Wednesday 19 September 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT: PHỤC VỤ: NGUỒN VUI VÀ LẼ SỐNG


Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,
Trước khi suy niệm bài Tin Mừng của Chúa nhật này, chúng ta cùng nhau dành một vài phút để suy tư về thân phận của mình. Ai trong chúng ta cũng được sinh ra để yêu thương, để nối kết và sống cho nhau. Đó là một sự thật hiển nhiên. Vì vậy chúng ta cần nối kết với nhau, cùng nhau xây dựng các mối dây tương quan như liên hệ vợ chồng, con cái, anh em, đồng nghiệp, đồng bào, v.v… 

Và trong tiến trình xây dựng các mối tương quan dựa trên nền tảng yêu thương này chúng ta cần trao cho nhau những gì đã được ban tặng. Có nghĩa là chúng ta phải tập sống từ bỏ, sống hy sinh cho nhau. Bởi vì qua các cử chỉ đó, chúng ta sẽ tìm đuợc ý nghĩa đích thật cho cuộc sống mình. Nhưng có một điều quan trọng mà chúng ta nên nhắc đi nhắc lại cho nhau cùng nhớ, đó là trước khi chúng ta thuộc về nhau thì chúng ta thuộc về Thiên Chúa trước. 

Như vậy, việc thiết lập tuơng quan giữa chúng ta với nhau là hậu quả của mối liên hệ giao ước của Chúa và ta. Chính Chúa là nguồn gốc, là sức mạnh và là cùng đích giúp chúng ta hoàn thành các mối liên hệ với nhau một cách hoàn hảo hơn. Nhưng trên thực tế, chúng ta dễ dàng nói yêu Chúa, nhưng yêu thương bằng hành động thì rất khó. Hãy nhớ lại Lời Chúa qua ngòi bút của Thánh Gio-an như sau: “Nếu ai nói, Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.”(Gioan 4:20)

Vấn đề yêu và ghét cũng phức tạp, không đơn giản như thế. Tôi xin chia sẻ với anh chị em rằng, tự trong thâm tâm nào tôi có dám ghét ai; bởi vì ghét họ cũng chẳng đem lại điều gì bổ ích cho tôi. Trái lại một khi ghét họ là lúc làm cho bản thân tôi bực mình trước. Ai lại đi mua lấy sự buồn phiền cho mình! Nhưng thương anh nọ và chị kia sao mà khó thế! Đây là điều tôi nói thật. Căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, điều làm tôi đau khổ không phải là thuơng ai hay ghét ai. Nhưng chính sự lạnh lùng mà chúng ta hay gọi là ‘chiến tranh lạnh’ lại là nguyên nhân khiến cho chúng ta đau khổ nhất. 

Anh chị em mến,
Khi nói đến tương quan, thì chúng ta nghĩ ngay đến cộng đòan. Một cộng đòan dù nhỏ bé như gia đình hoặc rộng lớn như Giáo hội hay thế giới sẽ là tòa nhà hạnh phúc nếu tất cả các thành viên đều biết sống cho nhau. Trái lại, nếu họ chỉ nghĩ và sống cho quyền lợi riêng, thì không cần đi tìm ‘hỏa ngục’ đâu xa nữa; nó hiện diện ngay trong môi trường và lối sống ích kỷ mà chúng ta đang dành cho nhau đó. Vì thế, cũng chẳng ngạc nhiên khi nhìn thấy những va chạm, bất hòa hay đổ vỡ tại các cộng đòan có lối sống như thế. Một điều đáng buồn là chúng ta lại quá dễ dàng chạy theo và tán đồng với lối sống đó. Nó như cơn bịnh ung thư, cứ thế lan rộng và ăn dần vào từng bộ phận và giết dần giết mòn các chức năng khác của thân thể. 

Những nguyên nhân gây ra tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn thì nhiều, và thật đáng buồn khi chúng ta nhận ra mầm mống của sự chia rẽ lại xuất phát từ hàng ngũ lãnh đạo. Có lẽ, về mặt tự nhiên chúng ta cũng thấy một điều là, chỉ những ai có quyền mới sợ mất quyền rồi tự động họ sẽ dùng mọi phương tiện để bảo vệ quyền. Đối với họ đó là thứ quyền lực nên phải dùng lực để giữ. Do đó, việc va chạm và đổ vỡ sớm hay muộn cũng sẽ xẩy ra. 

Trong Tin Mừng, chúng ta đã đuợc biết lời yêu cầu của Gio-an và Gia-cô-bê: “Xin cho hai anh em chúng con, một người đuợc ngồi bên hữu, một người đuợc ngồi bên tả của thầy, khi Thầy đuợc vinh quang.” (Mk 10:37). Tham vọng quyền bính đã khiến các ông nhìn sai mục tiêu và sứ vụ của Đức Giê-su. Các ông vẫn tưởng rằng Đức Giê-su đến để khôi phục vương quyền Israel (Cvtd 1:6). Và một khi vương quyền đã được khôi phục, thì các ông cũng được chia chác quyền lực. Các tông đồ kia cũng có tham vọng như thế, nhưng không ‘bon chen’ và ‘nhanh miệng’ bằng hai anh em ông Gio-an, vì thế đâm ra tức tối (Mk: 10:41). Đây là một trong những nguyên nhân trọng đại khiến cộng đòan - dù nhỏ bé như gia đình, hay rộng như Giáo hội - bị chia rẽ và phân tán. 

Anh chị em đều có kinh nghiệm này: Gia đình ít khi bị đổ vỡ vì con cái, chúng có thể là nguyên nhân gây ra sự bất đồng trong việc giáo dục. Nhưng nguyên nhân chính yếu thường xẩy ra bởi cha mẹ. Thay vì dùng khả năng, ân phúc để xây dựng và phục vụ lẫn nhau, chúng ta trong nhiệm vụ là người phối ngẫu, nương tựa và cùng giúp nhau chu toàn nghĩa vụ được trao ban; trái lại chúng ta lạm dụng quyền lực để áp bức và thống trị nhau. Thậm chí đã có những tình huống bạo lực xẩy ra trong gia đình. Chỉ vì không ai chịu thua ai. Ai cũng dành phần thắng, phần nhất về cho mình. 

Nói tới đây, tôi nhớ lại những lời khuyên của các bậc trưởng thượng, trải qua bao thử thách để chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình của họ. Họ nói rằng, nhận thua là nghệ thuật sống chung trong gia đình. Khi bạn thua là lúc bạn thắng. Thắng chính mình để sống cho nguời khác hầu đem lại bầu khí an vui và hạnh phúc cho gia đình. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào loại bỏ các khuynh hướng xấu đang lan tràn và ảnh hưởng trong cuộc sống của chúng ta, đó là lối sống muốn thống trị, muốn ăn trên ngồi trước. Trước hoàn cảnh đó, đặc biệt để giải quyết các tranh cãi của các Tông đồ hôm nay, Đức Giê-su đã đưa ra một giải pháp luôn luôn mới lạ và vô cùng hiệu quả nếu chúng ta biết áp dụng, đó là “ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Không chỉ có thế, sau đó Người đem một em nhỏ đến và đặt cháu đứng giữa các môn đệ, rồi ôm lấy cháu rồi nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy.”

Như anh chị em đã biết, vào thời Đức Giê-su, người Do Thái không coi trọng phụ nữ và trẻ con như chúng ta ngày nay. Đối với họ thì hai hạng người này bị coi là không đáng kể, là thành phần không có chỗ đứng trong xã hội. 

Kính thưa anh chị em,
Đối với Đức Giê-su thì khác, khi đem em nhỏ đến và đặt giữa các ông là lúc Người muốn căn dặn các ông và chúng ta rằng: em nhỏ này là hình ảnh tượng trưng cho những người thấp cổ bé miệng, nghèo hèn, bị coi thường và không có tiếng nói về mặt đạo cũng như mặt đời. Thậm chí phải chờ đến lúc trẻ em lên 12 tuổi mới đuợc tham dự các nghi thức phụng vụ tại Đền Thờ. Như vậy, qua cử chỉ đón tiếp thật ân cần mà Đức Giê-su dành cho em bé hôm nay, Người muốn dậy các ông bài học quan tâm và đón tiếp nhau. Vì không ai trong chúng ta là người giầu có hết. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là người nghèo. Đón tiếp họ không phải là một hành vi bố thí về thân phận của họ bị coi thường, cho bằng chúng ta nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa nơi những người đó. Vì thế, khi chúng ta đón tiếp, yêu thương và giúp đỡ những người như thế là giúp đỡ và yêu thương chính Chúa.

Hơn thế nữa, cử chỉ khi Đức Giêsu ôm em nhỏ vào lòng là lúc Người biểu lộ lòng quí mến, yêu thương và tiếp nhận. Tiếp nhận một em nhỏ như thế chắc chắn không phải để em nhỏ đó phục dịch mình, nhưng là cơ hội mà Người muốn dậy cho các môn đệ bài học phục vụ. Hãy nhớ lại Lời Người đã nói “ai phục vụ ta thì hãy theo Ta”. Chúng ta đã là môn đệ của Người, vì thế chúng ta không còn chọn lựa nào khác hơn là chọn lối sống phục vụ. Đó chính là lẽ sống và niềm vui cho cuộc sống dấn thân.

Như vậy, điều Chúa nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” quá rõ ràng. Có nghĩa là ai muốn làm lớn phải làm người phục vụ trước. Phục vụ là chìa khóa, là nguyên tắc của quyền lãnh đạo. Uy quyền có được trao ban cũng là do Thiên Chúa. Địa vị, quyền cao chức trọng cốt để phục vụ mọi người, chứ không phải để xa lìa con người; như Chúa phán: "Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ". Chính Chúa mới là ông chủ; còn tất cả chúng ta chỉ là những người thừa hành. Thế mà ông chủ lại hạ mình xuống để rửa chân cho các môn đệ, còn những kẻ thừa hành lại bắt người ta rửa chân cho mình. Thật thê thảm, những kẻ thừa hành lại tiếm quyền ông chủ. Gương Chúa Giêsu còn đó. Lời nói và việc làm của Ngài là một. Ngài không bao giờ dậy một đàng làm một nẻo.

Cũng vậy, sứ điệp phục vụ mà Chúa mời gọi qua bài Tin Mừng hôm nay cũng là sự cho đi tận cùng, cho đi tất cả, ban phát hết cuộc sống của chúng ta cho Chúa và cho tha nhân. Đến lúc đó chúng ta cũng hãnh diện để tuyên xưng như thánh Phao-lô đã tuyên xưng; “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Ki-tô, Chúa sống trong tôi. Hiện tại tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Galat 2: 20-21). Nói cách khác, cuộc sống của những kẻ có niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sịnh cũng là cuộc sống phục vụ, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì ích lợi của người khác. 
Amen!

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

No comments: