"HÃY
NGỒI XUỐNG ĐÂY…"
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa kết thúc hội nghị thường
niên kỳ II năm 2015 tại Xuân Lộc ( 14 – 17.9.2015 ). Trong Thư Mục Vụ gởi cho
cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục đề cập đến việc học hỏi Giáo
huấn của Giáo Hội Công Giáo về Xã Hội ngay sau khi nói về việc mở “Năm Tân Phúc
Âm hóa đời sống xã hội” ( năm 2016 ). Câu mở đầu ngay khoản 4 Thư Mục Vụ nêu lý
do: “Để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công Giáo
có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội. Thư Mục Vụ
khẳng định: “Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo
Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thâm nhập vào các lãnh vực của đời sống xã hội
?”
Đời sống xã hội của con người bao trùm và hiện diện trong mọi lãnh vực,
có thể nói lãnh vực nào có sự sống của con người thì người Công Giáo với tư
cách là con người đều hiện diện một cách cụ thể trong lãnh vực đó. Giáo Hội là
Thầy và là Mẹ trao cho chúng ta tấm bảng chỉ đường để chúng ta biết phải chọn
lựa con đường nào để đi. Như thế, ánh sáng Lời Chúa chiếu soi vào mọi ngóc
ngách, sẽ không có vùng cấm, vùng trắng, vùng nhạy cảm, … để người Kitô hữu e
dè tránh né.
Cuốn Tóm
Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo do Ủy Ban Bác Ái Xã Hội trực
thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
phát hành năm 2007 trình bày cho chúng ta tóm lươc toàn bộ học thuyết này. Phần
II, chương năm: Gia đình, tế bào sống động của xã hội. Chương sáu: Lao động của
con người. Chương bảy: Đời sống kinh tế. Chương tám: Cộng đồng chính trị.
Chương chín: Cộng đồng quốc tế. Chương mười: Bảo vệ môi trường. Chương mười
một: Cổ vũ hòa bình.
Đạo Công Giáo đã không chỉ là tu thân tích đức để được rỗi linh hồn
nhưng được mời gọi và hướng dẫn dấn thân trong mọi lãnh vực cuộc sống. Chính
Hội Thánh mời gọi và hướng dẫn chúng ta như vậy. Nếu chúng ta không đón nhận sự
hướng dẫn này, chúng ta sẽ loay hoay và nghẽn lối, đó là điều chắc chắn. Tìm
đọc lại Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010 có nói đến việc học hỏi học
thuyết này.
“Để thực hiện lời mời gọi này, các tín hữu
cần thấu triệt Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội.[100] Giáo huấn này sẽ
soi sáng cho các tín hữu biết cách yêu mến quê hương, yêu thương mọi người
không trừ một ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công
bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo qua nẻo đường hiền lành và
khiêm nhường, bao dung và tha thứ.[101] Định hướng này sẽ mở đường cho những
chương trình mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt cho thiếu nhi, giới
trẻ và di dân.[102] Như Đức Kitô, Giáo Hội không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi
và bất công, nhưng đồng thời yêu thương hết thảy mọi người, với lòng nhân hậu
xót thương của Thiên Chúa. Các tín hữu của Chúa Giêsu phải lấy việc lành mà
vượt thắng lối sống bạo lực, ích kỷ, hưởng thụ và phóng túng ( x. Rm 12,
9-21; 1 Pr 3, 15-16; 4, 3-4 ).” ( khoản 33 ).
Cấp thiết
và quan trọng như vậy, sao chúng ta phần đông vẫn còn xa lạ với học thuyết này
? Sao trên bảng thông tin mỗi Giáo Xứ vẫn vắng bóng lớp học này ? Sao chỉ tổ
chức lác đác chỗ này chỗ kia vài ba ngày giới thiệu về học thuyết này ? Và sao
chính cuốn sách Tóm Lược này lại vắng bóng trên các kệ sách của các nhà sách
Công Giáo ?
Thư Mục Vụ
năm nay nói đến một cách mạnh mẽ, thư mục vụ năm nào cũng nói đến một cách cần
thiết, Thư chung Đại Hội Dân Chúa 2010 khẳng định tầm quan trọng, nhưng mấy
người Kitô hữu được tiếp cận với học thuyết này, chẳng trách chúng ta mù mờ
trong việc dấn thân xã hội.
Có một
nhóm anh chị em nhiệt thành đã ngồi lại 5 năm nay để cùng nhau học hỏi học
thuyết này, nhân việc Thư Mục Vụ nhắc đến học thuyết, các bạn muốn mời mọi
người cùng tham gia lớp học sẵn có vào mỗi chiều Chúa Nhật. Ước mong những giờ
ngồi lại bên nhau học hỏi như là những giờ các môn đệ được Chúa gọi lại và dạy
bảo nhiều điều. Các bạn “hãy đến mà xem” lúc 15 giờ, và "hãy ngồi xuống
đây", lầu hai sảnh Giêrađô phía trên Nhà Sách 38 Kỳ Đồng. Rất mong đươc
gặp gỡ và chia sẻ với nhau.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
25.9.2015
( Tựa bài mượn tên một bài hát của Lê Uyên và Phương )
( Tựa bài mượn tên một bài hát của Lê Uyên và Phương )
No comments:
Post a Comment