Sunday, 11 December 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT : "HÃY AN ỦI DÂN TA…"




Lời Chúa Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng năm A kể cho chúng ta nghe câu chuyện về Gioan Tẩy Giả. Tin Mừng kể rằng Gioan Tẩy Giả trong tù nhắn các môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không ? Hay là chúng tôi phải đợi ai khác ?” ( Mt 11, 3 ).
Hãy nhớ lúc ấy, Gioan bị nhốt trong nhà tù Macheronte, đó là một pháo đài kiên cố do Herode Antipas xây dựng, nằm trên một núi đá phía đông Biển Chết, lọt thỏm trong sa mạc Moab.
Những năm gần đây, trong lịch trình thăm viếng Đất Thánh có một chặng đến thăm pháo đài này. Pháo đài nằm chơ vơ giữa hoàng mạc, không một bóng cây, kẻ yếu sức có xe cáp đưa lên, phần đông các bạn trẻ thực hiện cuộc leo núi đầy gian nan trên những dốc quanh co bé hẹp dưới trời nắng gay gắt, trên đỉnh núi có nhiều khu vực làm nhà giam hoặc trại lính liên kết với nhau bằng những con đường đầy cát bụi và nắng gắt. Gioan đã bị đưa vào đây sau những cuộc loan báo về Đấng Cứu Thế đã đến.
Hẳn rằng cuộc sống nhà tù cơ cực và buồn thảm đã tác động đến tâm lý của Gioan, dù là một ngôn sứ, xác tín và mạnh mẽ loan báo điều mọi người không ngờ đến, nhưng những gian lao, đói khổ và cả sự thất vọng đã khiến cho Gioan nghi ngờ Đấng mà mình đã lên tiếng rao truyền. Ai cũng cần được củng cố niềm tin, ai cũng ước mong điều mình làm là thật sự hữu ích, Gioan là con người, Gioan rất cần được câu trả lời trong những thời điểm khắc nghiệt này. Có thật Thiên Chúa làm cho con người thất vọng không ?
Xin nói cho tôi biết, có thật Thiên Chúa làm cho chính chúng ta hôm nay cũng thất vọng không?
-    Tại sao dân tôi phải chịu cảnh khổ sở cơ cực thế này ?
-    Tại sao Chúa dựng nên “rừng vàng biển bạc” cho quê hương tôi, nhưng lại để cho biển chết, biển không chỉ chết nhưng còn chứa đựng chất độc làm cho dân tôi chết ? Lại để cho rừng tan hoang, không chỉ tan hoang nhưng từ phía rừng những cơn lũ kéo về cuốn trôi bao nhiêu làng mạc của cải và cả con người.
-    Tại sao Thiên Chúa lại để cho những ngư dân chất phác, bám biển bám bờ, hiện diện để xác định chủ quyền hợp lý trên biển của cha ông, lại bị đâm vỡ tàu, bị cướp bóc giữa biển cả, bị mất mạng giữa ngàn khơi vì kẻ xâm lăng ?
-    Tại sao Thiên Chúa không bênh vực những người yếu thế, những người mất nhà cửa, mất ruộng vườn, mất mồ mả cha ông, đến cả đất đai để sinh sống cũng bị mất ?
-    Tại sao lại để cho cả đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của đất nước tôi bị ngập mặn, bị hoang hóa ?
-    Tại sao hết mọi con sông trên giang san gấm vóc này lại bị bức tử, lừ đừ cõng trên mình nó giòng nước mang đủ thứ độc hại ?
-    Tại sao Thiên Chúa cứ để cho kẻ độc ác được chiến thắng, kẻ bóc lột dân được hưởng vinh hoa, kẻ làm thất thoát ngân quỹ quốc gia, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng ngang nhiên bay ra nước ngoài định cư lẩn trốn trách nhiệm ?
-    Tại sao lại để cho những người lên tiếng cho sự thật, cho công bằng và cho cả sự toàn vẹn lãnh thổ phải vào tù ?
-    Tại sao lại để cho những thanh thiếu niên không được sống và tận hưởng tuổi thanh xuân, nhưng lại cuốn vào những tranh chấp, đánh nhau lột quần lột áo, nghiện ngập, vong bản, khóc cười theo những thần tượng thời thượng, những vòng xoay của quả bóng, vùi đầu vào những bàn rượu bia ?
-    Đâu rồi lòng yêu nước, đâu rồi lời thề bảo vệ non sông, đâu rồi niềm kiêu hãnh của lịch sử hàng ngàn năm giữ nước ?
-    Đâu rồi…
Những câu hỏi này, nhất là những câu hỏi lẩn quẩn trong đầu người dân vùng biển chết, vùng lũ lụt, những người đang ở nơi lao tù vì chính nghĩa có phải là câu hỏi của Gioan ngày xưa không ? Có phải Tin Mừng đang hiện sinh trong cuộc sống hôm nay hay không ?
Chúa lại bắt chúng ta tự đi tìm câu trả lời bằng những gợi ý:
Những điều mắt thấy tai nghe:
-     Người mù xem thấy,
-     Kẻ què đi được,
-     Người cùi được sạch,
-     Kẻ điếc nghe được,
-     Người chết sống lại,
-     Kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.
Tóm lại, Thiên Chúa không tỏ mình bằng phương cách hiếu thắng, nhưng bằng những cử chỉ tốt lành, bằng sự lưu tâm đến người cùng khổ, cúi xuống trên kẻ mù lòa, điếc lác, què quặt, cùi hủi, những người bị bỏ rơi. Đó là hành động chữa lành mang lại niềm vui cho người sầu khổ, phục hồi sự sống cho người bị chà đạp, bị tước quyền sống.
Cuối cùng, cái chết của tử thần bị đánh bại, người nghèo được mừng vui, đó chính là dấu hiệu của niềm vui mới, niềm vui Chúa đến cứu Dân Người, niềm vui được làm cho Dân của Người được an ủi, không còn lệ rơi, không còn sầu khổ tang tóc…
Chúng ta còn một câu hỏi nữa:
Đâu ? Và ai sẽ là người mang niềm an ủi của Chúa đến cho người nghèo ?
Đâu ? Và ai sẽ mang niềm vui đến cho người bị bỏ rơi, bị áp bức ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Mùa Vọng 2016

No comments: