YÊU THƯƠNG LÀ THẾ ĐẤY!
Lm
Joe Mai Văn Thịnh CSsR
Trong bài Tin Mừng tuần
trước, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh của cây nho và các cành nho để diễn tả sự
liên kết mật thiết mà người môn đệ không thể thiếu trong cuộc sống. Như cành
nho tiếp nhận nhựa sống từ thân cây nho thế nào thì cuộc sống của các tín hữu,
môn đệ của Chúa Phục Sinh cũng phải gắn liền với Chúa Giê-su như thế. Và một
khi chúng ta ở lại trong mối dây hiệp thông mật thiết với Chúa thì chúng ta
cũng đuợc thúc đẩy ra đi để nối kết với anh em mình. Chúng ta chỉ có thể thực
hiện đuợc các điều này khi chúng ta quyết định “ở lại trong tình thương của Chúa.”
Nhưng làm thế nào để
có thể ở lại trong tình thương của Chúa. Câu trả lời đuợc tìm thấy trong bài
Tin Mừng hôm nay. Chúa dẫn chúng ta bước thêm một buớc nữa, buớc sâu xa hơn, cụ
thể hơn. Một bước đi không dựa trên lý thuyết nhưng bằng hành động. Đó là việc
chúng ta giữ các giới răn của Chúa, và giới răn của Chúa là: “Anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Tình thương là sứ điệp
căn bản cấu tạo và nuôi dưỡng sức sống của người môn đệ. Đó không phải là điều
chúng ta có thể sở hữu rồi trao ban cho người khác như trong cách diễn tả của
chúng ta như: “Tôi yêu anh, yêu chị, yêu em, yêu cha, yêu mẹ… hay con yêu
Chúa.” Khi nói với nhau như thế, chúng ta có thể ám chỉ và coi như tình yêu là
một thứ gì thuộc về mình rồi trao cho tha nhân.
Thật ra, sứ điệp mà
Chúa nói với chúng ta hôm nay không phải là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa
mà là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ý nghĩa này quá rõ ràng qua Lời
Chúa phán hôm nay “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em
như vậy.”
Tình thương mà Đức
Giê-su ban phát hoàn toàn xuất phát từ Chúa Cha. Tình thương của Thiên Chúa
không lệ thuộc vào tình trạng của con người, có nghĩa là Thiên Chúa yêu tôi
không phải vì tôi tốt hay xấu, thánh thiện hay tội lỗi, giầu hay nghèo, sang
hay hèn, nam hay nữ, quí tộc hay thứ dân… Ngài yêu chúng ta vì bản chất của
Thiên Chúa là Tình yêu. Vì vậy, bất kỳ một khả năng yêu thương nào của chúng ta
cũng chỉ là sự mở rộng của Tình Yêu nơi Thiên Chúa. Và, một khi chúng ta yêu
nhau là lúc chúng ta được lôi kéo vào và sống trong tình thương của Thiên Chúa.
Như thế, vấn đề đặt
ra cho chúng ta suy nghĩ hôm nay là sống, chứ không phải là giải thích cho người
ta hiểu về sứ điệp Yêu Chúa và thương tha nhân như thế nào. Và đây cũng chính
là điều mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc sống. Người không chỉ dậy chúng
ta yêu Thiên Chúa và tha nhân mà thôi; nhưng bằng chính cuộc sống hiến dâng Người
đã làm chứng về điều mà Người đã dậy.
Với Chúa Giêsu chúng
ta tìm ra đuợc một giải pháp của yêu thương, đó chính là không có tình thương
nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu. Chúa
Giêsu đã hy sinh hiến mình trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người đã chết ngay
khi chúng ta còn là tội nhân. Sự chết của Người là giải pháp giúp chúng ta giao
hoà với Thiên Chúa. Tình yêu hiến dâng của Chúa là một tình yêu chân chính và
vuợt lên trên mọi thứ tình mà thế gian có thể ban tặng. Và đó cũng là mối tình
mà Người muốn chúng ta sống.
Thực tế lại khác, phần
đông trong chúng ta sống giới luật yêu thương của Chúa thật ơ hờ, chẳng có một
chút tâm huyết nào hết. Cũng không nên vơ đũa cả lắm. Cũng đuợc đôi ba lần, chúng
ta có cơ hội diễn tả sự cảm thông, động lòng trắc ẩn, sợ mất mặt hay tìm chút
hư danh nên đã đóng góp ít công quỹ cho việc từ thiện, chia sẻ tiền của giúp đỡ
những người đau khổ và cùng khốn trong một vài trường hợp. Việc bác ái của
chúng ta vẫn còn bị luẩn quẩn trong quan niệm cân đo đong đếm và rất giới hạn.
Làm phúc nhưng muốn được nhớ tên và cần ghi danh. Đóng góp chút công sức và tiền
của nhưng phải đuợc cám ơn. Tên tuổi phải đuợc ghi lại trong các bia tạ ơn để nguời
ta biết đến! Đấy, việc bác ái để thể hiện tình thương của chúng ta theo kiểu
mua danh bán tước như thế thì làm sao gọi là chứng từ sống. Cách sống yêu
thương của chúng ta cũng quanh quẩn trong chính giới hạn, tính ích kỷ, thỏa mãn
cái tôi của mình thì làm sao có thể gọi là chứng nhân được!
Trong Giáo Hội, chúng
ta thấy rất nhiều gương sáng của các đấng đã sẵn sàng hy sinh tất cả, thể hiện
tình thương yêu mà các ngài đã cảm nhận từ Thiên Chúa, ra đi phục vụ người
nghèo khó.
Như trường hợp của cha
Thánh An Phong. Trước tiên ngài là linh mục triều. Sau nhiều ngày tháng miệt
mài nhiệt tâm phục vụ tại các họ đạo khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ buộc
ngài và các bạn đồng hành phải đi dưỡng sức tại Scala thuộc xứ Naples. Vị trí
và phong cảnh của Scala thật trữ tình, nó nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển,
không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, phong cảnh
trữ tình và không khí trong lành như thế cũng không quyến rũ được ngài. Trái lại,
chính những ngọn gió đó đã làm thay đổi đời ngài. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong
đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala bị bỏ
rơi, không người chăm sóc.
Nhìn thấy hoàn cảnh của
dân chúng như thế, cha Thánh An Phong và các bạn đồng hành động lòng thương rồi
tụ họp những người nghèo khó trong vùng lại. Ngài dậy dỗ và chuẩn bị cho họ
lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt
kéo đến để nghe giảng dậy.
Phát xuất từ tình yêu
của Thiên Chúa, đứng trước tình hình thực tế, với một nhu cầu cần thiết. Cha
Thánh An Phong và các bạn đồng hành đã nhận ra việc phải làm, nên đã quyết định
tụ họp anh em cùng chí hướng thành lập nhà dòng, đó là Dòng Chúa Cứu Thế chuyên
lo cho những người bị bỏ rơi, những người nghèo khó.
Trong thời gian gần
đây, chúng ta nghe nhiều về những công tác hoạt động phục vụ người nghèo của
các nữ tu thuộc dòng mà mẹ Tê-rê-sa thành Calculta đã sáng lập. Mẹ vốn là một nữ
tu dòng Loreto, chuyên lo việc giảng dậy. Trên đuờng đi tham dự tĩnh tâm, Mẹ chứng
kiến không biết bao nhiêu trẻ em bị bỏ rơi, những người già nua chết cô đơn
trên vệ đường mà không có thân nhân ở bên để vơi bớt những nỗi khổ đau cuối đời
họ. Cho nên, vì những người nghèo khó và cho họ, nhất là được thôi thúc bởi tiếng
gọi yêu thương, mẹ đã từ bỏ nếp sống an toàn trong một tu viện chuyên lo giảng
dậy cho các trẻ em thuộc giai cấp thương lưu, bắt đầu lại bằng việc dấn thân vào
các hang cùng ngỏ hẻm để phục vụ người cùng khốn. Hiện nay số người theo chân mẹ
hầu như có mặt trên toàn thế giới. Đối với mẹ và các nữ tu thuộc dòng mẹ chỉ biết
sống cho và sống với những người nghèo đang đau khổ.
Trở về những ngày đầu
tiên, anh em tín hữu tiên khởi đã sống theo lối sống của Chúa để làm chứng, khiến
cho những người chung quanh kháo láo với nhau rằng: Kìa xem, họ yêu thương nhau
là chừng nào. Từ việc chứng kiến lối sống diệu kỳ của các tín hũu, những người
chung quanh mới đi tìm hiểu xem anh em tín hữu thuộc giáo đoàn tiên khởi đã dựa
vào đâu mà có lối cư xử với nhau tốt đẹp duờng ấy.
Ngày nay, những người
chưa tin sẽ tin nếu chúng ta đủ chứng từ cho họ nhận thấy Tình Yêu của Thiên
Chúa hoạt động nơi mình. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta đến với nhau, yêu
thương nhau như Chúa đã yêu, để mọi người nhận biết chúng ta là mộn đệ của Thầy.
Vì chúng ta yêu thương nhau.
Amen!
Lm
Joe Mai Văn Thịnh CSsR
No comments:
Post a Comment