên nhận quà, gọi to mấy lần không
thấy ai đáp, bực quá la toáng lên, rồi ngay lập tức… bắn ra một câu tiếu lâm,
thế là mọi người xô vào nhau mà cười !
Chúng tôi trong Nhóm Fiat từ Sàigòn ra đây có 7, 8 bạn trẻ, chia nhau
tan vào đám đông, người quay video, người chụp hình, người phụ một tay vác các
bao gạo 10Kg, khuân các thùng mì tôm, lưng ướt đẫm mồ hôi, vậy mà xong việc ai
cũng bảo là "vui quá". Chúng tôi có thắc mắc thì một ông trong nhà xứ
nhe răng cười tươi rói, nửa đùa nửa thực: "Chúng con quen khổ rồi cha ui,
không cười, không tếu, không sống nổi trên đất ni mô !"
Khi theo cha Lê Thanh Hồng sang thăm Giáo Xứ Minh Cầm, chúng tôi được
người ta "khoe" là hôm lũ "nác ngập đến ni", miệng cười
tươi, tay hồn nhiên chỉ những ngấn nước còn để lại vết trên tường nhà, trên
khung cửa. Họ bảo họ quen với mùa nước lũ nhiều năm rồi, mưa to và kéo dài thì
thế nào sông Gianh cũng dâng cao, họ chuẩn bị cả rồi, "nác" lên tới
đâu, họ kê bàn ghế lên cao tới đó. Cao nữa thì gác các cây đà gỗ và các tấm ván
lên sát nóc nhà mà tỵ nạn, gà vịt trâu bò thì trước đó đã chạy đi gửi trên
những nơi nền đất cao hơn. Họ kiên nhẫn tụm lại cả gia đình mà ngồi chờ
"nác" lên rồi "nác" sẽ rút. Đến khuya thì "nác"
rút đúng như tiên liệu, ai cũng thở phào !
Không ngờ chỉ
15 phút sau, nước lại ầm ầm cuốn tới, mạnh hơn, dữ dội hơn, tàn bạo hơn, dìm
các ngôi làng trong biển nước lũ mênh mông và đọc ngầu ! Hôm sau người ta mới
vỡ lẽ nguyên do là đập thủy điện Hố Hồ ( không phải là Hố Hô như báo chí và
tivi đã đọc sai tên ) đã cho xả nước theo… "đúng quy trình" với cường
độ hằng ngàn mét khối nước mỗi giây. Đúng là thiên tai không bằng nhân họa. Các
cha phụ trách các Giáo Xứ vùng Hà Tĩnh và Quảng Bình có dân chịu chung thảm họa
Hố Hồ, ai cũng bảo phen này ổn định đời sống bà con tạm tạm xong, thế nào cũng
đâm đơn kiện đám cán bộ vô lương tâm, vô trách nhiệm của mấy cái nhà máy thủy
điện lợt ít mà hại quá nhiều…
Chiều tối thứ
năm 27.10, chúng tôi về lại Cồn Sẻ dâng Thánh Lễ với cha sở Hoàng Anh Ngợi, bài
Tin Mừng theo Luca bật lên một lời than của Chúa Giêsu, nhẹ nhàng mà thấm thía
đến xốn xang lòng người nghe: "Đã bao lần ta muốn tập họp gà con dưới
cánh, mà các ngươi không chịu".
Chúng tôi kể
lại câu chuyện đã thấy tận mắt gần 30 năm trước khi còn tham gia Tổng Đội 1
TNXP ở xã Tà Nung, ngoại thành Đà Lạt. Đó là cảnh một con diều hâu liệng vòng
tròn tít trên cao nhiều vòng, cho đến khi nhắm chính xác được con mồi là một bé
gà con ham chơi xa đàn, nó lao thẳng xuống, chắc mẩm sẽ bắt gọn được con mồi.
Không ngờ, sau khi cho cả đàn gà con ẩn náu an toàn trong một bụi cây, gà mẹ
lao nhanh tới, đập cánh bay lên tung hai cước đá trúng vào diều hâu, làm cho ác
điểu rơi uỵch xuống thảo nguyên như một cục đá, lệt xệt đôi cánh rộng mà loạng
quạng bỏ chạy để cố tránh thêm những cú mổ tới tấp của gà mẹ. Mãi một lúc diều
hâu mới gượng lấy thế mà bay lên thoát nạn, khi ấy gà mẹ mới buông tha, chạy
trở về dắt bé gà con đang hãi hùng kêu "khiếp khiếp" quay lại với các
anh chị của nó.
Chúng tôi mời
gọi cộng đoàn nhận ra chính hôm nay, giữa cảnh đời nhiều gian khổ, người miền
Trung như đàn gà con vẫn luôn được Thiên Chúa như gà mẹ thương yêu giữ gìn bảo
vệ qua bao hiểm nguy hoạn nạn. Nhà Thờ, Nhà Xứ nào ở vùng bão lũ quanh năm này
cũng luôn sẵn sàng mở toang để đón nhận mọi người chạy về ẩn náu, không hề phân
biệt lương hay giáo, tất cả đều đang cần được một nơi an toàn chạy lũ đụt bão,
một tô mì tôm nóng hổi sau cơn hoảng loạn, một tấm chăn ấm qua đêm lạnh ướt, và
một tấm lòng đùm bọc nở nụ cười tươi ngay trên khuôn mặt hằn sâu nghịch cảnh.
Cuối bài chia
sẻ Tin Mừng, tôi mời ca đoàn xướng lên và cả cộng đoàn hàng ngàn người hát theo
tiểu khúc của bài "Tán tụng hồng ân": "Đời đời Ngài đã thương con, đời đời Ngài vẫn thương con, thương
con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh, Chúa í a thương yêu ấp ủ con đêm ngày !"
Sáng ngày thứ
sáu 28.10, chúng tôi rời Quảng Bình ngay từ lúc còn chạng vạng tinh mơ để tránh
những "đôi mắt cú vọ" không thiện cảm, có thể gây khó dễ cho đoàn.
Trên xe bon bon đường AH1 về tạ ơn Mẹ La Vang, chúng tôi ngủ thiếp đi, mắt khép
hờ mà lòng vẫn đau đáu một tâm tình. Hóa ra chúng tôi chia xẻ đi chẳng có bao
nhiêu mà lại được đón nhận về quá nhiều.
Để kết cho có
vẻ văn chương bóng bảy một chút, chúng tôi xin mượn tên một bài hát nổi tiếng
"Don't cry for me, Argentina" viết về bà Eva Peron, cũng như tên một
bộ phim của Dòng Don Bosco kể về cha John Lee Tae Suk người Hàn Quốc, để ngỏ
một lời thay cho bà con vùng lũ: "Don't cry for me, Quảng Bình !"
Lm. QUANG UY, DCCT, thứ năm 3.11.2016
No comments:
Post a Comment