Wednesday 3 October 2012

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐỨC GIÊSU DẠY DỖ CÁC ĐỒ ĐỆ




Bài Tin Mừng hôm nay ( Mc 9, 38 – 43.45.47 – 48 ) có thể chia thành ba phần.
1. Về người trừ quỷ không thuộc nhóm các đồ đệ ( cc. 38 – 40 )

Một hôm, “Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta" ( c. 38 ). Ông Gioan phát biểu trong tư cách đồ đệ ( “Thưa Thầy” ) và như là thay mặt cho cả nhóm ( “chúng con thấy...” ). Ông nói về một sự kiện bộc lộ cách nghĩ của ông và của cả nhóm đồ đệ. 

Các ông đã thấy một người kia không thuộc Nhóm Mười Hai nhưng lại lấy danh Đức Giêsu mà trừ quỷ. Trong thực tế, như chúng ta có thể thấy trong 1, 34.39; 3, 22; 5, 2 – 20; 7, 24 – 30, “trừ quỷ” tức là giải thoát người ta khỏi thế lực xấu vốn có thể làm cho người đó ra tê liệt, trả lại cho người đó sự tự do và tự lập. Vậy điều mà các môn đệ thấy, là có người lấy danh Đức Giêsu mà giải thoát người khác khỏi những thế lực ma quỷ đang cầm hãm và áp chế anh ta.
Nhưng Nhóm Mười Hai đã tìm cách ngăn cản người đó hành động, và lý do, như ông Gioan nói, là vì “người đó không theo chúng ta”. 

Cần chú ý một chi tiết nhỏ, nhưng quan trọng: Gioan đã không nói rằng “vì người ấy không theo Th ầy”, mà là “không theo chúng ta”. Với đại từ nhân xưng “chúng ta” này, ông Gioan muốn gộp vào đó cả Đức Giêsu cùng với Nhóm Mười Hai, làm thành một nhóm khép kín. Tham vọng của ông Gioan khi làm như vậy là loại trừ cái khả năng có người theo Đức Giêsu mà không theo nhóm các ông, cho dù Đức Giêsu luôn luôn mời gọi một cách rõ ràng người ta đi theo chính bản thân Người ( x. 1, 18; 2, 14.15; 8, 34 ). Đức Giêsu luôn mời gọi mỗi đồ đệ gắn bó với chính Người, một cách trực tiếp, không qua trung gian, tuy luôn luôn có chiều kích cộng đoàn trong việc đi theo Người. Nhưng ông Gioan và cả nhóm có vẻ không chấp nhận nguyên tắc đó. Họ đã nghĩ rằng chỉ khi gắn bó với nhóm của họ, thì người ta mới có thể thực hiện được ơn giải thoát và cứu độ do Đức Giêsu ban tặng. 

Trong trường hợp cụ thể này, họ không chấp nhận cho những người ở ngoài nhóm họ được trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu. Chính họ đã không trừ được quỷ ( x. 9, 28 ) thì không ai có thể làm được điều đó. Đây thực sự là một lập trường tùy tiện và độc đoán, vì không cần xét đến giá trị và hiệu quả của hành động của người kia, cũng không cần xét đến tình cảnh của người đang bị quỷ ám, càng không cần xét đến mối tương quan thực chất và sâu xa của người kia với Đức Giêsu. Chỉ có một tiêu chí đã được tính đến: có theo nhóm của các ông hay là không ! Chỉ có một mối bận tâm được tính đến: kiểm soát hành động của những người khác và độc quyền chiếm hữu Đức Giêsu ! 

“Đức Giêsu bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” ( c. 39 ). Đức Giêsu không đồng ý với lập trường và hành động vừa được đề cập của nhóm đồ đệ. Người bảo họ đứng ngăn cản người kia trừ quỷ.

Trong lý do mà Đức Giêsu viện dẫn, có một chi tiết quan trọng: Đức Giêsu đã tế nhị dùng một lối nói khác với lối nói của ông Gioan ở c.38. Linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch: “lấy danh Thầy” (c. 38 ) và “nhân danh Ta” ( c. 39 ). Nhóm CGKPV dịch “lấy danh Thầy” ( c. 38 ) và “lấy danh nghĩa Thầy” (c. 39 ). Bản Hy Lạp viết: “en tô onomati sou” ( c. 38 ) và “epi tô onomati mou” ( c. 39 ). Cách nói thứ nhất (trong lời ông Gioan ) diễn tả một hành động được thực hiện nhờ vào việc kêu cầu danh Đức Giêsu. Cách nói thứ hai ( trong lời Đức Giêsu ) diễn tả một hành động được thực hiện “trong vị thế / trong chỗ / nhân danh Đức Giêsu”, như thể đại diện cho chính Đức Giêsu mà hành động vậy; và do đó, cách diễn tả này tiền giả định một mối liên hệ đặc biệt với Đức Giêsu. 

Người thực hiện những hành động quyền năng như những hành động quyền năng của Đức Giêsu và “nhân danh” ( epi tô onomati ) Đức Giêsu, thì phải là người có một lòng tin và một sự gắn bó đích thực với Người, bởi lẽ lòng tin và sự gắn bó đó chính là điều kiện để có thể hành động như vậy ( 9, 23: “Mọi sự đều có thể đối với người tin” ). Hiệu quả ( tức là những hành động quyền năng đã thực hiện được ) lại trở thành bằng chứng cho lòng tin và sự gắn bó ấy.

Một người đã có lòng tin và sự gắn bó như vậy đối với Đức Giêsu chắc chắn sẽ không thể dễ dàng chuyển sang vị thế chống đối và căm ghét Người ( kiểu diễn tả “nói xấu ai” có nghĩa là căm ghét người đó).
Sau khi nói về mối tương quan của những người làm phép lạ với chính bản thân Người ( “lấy danh nghĩa Thầy: epi tô onomati mou” ), Đức Giêsu nói về mối tương quan của những người đó với cả nhóm: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” ( c. 40 ). Không đặt mình bên trên Nhóm Mười Hai, và chứng tỏ mình đối nghịch với lập trường tìm vị thế lớn nhất của các đồ đệ ( x. 9, 34 ), Đức Giêsu dùng đại từ nhân xưng “chúng ta” để chỉ chính bản thân Người cùng với nhóm các đồ đệ.
Nhóm Mười hai đã muốn kiểm soát hành động của những người không thuộc nhóm của họ. Đức Giêsu, trái lại, chấp nhận cho người khác liên minh với mình để thực hiện sự giải thoát con người khỏi thế lực sự dữ và ma quỷ. 

2. Phần thưởng cho người phục vụ và sự trừng phạt cho kẻ làm cớ vấp phạm ( cc. 41-42 )

Rồi Người nói tiếp: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” ( c. 41 ). Thực ra, Đức Giêsu đang lấy lại chủ đề về sự đón tiếp mà Người đang nói ( ở cuối bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước ) nhưng đã bị ngắt quãng do ý kiến của ông Gioan ( ở phần đầu bài Tin Mừng hôm nay ).

“Cho một chén nước” là một cách diễn tả cụ thể sự đón tiếp và tình liên đới. Tư cách của các môn đệ ở đây được xác định là những người “thuộc về Đấng Kitô”, và đó chính là lý do họ được đón tiếp và liên đới. Dân chúng đón tiếp và giúp đỡ nhóm các môn đệ là vì mối liên hệ của họ với Đức Giêsu, Đấng Kitô hiện hữu trong tư thế là người rốt hết và là người phục vụ mọi người. Và sự giúp đỡ đó sẽ không bị Thiên Chúa và Đức Giêsu để rơi vào quên lãng.

Nhưng bên trong nhóm các đồ đệ của Đức Giêsu sẽ không phải là không có vấn đề. Trái lại, vẫn còn có thể có cớ vấp phạm. Vì thế, Đức Giêsu nói tiếp: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” ( c. 42 ). Tất nhiên lời dạy này của Đức Giêsu có giá trị phổ quát, bao hàm mọi thứ cớ vấp phạm. Nhưng có lẽ cũng là đúng đắn nếu chúng ta thử tìm xem trường hợp cụ thể đang được đề cập ở đây là gì.

“Nên cớ vấp phạm” hay “làm cho sa ngã” ở đây là làm cho người ta mất lòng tin hay không còn gắn bó với Đức Giêsu nữa. Kẻ bị sa ngã được nói đến ở đây là “một trong những kẻ bé mọn”, và khung cảnh đang là nhóm các đồ đệ vừa cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ( 9, 34 ). Vì thế, cớ vấp phạm cụ thể và trực tiếp được nói đến ở đây có lẽ là sự tranh giành vị thế giữa các môn đệ. Người tin theo Đức Giêsu nghĩ rằng có thể tìm thấy trong nhóm các đồ đệ của Người sự bình đẳng và tình huynh đệ được diễn tả bằng những sự phục vụ lẫn nhau trong đức ái Tin Mừng, nhưng rồi người ấy lại chỉ thấy những sự tranh giành quyền lực, những toan tính thống trị và kiểm soát nhau... và đi đến chỗ thất vọng mà nghĩ rằng sứ điệp Tin Mừng chỉ là chuyện lý thuyết. Lòng tin vào Đức Giêsu và sự gắn bó với Người dần phai nhạt, rồi sau đó là kết cục bi đát của sự “sa ngã”. Như thế, cớ vấp phạm kia đã tước mất sự sống mà Đức Giêsu thông ban cho con người. Công trình của Đức Giêsu bị phá hoại. Đức Giêsu thất bại.

Kết cục dành cho những kẻ gây cớ vấp phạm thật đáng sợ: “Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Thật ra, Đức Giêsu không có ý đưa ra một lời đe dọa và một hình thức kỷ luật cụ thể, mà chỉ muốn nhấn mạnh tính cách trầm trọng của cớ vấp phạm. Bị ném xuống biển tức là phải chịu một cái chết không được an táng, một viễn tượng kinh khủng đối với người Do Thái. 

3. Phải trung thành, dù với bất cứ giá nào ( cc. 43.45.47.48 )
Đức Giêsu nói tiếp: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” ( cc. 43.45.47.48 ).

Những hình ảnh được sử dụng ở đây rất ấn tượng, nhằm mục tiêu nhấn mạnh sự trung thành bằng mọi giá đối với sứ điệp Tin Mừng. Có những mối nguy hiểm khiến người đồ đệ có thể trở thành cớ vấp phạm cho “những người bé mọn” trong cộng đoàn. Các mối nguy hiểm đó được trình bày một cách ẩn dụ qua ba bộ phận của cơ thể: tay, chân và mắt. Và những đòi hỏi mà Đức Giêsu trình bày thì thật sự rất gay gắt: cần phải loại bỏ nơi bất cứ ai tất cả những gì đối nghịch với sứ điệp Tin Mừng và gây vấp phạm cho những người muốn trung thành với Người.

Tay là ẩn dụ chỉ hành động. Tay trở thành cớ vấp phạm tức là khi người ta có những thái độ và cách hành xử đối nghịch với thái độ và cách hành xử của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã dùng tay của Người để chữa lành và nâng con người đứng dậy ( x. 1, 30; 1, 41; 5, 41; 7, 33; 8, 23; 9, 27... ). Khi thái độ và hành động của anh thay vì chữa lành và nâng dậy thì lại hạ người ta xuống và áp chế họ, thì khi ấy, anh “làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin phải sa ngã”. Khi ấy, anh cần phải từ bỏ ngay những thái độ và cách hành xử kia. Đó là chịu chặt tay đi và chấp nhận “thà cụt một tay mà được vào cõi sống” vậy.
Chân là bộ phận của cơ thể có liên quan đến việc bước đi. Đó là hình ảnh của việc đi theo hay không đi theo Đức Giêsu. Vấn đề là cái chân ấy có thể trở thành cớ làm cho những kẻ bé mọn phải sa ngã khi nó thực hiện những bước đi không đưa tới sự hiến mình phục vụ, mà là những bước chân của vinh quang thế gian, của tham vọng cá nhân đắc thắng và thống trị người khác, của những mưu mẹo thỏa hiệp với thế gian và từ chối mâu nhiệm thập giá. “Chặt cái chân đó đi” tức là từ khước những bước đi sai lạc và nguy hiểm đó.

Mắt diễn tả khát vọng và hướng chiều của con người, những khát vọng và hướng chiều cho thấy bậc thang giá trị mà người ta đeo đuổi là những giá trị thật hay những giá trị giả dối, là tư tưởng của Thiên Chúa hay tư tưởng của con người. Chính mắt hướng dẫn tay hành động và chân bước đi, và do đó, nó rất quan trọng. Khi những hướng chiều và khát vọng của anh làm cớ vấp phạm, khi bậc thang giá trị của anh là sai lầm và là tư tưởng của con người chứ không phải của Thiên Chúa ( x. 8, 33 ), thì nhất thiết phải “móc nó đi”, vì “thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.

Tóm lại, Đức Giêsu đòi hỏi những ai theo Người phải thực hiện những chọn lựa đôi khi là hết sức đau đớn, để bảo đảm lòng trung thành với Người và Tin Mừng của Người. Bởi lẽ điều đó liên quan đến sự thành công hay thất bại của sự sống đích thực và của ơn cứu độ muôn đời. 

Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: