EPHATA,
HIỆP THÔNG VỚI CHÚA VÀ THA NHÂN
Qua trang blog www.cyrilaxelrod.wordpress.com
và video của mình, một Linh Mục DCCT 73 tuổi, bị mù và điếc đã biến
khuyết tật của mình thành “món quà” của Chúa. Linh Mục Cyril Axelrod
bị điếc khi lên ba và hoàn toàn bị mù khi ở tuổi trưởng thành. Sứ vụ của
cha, các chuyến du hành, các dấn thân của cha để ở gần người khiếm thính bao
gồm cả năm châu lục. Ngài biết 15 thứ tiếng, nhiều ngôn ngữ bằng dấu hiệu và bây giờ ngài dùng Internet để
rao giảng Phúc Âm và cũng để chống sự loại trừ những người bị điếc và bị mù ra khỏi
xã hội. Ngài tin chắc những người có khuyết tật là “thiên thần của Chúa”, họ có nhiệm vụ
dạy cho những người gọi là “bình thường” quyền lực của một “tình yêu
không điều kiện” và hướng dẫn cho họ những giá trị nền tảng như lòng “tự
tin, hy vọng, đức tin và bình an nội tâm” để vượt lên những khó khăn của cuộc
đời.
“Chỉ những người hiểu được sự mong manh, giới hạn của mình mới có thể
xây dựng được mối tương giao trong tình huynh đệ, tình tương trợ, trong Giáo
Hội, trong xã hội và làm chứng điều này”, Đức Phanxicô đã nhận định như
thế trong lần gặp gỡ rất xúc động với 6.000 người mù và câm điếc vào tháng 3
năm 2015 vừa qua. Trong số họ, ở hàng đầu là Linh Mục Cyril, cha quá hạnh phúc
được gặp vị Giáo Hoàng thứ ba trong đời mình, Đức Phaolô VI năm 1971 và Đức
Bênêđictô XVI năm 2009. “Quan trọng là những người này phải là chứng nhân
cho một thái độ mới, mà chúng ta gọi là “văn hóa của gặp gỡ”, Đức Phanxicô
nhấn mạnh trong ngày hôm ấy, để chống lại với nền “văn hóa loại
bỏ”, một nền văn hóa làm băng hoại xã hội hiện tại.
Linh Mục
Cyril Axelrod còn nhớ những giọt nước mắt cảm động của Đức Chân Phước Phaolô
VI. Lúc đó cha vừa chịu chức xong và trước khi bị bệnh – hội chứng Usher, bị
nốt chấm trong cườm mắt liên quan đến bệnh điếc – đã làm cho cha bị mù luôn. Cha
đã dịch câu ban phép lành của Đức Giáo Hoàng ra ngôn ngữ dấu hiệu: “Đi và
rao giảng tình yêu của Chúa cho người điếc”. Cha thổ lộ trong cuốn sách tự
sự đời mình, rằng những giọt nước mắt của Đức Giáo Hoàng đối với cha, là “dấu
hiệu điều kỳ lạ của Chúa dành cho tôi, cho sứ mạng cứu chuộc của tôi”
Năm nay Linh Mục Cyril được 73 tuổi và sống
tại thủ đô London
nước Anh. Cha sinh năm 1942, cha mẹ là người Do Thái-Chính Thống, cha trở lại Công
Giáo năm 23 tuổi, và năm 28 tuổi cha vào DCCT, thực hiện giấc mơ được làm Linh
Mục. Công việc của cha là giúp người điếc, mở cánh cửa giáo dục và hiểu biết
cho họ. ( Trích "Linh Mục Cyril Axelrod, người rao giảng Phúc Âm điếc
và mù trên Web", bản dịch của Giuse Nguyễn Tùng Lâm ).
Tin Mừng theo
Thánh Máccô hôm nay, Đức Giêsu thể hiện rất rõ ràng “Văn Hóa của Gặp
Gỡ”, khi Người chữa lành người câm điếc giữa dân ngoại. Ngày nay, Linh Mục
Cyril Axerod đang trung thành tuân theo lời dạy của Đức Giêsu, hội ngộ thường
nhật với tha nhân qua phương tiện điện máy tân kỳ, mặc dù vừa bị điếc và mù
lòa. “Văn hóa của Gặp Gỡ” đòi hỏi
những quy tắc vàng do chính Đức Giêsu ân cần hướng dẫn: vị tha, tiếp cận và
hiệp thông.
Vị tha
“Người đem anh ta ra khỏi đám đông". Gặp gỡ đối thoại luôn cần tách ra khỏi đám
đông bầy đàn, hỗn độn, nhiễu nhương, ồn ào, xô bồ và phức tạp, để có thể lắng
nghe trung thực và nói ra điều công chính hữu ích. Gặp gỡ giúp đỡ với tình
thương mến, thì càng cần tìm đến chốn riêng tư, khiêm tốn, kín đáo và thân mật.
Không những quan tâm giúp đỡ anh câm điếc này, Đức Giêsu còn tỏ ra tôn trọng
anh, không muốn anh bị đám đông chế giễu xúc phạm, không muốn tạo cơ hội nổi
danh, cũng chẳng muốn thiên hạ ngộ nhận Người là thầy thuốc, thầy lang, hay phù
thủy. Tất cả chỉ vì vị tha, yêu thương cứu giúp người tật nguyền, vì Người muốn
tái tạo con người trở nên tốt lành, sửa chữa những hư hỏng, bệnh hoạn, lệch
lạc, khiếm khuyết do tội lỗi, thói hư tật xấu, hoặc do áp lực thói đời dung tục
gây nên.
Thoát khỏi
đám đông, Đức Giêsu muốn gặp gỡ riêng từng người, từng con chiên hoàn cảnh khó
khăn, đau khổ, cô đơn, lạc lõng, bị áp bức hay bị bỏ rơi, tẩy chay. Người chính
là Mục Tử nhân lành, dám bỏ lại chín mươi chín con chiên trong đàn, để đi tìm
một con chiên lạc. Hoàn toàn xả kỷ, quên mình, chẳng nề quản mệt nhọc, vất vả,
chông gai, nguy hiểm, thách đố, Người tìm cho bằng được con chiên lạc, hớn hở
vác lên vai đem về.
Bất cứ
cuộc gặp gỡ nào không noi gương Đức Giêsu hành động, ứng xử kiểu mẫu, xả kỷ, vị
tha thì chỉ dẫn đến thất bại, ngộ nhận và tan vỡ mà thôi. Vì nếu ai cũng khư
khư giữ thái độ vị kỷ, vị lợi, kiêu căng, tham lam, thì luôn xảy ra mâu thuẫn,
bất đồng, bất khoan dung, không thể nào gần gũi, hòa hợp và hiệp thông.
“Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh nhọc mệt, tránh hy sinh; họ muốn
tạo hạnh phúc, tạo một thiên đàng dành riêng cho họ giữa trần gian, nhưng họ sẽ
mất thiên đàng vĩnh viễn” ( Đường Hy Vọng, số 196 ).
Tiếp cận
“Người đặt
ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta.” Với quyền năng vô
biên, Đức Giêsu chỉ cần phán một lời, thì anh câm điếc được lành bệnh ngay.
Nhưng Người không chọn việc làm dễ dàng, đơn giản ấy, mà chịu khó ân cần, gần
gũi, tỉ mỉ và tiếp cận, chữa lành cho anh ta. Gặp gỡ, tiếp xúc cụ thể mới có
thể hoán cải, biến hóa, tái tạo, tái sinh. Những lời rao giảng dù hoa mỹ, hùng
hồn, cao quý, sâu sắc cách mấy, mà thiếu những hành động cụ thể, tiếp cận con
chiên đang trầm luân khốn khó, thì vẫn chỉ là mớ lý thuyết suông thiếu sức
thuyết phục. “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu
thương nơi đầu môi chóp lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc
làm cụ thể.” ( 1Ga 3, 18 ). Thánh Gioan đã chân thành khuyên nhủ các tín
hữu Kitô tiên khởi về lời nói phải luôn đi đôi với hành động.
“Trước kia
anh em là những người ở xa, nhưng nay trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô đổ
ra, anh em đã trở nên những người ở gần” ( Ep 2, 13 ). Đức Giêsu đã
và đang tiếp cận từng người, từng ngày giờ qua Tin Mừng và Thánh Thể, qua tông
truyền và giáo huấn Hội Thánh, qua những Bí tích mầu nhiệm và những lễ nghi,
kinh nguyện hằng ngày. Vấn đề là người Kitô hữu có muốn được Người tiếp cận, để
được cám hóa, canh tân, tái sinh, tái tạo cả thân xác lẫn tinh thần, hay cứ cố
chấp bịt tai, câm lặng, đồng lõa với thế gian bất chính, bất công, tội lỗi và
thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân ?
Hiệp thông
“Ngước mặt
lên trời, Người thở dài và bảo: "Ephata !" Đức Giêsu luôn luôn
cầu nguyện trước khi hành động. Người luôn thực hiện theo Thánh Ý Thiên Chúa
Cha, chứ không bao giờ theo ý riêng Người. Cầu nguyện là quy hướng mọi sự về
Thiên Chúa, tin tưởng, trông cậy, yêu mến, hoàn toàn phó thác và hy vọng vào
Thiên Chúa Quan Phòng. Trong niềm tri ân, cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa Cha,
Đức Giêsu làm phép lạ cởi trói cho người câm điếc thoát khỏi ngục tù thân xác
bệnh tật, để có thể hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân, để có thể nghe Lời
Chúa và rao giảng Tin Mừng cho tha nhân.
Nhờ Đức
Giêsu nhập thể, cứu chuộc con người khỏi câm điếc với Thiên Chúa và với nhau.
Khỏi dửng dưng với Lời Chúa, khỏi vô cảm với tha nhân, khỏi xiềng xích, tường
lũy giam cầm của tội lỗi, ma quỷ, thế gian và xác thịt. “Các tín hữu
chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng
tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng.” ( Cv 2, 42 )
Lạy Chúa
Giêsu, xin cứu chúng con khỏi câm điếc tinh thần, để chúng con nghe được Lời
Chúa mời gọi hằng ngày, nghe được Thánh ý Chúa, nghe được tiếng nói lương tâm.
Cũng như nghe thấy những nhu cầu của những người khó khăn, đau khổ, mất tiếng
nói trong xã hội, mà yêu thương, dấn thân hy sinh giúp đỡ. Xin mở miệng chúng
con biết tri ân cảm tạ, ngợi khen Chúa, cũng như an ủi, hướng dẫn, hỗ trợ người
yếu đuối, cơ quả, nói lên những gì hữu ích cho tha nhân mọi nơi, mọi lúc.
Lạy Mẹ
Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết lắng nghe cách trung thực và biết nói lời
chân thành, xây dựng, để có thể hiểu biết, yêu thương và chia sẻ mọi sự với
người khác trong cuộc sống lưu đầy này. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
No comments:
Post a Comment