Wednesday 4 September 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : TỪ BỎ, NÓI HAY LÀM. ĐIỀU NÀO TỐT HƠN?



Khi đọc xong bài Tin Mừng hôm nay, tôi cảm thấy lo sợ; vì những huấn lịnh và các yêu cầu của Chúa dành cho các môn đệ quả thật quá khó khăn. Xét bản thân, tôi nhận ra mình chưa làm được gì, đó là chưa kể đến những lần lạm dụng và vi phạm huấn lịnh của Chúa truyền. Đấm ngực nói lên lòng ăn năn một lần chưa đủ, ngàn lần cũng chưa xong. Vậy làm thế nào?

Có thật Chúa yêu cầu tôi phải dứt bỏ (hay ghét) thành viên trong gia đình và cả bản thân mình rồi mới theo Chúa hay không? Thế nào, lại chẳng có người khuyên tôi là đừng giải thích và hiểu bản văn theo nghĩa đen. Đức Giê-su không khắt khe và yêu cầu con người thực hiện điều mà mình không bao giờ làm được đâu! Hơn thế nữa, nếu thân bằng quyến thuộc mà mình không thương thì ai tin vào tình thương của mình là chân thật nữa?

Nhìn vào hoàn cảnh thực tế và cách cư xử của chúng ta dành cho các đấng các bậc mà chúng ta xếp họ vào lớp người ‘dâng mình cho Chúa’. Sự kính trọng của chúng ta không chỉ dành cho họ mà gia đình họ cũng được thơm lây. Ngay trong cách danh xưng đã thấy khác. Các ngài là cha thì bố mẹ phải là ông bà cố. Vẫn biết rằng sự tôn trọng của giáo dân dành cho những người dâng mình cho Chúa là một việc làm đáng khích lệ. 

Nhưng việc kính trọng thái quá cũng gây ra phản ứng phụ khiến quí vị thay vì dâng mình cho Chúa, lại bắt giáo dân dâng mình cho họ; rồi từ đó họ cảm thấy mình là ‘ông trời con’ của Ba Ngôi Thiên Chúa mà nhiều người hay gọi các vị đó là ngôi thứ tư Đức Chúa Trời, muốn nói gì hay làm gì cũng được. Thực tế, Ba Ngôi Thiên Chúa ở quá xa, mắt phàm không nhìn thấy, còn ngôi thứ tư lại quá gần khiến bọn dân đen chúng mình còn biết chạy đi đâu!

Như vậy thì ý nghĩa của huấn lịnh mà Đức Giê-su yêu cầu trong bài Tin Mừng hôm nay phải giải thích và áp dụng như thế nào?

Khi Đức Giê-su nói: ai đến với Người mà không ghét (dứt bỏ) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không đáng làm môn đệ của Người; đây là một kiểu nói so sánh tạo cho người nghe một cú ‘sốc’ và phải chú tâm tìm hiểu. Có nhiều người giải thích là bất kỳ ai yêu thương cha mẹ, con cái và anh chị em hơn Chúa thì không xứng đáng theo chân Chúa. 

Chúa không ghen với chúng ta. Chúa buộc con người phải chọn lựa ưu tiên. Chúng ta ý thức rằng trước khi thuộc về nhau, con người phải thuộc về Chúa trước. Vì thế, việc chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống để thuộc về Chúa sẽ giúp chúng ta gần những người thân trong gia đình hơn.

Với ý tưởng như thế, chúng ta mới khám phá ra có mối dây liên hệ giữa việc sắp đặt thứ tự ưu tiên mà các môn đệ cần chọn lựa giữa hành động dứt bỏ họ hàng với từ bỏ mình. 

Từ bỏ mình không phải vì mình đã làm sai điều gì; cũng không phải vì ghét bản thân mình nên từ bỏ nó. Nhưng, Đức Giê-su yêu cầu chúng ta từ bỏ mình có nghĩa là từ bỏ cách suy nghĩ cho mình là trung tâm, từ bỏ cái tôi, từ bỏ ý nghĩ hoang tưởng tự nhận mình là người khôn ngoan, nắm giữ mọi câu trả lời. 

Việc từ bỏ theo tinh thần của Đức Chúa nhằm giúp chúng ta tập trung vào việc yêu Chúa với cả tấm lòng và yêu tha nhân như Chúa yêu; rồi từ đó chúng ta sẽ có lối suy nghĩ như Chúa vậy. Từ bỏ mình để chấp nhận và sống theo ý Chúa thì dễ cho chúng ta gần và nối kết với những người thân hơn.

Dường như đó là những gì Đức Giê-su muốn khuyên. Từ bỏ không để trở thành một gương mẫu hay một ‘role model’; nhưng từ bỏ để được tự do và sẵn sàng đón nhận Thập giá mà chung chia với Thập giá của Đức Giê-su, Đấng đã vác để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta nhiều hơn chúng ta dành cho Người. 

Từ bỏ bản thân! Còn gì khó thực hiện hơn điều này?
Chúng ta sinh ra và lớn lên trong một môi trường cổ võ cho tính ích kỷ, một cách nào đó suy tôn ‘cái tôi’, mong muốn được mọi người để ý và chăm sóc cho các nhu cầu của chúng ta. Tại sao tôi phải từ bỏ mà không phải ai đó? Tại sao lại là tôi?

Đừng càm ràm và phàn nàn nữa. Bởi vì, chính trong giây phút đó, chúng ta được mời gọi tiến sâu hơn vào trong cõi lòng của Đức Giê-su. Chúng ta được gọi để chết cho các nhu cầu và khát vọng của bản thân để tìm một lối sống đổi mới trong Chúa. Nói cách khác, chúng ta hiện diện trong thế giới này không vì bản thân mình, nhưng vì người khác. 

Giả như, có một ngày nào đó, chúng ta nhận ra mình đã đạt được mọi điều như lòng mong ước, nhưng trên tiến trình chúng ta lại đánh mất chính mình! Đến lúc đó mình sẽ như thế nào?

Sứ điệp hãy từ bỏ của Đức Giêsu là một nghịch lý. Thay vì từ bỏ điều này, hy sinh điều kia thì chúng ta hãy cho đi nhiều hơn. Hãy để cho lòng của chúng ta quan tâm đến các nhu cầu của người khác nhiều hơn là nhu cầu của chính chúng ta. Đó là sứ điệp của Chúa, sẵn sàng chết cho ý riêng thì chúng ta sẽ tìm được cuộc sống đích thực. 

Hơn thế, theo chân Chúa đòi hỏi một hành động dấn thân tích cực, một tính toán cẩn thận để rồi khi bắt đầu thì không được phép tháo lui. Đó chính là điều mà Đức Giê-su đã ám chỉ trong câu chuyện nói về việc cần chuẩn bị khi xây cất và việc tính toán để đạt được chiến thắng trong trận chiến. 

Những hình ảnh này ám chỉ đến ý nghĩa mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải suy nghĩ chín chắn trước khi có quyết định dấn thân theo Chúa. Đây không thể là một quyết định dựa trên cảm tính, để rồi khi thấy khó khăn lại tháo lui. Khi quyết định theo Chúa, người môn đệ phải kiên quyết tiếp tục công trình cho đến hoàn thành. 

Và sau cùng, Thánh Luca đã tóm lược sứ điệp hôm nay bằng một lời giáo huấn then chốt, đó là phải từ bỏ hết những gì mình có, kể cả mạng sống mình. Nếu không kiên quyết thực hiện điều quan trọng này thì không xứng đáng làm môn đệ của Chúa. 

Như vậy, điều Chúa muốn là tấm lòng quả cảm, dứt khoát và liều lĩnh khi theo chân Người. Tuy nhiên, đối diện với thực tế của bản thân, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giữ được ngọn lửa bùng cháy như thế, nhưng chúng ta vẫn là những kẻ lữ hành, đang đồng hành với Đức Giêsu để tiến về Giêrusalem, đỉnh cao của sứ vụ và cũng là vinh quang mà Thiên Chúa sẽ dành cho Người và những ai in cậy nơi Người. Vì vậy, trong Chúa, với Chúa thì mọi sự đều có thể.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
04/9/2019

No comments: