Xã hội
chúng ta trong những ngày vừa qua có quá nhiều việc ngổn ngang. Một lần nữa các
vấn đề tranh chấp tài sản đất đai giữa các cơ sở tôn gíáo và các cấp Nhà Nước xảy
ra rất căng thẳng, thậm chí tranh chấp với các doanh nghiệp kinh doanh bất động
sản mà CA, dân phòng, của Nhà Nước can thiệp bảo vệ doanh nghiệp, gây bạo động,
đả thương.
Chuyện Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm một lần nữa lại bùng lên, lần này
xem ra dư luận mạnh dạn lên tiếng nhiều, khác hẳn với thời kỳ trước, khi nhà cầm
quyền địa phương mang xe cơ giới đến tận ngay Nhà Dòng để phá hủy cơ sở, khi ấy
không mấy ai lên tiếng mạnh dạn như hôm nay, hôm nay chẳng những lên tiếng mà
còn kêu gọi những người khác lên tiếng, thậm chí có cả những lời trách móc những
vị có trách nhiệm trong Giáo Hội.
Hình như vấn đề Mến Thánh Giá Thủ Thiêm từ trong thâm cung bí sử đã ngã
ngũ rồi, có thế báo chí Nhà Nước mới công khai tham gia chứ! Kích cầu bao nhiêu
lần chẳng ma nào ghé mắt đầu tư thì lấy đâu mà rao bán? Phải chăng khi muốn đốt
cây củi nào thì cần các “thiết bị hỗ trợ” để đốt đấy thôi, phải có chứng cớ chứ!
Chuyện mất bản dồ quy hoạch là chuyện đùa cho trẻ con nó vui, vậy đấy! Người
nhiệt tình thấy lên tiếng khá an toàn bèn mạnh dạn lên tiếng, vô tình trở thành
công cụ cho "lò" thêm nhiên liệu.
Nhưng hình như chuyện ở Hà Nội chưa "nhúm lò", nên không thấy
báo chí nào ngo ngoe, vì thế sáng nay 9.5.2018, vẫn chỉ hơn 20 bà Nữ Tu Dòng Thánh
Phaolô Tỉnh Dòng Hà Nội độc hành kêu oan trên đường phố Hà Nội. Chắc nhiều người
còn nghe ngóng, "lò" có mở cửa thì mới góp "củi" chăng? Tội
nghiệp, khi hữu sự, Dòng nào Dòng đó chịu, cơ sở nào cơ sở đó chịu, khao khát mối
dây liên đới nhưng tìm chẳng thấy đâu. Dĩ nhiên chuyện đồng hành còn phụ thuộc
vào nhiều thứ, cũng chẳng đơn giản để trách cứ nhau.
Từ trước đến
nay, khi những lời kêu oan của nạn nhân nổi lên từ chuyện đất đai, cơ sở, kẻ
trong cuộc ngoài nỗi cô đơn, sự nguy hiểm của những thói hành xử độc tài, còn
phải gánh chịu nhiều lời oán trách, có những lời oán trách nhân danh điều lớn
hơn chuyện của một Dòng Tu, một Giáo Xứ, họ nhân danh tiến trình đối thoại giữa
Tòa Thánh và Nhà Nước, rồi mong ước thiết lập bang giao, họ kêu gọi im lặng để
được cái lớn hơn, chấp nhận mất mát oan khiên để được chuyến công du của người
đứng đầu Giáo Hội.
Bả thuốc mê xem ra hiệu nghiệm, cứ vậy, kẻ thủ đoạn gian hùng dắt mũi
người hiền lương, lần lượt những hy sinh ngoan ngùy trong tức tưởi.
Nhưng thời gian đã làm cho những nhà ngoại giao kiên nhẫn nhất cũng phải
lắc đầu, thói lừa bịp ma mị không kéo dài được lâu, có một nhà ngoại giao lão
luyện đến từ Roma đã phải lắc đầu buông lời ta thán trước khi rời khỏi Việt
Nam: “Bây giờ tôi mới biết họ không bao giờ chân thành muốn bang giao”, vị này
đã nỗ lực rất nhiều trong một thời gian dài, với đủ mọi kỹ năng trong chuyên
môn và kinh nghiệm, cuối cùng đã nhận ra “tin vào họ chỉ là ảo tưởng”.
Khi những
nạn nhân lên tiếng, có những lời bình phẩm nhuộm đậm màu đạo đức, người ta lý
luận: những mảnh đất, những cơ sở thế gian có đáng để phải gây căng thẳng như vậy
không, có đáng để biểu lộ như vậy không, có đáng để thấp thoáng đâu đó hình ảnh
của Chúa Giêsu trong khẩu hiệu, trong ngôn từ, trong cách phản ứng, điều chúng
ta cần làm, cần nói, cần giữ là Tin Mừng, là Nước Trời, những cái thế gian này
không đáng và không phải lãnh vực chúng ta lên tiếng.
Chúng tôi
hoàn toàn đồng ý với nguyên tắc này, nhưng công bằng, sự thật và quyền của con
người có phải là điều mà chúng ta có trách nhiệm hay không, những vấn đề này
thuộc thế gian hay thuộc Nước Trời? Một mảnh dất, một cơ sở dù giá trị cao đến
mấy đi chăng nữa cũng không đáng cho chúng ta dấn thân sống chết với nó, nhưng
khi lên tiếng thì không phải là chuyện cơ sở, không phải là đất đai, nhưng là sự
thật, là lẽ công bằng, là quyền cơ bản của con người, những cái này là cái đáng
và rất đáng cho chúng ta dấn thân, nếu còn muốn là người Kitô hữu, nếu còn muốn
là sứ giả của Tin Mừng.
Chuyện năm
xưa ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ là một bài học, người ta bảo: lên tiếng sẽ gây
căng thẳng không tốt và cuối cùng cũng mất, có được gì đâu? Giải pháp khôn
ngoan là đàm phán, nhận lại một ít đất đai ở đó, hay một chỗ nào khác do họ chỉ
mà thấy được, còn hơn là mất tất cả, Win – Win!
Trước hết xin đừng chụp mũ kẻ bị cướp khi lên tiếng là gây căng thẳng, kẻ
gây căng thẳng là kẻ cướp chứ không phải nạn nhân bị cướp, ngay trong cách nhận
định đã bất công rồi! Thứ đến vấn đề cốt lõi của chúng ta là của cải trần gian
hay sự thật Nước Trời? Cái lợi trước mắt hay danh dự trách nhiệm trước tiền đồ?
Nếu cha ông ta xưa cũng lý luận như vậy, thà chịu hàng mà còn được giao cho một
công việc gì, hơn là bị thảm sát giết sạch, thì làm gì có giang san cho chúng
ta ngày nay, làm gì có câu nói để lại ngàn đời “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn
làm vương đất Bắc”!
Đừng vì
món lợi trước mắt mà bỏ qua danh dự ngàn năm, đừng vì nắm xôi mà bỏ hết mọi thứ
quý giá nhất của cuộc đời. Chuyện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ lên tiếng rồi cũng mất,
nhưng không mất vào tay bọn ham lợi, và những người có trách nhiệm trong Giáo Hội
thời ấy sẽ không phải cúi đầu trước lịch sử.
Trong bốn
nguyên tắc phân định mà Giáo Hội đề cập đến trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng,
người ta đọc thấy nguyên tắc này: “Thời gian lớn hơn không gian”! Hãy sống Tông
Huấn bằng hành động.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
10.5.2018
Tựa bài lấy từ "Bài không tên cuối cùng" của Vũ Thành An
Tựa bài lấy từ "Bài không tên cuối cùng" của Vũ Thành An
No comments:
Post a Comment