Thánh Phaolô Tông đồ, trong thư
gửi giáo đoàn Philiphê đã kêu lên “Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại
một lần nữa: anh em hãy vui lên” (Philiphê 4, 4).
Chúng ta hãy vui lên vì Chúa gần
đến.
Chúng ta hãy vui lên vì Chúa đến
đem sự bình an, hòa bình chân chính cho nhân loại.
HÒA BÌNH không phải chỉ là tình
trạng không có chiến tranh.
Hòa bình chân chính dựa trên sự
nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa, phụng sự Ngài, yêu mến Ngài, đồng thời đối
xử với tha nhân trong tình bác ái và thương yêu. Sự an bình đó mới đem lại
nguồn vui chân thật mà nhà tiên tri Sophonia mô tả trong bài đọc thứ nhất.
Muốn được sự hòa bình chân chính
đó phải làm sao?
Qua bài Phúc âm, Gioan tiền hô mô
tả cho chúng ta.
Trước tiên, Người trả lời cho ba
nhóm người đến đặt câu hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì?”
Cho nhóm người thiện chí đang
mong ngày Chúa đến, Gioan dạy họ, cũng như dạy chúng ta biết chia sẻ cơm áo với
những người túng thiếu. Đó là điều tối thiểu. Nếu ngày nay, tiếng nhà Tiền hô
còn vang vọng giữa núi đồi, Ngài sẽ kêu gọi cải thiện hoàn cảnh tương xứng, bảo
vệ sức khỏe v.v… Đối với những người thu thuế, đại diện cho
lớp quan chức hay tham nhũng bốc lột người ta, nhà tiên tri gọi sự liêm khiết.
Và với những người có phận sự giữ trật tự công cộng, họ phải
công minh, biết tôn trọng kẻ khác. Mỗi người trong địa vị, chức vụ, công việc
của mình, Gioan đòi hỏi phải chu tất.
Nhưng Gioan, vị tiền hô ấy là ai?
Ông không được sai đến chỉ để ban vài bài luân lý thường thức. Tiếng ông vang
dội trên núi đồi, lôi kéo đoàn người tầng lớp lớp. Người ta coi ông là Đấng
Messia trông đợi. Nhưng Ông chỉ là một “tiếng kêu”, một người làm phép rửa dọn
đường.
Gioan là nhà tiên tri đầu tiên
nói đến một “Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần và lửa”. Ông cũng làm phép rửa,
theo tục lệ Do-thái để khuấy động sự thống hối, ăn năn nhưng đây chỉ là một
nghi thức tiên báo phép Rửa của Đấng Messia đã đến, đó là Phép Rửa trong Chúa
Thánh Thần và lửa, là Phép Rửa tội. Thánh Gioan Tông đồ sẽ nói rõ: “Rửa trong
nước và Thánh Thần” (Gio 3, 5). Phép Rửa tội bao gồm hai mầu nhiệm: Phục sinh
và Hiện xuống, nhờ đó chúng ta được rửa sạch tội lỗi, liên kết với Chúa Kitô
Phục sinh, nhưng đồng thời cũng được sức mạnh Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân
của Chúa Giêsu sống lại. Sau này, với thời gian Giáo hội mới tách rời thành hai
là Phép Rửa tội và Thêm sức, nhưng với phép Thánh Thể được gọi chung là Bí tích
gia nhập Kitô.
Chúng ta đã được rửa tội “trong
nước và Thánh Thần” (Ga 3, 5).
Chúng ta đã được “rửa tội trong
Thánh Thần và Lửa” (Lc 3, 16).
Nhưng chúng ta có sống ơn Rửa tội
không? Chúng ta có làm cho xã hội thấm nhuần tinh thần Kitô-giáo không?
Trong thông điệp Centesimus Annus
(1991) khi phân tích sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu và sự tái thiết một xã hội
mới, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II lên án điều mà Ngài gọi là “Xã hội ăn xài”
muốn giảm hạ con người vào lãnh vực kinh tế và làm thỏa mản các nhu cầu vật
chất mà thôi, nghĩa là thay thế thần tượng đã sụp đổ bằng một thần tượng khác
không mấy tốt đẹp hơn.
Hãy chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa.
“Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã
làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hãy nhảy mừng ca
ngợi vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả” (Is 12).
Ngài đã đến và sắp đến.
Cố Lm
Hồng Phúc DCCT
No comments:
Post a Comment