Wednesday 7 September 2005

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC - Kỳ 5

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 5

HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC

13. NHỮNG NGƯỜI PHONG CÙI

Suốt hơn 20 năm qua, tôi dành nhiều thời giờ để thăm viếng các anh chị em bệnh nhân phong cùi. Tôi cảm thấy gần gũi họ kể từ những ngày còn ở Học Viện, khi các Bề Trên hằng năm cho chúng tôi được đến làng phong Di Linh. Thời gian đó, chúng tôi đến với những bệnh nhân với hai bàn tay trắng, vì không ai nghĩ rằng họ cần đến những món quà để đỡ đói. Chúng tôi đến để cùng dâng lễ với họ, thăm hỏi và gần gũi.

Chúng tôi chứng kiến được sự hiện diện của vị Thừa Sai mà chúng tôi coi như một “thần tượng”: Jean Cassaigne. Chúng tôi được chứng kiến vị Giám Mục về hưu, với bệnh phong cùi trên thân xác, kiệt sức trên chiếc giường sắt đơn sơ. Chúng tôi cảm phục các Nữ Tu Dòng Vinh Sơn Phao-lô lúc nào cũng tươi cười, mau mắn và nhân hậu bên cạnh những người phong cùi lúc ấy còn chịu cảnh lở lói hôi tanh. Hình ảnh của một Nữ Tu người Pháp có tên Gilberte vừa trẻ vừa đẹp lúc nào cũng hết lòng và tháo vát giúp đỡ các người bệnh ( Ảnh trại phong Di Linh và Nữ Tu Mai Thị Mậu ).

Ngày nay sự hiện diện của các Nữ Tu Thánh Vinh Sơn vẫn còn và chị Joséphine Mai Thị Mậu lúc nào cũng hết lòng với người bệnh, kéo sự chú ý của nhiều người và của chính quyền đã hai lần tặng huy chương cho chị và chị thường được nêu danh và hình ảnh trên các báo. Các chị cũng chỉ biết làm chứng tá cho Tình Thương bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Vào những năm sau 1982, việc thăm viếng các trại phong không được dễ dàng, hàng hóa cũng khan hiếm do chế độ bao cấp, phương tiện hạn hẹp. Trong số những người tham gia các cuộc thăm viếng, chỉ một mình anh Nguyễn Cao Khải có xe gắn máy. Cá nhân tôi, cô Thy Phương thường phải dùng xe đạp. Chúng tôi chở mấy chục lít xì dầu, vài chục hũ chao đến và đong cho mỗi người mấy muỗng những thứ ấy. Nhà Nước chưa có chế độ lo cho những người phong cùi. Do đó chúng tôi chỉ thăm được mấy trại quanh Sài-gòn.

Lễ Noel năm đó, cùng với cha Lê-ô Lê Trung Nghĩa, chúng tôi đến dâng lễ tại trại phong Thanh Bình, vùng Thủ Thiêm. Tôi đến trước để giải tội. Cha Nghĩa dùng xe gắn máy chở Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đến sau. Thánh Lễ đồng tế diễn ra tốt đẹp. Gần xong lễ, CA đột nhập. Tôi kịp thoát ra khỏi trại. Đức Tổng và cha Nghĩa bị đưa về đồn CA. Tôi thông báo sự việc với Đức Cha Phụ Tá Phạm Văn Nẫm và ngài đã can thiệp kịp thời để Đức Tổng Giám Mục được thả về kịp lúc dâng Lễ Giáng Sinh đêm 24 tháng 12 tại Nhà Thờ Chánh Tòa cho cả vạn tín hữu đến dự. Sau này ngài cho tôi biết là “Họ muốn bắt cha đấy !“ Lúc đó tôi vẫn bị “cấm vận mục vụ”, và bầu không khí vẫn còn vô cùng khắt khe.

Từ những trại quanh Sài-gòn, các cuộc thăm viếng lan rộng dần đến Phước Tân, Bình Minh ( trên đường đi Vũng Tầu ), rồi Bến Sắn ( Bình Dương ), Sóc Trăng, lên đến các trại và làng phong Tây Nguyên: Eana ( Buôn Ma thuột ), Đakkia, An Mỹ, Dakring, Daktô, Xóm Nhỏ, Núi Sạn ( Nha Trang ), đến Hòa Vân ( Đà Nẵng ) và ra đến các trại phong Miền Bắc: Quỳnh Lập ( Vinh ), Cẩm Bình ( Thanh Hóa ), rồi Vân Môn ( Thái Bình ), Quả Cảm ( Bắc Ninh ), Phú Bình, Sóc Sơn, Ba Sao, Xuân Mai, Chí Linh ( Hải Dương ), đến tận Yên Bái. Nhà Dòng Hà Nội làm trụ sở, chúng tôi đi khắp nơi nhờ sự hợp tác của cha Trịnh Ngọc Hiên, thầy Giu-se Tuệ. Cha già Trần Hữu Thanh thường cũng đi với chúng tôi, kể cả lúc ngài đã phải dùng xe lăn để di chuyển.

Không có cơ quan hay tổ chức nào nâng đỡ bảo trợ cho các cuộc hành trình. Tất cả dựa vào sự đóng góp của những người thiện chí, của những thân hữu đã từng hoạt động với chúng tôi mà nay đang ở tại Hoa Kỳ. Đáng kể phải nói đến những anh em Dòng Chúa Cứu Thế như các cha Đinh Ngọc Quế, Ngô Đình Thỏa, Phan Phát Huồn, thầy Edmond Hà, bạn bè ở Pháp như các ông bà Lucien Sompayrac, Jacques Kayser... Những đồng bạc quý báu được gom góp trong nhiều tháng, và khi đã tạm đủ để đáp ứng mọi công việc, chúng tôi lên đường, lúc bằng đường sắt và thường bằng đường bộ, vì nhờ thế chúng tôi mới có thể ghé lại những nơi cần thăm viếng.

Không có các bạn hữu như thế thì chắc chắn là chúng tôi không thể có khả năng thực hiện được những cuộc hành trình dài ngày và rất tốn kém này. Tôi luôn biết ơn Chúa đã thương ban cho tôi nhờ họ mà đến được với những người đau khổ và hằng sống trong biết ơn và hiệp nhất với những cộng tác viên và bạn hữu trong tinh thần Hành Hương và Cầu Nguyện.

Tôi cảm thấy hạnh phúc vì lúc nào tôi cũng được gần gũi những người đau khổ, những người mà theo Chúa nói thì không thể “mời lại tôi ăn tiệc” để trả lại những bữa tiệc tôi có thể đã mời họ. Niềm vui đã cho Chúa những bát nước lã mà Chúa đã bảo rằng nhờ đó mà tôi sẽ được tình thương nhân hậu bao la của Chúa. Tôi còn nhiều khát vọng muốn làm, nhưng sức khỏe đã không cho phép, nhưng tôi cứ khởi sự những gì mà Chúa soi sáng bảo tôi làm. Tôi không làm hết được, bởi Giáo Hội còn tồn tại đến tận thế, bởi “các con luôn có người nghèo giữa các con”, bởi tôi chỉ là một “tôi tớ” trong số các tôi tớ của Gia-vê Thiên Chúa, và khi tôi không còn nữa thì Chúa nhân lành vẫn “tiếp tục ban cho đoàn chiên Chúa những mục tử như lòng Chúa muốn”.

Những thế hệ trẻ tiếp nối. Tuy không được tiếp xúc và quen thân nhiều, nhưng tôi phấn khởi ra đi khi nào Chúa muốn, vui mừng về báo cáo những gì tôi đã làm được, dầu chỉ là một nén vàng lời khi tôi nhận được nhiều nén với sứ mệnh sinh lời cho Chủ, bởi Ông Chủ mà tôi phục vụ là một người Cha nhân hậu và vô cùng yêu thương tôi, bởi Ngài không biết tính toán rằng tôi phải sinh lợi đúng mức mà chỉ nhìn đến thiện chí của tôi và vẫn cho tôi một đồng như cho người lao công suốt ngày, bởi Ngài chỉ là Nhân Hậu.

Vì tin tưởng như thế, mặc dầu với vô vàn tội lỗi và thất tín, tôi muốn mãi mãi làm vinh danh Chúa tôi, khi Người đã đến để cho tôi, cho mọi người được NIỀM VUI VĨ ĐẠI như khẩu hiệu của đời sống cũng như của việc thi hành sứ mạng của tôi giữa đồng loại.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )

No comments: