Wednesday 11 September 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : MẤT, TÌM THẤY VÀ VUI MỪNG VÌ CHÚA THƯƠNG TA.

Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm ba dụ ngôn: dụ ngôn con chiên bị lạc, dụ ngôn đồng bạc bị mất và dụ ngôn người cha nhân hậu. Chủ đề chính của các dụ ngôn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót là căn tính đích thực của Thiên Chúa, Đấng luôn thương yêu con người. Lòng thương xót của Thiên Chúa không lệ thuộc vào thái độ của con người. Người yêu và bộc lộ lòng thương xót vì Người là Thiên Chúa. 

Vẫn biết là Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài không thể tách rời. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận ra rằng mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả qua kinh nghiệm sống và tiến trình của dân Israel trong thời Cựu Ước, được hoàn tất bởi sứ điệp và sứ mạng của Đức Giêsu và vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của từng tín hữu và cộng đoàn mà họ thuộc về. 

Lịch sử của dân tộc Israel cũng bình thường như lịch sử của con người qua muôn thế hệ, đó là một tiến trình đi từ thái độ bất tuân đến hối cải rồi vâng phục, đi từ mất mát đến tìm được, đổ vỡ rồi hàn gắn; vòng tròn đó cứ được lập đi lập lại theo dòng lịch sử của dân Ít-ra-en và của chúng ta hôm nay. Sự tương phản giữa tấm lòng khoan dung, nhân hậu hay thương xót của Thiên Chúa với sự đố kỵ, hẹp hòi hay ghen tương của con người được mô tả thật sống động trong các dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe hôm nay.

Như vậy, thái độ và cách cư xử của những người đồng thời với Đức Giêsu về việc Người làm bạn và cùng ăn uống với những kẻ tội lỗi khiến cho chúng ta phải suy nghĩ; như họ, chúng ta cũng đã cư xử với nhau như thế. Vì thế, sứ điệp của các dụ ngôn không chỉ nói cho họ hôm xưa, mà là cho chúng ta, những kẻ vừa nghe Lời Chúa trong mọi thời đại. Chúng ta cần đổi lòng để nhận ra việc Thiên Chúa thương xót ta dường bao. Những gì mà Đức Giêsu đã nói cho họ thì Người cũng muốn tỏ bầy cho chúng ta. Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta đổi lòng để nhận ra tấm lòng đầy nhân ái và trọn vẹn tình thương xót của Người dành cho chúng ta. 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, chúng ta lại được nghe những lời của Đức Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa đang hiện diện nơi bản thân Người. Trước mặt Thiên Chúa của Đức Giê-su, ai trong chúng ta cũng đáng được coi trọng. Người không coi thường ai. Không ai có thể thay thế ai. Chín mươi chín con đang sống yên lành cũng không được coi trọng hơn một con chiên bị lạc. Chưa kể đến mức độ nguy hiểm có thể xẩy ra khi chiên được chăn theo bầy; biết đâu, một con chiên bị lạc lại không kéo các con khác cùng đi theo. 

Lòng thương xót mạnh mẽ và bao dung biết bao khi người chăn chiên dám điên khùng để lo tìm cho được con chiên đã lạc đàn về với bầy. Chỉ có Thiên Chúa của Đức Giê-su mới có con tim điên rồ và không tính toán vì lòng thương xót của Ngài vĩ đại hơn việc tính toán hơn thiệt giữa số một và số chín mươi chín, số nào lớn hơn! 

Tương tự như thế, Thiên Chúa của Đức Giêsu hành động giống như bà nhà quê trong dụ ngôn hôm nay. Bà bị mất chỉ một đồng xu; thế mà đã thắp đèn, quét nhà, lục lọi để tìm kiếm cho được đồng tiền mà bà ấy đã bị mất. Không lẽ đồng xu này lại có giá trị hơn các đồng xu khác chăng? Không hẳn như thế; nhưng chắc một điều là nếu bà không tìm thấy đồng tiền bị mất thì các đồng xu kia cũng chỉ là những đồng tiền rời rạc trong một sâu chuỗi bị đứt. Vì thế, bà ta phải tìm, không chỉ vì giá trị của đồng xu, cho bằng sự nối kết của các đồng xu và tâm tình vui mừng khi bà tìm thấy. 

Mặc dù Thánh sử không hề nói với chúng ta về hành động tìm kiếm của bà ấy, nhưng tôi tin rằng bà lục lọi kiếm tìm trong hy vọng là sẽ tìm thấy đồng tiền bị mất. Và, đáng cho chúng ta phải nể phục khi khám phá việc bà gọi bạn bè và hàng xóm đến để ăn mừng. Niềm vui khi tìm thấy có giá trị hơn đồng tiền bị mất.

Vì vậy, điểm mà Luca muốn chúng ta lấy từ bài Tin Mừng hôm nay không nhấn mạnh vào hành động tìm kiếm của bà ta, cho bằng sự kết hợp giữa tinh thần vui vẻ của bà và trái tim rộng mở mà bà muốn chia sẻ với người khác. Tương tự như vậy, Thánh sử cho chúng ta biết các thiên thần của Thiên Chúa cũng vô cùng hân hoan và vui mừng khi một người tội lỗi biết ăn năn trở về.

Và điều này cũng thật xác đáng khi chúng ta áp dụng vào hoàn cảnh của gia đình mà một thành viên bỏ nhà ra đi. Gia đình sẽ mất đi bầu khí gia đình mỗi khi nhớ đến hình ảnh và dáng vẻ của người đã ra đi. Lòng thương xót của Chúa là như thế. Lúc nào cũng ngóng trông và chờ đợi sự hiện diện bằng xương bằng thịt của người vắng mặt. Có tâm trạng như thế, chúng ta mới hiểu được nỗi vui mừng khi gặp lại người đã bị mất.

Chúa Giêsu xử dụng các câu chuyện này để giải thích cho những người Pharisiêu và cho mỗi người chúng ta hiểu rõ lý do tại sao mà Người lại mở lòng ra đón nhận những người tội lỗi và đồng bàn với họ. Tất cả đều có kinh nghiệm này, con chiên bị lạc, đồng xu bị mất và việc đi lạc của câu con thứ đều không quan trọng bằng hành động tìm kiếm và niềm vui khi được tìm thấy.

Khi suy niệm tới đây, tôi nhớ lại biến cố đã xẩy ra cho 12 thành viên và vị huấn luyện viên của đội bóng bị lạc, mất liên lạc vì trận lụt bất ngờ xẩy đến quá nhanh tại thạch động Tham Luang, thành phố Chiang Rai bên Thái Lan, vào tháng 6 và tháng 7 năm 2018 vừa qua. Sau bao nhiêu nỗ lực của các nhân viên thuộc các cơ quan thiện nguyện, những nhà hảo tâm và các chuyên viên, cộng thêm với sự may mắn, cuối cùng các cháu đã được cứu thoát. Không chỉ cha mẹ và gia đình các em mà hầu như toàn thể thế giới đều vui mừng và thở phào nhẹ nhõm sau khi chứng kiến trên màn hình cảnh cháu bé cuối cùng của đội bóng được cứu thoát vào ngày 10 tháng 7 năm 2018.

Sự kiện nói trên cùng với sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay giúp cho tôi sống trong hy vọng rằng cho dù bản thân và cuộc sống của tôi có ra sao, Chúa vẫn yêu thương và săn sóc tôi. Chúng ta không bị ruồng bỏ mãi mãi, cho dù đã phạm lỗi lầm. Trái lại hãy nhận ra ngay trong giây phút bị mất hướng, đi lạc hay bị đổ vỡ Chúa vẫn đang ôm ấp chúng ta trong tình yêu và lòng thương xót của Người.

Còn hơn thế nữa, thật là một điều vô cùng khích lệ khi nhận biết rằng Chúa vẫn yêu tôi khi tôi thường xuyên nghĩ và nói hành nói tỏi, thậm chí nói xấu người khác. Chúa vẫn yêu và thương xót tôi khi tôi, dù đã chọn đi theo Chúa, nhưng vẫn quên đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình. Chúa còn yêu và thương xót tôi khi tôi nhân danh Chúa và lạm dụng chức vụ để yêu cầu người khác phục vụ và hầu hạ mình, sao đó lại nhắm mắt làm ngơ trước các nhu cầu khẩn thiết cần giúp đỡ của người khác. Chúa vẫn hãnh diện về những việc tôi làm, trong khi đó tôi lại hợm mình, khoe khoang và kể lể những thành tích để đòi tưởng thưởng. 

Đó là những điều có thể liệt kê, còn nhiều điều giống như thế và có thể còn nhiều hơn thế nữa. Tuy nhiên, những điều này cũng không làm cho tôi mất đi niềm hy vọng để nhận ra rằng chính nhờ các khuyết điểm này sẽ giúp cho tôi biết mình là ai và đang ở đâu trong mối quan hệ với Đức Giêsu. Tôi tin rằng Người rất vui mừng đón tiếp tôi khi tôi ăn năn, lên đường và trở về với Người.

Các dụ ngôn hôm nay cho thấy rằng chúng ta không chỉ là những người lạc lối mà Đức Giê-su bỏ công sức ra tìm cho bằng được, mà chúng ta còn phải thể hiện và chia sẻ sự quan tâm, mối dây liên lạc và hành động tìm kiếm của chúng ta dành cho những người bị lạc, thậm chí những người chưa phải là thành viên tích cực của cộng đoàn chúng ta. Chúng ta được mời gọi sống sứ điệp của Tin Mừng, như là các sứ giả của lòng thương xót, bằng cách mở rộng mối quan tâm yêu thương và hỗ trợ cho những người chưa có kinh nghiệm về niềm vui gặp lại Chúa như chúng ta. 

Niềm vui thúc đẩy niềm vui. Thật vậy, chúng ta hãy chia sẻ niềm vui được Chúa tìm thấy cho nhau. Đây sẽ là một kinh nghiệm sống thật tuyệt vời mà không ai có thể giữ cho riêng mình mà cần phải san sẻ cho nhau. 

Sau cùng, giống như hai dụ ngôn đầu, nếu dụ ngôn người cha nhân hậu dừng lại ở cảnh ăn mừng ngày cậu con thứ đoàn tụ với gia đình thì vui biết mấy. Đức Giê-su tuy vui, nhưng Người vẫn còn nhớ rằng Người đang nói dụ ngôn này cho ai.

Hình ảnh của người con cả tượng trưng cho chín mươi chín người công chính. Họ là nhóm người đề cao lối sống hoàn hảo dựa vào lề luật như là con đường duy nhất để tiến bước trên con đường nên thánh. 

Từ đó, họ mải mê khoe khoang về bản thân họ là những người tốt, về việc đối xử đại lương và rộng tay ban phát của họ, và việc thường xuyên tham dự các nghi thức phụng tự và đóng góp công sức của họ vào nhà thờ như thế nào. Họ nghĩ và chủ quan cho rằng chỉ có họ mới là người hoàn hảo và vạch đường cho người khác bước theo. 

Nhưng lại quên rằng trước mặt Chúa, mọi người đều là những kẻ khó nghèo. Sự giầu có và hoàn hảo giả như có đạt được cũng là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban cho. Bởi vì họ không biết việc đó nên họ mới ngạo mạn; họ là những người sống trong nhà mà không biết mình thuộc về nhà. Họ đã mất mối dây hiệp thông gia đình ngay khi còn ở trong nhà. Anh con cả là đại diện cho nhóm người này. Anh chưa bao giờ có cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa cho nên không hề biết xót thương và thông cảm cho chú em!

Sau cùng, qua các dụ ngôn hôm nay, chúng ta khám phá sự khờ dại của Thiên Chúa khi thể hiện tình yêu thương. Ai trong chúng ta lại dại dột mà bỏ chín mươi chín con chiên để chỉ đi tìm một con chiên lạc, biết đâu khi tìm được con này lại mất con kia. Ai mà chịu hao phí thời gian có khi đáng giá hơn một đồng xu chỉ để tìm lại có một đồng thôi, rồi còn chịu tốn kém trong việc tổ chức tiệc tùng mời người khác chia vui. Nhưng Thiên Chúa của Đức Giêsu và cũng là Thiên Chúa của chúng ta lại cư xử một cách dại dột như thế. 

Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn công bố rằng Thiên Chúa, Cha của Ngài là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và tràn đầy ân sủng. Đức Giê-su vô cùng vui mừng khi người tội lỗi biết ăn năn hối cải, trở về đường ngay nẻo chính, về nhà, tức là trở về tổ ấm yêu thương – đâu có tình yêu thương thì đó là nhà của Thiên Chúa. 

Vì thế, khi tiếp xúc và đồng bàn với những người tội lỗi, những con người bị bỏ rơi, nghèo đói và những người bị luật lệ lên án là tội nhân..., Đức Giêsu đã không đi ngược lại với giáo huấn của Người, nhưng còn làm sáng tỏ lời giảng dậy bằng chính lối sống của Người nữa.

Cuối cùng, chúng ta phải xác tín và nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ quên con người. Lòng thương xót của Thiên Chúa trường tồn qua muôn thế hệ. Có cảm nhận được như thế, chúng ta mới không đối xử hẹp hòi với nhau, trái lại sẽ thương xót nhau như Chúa hằng xót thương và không muốn một ai trong chúng ta bị hư đi.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
11/09/19

No comments: