Dạo
còn trẻ, cách nay cũng hơn 35 năm, là thanh niên đi dạy Giáo Lý và hát ca đoàn
nhiều nơi, cứ đến gần Lễ Noel tôi thường được các cha, các dì nhờ làm Hang Đá
cho Nhà Thờ chỗ này, cộng đoàn chỗ kia. Thoạt đầu, đúng là tôi và êkíp mấy anh
em bạn trẻ chỉ làm Hang Đá như truyền thống lâu nay các nơi vẫn làm, thế nào
cũng uốn dây kẽm làm khung, rồi lấy giấy dầu quết màu đá xám bọc lên thành
những khối đá, bên trong hang lót rơm rồi đặt bộ tượng Ba Giuse, Mẹ Maria, Hài
Nhi Giêsu, mấy chú mục đồng, con bò, con chiên, con lừa vây quanh, cuối cùng là
mắc các dây đèn nhấp nháy xanh đỏ, trên cao có một ngôi sao chổi bằng giấy bạc,
có khi thêm một câu Latinh "Gloria in Excelsis Deo". Vậy là xong,
Hang Đá có lớn bằng cả một căn phòng thì chi phí cũng không tốn kém bao nhiêu,
thường là đồ cũ năm trước dùng lại, chế biến kiểu này kiểu nọ nên trông vẫn
mới. Thời buổi bao cấp khó khăn, các cha các dì đều khen êkíp chúng tôi làm
Hang Đá đẹp mà tiết kiệm, không sa hoa phí phạm.
Thế
rồi, năm 1986, ba tôi dịch sách Đạo cho các cha bên Dòng Phanxicô Đakao, gặp
được một tài liệu rất hay của tác giả Thomas de Celano, người chuyên viết tiểu
sử Đáng sáng lập Dòng Anh Em Hièn Mọn. Ba tôi kể lại cho cả nhà nghe về tục lệ
làm Hang Đá. Câu chuyện bắt đầu có từ thời Thánh Phanxicô thành Assisi. Năm ấy,
năm 1223, cách chúng ta bây giờ gần 800 năm, Lễ Giáng Sinh đến nơi rồi mà dân
cư trong vùng vẫn cứ chỉ lo chuyện họp mặt ăn uống, biếu xén quà cáp mà chẳng
ai chịu dọn lòng đón Chúa. Thầy sáu Phanxicô buồn quá, mới suy niệm Tin Mừng
theo Thánh Mátthêu mà nảy ra sáng kiến phải có một Máng Cỏ Bêlem ngay tại vùng
này.
Thầy
tìm được một hang bỏ hoang trên sườn núi Lacerone thuộc tỉnh Rieti, miền Trung
nước Ý. Thầy lại mượn được một em bé sơ sinh của một gia đình nghèo trong vùng,
bọc bé trong tã đặt nằm khóc oe oe trong một cái máng dành cho chiên bò ăn cỏ
ăn rơm. Thầy không quên dắt đến một con bò và một con lừa, rồi cùng với ba mẹ
của em bé, thêm mấy người chăn súc vật, quây quần lại, đốt mấy cây đuốc, thắp
mấy ngọn bạch lạp. Một người anh em Linh Mục trong Dòng đã cử hành Thánh Lễ nửa
đêm, còn thầy sáu Phanxicô thì công bố Tin Mừng. Đến bài giảng thì thầy không
cầm được nước mắt xúc động, dâng một lời cầu nguyện đền tạ thay cho sự thờ ơ
nguội lạnh của toàn dân trong vùng.
Thế
rồi không ngờ dân đi chơi khuya ăn nhậu đêm Giáng Sinh, thấy rực sáng ở lưng
chừng núi, họ tò mò trèo lên đến hang đá thì trông thấy cảnh tượng tuyệt vời y
như Chúa Giêsu đang giáng sinh, ánh sáng nhiệm màu tỏa lan thật kỳ diệu vượt xa
mấy ngọn đuốc mấy cây nến nhỏ bé. Và tất cả đã lẳng lặng quỳ xuống chiêm bái
Hài Nhi Giêsu. Tiếng hát các bài Thánh Ca Giáng Sinh vang đi khắp nơi lại càng
lôi cuốn thêm nhiều người tìm đến… Và khởi từ đó, người ta biết chú tâm hơn đến
việc mừng Chúa Giáng Sinh một cách sâu xa trong tâm hồn, cuối Mùa Chúa Quang
Lâm ( Adventus ) gia đình nào, giàu nghèo gì cũng nhớ bầy một Hang Đá be bé đơn
sơ ở góc phòng khách nhà mình.
Địa danh ngôi làng nhỏ ấy là Greccio, nên khi phong trào
dọn Hang Đá Giáng Sinh lan từ Ý sang Pháp, tên Greccio đã được đọc trại ra
thành Crèche như bây giờ, hiểu nghĩa là một Hang Đá. Nhiều người sau này cứ
nghĩ ngày xưa Chúa Giêsu đã sinh ra trong một Hang Đá vào mùa đông tuyết giá
rét run. Chú ý đọc các sách Tin Mừng theo Thánh Mátthêu và theo Thánh Luca thì
chẳng có chi tiết nào về mùa đông, về hang đá chi cả, nhưng lòng đạo đức bình
dân của người ta vẫn cứ ngắm rất ư là sốt sắng khi lần chuỗi Mai Khôi xưa nay: "Thứ ba thì ngắm Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu
trong Hang Đá…" và vẫn cứ hát tưng bừng:
"Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh
ra đời,
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa…"
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa…"
Thế
rồi cả Máng Cỏ lẫn Hang Đá dần dần đã bị người ta tục hóa, kinh tế hóa, cố ý
hoặc vô tình hiểu sai đi, biến chất thành các hình thức trang trí không thể
thiếu trong Mùa Giáng Sinh, bao nhiêu phụ kiện Noel được ăn theo, bán đắt như
tôm tươi. Lắm cái chẳng liên hệ chút nào với tôn giáo nhưng bây giờ nghiễm
nhiên cuốn hút người ta mua sắm tiêu xài nhiều hơn là hướng lòng về chính Chúa
Giêsu Giáng Sinh, ví dụ: ông già Noel với bao tải quà cho trẻ em ngồi trên xe
tuần lộc kéo, bài Jingle Bells là nhạc quảng cáo của một hãng kinh doanh xe
trượt tuyết đã hát đến thuộc lòng…
Giáng
Sinh năm 1988, cha Phêrô Mai Văn Hùng ( + 1996 ) ở Nhà Thờ Mai Khôi Tú Xương
gọi tôi lại giao cho làm Hang Đá. Tôi đánh bạo đề nghị với cha được làm một
Máng Cỏ với hình thức mới mang ý nghĩa như một cái đài Nhập Thể. Cha kéo xệ cặp
kính lão xuống, gật gù vẻ thích thú khi nghe "dự án" khác lạ của tôi.
Ngài bật đèn xanh và năm đó, một hình thức mới khởi sự: không còn những khối đá
bằng giấy, không có tượng Ba Giuse và Mẹ Maria, không có cả mục đồng và ba vua,
chỉ còn một trẻ bé đơn sơ nằm trên đống rơm, phía sau là một tấm panô lớn,
trang trí giấy thủ công theo hình thức kính mầu ( vitraux ) Nhà Thờ hiện đại,
một hàng chữ cắt bằng mốp trắng: "Ngôi
Lời đã làm người và ở giữa chúng ta" ( Ga 1, 14 ).
Kết quả là các cha Đa Minh trong Tu Viện lấy làm hài lòng
lắm, khi giảng Lễ Mùa Giáng Sinh, có cha đã lấy ý tưởng Đài Nhập Thế này mà
khai triển bài giảng. Và thế là êkíp chúng tôi được tín nhiệm cứ hướng ấy mà
làm trong 6, 7 năm liên tiếp, mỗi năm lại có một câu Kinh Thánh làm chủ đề
hướng lòng người ta về Chúa Giêsu nhập thể và nhập thế. ( Ảnh chụp Đài Nhập Thể ở Nhà Thờ Mai Khôi năm 1988 ).
Tôi
còn nhớ có năm chọn câu của Ngôn Sứ Isaia: "Đúc
gươm đao thành cuốc thành cầy, rèn giáo mác nên liềm nên hái" ( Is 2,
4 ). Chúng tôi bầy chung quanh tượng Chúa Giêsu những súng trường, súng lục,
với dao găm, gươm, mã tấu, trường đao, tất cả đều làm bằng nhựa trông rất giống
đồ thật, cắt phá ra hết, bỏ chung với các mẩu kẽm gai sét rỉ. Một cha Dòng còn
trẻ ra xem thấm ý lắm, mang luôn một trái banh da ra đặt bên cạnh, cha bảo: năm
nay có giải Bóng Đá Mundial, người ta nhích lại gần nhau, bỏ chiến tranh để
cùng đá bóng trong hòa bình. Của đáng tội, quả bóng da đẹp quá, chỉ trưng được
mấy ngày là bị ai đó ăn cắp mất !
Tiếng
đồn lan xa, êkíp làm Đài Nhập Thế của chúng tôi được các nơi ưu ái
"vời" đến. Tôi đã phải soạn ra cả một liste nhiều câu Kinh Thánh để
các cha xứ, các dì Bề Trên cộng đoàn chọn cho thích hợp với từng Năm Phụng Vụ,
sau đó cắt mốp gắn chữ trên tấm panô lớn phía sau. Ví dụ: "Dân đang lần bước giữa
tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng" ( Is 9, 1 ). "Lúc khởi đầu đã
có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa"
( Ga 1, 1 ).
Có một năm, được một cha trong Nhóm Phiên Dịch Phụng
Vụ các Giờ Kinh cho biết câu Ga 1, 14 dịch sát nghĩa theo truyền thống văn hóa
du mục của người Do Thái là thế nào, chúng tôi bèn đánh liều dựng cả một cái
lều Hướng Đạo màu cam đã cũ kỹ, có chỗ bị rách phải vá lại. Phía sau chạy hàng
chữ trên panô: "Ngôi Lời đã làm
người và… cắm lều ở giữa chúng ta". Vì lều to và rộng, chúng tôi quyết
định đặt đầy đủ tượng Thánh Gia không thiếu vị nào nên ai cũng hài lòng, các
cha Dòng thì bảo có chiều sâu Thần Học Thánh Kinh, còn các tín hữu bổn đạo bình
dân thì khen: có thế chứ, ai lại Giáng Sinh mà không thấy Thánh Giuse và Đức
Maria đâu…
Có năm làm ở Nhà Thờ Phanxicô
Đakao, chúng tôi xin cha Bề Trên tìm đốn một thân cây khá to và cao đã mục
ruỗng, coi như chết khô từ lâu nhưng vẫn giữ được một cành chĩa ngang ra rất
đẹp. Khi dựng xong cây, vất vả mãi mới gắn được tượng Hài Nhi Giêsu chơ vơ ở
đầu cành cây ấy mà không sợ cành gẫy Chúa rơi xuống ! Một panô lớn được đặt
phía sau với câu Kinh Thánh: "Từ gốc
tổ Giesê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non"
( Is 11, 1 ). Một hôm trong Mùa Giáng Sinh, tôi đi Lễ Nhà Thờ này, đang lên cầu
thang thì nghe một bà người Nam bộ than thở với mấy bà khác: "Mèng đéc ơi,
từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới bây giờ tui mới thấy Chúa Giêsu sinh ra trên… ngọn
cây !"
Và gần đây nhất, ngay tại Nhà
Thờ Kỳ Đồng DCCT, năm 2011, tôi được cha Bề Trên giao cho làm Đài Nhập Thế với
một câu Kinh Thánh bị bỏ lửng: "Người
đã đến nơi nhà mình, nhưng người…" ( Ga 1, 11 ). Cha còn dặn dò các chi tiết tấm panô làm sao
phải có ảnh chụp cha Lý bị bịt miệng trước tòa án, nhiều người biểu tình ôn hòa
bị đàn áp, các thai nhi bị giết trong tệ nạn nạo phá thai, nhiều người nghèo
đói khốn cùng không được ai quan tâm.
Tôi và Nhóm Fiat chuẩn bị mọi
sự rồi chỉ trong mấy tiếng ban đêm đóng cửa Nhà Thờ lại, chúng tôi dựng xong
tất cả. Phía trước panô là bộ tượng Thánh Gia, Chúa Giêsu sinh ra được đặt
trong một chiếc vali cũ nát của dân Xa Quê, bối cảnh chung quanh là một công
viên cuộc đời với chiếc băng ghế đá chơ vơ, chiếc xe đạp trẻ em bị gãy càng,
chiếc xe lăn đã hỏng, nhiều vỏ lon bia và chai nhựa nước lọc vứt lỏng chỏng
giữa thảm lá vàng khô xơ xác. ( Ảnh chụp Đài
Nhập Thể ở Nhà Thờ Kỳ Đồng năm 2011 ).
Thế là dư luận bùng lên dữ dội. Phía các anh chụp
hình dạo trong khuôn viên Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mọi năm thu nhập cả chục
triệu nhờ chụp ảnh người ta trước Hang Đá, năm nay họ kêu la khiếu nại vì thất
thu trầm trọng do không ai muốn chụp ảnh với tấm phông… kinh khủng như thế !
Các cha trong Dòng thì có khen,
có chê. Phía các cha khen thì bảo ngồi tỏa giải tội nghe người ta kể là đứng
chờ xếp hàng, nhìn lên panô xét mình mới òa khóc nhớ ra tội phá thai đã phạm
nhiều năm trước. Cha cũng nương theo đó, cho việc đền tội với những người trót
phá thai hoặc ép người khác phải phá thai: xin hãy ra quỳ trước Máng Cỏ, nhẩm
đi đọc lại câu Kinh Thánh mà cầu nguyện sám hối… Phía các cha chê thì trách chúng
tôi khá gay gắt khi liều đưa những hình ảnh phá thai quá dữ dội kinh khủng ra
công chúng như thế, lợi bất cập hại ! Và cuối cùng thì "sự nghiệp" mà
tôi đã kể chuyện từ đầu bài viết đến giờ, cái sự nghiệp chuyên đi làm các Đài
Nhập Thể chỗ này chỗ kia của tôi đã chấm dứt với bi kịch như thế đó.
Bây giờ thì thú thật tôi cũng
không còn sức để đảm nhận công việc trang trí mùa Giáng Sinh, các ý tưởng lấy
từ Kinh Thánh ra để vận dụng cũng đã cạn. Mà nói cho cùng, cũng sẽ chẳng còn ai
chịu giao việc quan trọng này cho tôi nữa. Có lẽ đến tuổi tôi bây giờ, mấp mé
sáu mươi rồi còn gì, tạ ơn Chúa, biết ơn Mẹ, hình như tôi được đẩy vào sâu nội
tâm bên trong hơn là dừng lại ở hình thức bên ngoài, nên thật lòng tôi không
còn tha thiết gì đến chuyện làm Hang Đá hay Máng Cỏ này kia kia nọ nữa.
Tự dưng, tôi nhớ về một lần Giáng Sinh ở trại phong
Di Linh của người dân tộc K'Ho, khoảng năm 2005, 2006 gì đó, tôi được các dì Nữ
Tử Bác Ái Vinh Sơn nhờ lo phần canh thức 30 phút trước Lễ Đêm. May quá, tôi có
mang theo sẵn bài hát "Ra đón Vua Bé Thơ về nhà", liền lấy ra tập hát
cho cộng đoàn. Đến giờ, tôi nhờ một thầy DCCT mặc áo Alba đi trước, bế trên tay
một tượng Hài Nhi Giêsu, tôi mặc áo Lễ đi bên cạnh, phía sau là các bạn Nhóm
Fiat, tất cả cùng cộng đoàn hát: "Đường
khuya chúng con đi đón Chúa Giêsu giáng sinh ra đời, thành tâm khát khao xin
Chúa trú thân nơi nhà chúng con".
Hết điệp khúc chúng tôi đi xuống phía giữa Nhà Thờ,
dừng lại trước dãy ghế các ông, tôi cất tiếng hỏi lớn: "Các ông có muốn
đón Chúa Giêsu về nhà mình không ?" Và các ông, hầu hết là các bệnh nhân
phong tàn tật, lọ mọ đứng dậy, đáp có thật to rồi cùng chúng tôi hát chung tiểu
khúc đầu tiên: "Ngôi nhà chúng con
chan hòa niềm tin lên tiếng ca, chan hòa niềm tin luôn thiết tha, ngôi nhà
chúng con xin đón Vua Bé Thơ Vị Tha…" Tất cả lại trở về hát điệp khúc…
Lần này chúng tôi quay sang bên
phía các bà và hỏi lớn tiếng: "Các bà thì sao ? Các bà có muốn đón Chúa
Giêsu về gia đình mình không ?" Các bà lao xao đứng dậy, đáp có thật to
rồi cùng chúng tôi hát chung tiểu khúc thứ nhì: "Ngôi nhà chúng con cháy bừng lửa hồng soi ước mong, cháy bừng lửa
hồng vui ấm lòng, ngôi nhà chúng con xin đón Vua Bé Thơ Cảm Thông…"
Tất cả lại hát lại điệp khúc…
Lần cuối, chúng tôi quay sang phía các bạn trẻ ca
đoàn ngồi bên cánh trái Nhà Thờ, tôi hỏi lớn: "Còn các bạn trẻ, các bạn có
muốn rước lấy Chúa về chăm sóc trong đời mình không ?" Các bạn đứng dậy
reo hò rất vui: Có ạ ! Các bạn hát chung tiểu khúc thứ ba: "Ngôi nhà chúng con tuy nghèo mà đơn sơ có nhiều, tuy nghèo mà xẻ
chia sớm chiều, ngôi nhà chúng con xin đón Vua Bé Thơ Tình Yêu…"
Kết thúc thầy Dòng bế Chúa
Giêsu đến đặt vào Máng Cỏ đang còn để trống một bên cung thánh, đèn pha bật
sáng, đèn dây nhiều màu bừng lên tươi vui nhấp nháy. Và ca đoàn bắt đầu hát Ca
Nhập Lễ…
Vậy đó, những ngày Giáng Sinh năm nay, 2016, trong
các bài giảng giúp Tĩnh Tâm nơi này nơi kia, tôi muốn đề nghị mọi người không
dừng lại ở Máng Cỏ hay Hang Đá bằng đủ thứ vật liệu thủ công hấp dẫn bắt mắt,
nhưng hãy vượt lên những cái bên ngoài tạm bợ chóng qua, dù lắm khi rất tốn kém
đắt tiền, để chiêm ngắm sâu hơn, cao hơn, rộng hơn, lớn hơn những điều kỳ diệu
Chúa Giêsu mang đến cho đời mình. Tôi xin được mời gọi mỗi người, trong đó có
cả chính tôi, tự vấn lòng mình:
Năm nay tôi đã dọn Máng Cỏ lòng
mình để dón Vua Bé Thơ Vị Tha như thế nào đây ?
Năm nay Ánh Sao nào sẽ dẫn
đường tôi đi đón Vua Bé Thơ Cảm Thông về nhà mình đây ?
Năm nay những Món Quà nào tôi
sẽ trao tặng làm vui lòng Vua Bé Thơ Tình Yêu đây ?
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
Mùa Giáng Sinh 2016
Mùa Giáng Sinh 2016
No comments:
Post a Comment