Wednesday 7 September 2005

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC - Kỳ 9

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 9

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC

16. NHỮNG NỖ LỰC TRUYỀN THÔNG

Tôi tự tha cho mình nhiệm vụ phải lập cho được nhóm Tông Đồ Truyền Thông, nhưng tôi vẫn tìm cách sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để hoạt động đem Niềm Vui Vĩ Đại đến những chỗ nào còn đến được.

Tôi luôn khuyến khích anh Đa Minh Đinh Thiện Bản, ca trưởng ca đoàn Tinh Thần, người vẫn tiếp tục làm nhiều việc cho Thánh Nhạc, cách riêng trong việc thu thanh, phát hành các cuốn băng Thánh Ca được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc và ngay cả nước ngoài. Linh Mục Nguyễn Văn Tự, tức nhạc sĩ Vương Diệu, cha xứ Nam Hà thuộc Giáo Phận Xuân Lộc, nhạc sĩ Thiên Ân, Vũ Huyến... luôn được tôi ca tụng và khuyến khích trong nỗ lực sáng tác và thu băng Thánh Ca.

Tôi hết lòng khích lệ các ca đoàn tôi được biết: Cécilia, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Giu-se... Mọi chuyện đã tiến triển vũ bão. Nhớ lại trước kia khi tôi thường phải vác một chiếc máy quay phim Paillard Bolex nặng trịch để ghi lại hình ảnh một buổi lễ trên các phim âm bản bằng nhựa kéo theo bao công đoạn nặng nề: rửa phim, ráp nối, vào tiếng, in ra dương bản... công việc do Video ngày nay thực hiện được thật là kỳ diệu.

17. PHIM VIDEO VỀ DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM

Máy quay Video mang nhãn Panasonic PV400 đã có mặt tại Sài-gòn vào thời gian 1990 và nhờ gia đình anh Thọ, cựu Đệ Tử DCCT chúng tôi đã lãnh nhận công tác thực hiện bộ phim về DCCT Việt Nam nhờ sáng kiến và nâng đỡ của cha Giu-se Cao Đình Trị, lúc ấy làm Phó Giám Tỉnh. Năm 1990, trên một chiếc xe Land Rover cũ kỹ của Nhà Dòng, toán thực hiện khoảng 8 người, với tài xế Trương Minh Tâm rất thành thạo vui tính đã lên đường “xuyên Việt”, đi đến các trụ sở DCCT trên cùng khắp Việt Nam để thu hình, lấy tài liệu khả dĩ làm được cuốn phim Gia Đình An Phong trên Đất Việt bằng tiếng Việt Nam và cuốn: Les Rédemptoristes au Viet Nam bằng Pháp Ngữ.

Mặc dầu được thuận lợi nhờ cuộc đua xe đạp toàn quốc Nam Bắc mà anh Trương Minh Tâm là một thành viên ban tổ chức, đi đứng có phần dễ dàng, nhưng cái khó vẫn có đó. Không phải chỗ nào cũng đến được và lúc nào cũng có thể giơ máy lên lấy hình. Nhà ông Đốc Sắc ở Phủ Cam do bộ đội chiếm đóng không thể nào lấy hình được, Châu Ổâ cho người phất tay ra hiệu đừng ghé, Tây Nguyên phải bỏ máy vào gùi, phải mau lẹ, nhiều chỗ đòi phải có giấy phép, và hồi hôïp nhất là chuyến trở về từ Hà Nội sau khi cha Chân Tín “ba ngày sám hối”. Cha Lê Viết Phục không dám cho ngủ lại ở Tùng Lâm. Chỉ vào Phú Dòng có vài phút, lúc đi ra, vừa tới quốc lộ, Công An chặn lại: ”DCCT đi liên lạc phải không ?” Trên xe có mấy thùng sách Kinh Thánh trọn bộ Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn cho làm quà với lỉnh kỉnh máy móc đủ loại. Về đến Sài-gòn vào đêm khuya. Mấy ngày không dám về Nhà Dòng vì cha Chân Tín mới “đi đày” ở Cần Giờ.

Với rất nhiều hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, cuốn phim được dựng và vào tiếng. Ráp phim qua hai đầu máy không tránh được nhiễu hình. Vào tiếng nhờ một người khác có trang bị và kinh nghiệm hơn nhưng lại trong môi trường không được yên tĩnh. Nhạc đệm lấy từ những băng ghi của ban nhạc có sẵn. Một bản ráp vội dài đến 6 tiếng để cha Tổng Cố Vấn Hechanova có thể xem qua với lời bình sống. Phim đầy đủ với tiếng Việt được hoàn thành và chiếu cho Nhà Dòng xem. Nhiều người nhờ đó mà biết được nơi ăn chốn ở và việc mục vụ của anh em trong Dòng trên khắp Việt Nam.

Nhiều người vẫn chưa biết được những gian nan mà đoàn làm phim đã phải trải qua và họ có lý khi cho rằng hình ảnh có đoạn thiếu nét và rung. Nếu anh em hiểu rằng đã có những đoạn mà chuyên viên không lấy hình trên vai được mà phải ấn máy rồi xách nó ngang đầu gối để hy vọng quơ qua quơ lại “chụp” được những cảnh mong muốn. Rất ít trường hợp chúng tôi có thể để máy trên chân để lấy hình ảnh “ung dung” theo ý muốn và đòi hỏi kỹ thuật. Phải luôn luôn gọn nhẹ “đánh mau, rút lẹ”, lắm khi chỉ ngồi trong xe chõ ống kính ra và lấy từ xa vì sợ bị phát giác và... bị tịch thu máy móc.

Nhờ sự tận tâm và phương tịên của gia đình anh Thọ, sự tháo vát của anh Trương Minh Tâm mà cuộc hành trình và công tác thu hình đã được kết quả tương đối khả quan, khả dĩ đủ điều kiện để đưa lên phim tất cả các cơ sở và khuôn mặt của hầu hết các nơi và khuôn mặt của anh em đang hoạt động ở khắp mọi miền đất nước.

Những anh em sống cô đơn một mình một chiếu như cha Giu-se Vũ Ngọc Bích tại Hà Nội, cha Giu-se Trần Hữu Thanh tại Trần Nội, Hải Dương, các cha xứ miền Vĩnh Long, Cù Mi, Tân Châu... các cộng đoàn nhỏ bé trong các toà nhà lớn lao như Huế với 2 cha già Mi-ca-en Nguyễn Đình Lành, Phê-rô Nguyễn Hoàng Diệp thay nhau làm Bề Trên “in aeternum” hay ở Nha Trang chui rúc trong căn nhà nhỏ bé sau khi bị mất cơ sở vốn đầy đủ tiện nghi được biến thành khách sạn Hải Yến. Chúng tôi, có cha Hilario Nguyễn Gia Tước, thầy Lê Chiếu Khắp ( nay đã là Linh Mục ) đã rất vui mừng, và anh em sống rải rác đó đây cũng vui mừng được gặp nhau, nói và nghe kể về những công việc mục vụ do hoàn cảnh đưa đẩy.

Cảm tưởng đầu tiên và chung chung của chúng tôi là hầu hết không ai trong các anh em mình sống sung túc đầy đủ. Hầu hết còm nhom và khắc khổ, quần áo đơn sơ, thiếu thốn mọi mặt, khó khăn chồng chất lúc nào cũng phải thận trọng, đề phòng, cảnh giác. Lắm khi chúng tôi không tìm được chỗ tạm trú qua đêm vì đủ mọi lý do mà căn bản vẫn là ngại ngùng, rắc rối và gây nhiều phiền lụy cho anh em. Các cha vùng Tây Nguyên sau đó đã cho biết rằng sau khi chúng tôi rút lẹ thì các ngài đã bị... hỏi han !

Khó mà hình dung được những khó khăn mà đoàn làm phim đã gặp từ mọi phía từ vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, xăng nhớt. Thời gian đó, không có cây xăng nào trên đường. Lắm khi chúng tôi đã phải bóp bụng mua một can xăng 10 lít mà phải trả tiền 15 lít, vì theo người bán ở vùng từ Đồng Hới ra: “can 10 lít nở ra là 15”. Chúng tôi nhắm chừng thu gom qua những nơi có thể mua xăng mà chúng tôi gọi là “cây xăng gạch”, vì người ta chỉ để một cục gạch để làm dấu điểm. Trên đường tìm chỗ đổ xăng, chúng tôi nhớ đến thầy Tôma Như. Thầy đã cẩn thận đổ đầy xăng và còn cho thêm một can 20 lít dự trữ. Có vào thời điểm đó mới hiểu đươc chứ đâu có như trước kia nữa và hiện nay, cây xăng ở miền Nam sát sạt trên đường.

Chúng tôi được Bề Trên cho 3 triệu đồng chi phí. Chúng tôi đã mua đồ hộp và lương khô. Vì trên đường, nhất là từ Huế ra, mỏi mắt cũng không tìm được một cái quán ăn. Đường xá thì hư hỏng và chiếc xe 4 cầu lắm khi đã phải tận dụng tất cả sức mạnh để vượt qua lầy lội, đá tảng và đủ thứ ổ gà, ổ trâu, ổ voi, ...chiếc xe “già” nghỉ hưu đã cả mấy thập niên không làm cho chúng tôi sợ hãi, mặc dầu chỉ đến Nha Trang trong ngày đầu tiên mà một bánh nổ, đến Đà Nẵng là bánh thứ hai nổ, ăn mòn số tiền dự trữ của đoàn. May thay, nhờ quen biết, anh Trương Minh Tâm đã ghé nhà quen cho chúng tôi ở nhờ... miễn phí...

Có đạo hay không, người ta đón tiếp chúng tôi rất chân tình lại còn được có nơi cho ăn trong thời buổi gỗ quế gạo châu của thập niên 90 chưa “đổi mới”. Anh Trương Minh Tâm là người đã tạo nhiều điều kiện tốt cho thành công nhờ sự quen biết, tháo vát, lanh lợi, thông minh và tài nghệ của anh. Anh luôn gắn bó với Nhà Dòng. Anh nêu gương sáng cho tôi vì tinh thần biết ơn và tấm lòng tế nhị của anh: thích nghêu ngao những bài của đệ tử ngày xa xưa, nhắc nhở đến các cha Canada, nhất là cha Eugène Larouche, Camille Dubé và tỏ ra thích thú được nhớ lại những chú đệ tử xưa đã từng là CP, CN, CH... tôi cũng nhận thấy tinh thần truyền thống hiếu thảo của người Việt Nam.

Khi đi qua Nha Trang, anh xin tôi cho anh ghé thăm mộ ông thân. Chúng tôi thấy đi theo anh là một việc hợp tình hợp lý. Vừa đến nơi, anh quỳ gối hôn ngôi mộ một hồi lâu và cầu nguyện. Tôi đã từng biết ông Trương Văn Huế vì những gì ông đã làm tại Huế và cũng đã có những lần nói chuyện với các cha lớp tôi năm thứ bảy ở Đà Lạt và cả những anh em dự khoá Nhà Tập II tại Đà Lạt.

Luôn tiện nói đến vấn đề này gợi cho tôi hình ảnh rất đơn sơ và cảm động vị Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II quỳ trước ngôi mộ của cha mẹ mỗi lần trở về công du mục vụ Ba Lan. Chiếc áo trắng ấy đã quỳ ngay trên đất. Nét đẹp của những tâm hồn hiếu thảo, xứng đáng được sự chúc lành của Chúa. Đang thời gian còn bệnh chưa đi đứng được, tôi nháng thấy đăng trong báo Công Giáo và Dân Tộc tin về cái chết của anh Trương Minh Tâm với lời cám ơn những người đã đến chia buồn, cầu nguyện. Tôi tiếc là đã không đến viếng anh lần cuối và chia buồn với chị Tâm và gia đình, ít là để cám ơn anh vì đã hợp tác với Nhà Dòng, tận tình mà không nhận thù lao bồi dưỡng gì.

Bao công lao, liều lĩnh, bao bữa ăn qua loa bên vệ đường, bao hồi hộp và công sức của chúng tôi không đem lại cho chúng tôi lợi lộc, vật chất và tiền bạc gì, nhưng chúng tôi đã nhận được niềm vui vì đã được dịp để gợi lại những khuôn mặt thân yêu và tô đậm nét những người anh em của tôi trong Dòng vẫn bám trụ để tiếp tục “làm chứng nhân Tin Mừng” giữa thời đại theo tự nhiên chẳng mấy phấn khởi này. Tôi muốn góp tiếng nói biết ơn yêu mến đối với các Thừa Sai Canada là những người đã hy sinh tất cả để đến đất nước nghèo nàn lạc hậu Việt Nam, đem tiền của của quê hương và thân thuộc họ, công sức của các thành phần ưu tú nhất trong Tỉnh Dòng Canada, đến cả mạng sống để thành lập DCCT tại Việt Nam. Điều càng thúc đẩy chúng tôi là vì nhận thấy thế hệ trẻ không biết đến cái quá khứ ấy hay ít là không biết gì lắm về những vị tiên phong lập Dòng tại Việt Nam vì nhiều lý do trong ngoài.

Tôi cũng nghe phong phanh rằng giữa Tỉnh Mẹ Sainte Anne và tỉnh Con Việt Nam, bầu không khí lấn cấn sao đó. Tôi chỉ là “tép riu” trong Dòng, làm được cái gì ! Chúng tôi đã nhận được phần thưởng khi cha FX. Trần Tử Nhãn về thăm quê hương. Ngài nói với tôi và cũng nói với nhiều người rằng: bầu không khí tốt hẳn lên sau khi cuốn phim: “LES RÉDEMPTORISTES AU VIET NAM” qua đường Roma đã được đem đến Canada. Tôi vẫn không biết Tỉnh Dòng Việt Nam có gửi thẳng cuốn phim cho Canada hay không nhưng chỉ biết là ở Nhà chính Roma đã nhân bản và gửi sang Tỉnh Sainte Anne.

Tôi lại được niềm vui nữa khi phái đoàn Tỉnh Mẹ sang Việt Nam và được nghe chính cha Laurent Proulx, quản lý Tỉnh tìm biết người đã thuyết minh phim và đã có lời tỏ lòng quý mến cảm phục. Tại Việt Nam, chúng tôi không được nhận những lời khích lệ như thế. Mặc dầu đề phim rõ như mặt trời: “Gia Đình An Phong trên Đất Việt” và được công bố giờ chiếu mời tham dự, cha Giám Tập đã nghiêm chỉnh hỏi tôi: “Anh có biết nội dung gì không ? Tôi cần biết để cho Nhà Tập tham dự hay không !”

Nhận thấy sức hấp dẫn của phương tiện Video mà cách đây ít năm, khi thảo Pháp Quy Đời Sống chưa có, tôi cố gắng đeo đuổi, với sự hợp tác của một số người.

Trong thời gian đầu phải kể đến anh Thọ và các con. Anh là cựu Đệ Tử. Với chiếc máy Panasonic PV400, anh và người con đã theo chúng tôi. Chúng tôi chưa ai biết sử dụng Video, nên kính nhi viễn chi, nể lắm ! Tất cả các cuốn băng cassette Video quay trong dịp này đều bằng máy PV400. Sau này, ông Vĩnh Hậu thường cho tôi mượn máy PV530 mới hơn, có kỹ xảo hấp dẫn hơn, nhưng không ai chịu đưa mặt ra. Chính tôi vác chiếc máy ấy vào Nhà Thờ quay một số tài liệu sống, tình cờ “chơi” luôn Linh Mục Chân Tín giảng 3 bài về sám hối. Việc này xảy tới trước khi hành trình và là lý do để chúng tôi gặp đôi khó khăn khi trở về như đã nói ở trên. Nhưng phần lớn các cuốn phim đều quay bằng PV400.

Ông Vĩnh Hậu có hứa sẽ cho chúng tôi một máy PV530, nhưng chưa kịp thi hành thì ông đã lâm bạo bệnh và qua đời. Chúng tôi chỉ còn máy PV400 để thực hiện toàn bộ phim về Nhà Dòng cũng như nhiều chương trình khác tiếp theo.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )

No comments: