Thursday 27 September 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT : CÙNG GIÚP NHAU SỐNG TỐT LÀNH


Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã không mấy hài lòng trước lối suy nghĩ ích kỷ, thái độ hẹp hòi và tinh thần phe phái của các môn đệ. Chúng ta hẳn còn nhớ đến bài học phục vụ trong thân phận của người tôi tớ mà Đức Giê-su đã dậy họ trong bài Phúc Âm tuần vừa qua. Người yêu cầu các ông phải trở thành tôi tớ cho mọi người, không phân biệt bạn hay thù, luơng hay giáo, đồng đạo hay khác đạo. 

Thế mà, chúng ta thấy thái độ và cách cư xử thật hẹp hòi của họ, mà người lên tiếng với Đức Giê-su hôm nay lại là môn đệ mà Người yêu mến nhất. Gio-an đã phân bua với Chúa rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con muốn ngăn cản anh ta, vì anh ta không theo chúng ta.” Đối với Gio-an, chỉ có những ai thuộc về nhóm ‘chúng ta’ thì mới được nhân danh Chúa để làm một việc gì đó như trừ ma bắt quỉ. Nhưng, đối với Đức Giê-su thì khác. Ai không chống Người là ủng hộ Người, và không ai nhân danh Chúa để làm việc thiện, rồi sau đó lại đi nói xấu Người. 

Chúng ta nên nhớ rằng còn rất nhiều người sống tốt lành, sống thiện hảo; họ có nhiều đức tính và việc làm hơn mình mà không thuộc về phe nhóm hay cùng chung chia một niềm tin với mình. Thiên Chúa không bị ràng buộc hay bị trói bởi suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ và đầy tính độc tôn của phe chúng mình, cho dù đôi lúc trong quá khứ chúng mình tự nhận rằng mình mang tính chính thống. Không một ai có quyền nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ thuộc về họ và phe phái họ mà thôi. Lối suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi và độc tôn này không phải là tinh thần của Tin Mừng.

Chúng ta bằng cuộc sống có thể làm chứng về sự hiện diện của Chúa cho người khác; nhưng chúng ta không thê nắm giữ hay tạo một Đức Chúa và bắt người khác phải thần phục. Thiên Chúa đã hiện diện trong mọi nền văn hoá, trong các lối sống trước khi chúng ta đến với họ. Bổn phận của mình là khơi dậy cho những người không cùng nhóm với mình nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ.

Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại những chuỗi ngày đau thương và buồm thảm đến nổi đã xẩy ra cuộc Thánh Chiến để bảo vệ ngôi vị độc tôn của mình. Thậm chí còn có những hình phạt dành cho những ai nói hay tuyên xưng một đạo lý khác với ý của Giáo Hội. Những sai lầm trong việc nhận thức kéo theo các hành động tiêu diệt nhau đã xẩy ra trong lòng Giáo Hội cũng là việc dễ hiểu. Bởi vì, trong thân phận của con người, chúng ta luôn bị cám dỗ và áp đặt cho Thiên Chúa lối suy nghĩ hẹp hòi và thiển cận của chính mình, và quên đi Lời Chúa đã phán ‘tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi.”.

Nói đâu xa, cứ nhìn lại lối suy nghĩ và cách hành xử của các nhà truyền giáo về việc tôn kính tổ tiên của chúng ta thì thấy! Nếu các nhà truyền giáo tôn trọng và nhìn ra việc tôn kính tổ tiên của chúng ta như là một cách thức mà Thiên Chúa Mạc Khải để mời gọi chúng ta phải hiếu thảo với Cha Mẹ thì việc rao giảng về Thiên Chúa còn hiệu quả biết chừng nào. Tuy nhiên chúng ta cũng không quên gương sáng, lòng hy sinh trong việc từ bỏ để dấn than trong công việc mở mang Nuớc Chúa của các Ngài. Thiên Chúa làm việc trong các nỗi bất toàn của chúng ta. 

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mới. Giai đọan mà Giáo Hội không còn quyền độc tôn. Ngày nay, qua những biến cố đã và đang xẩy ra trong lòng Hội Thánh khiến cho chúng ta nhận ra vị trí của mình rõ hơn. Không còn việc bao che, bảo vệ cho các lỗi lầm của nhau. Cách hành xử trong Giáo Hội đòi hỏi sự trong sáng. Nhận ra Thập Giá của chính mình, từ đó chúng ta không còn thái độ coi thường những người chung quanh, không có lối suy nghĩ khinh miệt các tôn giáo khác. Chúng ta tôn trọng và dành cho họ niềm quý mến trong việc đối thoại để cùng nhau xây dựng môi trường mà chúng ta đang sống đuợc tốt đẹp hơn. Chân lý là gia tài chung. Chúng ta cùng nhau xây dựng và đi tìm chân lý đó. Thực tế cho chúng ta nhận ra rằng: những hành vi và lối sống tốt đẹp không chỉ xuất hiện trong cộng đoàn của những kẻ tin mà còn được thể hiện trong cuộc sống của nhiều người khác nữa.

Sau khi nhắc nhở cho các môn đệ nhớ rằng Thiên Chúa thuộc về mọi người. Không một ai hay bất kỳ một phe nhóm nào đuợc phép giữ Ngài làm của riêng cho họ hay phe của họ. Trong phần kế tiếp, Đức Giê-su cảnh báo họ rằng mầm móng sinh ra gương xấu, các hành vi dẫn đến sự tội không bị xâm nhập từ bên ngoài, nhưng nó lại xẩy ra từ bên trong cộng đoàn, do các người lãnh đạo. Họ là những người cầm cán cân công lý, tự nhận mình là người trưởng thành. Thế mà thay vì làm gương sáng, họ lại có những hành vi xấu ảnh hưởng trên cuộc sống của những kẻ bé mọn, những người yêú đuối thì quả thật giống như tội ác giết những người này vậy. Những kẻ bé mọn ở đây có thể hiểu là trẻ con, ngây thơ, yếu đuối, những ai yếu đức tin, những người cô thân tất bạt, không có ai bảo vệ. Và, nếu những người lãnh đạo mà làm cớ cho họ vấp phạm thì “thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”

Điều mà Đức Giê-su nói với các Tông đồ “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” không có ý ám chỉ hay thúc dục chúng ta vi phạm tội ác giết người, cho bằng đó là kiểu nói nhấn mạnh. Hình thức nói như thế có thể hiểu là một khi chúng ta làm gương mù gương xấu, dẫn đưa người khác đến sự tội thì chẳng thà giết chết họ cho xong.

Trên thực tế, không một cộng đoàn nào mà không có người xấu. Không một tập thể hay cá nhân nào hoàn toàn thánh thiện. Hãy nhìn chung vào hoàn cảnh của thế giới. Nếu trên thế giới này chỉ bao gồm những người đạo đức, những người công chính; và nếu sự tội đã hoàn toàn bị bẻ gẫy thì Mầu nhiệm nhập thể và ơn cứu độ của Đức Giê-su còn có ý nghĩa gì. Lịch sử nhân loại vẫn còn bị dầy vò và đầy dẫy những hiện tượng khiến con người bị giằng co bởi hai mặt thiện và ác. 

Tất cả những gì mà chúng ta biết được, ngay cả niềm tin của mình không khiến cho chúng ta sống biệt lập, sống tách biệt với thế giới này. Trái lại, đó là những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban. Chúng ta lĩnh nhận và biết rằng phải làm giầu có gia tài hồng ân đó. Đó là bổn phận và trách nhiệm của những kẻ tin đối với xã hội mà chúng ta là thành viên.

Vì thế, mang trong mình sức sống của Đức Kitô, chúng ta hãy lắng tai để nghe, hãy mở mắt mà nhận ra sự hiện diện và tiếng nói của Chúa nơi những người chung quanh; cho dù họ chưa thuộc về nhóm mình; nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận ra Chúa đang hiện diện trong lối sống của họ. Trên hết mọi sự, chúng ta không được phép thất vọng. Nhân loại vẫn đang chờ đợi lối sống quảng đại, cái nhìn bao dung, cuộc sống đầy gương sáng, con tim chan chứa tình yêu thương và lòng thương xót của chúng ta. Hãy dùng cuộc sống của mình như lời rao giảng minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy giúp nhau sống tốt và đừng cản trở sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi người khác.

 Amen!
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

No comments: